Chân dung người mẹ Việt qua thơ ca đề tài chiến tranh cách mạng

Chủ Nhật, 06/04/2025 00:47

. NGUYỄN THỊ THIỆN


Chiến tranh luôn là thử thách lớn nhất với mỗi dân tộc, gia đình và cá nhân. Cuộc kháng chiến chống Pháp, Mĩ và chiến tranh biên giới của Việt Nam nhiều thập niên ở thế kỉ XX đã làm ngời sáng phẩm chất cao đẹp của con người, nhất là người mẹ Việt Nam. Mẹ vốn là tấm gương sáng trong, cao đẹp trong cuộc đời thực đã khơi nguồn cảm hứng cho các thi nhân. Thơ ca cách mạng viết về mẹ rất phong phú, mỗi bài nói lên cảm xúc, tâm trạng, nỗi niềm ở góc nhìn và mức độ khác nhau, tất cả đều góp phần làm nên bức chân dung đa dạng và cao đẹp về người mẹ Việt Nam.

Tượng đài Mẹ Suốt bên bờ sông Nhật Lệ, Quảng Bình

Bền bỉ nuôi con, nuôi chồng chiến đấu (Nam Hà)

Những năm kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Quang Dũng trong Mắt người Sơn Tây đã nhói lòng xót thương khi chứng kiến những người mẹ và em thơ phải sống trong cảnh loạn li, tan tác, chịu biết bao khổ cực: Mẹ tôi em có gặp đâu không/ Những xác già nua ngập cánh đồng/ Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ/ Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông? Càng trong vất vả gian lao, phẩm chất của những người mẹ càng tỏa sáng. Nhà thơ Tố Hữu viết nhiều về mẹ. Chùm thơ được ghi nhận là tam tuyệt của ông rất quen với bạn đọc gồm Bầm ơi, Mẹ TơmMẹ Suốt. Ở đó, thi nhân tái hiện chân dung của các bà mẹ như những biểu tượng về người phụ nữ Việt Nam cần cù lao động, giàu lòng yêu nước, sống bình dị nhưng hành động vì lẽ sống cao đẹp. Nhà thơ Lưu Quang Vũ cũng như bao thanh niên trí thức khác từng lên đường ra trận đánh Mĩ, trước giờ nổ súng vẫn thao thiết nhớ thương mẹ và có chút ân hận vì dại khờ, đôi khi làm mẹ buồn: Trên đời chẳng ai lo cho ta bằng mẹ/ Cũng chẳng ai ta làm khổ nhiều như mẹ của ta (Gửi mẹ). Song bao trùm hơn cả vẫn là tình yêu, niềm cảm phục và biết ơn mẹ vô cùng. Nhà thơ Nguyễn Duy là gương mặt tiêu biểu trong lớp nhà thơ trẻ thời kì chống Mĩ, đoạt giải Nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1973. Thơ ông có sự kết hợp hài hòa của chất trữ tình và chất thế sự. Tập thơ Mẹ và em có bài Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa tuyệt hay, làm sống lại chân dung người mẹ sinh thành thật cảm động: Mẹ ta không có yếm đào/ Nón mê thay nón quai thao đội đầu/ Rối ren tay bí, tay bầu/ Váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa. Mấy câu thơ làm hiện lên hình ảnh người mẹ một đời gieo neo, vất vả. Đặc biệt bài thơ Xó bếp ông viết trên đường ra trận đã khắc sâu nỗi nhớ về mẹ, về bà trong công việc chăm lo bữa ăn gia đình qua biết bao ngày tháng. Giờ đây đi xa, lòng người con vẫn bồi hồi nhớ về “nơi ấy” với biết bao yêu thương trìu mến: Nơi ấy/ Mẹ ta nhễ nhại mồ hôi/ Đàn con lóc nhóc khóc cười/ Nơi ấy/ Nhá nhem giữa quên và nhớ/ Đỉnh núi hiện lên bóng bà và mẹ/ Mây chiều hôm gánh gạo đưa ta/ Tất tưởi đường xa cầu vồng ráng đỏ. Những câu thơ gợi hình, gợi cảm khiến người đọc rưng rưng.

Đâu chỉ người mẹ miền xuôi, người mẹ miền ngược càng vất vả vô cùng thời kháng chiến. Chính trong gian nan, đức tính đảm đang, lo toan việc nhà, chu toàn việc nước của các mẹ lại càng tỏ rõ. Bài Dọn về làng của Nông Quốc Chấn - viết bằng tiếng Tày, năm 1950 chuyển sang tiếng Việt, sau được chọn đưa vào sách giáo khoa - giúp ta hiểu thêm bà mẹ Việt Bắc đã chịu bao gian nan khi phải rời ngôi nhà thân thuộc, đưa con nhỏ, mẹ già lên rừng chạy loạn vì giặc Pháp càn quét: Mẹ địu em chạy tót lên rừng/ Lần đi trước, mẹ địu con sau lưng/ Tay dắt bà, vai đeo đẫy nải… Giặc tàn bạo còn bắn chết người chồng của mẹ… Đau thương tang tóc chất chồng nhưng mẹ vẫn kiên cường trụ vững, làm điểm tựa cho bà, cho các con và tham gia góp phần đánh đuổi giặc, đền nợ nước, trả thù nhà. Người mẹ Tà Ôi trong Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm hiện lên qua những hình ảnh và nhạc điệu thơ thật sinh động, gợi cảm: Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi/ Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ/ Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội/ Nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng/ Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi/ Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối/ Lưng đưa nôi và tim hát thành lời… Đoạn thơ tái hiện sinh động người mẹ vừa nuôi con vừa tích cực làm nương rẫy, ngợi ca người mẹ bình dị mà vĩ đại: yêu thương con, yêu bộ đội và có một trái tim lớn dành cho quê hương đất nước, đóng vai trò quan trọng của hậu phương lớn trong kháng chiến chống Mĩ, cứu nước của dân tộc.

Nhà thơ Nam Hà trong bài Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi đã dựng nên bức chân dung của mẹ: Đất nước/ Của những người mẹ/ Mặc áo thay vai/ Hạt lúa củ khoai/ Bền bỉ nuôi con, nuôi chồng chiến đấu. Mấy câu thơ cô đọng đã khái quát cuộc đời lam lũ, vất vả mà cao đẹp của người mẹ Việt Nam.

 

Biết hi sinh nên chẳng nhiều lời (Tố Hữu)

Lịch sử của người mẹ có trang nào, dòng nào không viết bằng những chữ nhẫn nại, hi sinh? Tố Hữu sáng tác Mẹ Suốt năm 1965, bài thơ được đưa vào sách giáo khoa nhiều năm. Mẹ Suốt là nữ Anh hùng Lao động trong kháng chiến chống Mĩ, chuyên chở bộ đội qua sông. Tố Hữu đã hóa thân vào mẹ để kể với bạn đọc về gia cảnh: Ông nhà theo bạn xuất quân/ Tôi may cũng được vô chân sẵn sàng, và cuộc đời: Kể chi tuổi tác già nua/ Chống chèo xin cứ thi đua đến cùng! Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung/ Gió lay như sóng biển tung, trắng bờ/ Gan chi gan rứa, mẹ nờ?/ Mẹ rằng: Cứu nước, mình chờ chi ai?/ Chẳng bằng con gái, con trai/ Sáu mươi còn một chút tài đò đưa/ Tàu bay hắn bắn sớm trưa/ Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò... Tấm gương dũng cảm đánh giặc bằng việc làm thầm lặng chở bộ đội, lương thực, đạn dược qua sông, bất chấp bom đạn kẻ thù của mẹ thật đáng phục. Hình ảnh mẹ với mái tóc bạc trắng, tung bay giữa không gian trời mây sông nước lồng lộng, đẹp như một bà tiên. Mẹ đã góp phần không nhỏ cùng quân dân ta làm nên chiến thắng. Mẹ Suốt trở thành biểu tượng sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và truyền thống Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh của dân tộc.

Viết về đức hi sinh của người mẹ, Đoàn Thị Ngọc Thu (sinh năm 1970), có bài thơ Mẹ theo thể thơ tự do, hợp với sự đa dạng, phóng khoáng của nhiều cung bậc cảm xúc. Áng thơ như một thước phim sống động về mẹ giống như bao phụ nữ Việt khác: Cả cuộc đời cha đi bộ đội/ Quà về cho mẹ là mái tóc pha sương/ Và trên ngực là những vết thương/ Cứ trở gió lại đau nhức nhối/ Chiếc ba lô gió sương đã gội/ Gia tài cha tặng mẹ... chỉ thế thôi. Cha ra trận chiến đấu, mẹ ở lại chăm lo nuôi dạy các con, làm mọi công việc của gia đình, xã hội và hậu phương kháng chiến. Giặc tan, người cha trở lại quê nhà, quà về cho mẹ là mái tóc đã bạc vì gian lao, cả những vết thương trên mình nhức nhối cùng chiếc ba lô sờn rách. Song với mẹ và người thân, sự trở về của cha đúng là món quà vô giá. Hưởng niềm vui hội ngộ, mẹ lặng lẽ, mắt rạng ngời nhưng xót đau khôn cùng vì xuân thì đã vuột qua: Hai mươi năm ngày cưới/ Đến hôm nay đời chồng vợ bắt đầu. Đoạn thơ khiến người đọc thương xót và cảm phục mẹ cùng bao lứa đôi khác trên đất nước chúng ta Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau (Nguyễn Mỹ). Thương và phục mẹ hơn nữa bởi Hai mươi năm lấy nhau/ Mẹ đẻ con và nuôi con một mình. Hai mươi năm là hơn bảy ngàn ngày, một mình mẹ vật lộn mưu sinh, một mình mẹ vượt cạn sinh nở, một mình mẹ nuôi con lớn khôn. Để làm được điều ấy là cả núi của non công, biết bao mồ hôi và nước mắt...

Đến với bài Mẹ của Nguyễn Ngọc Oánh, người đọc cảm kích vô cùng. Sống trong nghèo túng, mẹ rất cần người lao động đỡ đần nhưng khi đất nước cần Tất cả để đánh thắng giặc Mĩ xâm lược, mẹ sẵn lòng hiến dâng đứa con trai - tài sản lớn nhất của mình - lên đường đánh giặc cứu nước. Mong con yên tâm lúc đi xa, mẹ cố nén nỗi đau xa cách: Tiễn con ra chốn chiến trường/ Gạt thầm nước mắt mong đường con khô. Lời thơ dung dị mà sâu đậm chất triết lí khiến người đọc vô cùng thương yêu, quý phục người mẹ nhân hậu, bao dung, vừa nuôi con vừa làm tròn nhiệm vụ hậu phương kháng chiến, cố nén nỗi nhớ thương, chỉ khóc thầm lặng lẽ khi tiễn con lên đường đánh giặc.

 

Lòng mẹ rộng vô cùng (Bùi Minh Quốc)

Tố Hữu viết về Mẹ Tơm ân tình với cách mạng, người mẹ nuôi ở vùng biển Hậu Lộc - Thanh Hoá hoạt động từ thời tiền khởi nghĩa. Nhà thơ cô đúc vẻ đẹp những trái tim như ngọc sáng ngời của biết bao bà mẹ nuôi con đánh giặc. Điều ấy cũng được các nhà thơ khác tái hiện với niềm tin yêu vô hạn. Trong Trở về quê nội, nhà thơ - liệt sĩ Lê Anh Xuân vô cùng cảm phục người mẹ Bến Tre: Ta có ngờ đâu mái lều của mẹ/ Dưới lớp đất kia ngọn lửa vẫn còn/ Mẹ ta tần tảo sớm hôm/ Nuôi các anh ta dưới hầm bí mật/ Cả đời mẹ hi sinh gan góc/ Hai mươi năm giữ đất giữ làng/ Ôi mẹ là bà mẹ miền Nam… Những câu thơ chân thành và tha thiết làm lay động sâu thẳm tâm can người đọc. Tuy đi chiến đấu nơi xa nhưng lòng người con chiến sĩ lúc nào cũng nhớ về mẹ và ngôi nhà thân thương. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã kết một bài thơ bằng những câu: Ngôi nhà mẹ là chiếc ga bé nhỏ/ Chúng con đến và đi trong suốt cuộc đời mình (Ngôi nhà của mẹ). Ý thơ cô đọng đã gợi mở những giá trị nhân văn rộng lớn, nói hộ tấm lòng với mẹ của biết bao người con chiến sĩ ở xa. Nhà thơ Bằng Việt cũng có bài Mẹ viết về người mẹ vùng hậu cứ thương chiến sĩ như con đẻ. Tác giả hóa thân vào người lính bị thương nơi tuyến lửa, được mẹ ân cần chăm sóc, dẫu mẹ có hoàn cảnh gieo neo: chồng mất lâu rồi, ba người con đều lên đường ra trận và đang chiến đấu nơi xa. Bao nhiêu tình cảm yêu thương, nhung nhớ các con đẻ mẹ dồn con hết cả. Cảm động biết bao khi người lính sốt cao, trong cơn mê Con nói mớ những núi rừng xa lạ/ Tỉnh ra rồi, có mẹ hóa thành quê. Lời thơ có sức khái quát lớn bởi không còn là một cá nhân nữa, mẹ là hiện thân của quê hương yêu dấu, tấm lòng mẹ là kết tinh tình cảm của bao bà mẹ Việt Nam dành cho bộ đội. Vết thương con đỡ nhiều, mẹ rất muốn con ở bên cho ấm cửa vui nhà nhưng vì nước còn giặc con còn đi đánh giặc, nên khi biết người lính sức khỏe khá hơn lại muốn ra trận, Mẹ cười xòa nước mắt ứa hàng mi/ Đi đánh Mĩ khi nào tau có giữ. Mẹ vui lòng tiễn con trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu. Chúng ta thật sự biết ơn tấm lòng yêu thương, sự hi sinh và dâng hiến của mẹ vì bộ đội, vì đất nước nói chung.

Cùng biết ơn những người mẹ yêu thương, quan tâm chăm lo các chiến sĩ, nhà thơ Bùi Minh Quốc - Dương Hương Ly viết Đất quê ta mênh mông. Bài thơ là sự cảm nhận mới mẻ và độc đáo của tác giả về sức mạnh Việt Nam qua hình tượng người mẹ. Cảm hứng sử thi hòa quyện với tình cảm công dân cho thấy vẻ đẹp của lòng yêu thương, đức hi sinh của người mẹ Việt Nam: Mẹ đào hầm từ thuở tóc còn xanh/ Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc/ Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác/ Bao đêm rồi tiếng cuốc vọng năm canh. Những câu thơ giàu hình ảnh cho thấy cuộc chiến chống Mĩ bước vào giai đoạn cam go và đức kiên trì, quyết tâm của mẹ. Âm thanh tiếng cuốc vọng năm canh đào hầm đêm đêm giàu sức khơi gợi. Tiếng cuốc ấy vọng vào không gian, vọng vào thời gian, neo lại trong trái tim chiến sĩ. Cũng bởi quân thù giày xéo quê hương, các anh cầm chắc súng diệt thù, những người mẹ, người chị và bao quần chúng khác đào hầm giăng như lũy như thành trong lòng đất để che chở, bảo vệ, nuôi giấu chiến sĩ. Có lần bầy giặc Mĩ đi càn quét, xăm tìm hầm không được, ngay trên nắp hầm chúng xúm vào đánh mẹ. Bảo vệ cách mạng và các con, mẹ lặng thinh trước những đòn thù. Cho dù trên mình mẹ mang nhiều thương tật, mẹ sẵn sàng chịu đau đớn nửa lời không hé. Tình yêu các chiến sĩ đã cho mẹ sức mạnh ấy. Hay nhất trong bài là những câu: Đất quê ta mênh mông/ Quân thù không xăm hết được/ Lòng mẹ rộng vô cùng/ Đủ giấu cả sư đoàn dưới đất/ Nơi hầm tối lại là nơi sáng nhất/ Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam. Điệp ngữ đất quê ta mênh mônglòng mẹ rộng vô cùng càng khẳng định sự rộng lớn của đất quê hương và tấm lòng trời biển của mẹ. Sự mênh mông của đất quê ta tương đồng với sự rộng vô cùng của lòng mẹ. Cả hai đều làm rõ và đẹp thêm cho nhau. Tình yêu, nghị lực lớn ở mẹ đã làm nên sức mạnh diệu kì, truyền niềm tin cho các con. Tiếng những nhát cuốc xoáy vào ruột đất như thôi thúc, giục giã các chiến sĩ quyết tâm xông lên tiêu diệt quân thù. Nơi hầm tối lại là nơi sáng nhất/ Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam. Trong gian khổ hầm tối đầy thử thách, con người nhận ra được sức mạnh của chính mình và cộng đồng. Âm thanh tiếng cuốc mẹ đào hầm là hình tượng nghệ thuật gây ấn tượng sâu đậm. Tri ân mẹ đã hết lòng vì các con, người chiến sĩ luôn tự nhủ: chỉ có tiêu diệt kẻ thù mới là sự đáp đền ân tình mà mẹ và quê hương dành cho mình. Sự giúp đỡ âm thầm và hi sinh lớn lao của mẹ thực sự góp thêm sức mạnh cho cuộc kháng chiến. Lòng yêu nước và tinh thần bất khuất của những người mẹ bình dị nhưng vĩ đại ấy đã nhân lên sức mạnh phi thường, làm ngời sáng thêm lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam khiến quân thù bạt vía và thất bại. Câu kết bài cô đọng như một chân lí Đất quê ta mênh mông/ Lòng mẹ rộng vô cùng là sự tôn vinh, ngợi ca và tri ân cao nhất đối với mẹ và quê hương. Dương Hương Ly còn có bài Mẹ chẳng thể nào nhớ nổi con đâu sáng tác năm 1970. Mẹ làm sao nhớ hết được từng đứa con chiến sĩ bởi suốt hai mươi năm có ngàn vạn đứa con/ đã qua căn lều nhỏ của mẹ. Chỉ những đứa con bộ đội là nhớ ân tình của mẹ dành cho mình, dù ghé qua nhà mẹ chỉ vài giờ rất vội. Một hơi ấm bàn tay hay mùi thơm khoai sắn nướng đã khiến vẻ đẹp của tình mẹ được tỏa sáng. Tác giả nghẹn ngào tự hứa với lòng: Ôi nhân dân, vì một nhân dân như thế/ Con nguyện lại hi sinh dẫu được sống hai lần. Không chỉ ngợi ca mẹ là nguồn sống, nhà thơ còn nói lên một sự thật: chính tình yêu thương và sự chở che của mẹ là cội nguồn sức mạnh trong những đứa con chiến sĩ.

Tục ngữ có câu: Mẹ nào, con ấy. Chính những người mẹ sâu nặng yêu thương, cần cù, đảm đang, nhẫn nại và giàu đức hi sinh lại kiên cường, quả cảm như thế đã sinh ra và nuôi dưỡng lớp lớp con cháu mang trong mình lí tưởng cao đẹp Nước còn giặc còn đi đánh giặc/ Chiến trường giục giã bước hành quân, nên thời kì kháng chiến vệ quốc trên đất nước ta Ra ngõ gặp anh hùng, về nhà gặp kiện tướng. Qua hàng trăm, hàng ngàn bài thơ, chúng ta thấy, tứ thơ về mẹ vừa có những tương đồng vừa có sự khác biệt. Chân dung người mẹ qua thơ vừa mang vẻ đẹp truyền thống vừa mang vẻ đẹp hiện đại. Mỗi bài là một mảnh ghép, cùng góp phần tạo nên bức tranh chân dung người mẹ, người phụ nữ Việt Nam đúng như lời Bác Hồ đã trao tặng: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.

N.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)