Hình tượng biển đảo và chiến sĩ hải quân trong tranh Hồ Minh Quân

Chủ Nhật, 03/11/2019 08:51

.THU SANG

Trong những năm gần đây, Hội Mĩ thuật Việt Nam đã phối hợp cùng Quân chủng Hải quân tổ chức cho các họa sĩ đi thực tế sáng tác ở một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa và một số đơn vị trong quân chủng. Từ những chuyến đi thực tế bổ ích ấy, các họa sĩ đã sáng tác được nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao về biển đảo quê hương và người lính hải quân. Trong những sáng tác ấy, không thể không kể đến tranh của họa sĩ Hồ Minh Quân.

Từ thực tế sinh động, bằng những phát hiện riêng, với bút pháp hiện thực lãng mạn, Hồ Minh Quân đã tái hiện khung cảnh tuyệt đẹp của biển đảo Trường Sa trong Trường Sa - tuyến đầu Tổ quốc (120cm x 140cm). Ý tưởng về tác phẩm hình thành khi Hồ Minh Quân và các họa sĩ trong đoàn đi viếng mộ các liệt sĩ trên đảo Nam Yết. Xúc động trước sự hi sinh vì chủ quyền biển đảo Tổ quốc thiêng liêng khi mới ở tuổi mười tám, đôi mươi của các liệt sĩ, Hồ Minh Quân đã lao vào vẽ bất kể ngày đêm, giờ giấc. Trong tranh, họa sĩ phác họa hai người lính đang đứng dưới bóng cây canh gác đảo trong quân phục dã chiến của hải quân. Một chiến sĩ đeo súng, chiến sĩ kia tay cầm ống nhòm, phóng tầm mắt ra ngoài khơi xa. Cây phong ba được tác giả vẽ chiếm trọn 2/3 không gian bức tranh, vừa gợi cho người xem về sự bình yên đến dịu dàng nơi đảo xa vừa như một ẩn dụ về tinh thần kiên cường, ý chí quyết tâm bảo vệ biển đảo quê hương của các chiến sĩ hải quân. Sự xuất hiện của hai chú chim bồ câu màu trắng đậu trên cành phong ba, một mặt làm bức tranh thanh thoát nhẹ nhàng hơn, một mặt phản ánh khát vọng về hòa bình, yên ổn. Trong tranh, Hồ Minh Quân chủ yếu sử dụng gam màu lạnh đặc trưng cho phong cách biển đảo cùng những đường kỉ hà thẳng tắp khi vẽ chiến hào được xây bằng bê tông, đường bờ biển dài rộng và những ô vuông, tròn, méo đủ hình dạng của những bóng nắng hắt dưới nền đất xung quanh chân người chiến sĩ đứng gác. Khi vừa “chào đời”, Trường Sa - tuyến đầu Tổ quốc đã nhận nhiều giải thưởng như giải C khu vực VI của Hội Mĩ thuật Việt Nam năm 2014, giải B của Ban Tuyên giáo Trung ương trong cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đợt 2 năm 2015, giải Nhì của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại triển lãm mĩ thuật - nhiếp ảnh với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2015. Những giải thưởng đó là niềm vui, niềm tự hào của người nghệ sĩ, nhưng trên hết với Hồ Minh Quân đó là nén tâm nhang, là niềm tri ân của anh với các liệt sĩ ở đảo Nam Yết.

Tổ quốc nơi đầu sóng (120cm x 140cm) là tác phẩm tiếp theo nằm trong seri biển đảo của Hồ Minh Quân. Ở tác phẩm này, Hồ Minh Quân đã lựa chọn những chiếc cọc bê tông cắm xuống biển như cọc Bạch Đằng để tạo điểm nhấn. Hoạ sĩ dùng mảng màu trắng xen nhẹ gam màu xanh lạnh, tươi mát tái hiện trang phục người lính hải quân giữa không gian mênh mông muôn trùng sóng biển và những đường thẳng tắp được kéo dài từ chân tranh lên phía trên chiếm một nửa diện tích để biểu hiện sự dài rộng đến vô cùng của bờ biển Việt Nam.

Không chỉ tái hiện khung cảnh biển đảo, Hồ Minh Quân còn có những tác phẩm đặc tả hình ảnh người lính hải quân. Bức Sức mạnh tiềm ẩn (150cm x 150cm) - giải C khu vực VI của Hội Mĩ thuật Việt Nam năm 2017 - vẽ không gian bên trong của chiếc tàu ngầm với sự ước lệ về bốn người lính kĩ sư trong trang phục xanh đang làm nhiệm vụ. Qua tác phẩm, Hồ Minh Quân muốn làm bật lên tinh thần, sắc thái của những chiến sĩ tàu ngầm. Bức tranh vẫn nhắc lại gam màu lam quen thuộc chủ đạo của họa sĩ nhưng không làm cho người xem bị nhàm chán.

Tác phẩm Tổ quốc được Hồ Minh Quân sáng tác với điểm nhấn là tàu HQ 505 và thuyền trưởng Phan Huy Lễ. Con tàu anh hùng HQ 505 tạo cho người xem ấn tượng về sự hùng dũng trong dáng nghiêng ngả lao mình về đảo. Ở hướng đó, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay ngạo nghễ như một lời khẳng định về chủ quyền biển đảo thiêng liêng bất khả xâm phạm của dân tộc. Hình ảnh thuyền trưởng Phan Huy Lễ choán ngợp gần hết khuôn khổ bức tranh, trong tư thế cầm súng chiến đấu, vẻ mặt nghiêm nghị đầy ý chí, người ướt sũng, trán và tay vẫn còn dính những vệt máu màu đỏ, hiên ngang như một bức thành đồng che chắn đảo quê hương. Người thuyền trưởng kiêu dũng của Hải quân nhân dân Việt Nam đứng giữa nền trời âm u tối sầm như mực, nước biển được vẽ bằng những gam màu sẫm đậm: đen, xanh đen, cam pha đen... càng làm nổi bật lên sắc áo trắng tinh khôi của người lính hải quân. Tác giả lựa chọn màu sắc tương phản sáng - tối rất rõ ràng để làm nổi bật thêm ý đồ về sự căng thẳng giữa sống - chết, giữa bình an - dữ dội, lãng mạn - đau thương trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của người lính hải quân. Tác phẩm Tạm biệt đất liền (150cm x 200cm) - giải C khu vực VI của Hội Mĩ thuật Việt Nam năm 2015 - vẽ năm chiến sĩ trong giây phút rời đất liền ra đảo. Năm chiến sĩ được tạo hình trong tư thế chào cờ truyền thống của người lính hải quân trước lúc rời đất liền với những đường nét chắc khỏe, rắn rỏi nhưng vẫn toát lên sự trẻ trung, lãng mạn yêu đời qua nụ cười thường trực trên môi và trong ánh mắt. Tác giả không quên “nhắc nhở” người xem về những khó khăn gian khổ mà các chiến sĩ chuẩn bị phải đối mặt, qua nền tranh với những đám mây vần vũ che kín bầu trời, qua hình ảnh tàu chiến với rađa, tháp pháo và những ống phóng tên lửa lộ thiên.

Hồ Minh Quân có nét vẽ khỏe khoắn, mạnh mẽ, chắc nịch phù hợp với việc khắc họa hình tượng những người lính biển. Màu lam, xanh luôn được sử dụng là gam màu chủ đạo của người họa sĩ tài hoa khi vẽ về biển đảo. Đặc biệt tranh của anh đậm nhạt, mảng miếng rất rõ ràng. Tiếng nói của hình, màu, nét... luôn tuôn chảy dưới bút vẽ. Qua các tác phẩm của mình, Hồ Minh Quân đã phác họa thành công tâm tư, tình cảm và cuộc sống của người lính hải quân. Có thể nói, những bức tranh của Hồ Minh Quân nói riêng và các họa sĩ Việt Nam nói chung về biển đảo và người lính hải quân đã góp phần vào việc khắc họa hình tượng người lính Cụ Hồ trong thời đại mới

T.S

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)