Hiểu Khổng Mạnh để vận dụng vào cuộc sống mới – Một nét phong cách Hồ Chí Minh

Thứ Bảy, 14/12/2019 00:20

. Nguyễn Thành Lê

Theo thống kê của tác giả Nguyễn Thanh Tú trong Hồ Chí Minh toàn tập (12 tập), Hồ Chí Minh nhắc đến danh từ Khổng Tử 27 lần, cụ Khổng 04 lần, Khổng giáo 02 lần, đạo Khổng 01 lần; Mạnh Tử 09 lần. Người không dùng từ đạo Nho hay Nho giáo. Đây là điều đáng lưu ý, chúng tôi xin phép chưa bàn vì ngoài vấn đề đang tìm hiểu.

Hồ Chí Minh thường lấy lời hay ý phải trong thuyết Khổng Mạnh để giáo dục cán bộ đảng viên. Mở đầu Bài nói chuyện ở lớp chỉnh đảng Trung ương khoá 3, Người dẫn lời Khổng Tử: Có khi Hồ Chí Minh gọi chung Khổng Tử, Mạnh Tử theo cách nói của nhân dân là “Thánh hiền” (05 lần).

“Thánh hiền có câu: “Một tấc bóng là một thước vàng” [1].

“Thánh hiền có nói:"Thực túc, binh cường" [2].

Một điều khẳng định là Hồ Chí Minh rất chú ý quan tâm đến những khía cạnh tích cực ở trước tác Khổng Mạnh.

Trên tạp chí La Revue Communiste số 15, tháng 5-1921, trong bài viết Phong trào cộng sản quốc tế Nguyễn Ái Quốc đã giới thiệuthuyết đại đồng” của Khổng Tử:

Khổng Tử vĩ đại (551 trước C.N) khởi xướng thuyết đại đồng và truyền bá sự bình đẳng về tài sản. Ông từng nói: thiên hạ sẽ thái bình khi thế giới đại đồng. Người ta không sợ thiếu, chỉ sợ có không đều. Bình đẳng sẽ xoá bỏ nghèo nàn, v.v...

Học trò của Khổng Tử là Mạnh Tử, tiếp tục tư tưởng của thầy và vạch ra một kế hoạch chi tiết để tổ chức sự sản xuất và tiêu thụ. Sự bảo vệ và phát triển lành mạnh của trẻ em, sự giáo dục và lao động cưỡng bức đối với người lớn, sự lên án nghiêm khắc thói ăn bám, sự nghỉ ngơi của người già, không có điều gì đề án của ông không đề cập đến. Việc thủ tiêu bất bình đẳng về hưởng thụ, hạnh phúc không phải cho một số đông mà cho tất cả mọi người, đấy là đường lối kinh tế của vị hiền triết.

Trả lời một câu hỏi của vua, ông đã nói thẳng thắn: dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”[3].

Trong cuốn sách Trung Quốc và thanh niên Trung Quốc do một nhóm sinh viên Trung Quốc biên soạn, Nguyễn Ái Quốc chủ biên, viết bằng tiếng Pháp, xuất bản lần đầu (bằng tiếng Nga) tại Liên Xô năm 1925, đã có nhận định về tầm ảnh hưởng to lớn của Khổng Tử tại Trung Quốc:

“Toàn bộ đời sống trí tuệ của người Trung Quốc đều thấm đượm tinh thần triết học và giáo lý của Khổng Tử”[4]. Cũng ở sách này Mạnh Tử được đánh giá “là một lý luận gia cách mạng của thế hệ ông bởi vì ông là tác giả đầu tiên của câu nói: "Dân là tất thảy, vua không là gì cả”[5].

Chính vì thế mà “Ngày 15-2, Chính phủ Trung Hoa dân quốc ban hành quyết định: từ nay về sau, xóa bỏ những nghi lễ tưởng niệm Khổng Tử và những khoản dự chi cho những cuộc nghi lễ ấy cũng như những đền thờ Khổng Tử sẽ được sử dụng làm các trường học công”[6], Nguyễn Ái Quốc có bài viết Khổng Tử đánh giá đúng những cống hiến của nhà hiền triết vĩ đại này. Cuối bài viết tác giả phê phán việc làm sai trái ấy và khẳng định Khổng Tử vẫn cần thiết cho những người cách mạng An Nam:

“Với việc xoá bỏ những lễ nghi tưởng niệm Khổng Tử, Chính phủ Trung Quốc đã làm mất đi một thể chế cũ và trái với tinh thần dân chủ. Còn những người An Nam chúng ta hãy tự hoàn thiện mình, về mặt tinh thần bằng cách đọc các tác phẩm của Khổng Tử, và về mặt cách mạng thì cần đọc các tác phẩm của Lênin”[7].

Quan điểm này nhất quán và xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh.

“Ngày xưa Khổng Tử có câu: "ôn việc cũ để biết việc mới" nghĩa là ta phải ôn những việc đã qua để thấy việc mới”[8].

Nhưng tinh thần của Khổng Tử luôn được Hồ Chí Minh đặt vào bối cảnh hiện tại và hiểu theo nghĩa rộng:

“Khổng Tử nói: "Mình phải chính tâm tu thân" nghĩa là việc gì cũng phải làm kiểu mẫu; có thế mới "trị quốc bình thiên hạ" được. Trị quốc bình thiên hạ đây tức là ta kháng chiến đánh Pháp, kiến quốc xây dựng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ hoà bình thế giới. Muốn cải tạo xã hội thì lòng mình phải cải tạo. Nếu lòng mình không cải tạo thì đừng nói đến cải tạo xã hội. Lòng mình còn tham ô, lãng phí, muốn cải tạo xã hội làm sao được”[9].

Mở đầu Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khoá 2 Trường đại học nhân dân Việt Nam, Người mượn sách Tam tự kinh, được coi là “sách vỡ lòng” của đạo Nho:

“Hôm nay tôi muốn nói một câu chuyên rất giản đơn, nông cạn, câu chuyện về Tam tự kinh. Câu đầu tiên Tam tự kinh là "Nhân chi sơ, tính bản thiện". Chúng ta mượn câu ấy làm đầu đề nói chuyện.

Nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[10].

Hồ Chí Minh trích nguồn Khổng Mạnh không theo lối “tầm chương trích cú” mà có khi trích ý cho người nghe dễ hiểu. Đầu năm 1947 khi cả nước đang dốc sức dốc của đánh Pháp, nói chuyện với các đại biểu thân sỹ trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hoá, Người nói về cần kiệm:

“Một bên cần, một bên kiệm, ở ta nó là mới nhưng thực ra nó rất xưa, ở sách Đại học có câu "Làm cho nhiều, tiêu thì ít, làm chóng tiêu chậm, tức là đầy đủ". Nghèo trở nên đủ, đủ trở nên giàu, giàu thì giàu thêm”[11].

Câu chữ Hán trong sách Đại học là: “ Sinh tài hữu đại đạo: sinh chi giả chúng, thực chi giả quả, vi chi giả tật, dụng chi giả thư, tắc tài hằng túc hỹ”. Nghĩa là: (Muốn) làm ra nhiều tiền cuả (cũng phải) có cách cơ bản: làm ra thì nhiều, tiêu thụ thì ít, làm thì mau chóng, dùng thì thư thả, như thế thì tiền của thường đầy đủ. Nếu dùng nguyên câu trong sách cổ thì vừa dài dòng vừa khó hiểu, tác giả bớt đi những chỗ không cần để làm rõ ý hơn. Trong cuốn sách Cần kiệm liêm chính, viết xong tháng 6-1949, Hồ Chí Minh dùng lại ý này và chỉ rõ đây là câu của Khổng Tử:

“Cụ Khổng Tử nói: "Người sản xuất nhiều, người tiêu xài ít. Làm ra mau, dùng đi chậm thì của cải luôn luôn đầy đủ" [12].

Cũng trong sách này, mục Liêm, Hồ Chí Minh mượn lời Khổng Mạnh:

“Cụ Khổng Tử nói: "Người mà không Liêm, không bằng súc vật".

Cụ Mạnh Tử nói: "Ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy". Để thực hiện chữ Liêm, cần có tuyên truyền và kiểm soát, giáo dục và pháp luật, từ trên xuống, từ dưới lên trên”[13].

Mục Chính, Hồ Chí Minh lấy gương Tăng Tử, mượn lời Khổng Tử:

“Cụ Tăng Tử là một vị đại hiền, là một tín đồ giỏi nhất của cụ Khổng Tử. Cụ Tăng đã làm kiểu mẫu cho chúng ta. Cụ nói: Mỗi ngày tôi tự kiểm điểm mấy lần: đối với người có thẳng thắn không? đối với việc có chuyên cần không?

“Cụ Khổng Tử nói: Mình có đứng đắn, mới tề được gia, trị được quốc, bình được thiên hạ.

Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”[14].

Đối với cán bộ, ở ngoài đời, Hồ Chí Minh là tấm gương về phê bình và tự phê bình. Người còn trích các nguồn được coi là kinh điển của nhân loại về vấn đề này để dạy cán bộ:

“Khổng Tử nói: "Có lỗi, thì chớ sợ sửa đổi".

Tăng Tử (học trò của Khổng Tử) nói: "Mỗi ngày, tôi tự kiểm thảo ba lần".

Mác, Ăngghen, Lênin, Xtalin dạy chúng ta rằng: "Tự phê bình là một thứ vũ khí sắc bén nhất của cách mạng”[15].

Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ đảng viên theo lời Khổng Tử cũng như Lênin, phải học tập suốt đời, học nữa, học mãi:

“Xưa nay những bực tài giỏi như cụ Khổng Tử, cụ Lênin cũng không biết hết mọi việc, làm được mọi việc. Cụ Khổng không biết nấu cơm, cụ Lê không biết may áo. Vì vậy, cần nấu cơm thì cụ Khổng phải học hỏi người làm bếp. Cần may áo thì cụ Lê phải học hỏi người thợ may.

Cụ Khổng và cụ Lê hơn mọi người, không phải vì hai cụ biết hết mọi việc, làm được mọi việc. Mà vì hai cụ không tự kiêu, tự ái, luôn luôn học hỏi.

Lời đầu tiên của cụ Khổng trong sách Luận ngữ, là: "Học mà thường tập, chẳng cũng vui lắm thay”[16].

Hai bậc tiền bối luôn được Hồ Chí Minh coi đó là những người thầy là Khổng Tử và Lênin. Lời dạy của Người là bài học kế thừa có chọn lọc tinh hoa quá khứ:

“Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình. Lênin khuyên chúng ta: "Học, học nữa, học mãi". Mỗi người đều phải ghi nhớ và thực hành điều đó, những người huấn luyện lại càng phải ghi nhớ hơn ai hết. Người huấn luyện nào tự cho là mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất. Khẩu hiệu "Học không biết chán, dạy không biết mỏi" treo trong phòng họp chính là của Khổng Tử. Tuy Khổng Tử là phong kiến và tuy trong học thuyết của Khổng Tử có nhiều điều không đúng song những điều hay trong đó thì chúng ta nên học” [17].

Hồ Chí Minh là một mẫu mực về phong cách làm việc nền nếp, khoa học, cẩn thận, chu đáo. Về phương diện này Người cũng học và nhắc nhở đồng chí mình học đạo Khổng Mạnh:

“Cụ Mạnh Tử có nói: "Người thợ muốn làm khéo, thì trước phải sắp sẵn công cụ của mình"[18].

Ngày 21-7-1956, nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khoá I, Trường đại học nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh lấy cách ngôn của đạo Khổng, coi đó là “hạt nhân” của đạo đức cách mạng:

Những điều các bạn nghiên cứu được ở đây có thể ví như một hạt nhân bé nhỏ. Sau này, các bạn sẽ tiếp tục săn sóc, vun xới, làm cho hạt nhân ấy mọc thành cây và dần dần nở hoa, kết quả.

Theo ý riêng của tôi, thì hạt nhân ấy có thể tóm tắt trong 11 chữ: "Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân".

Nói tóm tắt, minh minh đức tức là chính tâm. Thân dân tức là phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết.

Nói một cách khác, tức là "tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”[19].

Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại ý ấy, gắn cách ngôn này với mục đích vì dân của Đảng ta: “Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác. Lúc khổ sở, khó khăn thì đảng viên ta đi trước, khi sướng thì đảng viên ta hưởng sau…Chắc các đồng chí đều hiểu câu: "tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”, chớ không phải: “Tiên thiên hạ chi lạc nhi lạc, hậu thiên hạ chi ưu nhi ưu”[20].

Câu: "tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”, có nghĩa là lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ là câu của Phạm Trọng Yêm đời Tống đánh giá về Đỗ Phủ, được người đời sau coi đó là một phẩm chất của người quân tử. Như vậy, đối với Hồ Chí Minh, phẩm chất người cách mạng không đồng nhất nhưng thống nhất với quan niệm vị tha của đạo Khổng Mạnh. Ngày 5-1- 1946 các Phật tử trong Hội Phật giáo cứu quốc tổ chức tuần “Mừng Liên hiệp quốc gia” để hoan nghênh sự đoàn kết giữa các đảng phái và Mặt trận Việt Minh, cầu nguyện cho nền độc lập của nước Việt Nam mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự lễ, dưới đây là trích đoạn bài nói ngắn gọn cô đọng và giàu ý nghĩa này:

“Nước Phật ngày xưa có những 4 đảng phái làm ly tán lòng dân và hại Tổ quốc. Nhưng nước Việt Nam ngày nay chỉ có 1 đảng phái là toàn dân quyết tâm giành độc lập. Tín đồ Phật giáo tin ở Phật; tín đồ Giatô tin ở đức Chúa Trời; cũng như chúng ta tin ở đạo Khổng. Đó là những vị chí tôn nên chúng ta tin tưởng. Nhưng đối với dân, ta đừng có làm gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy” - Báo Cứu quốc, số 136, ngày 8-1-1946[21].

Hồ Chí Minh khéo léo lấy nước Phật, tức Ấn Độ, vì nhiều đảng phái mà dẫn đến mất đoàn kết để rồi “ly tán lòng dân và hại Tổ quốc”, còn nước ta không ta không thế, tất cả đoàn kết trong một đảng vì dân. Đoàn kết nhưng vẫn tôn trọng tín ngưỡng của các tôn giáo. “Chúng ta tin ở đạo Khổng” tức là tin vào những điều nhân nghĩa, vị tha. Sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát thành khái niệm về phương diện đạo đức của ba tôn giáo lớn nhất trên thế giới và coi đó là sự gặp gỡ kỳ diệu của các triết lý vì con người:

“Chúa Giêxu dạy: Đạo đức là bác ái.

Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi.

Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”[22].

Hồ Chí Minh đánh giá cao, đề cao đạo Khổng Mạnh, cho nên dễ hiểu trong công tác đối ngoại, Người cũng thường lấy triết lý này làm điểm tựa để phát biểu ý kiến của mình. Trong chuyến sang thăm Pháp, ngày 2-7-1946, G.Biđôn, lúc bấy giờ là Chủ tịch Chính phủ Pháp đã mở tiệc chiêu đãi Chủ tịch Hồ Chí Minh, đáp từ trong buổi chiêu đãi này, Bác Hồ có nhắc đến đạo Khổng:

Triết lý đạo Khổng, và triết lý phương Tây đều tán dương một nguyên tắc đạo đức: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân". Tôi tin rằng trong những điều kiện ấy, hội nghị sắp tới sẽ đi tới những kết quả tốt đẹp” [23].

"Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” là câu nói nổi tiếng của Khổng Tử, trở thành hạt nhân triết lý của đạo Nho, có nghĩa là: Điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Đây chính là mối quan hệ tôn trọng cá nhân giữa người với người, giữa quốc gia này với quốc gia khác. Do vậy nó đã mang tầm phổ quát cho toàn nhân loại không riêng gì của phương Đông. Hồ Chí Minh đã nhắc khéo nước Pháp: nước Pháp đã từng bị Đức xâm lược nên nước Pháp rất hiểu nỗi khổ đau mất nước. Điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Chả lẽ nước Pháp lại đi xâm lược Việt Nam?

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ tư Quốc khánh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, phóng viên báo Praxa Thipatay (Thái Lan) phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề hoà bình trong khu vực. Người nói: “Việt Nam phải kháng chiến tranh lại thống nhất và độc lập thật sự đã, sau mới có thể bàn đến việc khác. Đức Khổng Tử có dạy rằng: Quốc trị, thiên hạ mới bình”[24].

Vì Việt Nam và Thái Lan gần gũi nhau về địa lý, văn hoá, cùng chịu ảnh hưởng của đạo Khổng nên Bác Hồ mượn lời Khổng Tử làm toát lên quan điểm không những của mình mà là của cả triết lý phương Đông: mỗi quốc gia hãy thật yên ổn đã thì tự nhiên thế giới sẽ hoà bình.

Trong Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch - Bốn tháng sang Pháp, ký tên Đ.H, sau khi thuật lại một tin trên báo Pháp có hai mẹ con người Pháp chết đói, tác giả bình luận:

Người đời xưa nói: "Dân giàu thì nước có, dân quẫn thì nước nghèo". Pháp là một nước giàu có, nhưng trong cuộc chiến tranh bị tàn phá nhiều. Cho nên dân nghèo, tiền ít” [25].

Lấy điểm tựa là câu nói của Khổng Tử để nêu bật nguyên nhân của một nước Pháp xưa kia giàu có mà nay có người chết đói là do chiến tranh. Lời bình luận toát lên một ý nghĩa sâu sắc, ai cũng hiểu mà không cần phải nói ra: muốn giàu có thì phải tránh để xảy ra chiến tranh.

Đánh giá cao, đề cao đạo Khổng ở những mặt tích cực, Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những hạn chế, tiêu cực, rõ nhất là coi thường phụ nữ. Trên đất nước của Khổng Tử ( Quảng Châu), với bút danh Mộng Liên, tác giả phê phán quan niệm bất bình đẳng của đạo Khổng và ảnh hưởng tiêu cực của nó trong xã hội Trung Quốc cũng như Việt Nam:

“ Đại Đức Khổng Tử nói: Chồng phải dạy vợ.

Đức Mạnh Tử lại lưu ý rằng: Đàn bà và trẻ con khó dạy bảo: nếu cho họ gần thì họ khinh nhờn; nếu bỏ mặc họ thì họ thù oán.

Người Trung Quốc thường so sánh phụ nữ với con gà mái: "Gà mái gáy báo sáng là điềm gở cho cả gia đình".

Ở An Nam, chúng ta nói: Đàn bà phải quanh quẩn trong bếp.

Trong xã hội và trong gia đình, người phụ nữ bị hạ thấp tột bậc và không được hưởng chút quyền gì. Hỡi chị em! Vì sao chị em lại phải chịu sự áp bức bất công này?”[26].

“Ôn cố tri tân” (học cũ để biết mới) là bài học Bác để cho hôm nay.

NTL

-------------------------------

 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 637.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr670.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 1, tr 35.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 2, 372.

[5] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 2, tr 373.

[6] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 2, tr 452. 

[7] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 2, tr 454. 

[8] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 7, tr 68.

[9] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 7, tr 72.

[10] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 8, tr 276.

[11] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 62. 

[12] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 636.

[13] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 641.

[14] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 644.

[15] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 6, tr 209.

[16] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 514.

[17] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 6, tr 46.

[18] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 633.

[19] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 8, tr 215.

[20] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 10, tr 463.

[21] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 4, tr 148. 

[22] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 6, tr 225. 

[23] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 4, tr 267. 

[24] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 5, tr 676.

[25] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 4, tr 407.

[26] Hồ Chí Minh toàn tập (1996-2000). Nxb Chính trị Quốc gia, tập 2, tr 448

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)