"Bộ đội Cụ Hồ" - một giá trị độc đáo của văn hóa Việt Nam hiện đại

Thứ Năm, 08/08/2019 14:12

Hình ảnh và tên gọi “Bộ đội Cụ Hồ” là hiện tượng rất độc đáo trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng. Ít thấy có dân tộc nào trên thế giới mà nhân dân lấy tên vị lãnh tụ tối cao của mình đặt cho quân đội. Đây vừa là tình cảm, vừa là niềm tin của quần chúng dành cho lực lượng vũ trang. Hiếm có một dân tộc nào mà hình ảnh người lính lại được toàn dân coi đó là một hình mẫu của con người trong thời đại mới, để hết lòng tin yêu, quý trọng, động viên mọi thế hệ con cháu kế tiếp và noi theo gương sáng của bộ đội Cụ Hồ như dân tộc Việt Nam.

“Bộ đội Cụ Hồ” là cách gọi rất Việt Nam, thật gần gũi. “Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ là tên gọi trìu mến mà nhân dân dành cho quân đội, mà còn là một danh hiệu, một vinh dự lớn đối với những chiến sĩ của nhân dân.

Về xuất xứ của tên gọi “Bộ đội Cụ Hồ”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong một hồi ký của mình, kể: “Tôi nhớ rằng, từ trong khu giải phóng Việt Bắc, đồng bào các dân tộc đã trìu mến gọi các đơn vị vũ trang ta là “Bộ đội Ông Ké”, hay “Bộ đội Ông Cụ” một cách thân thương, chân chất như tấm lòng của đồng bào đối với lãnh tụ của mình mà nhiều người lúc đó chưa biết tên. Có lẽ về sau, khi biết tên Người, đó là Bác Hồ, là Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam mới, mọi người đã gọi “Bộ đội Ông Ké” là “Bộ đội Cụ Hồ”, và cũng từ chiến khu Việt Bắc, tên gọi yêu dấu ấy đã xuất hiện từ thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp”.

1. Đặc điểm và ý nghĩa xã hội của “Bộ đội Cụ Hồ”

Sự xuất hiện các tổ chức vũ trang đầu tiên của cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, đặc biệt là sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 22-12-1944) có một ý nghĩa rất lớn. Nó chẳng những chứng tỏ sự lớn mạnh của cách mạng Việt Nam, tạo tiền đề cho Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, giành chính quyền trong cả nước, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do, mà còn đánh dấu một thời đại mới của những người lính Việt Nam. Đó là thời kỳ nước Việt Nam có một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, chiến đấu vì mục tiêu cao cả là độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và vì chủ nghĩa xã hội.

Nhân dân ta gọi “Bộ đội Cụ Hồ” vì “Cụ Hồ” - tên gọi trìu mến của nhân dân ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - là người tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân ta, là hiện thân của niềm tin và sức mạnh, là người tổ chức và dẫn dắt nhân dân ta đứng lên tự giải phóng, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người là hình ảnh tiêu biểu cho tất cả những giá trị cao đẹp của dân tộc Việt Nam, của văn hóa Việt Nam. Những gì gắn bó với cuộc đời Bác, được Bác chăm lo, với nhân dân đều cao quý vô cùng. Nhân dân ta gọi quân đội của mình là bộ đội của Cụ Hồ vì cảm nhận một cách sâu sắc quan hệ đặc biệt hiếm có giữa Bác và quân đội, Bác và những người chiến sĩ. Bác chính là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Người đã khai sinh ra quân đội ta với bản chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân lịch sử. Bác chăm lo từng bước đi lên của quân đội, giáo dục chiến sĩ, khuyên bảo cán bộ,... Nét đặc sắc trong đạo đức và tình cảm của Bác là vô cùng gần gũi, yêu thương bộ đội, tin tưởng ở tinh thần dũng cảm và sáng tạo của bộ đội, hiểu thấu và thông cảm những gian khổ, khó khăn của người chiến sĩ. Trước lúc đi xa, Người còn để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn thể bộ đội và căn dặn, cần chọn những chiến sĩ trẻ tuổi, ưu tú trong quân đội và thanh niên xung phong để đào tạo thành những cán bộ, công nhân giỏi, coi đó là đội quân chủ lực trong công cuộc phục hưng và tái thiết đất nước sau này.

Mỗi bước trưởng thành, mỗi chiến công của quân đội đều gắn liền với sự giáo dục, rèn luyện của “người Cha thân yêu”, nên nhân dân gọi là “Bộ đội Cụ Hồ”. Gọi bộ đội là “Bộ đội Cụ Hồ” còn là vì bản thân các chiến sĩ quân đội, trải qua hơn nửa thế kỷ chiến đấu, đã luôn luôn xứng đáng với niềm tin của Người. Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành một mẫu hình về con người mới có lý tưởng cao đẹp, có đạo đức trong sáng, thực hiện trọn vẹn, xuất sắc chỉ thị, những lời dặn và niềm tin sâu sắc của Bác.

Những đặc trưng cơ bản của “Bộ đội Cụ Hồ” được cô đúc trong lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 – 22- 12-1964) là: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”[1].

Lời biểu dương đó đồng thời cũng là sự khái quát đầy đủ nhất bản chất cách mạng của quân đội ta. Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” chứa đựng một cách đầy đủ và tập trung nhất những phẩm chất tốt đẹp của quân đội mà mỗi chiến sĩ đã thực hiện đúng những lời dạy của Người.

“Bộ đội Cụ Hồ” là đỉnh cao về hình tượng của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Họ từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Ngay từ khi mới thành lập, họ đã được nhân dân coi như con em. Biết bao bài ca, câu chuyện về “những nông dân mặc áo lính” còn được lưu truyền đến bây giờ. Họ là “những người tứ xứ” nhưng có chung lý tưởng chiến đấu, họ luôn luôn gắn bó với dân, được dân tin, dân phục, dân yêu vì chẳng những “không lấy cái kim, sợi chỉ của nhân dân” mà còn “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, dám xả thân “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”. Quân đội ta là quân đội nhân dân vì lý do như vậy. Nói quân đội ta “hiếu với dân” cũng do là như vậy.

“Bộ đội Cụ Hồ” là những chiến sĩ có lòng trung thành tuyệt đối với Đảng Cộng sản. Trung thành với Đảng cũng là trung thành với Tổ quốc Việt Nam, bởi Đảng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, của dân tộc, lợi ích của Đảng là lợi ích của dân tộc. Trung với nước, trung với Đảng được biểu hiện ở lòng yêu Tổ quốc thiết tha, căm ghét mọi kẻ thù xâm lược và các thế lực không tôn trọng độc lập, chủ quyền và sự nghiệp cách mạng của chúng ta, là tinh thần quyết chiến, quyết thắng, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”; là lời thề “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Lòng trung thành của “Bộ đội Cụ Hồ” với Tổ quốc là sự kế thừa truyền thống “Sát Thát”, giết giặc Thát bằng được, “dẫu trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa cũng cam lòng” của những người lính thời Trần.

Vì chung một lý tưởng, đều là con em nhân dân nên “Bộ đội Cụ Hồ” có tinh thần đồng đội rất cao. Đồng đội đồng thời cũng là đồng chí. Đây là nét rất đặc thù của quân đội cách mạng. Nếu như những người lính trước đây coi nhau như “huynh đệ” (anh em) thì đến giữa thế kỷ XX, những chiến sĩ Việt Nam đã nâng lên thành tinh thần đồng đội, yêu thương giúp đỡ nhau lúc thường cũng như khi ra trận. “Nghĩa tình đồng đội”, “tình bạn chiến đấu”, “đi tìm đồng đội”, “tâm tình đồng đội”,... từ lâu đã trở thành những nét đẹp trong đời sống cộng đồng người Việt Nam. Có thể nói, đây là biểu hiện cao của truyền thống đoàn kết, nhân ái của người Việt nam.

“Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ là những người cầm súng thuần túy. Từ khi mới ra đời, quân đội ta đã được xác định nhiệm vụ là quân đội chiến đấu, quân đội sản xuất và công tác. Trong thời chiến, lúc hòa bình, ba chức năng chiến đấu, công tác và sản xuất đều được coi trọng. Xác định được nhiệm vụ thường xuyên như vậy nên chiến sĩ ta luôn luôn tích cực học tập, rèn luyện về mọi mặt để không ngừng tiến bộ. Trải qua hơn nửa thế kỷ đấu tranh, quân đội ta không những chứng tỏ là một quân đội chiến đấu giỏi mà còn là quân đội công tác giỏi, sản xuất giỏi. Gan dạ và dũng cảm, mưu trí và sáng tạo, tự lực tự cường, kiên nhẫn và nhiệt tình luôn luôn là những truyền thống tốt đẹp của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Truyền thống này phải chăng có nguồn gốc từ thời Trần với chính sách “ngụ binh ư nông”? Nói về truyền thống chiến đấu giỏi, công tác và sản xuất có hiệu quả và năng suất của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tức là nói đến truyền thống “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”.

Một nét đặc trưng tiêu biểu khác của “Bộ đội Cụ Hồ”, đó là tinh thần kỷ luật tự giác cao. Trước đây, trong lịch sử, những người lính Việt Nam đã có truyền thống “quân lệnh như sơn”; thời nay, “Bộ đội Cụ Hồ” luôn được rèn luyện bằng “12 điều kỷ luật”, bằng việc chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và mệnh lệnh của cấp chỉ huy.

Ý thức chấp hành mệnh lệnh của “Bộ đội Cụ Hồ” mấy mươi năm qua dựa trên tinh thần tự giác là chủ yếu. Tinh thần “quân lệnh như sơn” ở đây đã được thực hiện bằng tình đồng đội, tình “huynh đệ” - và nhiều hơn, chính là lòng tự trọng, danh dự. Mang trên mình bộ quân phục, với vinh dự “Bội đội Cụ Hồ” được dân tin, được dân yêu, người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam không thể không trở thành người chiến sĩ có kỷ luật cao. Gần 70 năm qua, nói tới “Bộ đội Cụ Hồ” là nói tới những con người sống có ý thức tổ chức kỷ luật rất cao. Vì rất tự hào, tin tưởng ở bộ đội, nên nhân dân ta mới coi “việc quân”, “việc nhà binh” là trên hết. Câu ca thời chống Mỹ: “Nhà tan cửa nát cũng ừ, Quyết tâm đánh Mỹ cực chừ sướng sau” thể hiện rõ điều này. Vì việc nhà binh, vì chiến thắng, họ sẵn sàng nhường cả ngôi nhà thân yêu của mình để lót đường cho xe ra chiến trường. Tinh thần kỷ luật cao đồng thời chính là cội nguồn tạo thành sức mạnh bách chiến, bách thắng của “Bộ đội Cụ Hồ”, của Quân đội nhân dân Việt Nam.

“Bộ đội Cụ Hồ” còn là những người lính có tinh thần quốc tế cao cả. Từ truyền thống nhân ái của dân tộc “tắt lửa, tối đèn có nhau”, “thương người như thể thương thân”, mấy mươi năm qua, với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình” đầy nhân bản, nhân ái, nhiều chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã trở thành người chiến sĩ quốc tế, những “tình nguyện quân” vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, chiến đấu bên cạnh các chiến sĩ của nhân dân Lào, Campuchia trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, các cuộc chiến đấu chống lại các thế lực tay sai, phản động. Tinh thần quốc tế cao cả, vô tư của “Bộ đội Cụ Hồ” là một nét rất mới trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam.

Những đặc trưng nổi bật của “Bộ đội Cụ Hồ” như trung thành vô hạn với Tổ quốc Việt Nam, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, gắn bó chặt chẽ với nhân dân; có tinh thần đồng đội, tinh thần kỷ luật tự giác và ham học hỏi, cầu tiến bộ,... đã trở thành những hành trang quý báu trên hành trình lớn lên, trưởng thành và chiến thắng của các lực lượng vũ trang ta. Đó cũng là nét văn hóa đặc trưng của một nền văn hóa mới, văn hóa vì con người dựa trên truyền thống và cốt cách Việt Nam.

Sự xuất hiện của “Bộ đội Cụ Hồ” trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc mới có gần 70 năm. Thời gian hơn một nửa thế kỷ so với lịch sử dân tộc là không dài, nhưng chỉ bằng quãng thời gian đó, hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ” đã đi vào lịch sử, đi vào đời sống đất nước, đời sống cộng đồng một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn và trở thành một trong những giá trị văn hóa tiêu biểu của thời đại mới.

Ngay từ trong kháng chiến chống thực dân Pháp, hình ảnh những “vệ quốc quân” với những gương chiến sĩ kiên cường, với cái cười thật hồn nhiên và chiếc mũ có lưới ngụy trang cùng chiếc áo trấn thủ “ba mươi sáu đường gian khổ”... đã đi vào tâm khảm nhân dân. Họ đi đến đâu giặc tan, đời sống hòa bình đến đó. Hình ảnh “bộ đội về làng”, “bộ đội gặp dân công”, “bộ đội kéo pháo”, “công đồn”,... mãi mãi là hình ảnh tươi đẹp của một thời. Truyền thống “đi dân nhớ, ở dân thương”, tinh thần đoàn kết quân dân, “tình cá nước”,... được hình thành từ đó. Và cũng từ đó, “Anh lính Cụ Hồ” trở thành nhân vật trung tâm của văn hóa, văn nghệ cách mạng.

Cũng từ khi những chàng “vệ quốc quân”, những “Bộ đội Cụ Hồ” trở thành biểu tượng tự hào trên quê hương Việt Nam, đã hình thành những quan hệ đặc biệt chứa đựng giá trị văn hóa hoàn toàn mới, từ đó được văn học, nghệ thuật tái tạo thành những môtíp thật đẹp đẽ, độc đáo. Trong các quan hệ ấy, lịch sử gần 70 năm qua đã xây đắp nên một quan hệ cực kỳ đặc biệt, đó là người mẹ và chiến sĩ. Với các mẹ, thì thật chưa có nơi nào, thời nào, người lính được sống trong tình thương yêu lớn lao như thế, “mẹ chiến sĩ”, “mẹ bộ đội”, “mẹ anh hùng”, “mẹ Việt Nam”,... là những hình tượng đã đi vào lịch sử, vào đời sống, đi vào thơ nhạc, những ca khúc và những áng thơ văn bất diệt.

Những người mẹ Việt Nam tin tưởng quân đội là trường học lớn, ở đó, những người con của các mẹ không chỉ được học về kỹ, chiến thuật để chiến đấu mà còn được giáo dục, rèn luyện về văn hóa, nếp sống, về lòng quả cảm, đức hy sinh và lòng nhân ái, vị tha. Ở đó, quân đội là một “gia đình lớn” vì những người chiến sĩ coi nhau như anh em một nhà, bất kể quê hương, dân tộc, tôn giáo. Trong gia đình ấy chỉ có tình thương và chữ “đồng”: đồng chí, đồng đội, đồng hương. Chưa thời nào, chưa thấy ở đâu tình yêu thương lại sâu nặng, gắn bó như tình đồng đội của những “Bộ đội Cụ Hồ”. Nghĩa tình này không chỉ có khi họ cùng chiến hào, cùng đơn vị với nhau mà mãi về sau, khi họ đã rời tay súng, trút bỏ bộ đồ nhà binh rồi, mối tình ấy vẫn sâu nặng. Khi người lính trở về, tình thân, tình đồng đội của họ không những không nhạt phai mà còn được nhân lên. Họ cùng nhau lặn lội “đi tìm đồng đội” năm xưa. Tìm nhau không chỉ để tìm về kỷ niệm cũ mà để giúp đỡ, tương trợ nhau, và còn để cùng đi tìm phần mộ, hài cốt của những đồng đội đã ngã xuống trong những năm tháng chiến đấu...

Cùng với quan hệ mẹ và chiến sĩ, quan hệ đồng đội, đồng chí với những giá trị nhân văn sâu sắc, cảm động đã đi vào văn hóa, văn học, nghệ thuật, tạo nên những hình tượng, những môtíp độc đáo trong suốt gần 70 năm qua của lịch sử văn hóa cách mạng Việt Nam.

“Bộ đội Cụ Hồ” với những biểu hiện đẹp đẽ đó đã là hình tượng tiêu biểu và đáng tự hào của dân tộc Việt Nam anh hùng, đã được nhân dân ca tụng là “con người đẹp nhất”, được coi là khát vọng vươn tới của tuổi trẻ. Và thật đặc biệt, “Bộ đội Cụ Hồ” từ một biểu tượng mang ý nghĩa xã hội lại trở thành một hình ảnh gần gũi, thương yêu, trở thành nơi gửi gắm tình cảm thầm kín, khát vọng hạnh phúc riêng tư và trong sáng.

2. Đặc trưng lịch sử và văn hóa của nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ”

Các kiểu mẫu nhân cách tiêu biểu của một số quốc gia, dân tộc thường gắn rất chặt và trực tiếp với một hệ tư tưởng, thông thường là hệ tư tưởng của giai cấp thống trị. Tất nhiên, hệ tư tưởng đó có sức mạnh chi phối sâu sắc đối với một thời kỳ lịch sử và đóng vai trò tích cực đối với sự phát triển của thời kỳ lịch sử đó. Từ đó, kiểu mẫu nhân cách - kết quả trực tiếp từ hệ tư tưởng đó - cũng có tác động mạnh mẽ như một hình mẫu mà người đương thời có khát vọng vươn tới. Người quân tử trong xã hội phong kiến Trung Quốc gắn rất chặt với hệ tư tưởng phong kiến, mà trực tiếp và bao trùm là Nho giáo. Những đòi hỏi về các giá trị cần có trong nhân cách của người quân tử là trung, hiếu, lễ, nghĩa, trí, tín, để từ đó thực hiện sứ mệnh “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Các kiểu mẫu nhân cách khác, từ hiệp sĩ thời Trung cổ châu Âu, đến võ sĩ đạo trong văn hóa Nhật Bản đều có đặc trưng quan trọng là sự gắn bó trực tiếp với hệ tư tưởng, là kết quả trực tiếp của một hệ tư tưởng.

Có thể đi tìm nguồn gốc sâu xa của kiểu mẫu nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” từ các nhân tố mang ý nghĩa chính trị, văn hóa và lịch sử sâu sắc. Trước hết, mang ý nghĩa nhân dân, được nhân dân truyền tụng. Nếu trước đây, trong lịch sử dựng nước và giữ nước lâu dài của dân tộc ta, những người có công trong chiến đấu bảo vệ thôn xóm, làng xã, quê hương, trong tạo dựng đời sống bền vững được nhân dân tôn thành các thành hoàng để ghi công và tưởng nhớ, thì danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” cũng là chính nhân dân trao tặng cho bộ đội. Sự thống nhất giữa những người lính bình thường (bộ đội) với tên tuổi, phẩm giá thiêng liêng của lãnh tụ (Cụ Hồ) chính là tình cảm, tình yêu, sự ngưỡng mộ và quý trọng của chính nhân dân đối với chiến sĩ, và qua đó, đối với lý tưởng, mục tiêu chiến đấu mà vì nó, người chiến sĩ sẵn sàng hy sinh, cống hiến.

“Bộ đội Cụ Hồ”, vì vậy, là sản phẩm lịch sử, là một giá trị văn hóa được hình thành trong một thời điểm lịch sử đấu tranh rất đặc biệt, khi mà lý tưởng, mục tiêu chiến đấu của Đảng, của Bác Hồ hòa quyện và thống nhất với khát vọng độc lập, tự do, khát vọng giải phóng của cả dân tộc.

Mặt khác, nếu xét ở góc độ truyền thống dân tộc và truyền thống văn hóa dân tộc, kiểu mẫu “Bộ đội Cụ Hồ” còn có nguồn gốc sâu xa hơn, bởi vì, nó không chỉ là sản phẩm của 60-70 năm, mà còn bắt nguồn, tiếp nối và phát triển từ kiểu mẫu của nghĩa sĩ, nghĩa binh, nghĩa quân, của cả nghìn năm lịch sử.

Những nghĩa binh, nghĩa quân, nghĩa sĩ đứng lên, sung vào đội ngũ chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, vì những giá trị của văn hóa Việt Nam trong suốt 1.000 năm Bắc thuộc, trong suốt cuộc chiến đấu chống ngoại xâm thời phong kiến và trong khoảng 80 năm đô hộ của thực dân Pháp xâm lược đều là những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.

Nói về những nghĩa sĩ, nghĩa binh, nghĩa quân của cả nghìn năm lịch sử ấy, không thể không kể tới hình ảnh của các đội nữ binh thời Bà Trưng, Bà Triệu, những nữ binh cưỡi voi xung trận trong tinh thần “đền nợ nước, trả thù nhà”, với khí thế “muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp ngọn sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi giặc, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, không chịu khom lưng làm tì thiếp người”. Những nghĩa binh trong các cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40-43), khởi nghĩa Bà Triệu (năm 248) thực sự đã làm nên truyền thống “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” của người Việt Nam và phải chăng, đó chính là cội nguồn tạo tiền đề đầu tiên cho sự ra đời của các “đội quân tóc dài” của cách mạng sau này.

Nói về những nghĩa binh, nghĩa quân thời xa xưa ấy, không thể không nhắc tới những người “cờ lau tập trận” trong đội quân của Đinh Bộ Lĩnh thời dẹp loạn “12 sứ quân” năm 967, những người “áo vải cờ đào” trong khởi nghĩa Tây Sơn của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ (năm 1786) nhằm lập lại thống nhất đất nước, chấm dứt cuộc xung đột Nam - Bắc triều (Lê - Mạc) và Trịnh - Nguyễn phân tranh,...

Nói về những nghĩa sĩ, nghĩa binh trong lịch sử dựng nước và giữ nước cần phải nói nhiều hơn đến hình ảnh những chiến sĩ đã làm nên chiến thắng lừng lẫy trên sông Bạch Đằng, sông Cầu, ở bến Chương Dương, Hàm Tử, ở Chi Lăng, Xương Giang, Tốt Động, Chúc Động, Rạch Gầm, Xoài Mút, Ngọc Hồi, Đống Đa,...

Di sản quý báu nhất có từ trong khói lửa của cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc thời phong kiến và thời Pháp thuộc để lại cho thế hệ hôm nay, có lẽ là truyền thống bất khuất, ý chí quật cường của cha ông. Di sản truyền thống ấy còn là tư tưởng quân sự “lấy đại nghĩa thắng hung tàn”,“lấy chí nhân thay cường bạo”, và nữa, đó còn là tinh thần “phụ tử chi binh” của thời Trần, “huynh đệ chi binh” của thời Lê, thời Tây Sơn. Tinh thần đó làm cơ sở tốt để sau này chúng ta xây dựng quân đội nhân dân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ. Tinh thần “cá nước”, “nghĩa tình đồng đội, đồng chí” của hôm nay phải chăng đã bắt nguồn từ thời “tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” có từ thời khởi nghĩa Lam Sơn.

Từ sự phân tích trên cho phép chúng ta khẳng định rằng, kiểu mẫu nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” có nguồn gốc sâu xa trong lịch sử đấu tranh, trong truyền thống văn hóa lâu đời và độc đáo của dân tộc ta. Và vì vậy, nó có sức sống bền vững, có khả năng được củng cố, phát triển trong những giai đoạn lịch sử. Tất nhiên, nó không phải là sản phẩm tự phát, vì vậy, việc tiếp tục nuôi dưỡng, xây dựng, phát triển kiểu mẫu nhân cách đó lúc này và trong tương lai là nhiệm vụ cực kỳ to lớn và phức tạp. Để có thể làm tốt nhiệm vụ đó, điều cần thiết là phân tích kiểu nhân cách này về mặt lịch sử và văn hóa, tìm ra những giá trị cốt lõi, bền vững, những giá trị mang tính đặc thù của một giai đoạn lịch sử, đồng thời phân tích sự tác động phức tạp của đời sống đương đại hiện nay đối với các giá trị đó, từ đó vừa củng cố các giá trị truyền thống, vừa bổ sung những giá trị mới cần có của nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” trong một thời kỳ lịch sử mới.

Đất nước ta đã trải qua mấy chục năm phải tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đầy hy sinh, gian khổ và hết mực kiên cường, quả cảm. Đây là giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, cả nước trăm người như một, cùng ý chí, một lòng, một lý tưởng cao đẹp: đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước, giành độc lập, tự do. Trong hàng chục năm đó, cộng đồng Việt Nam, mọi đối tượng, thành phần đoàn kết bên nhau dưới sự lãnh đạo của Đảng, thống nhất cao trong một loạt quan niệm về giá trị. Ở hậu phương thì sống theo những chuẩn mực: Tất cả vì tiền tuyến; mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt; thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người…, ở tiền tuyến thì: chưa hết giặc là ta chưa về; thà chết chứ không chịu làm nô lệ, không chịu mất nước; cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù;… Đúng như Chính Hữu và Vũ Trọng Hối đã viết thành thơ và nhạc: “Có những ngày vui sao, Cả nước lên đường; Xao xuyến bờ tre; Từng hồi trống giục”, bởi vì cả nước ra trận, “đi theo ánh lửa từ trái tim mình”.

Đặc điểm lớn nhất của định hướng giá trị và xu hướng sắp xếp các giá trị trong nhân cách người Việt Nam nói chung và nhân cách người chiến sĩ nói riêng của giai đoạn kể trên là sự ổn định và thống nhất, ít có biểu hiện ngược chiều và đối lập về quan niệm và định hướng trong phạm vi cộng đồng. Giai đoạn lịch sử 1945-1975 là thời kỳ lịch sử thật huy hoàng, trong sáng, cao cả, muôn người như một. Từ già đến trẻ, từ học sinh đến sinh viên, từ nông dân, công nhân, trí thức, đều có một niềm tin tuyệt đối vào mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng, vào sức mạnh vô địch của cách mạng, vào khát vọng cao đẹp là chủ nghĩa xã hội, từ đó, muôn người đều dốc lòng, dốc sức cho các cuộc kháng chiến. Đó là một sự thật lịch sử không thể chối cãi.

Đặc điểm lớn đó của lịch sử đã trực tiếp tạo nên một trong những đặc trưng quan trọng nhất của nhân cách người lính nói riêng và người Việt Nam nói chung trong giai đoạn 1945-1975. Đó là sự khẳng định mang ý nghĩa công dân và xã hội, nghiêng về sự phát triển con người xã hội, con người công dân. Vì vậy, ở đây, sự thống nhất về giá trị đồng nghĩa với sự trong sáng và đơn giản. Sự sắp xếp giá trị trong nhân cách ở giai đoạn này mang tính ổn định, bền vững trong một giai đoạn lịch sử dài và đặc biệt, bởi vì toàn bộ đời sống của đất nước, của từng gia đình, từng con người chủ yếu gắn liền với cuộc chiến đấu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Nếu quan niệm nhân cách là kết quả của sự thống nhất giữa con người xã hội và con người cá nhân thì ở giai đoạn kể trên, bình diện con người xã hội được phát huy mạnh mẽ, được đạo đức và dư luận xã hội khuyến khích triệt để. Hầu hết các sản phẩm văn hóa giai đoạn kể trên (cũng là thành tựu văn học, nghệ thuật kháng chiến) đều tập trung khám phá, biểu hiện và từ đó khuyến khích, khơi gợi sức mạnh tiềm ẩn trong mỗi công dân, mỗi người lính. Đó là những tình cảm lớn và cao đẹp đối với quê hương, đất nước, chí căm thù giặc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sự trong sáng đến mức lý tưởng những phẩm chất, đạo đức của con người. Cộng đồng Việt Nam, trong đó nòng cốt là lực lượng vũ trang, đều hướng tâm tư, nguyện vọng, ý chí, bản lính hành động theo cách tự nguyện hy sinh cái riêng cho cái chung, sự gắn bó, hòa hợp giữa tập thể và cá nhân, giữa cái chung và cái riêng.

Đứng trước một hoàn cảnh, một tình huống liên quan đến cái riêng, cái chung, cái chết, cái sống, cần phải lựa chọn, những người lính, với danh dự và trách nhiệm, không có sự áp đặt nào, vẫn tự nguyện chết vinh hơn sống nhục, đặt tính mạng mình dưới lợi ích của đất nước, của dân tộc… Sự lựa chọn đã được toàn cộng đồng khẳng định là chuẩn mực, là tự nhiên và hợp lẽ phải, mặc dù, định hướng cho sự lựa chọn đó diễn ra trong thế giới tinh thần của từng con người. Mọi sự lựa chọn khác đều không được chấp nhận và bị lên án. Sự lựa chọn những tập hợp giá trị này, một thời gian dài nghìn năm trong lịch sử Việt Nam đã trở thành một xu hướng đạo đức, thành lẽ sống cho bộ phận ưu tú của cộng đồng dân tộc, tập trung sức mạnh cho việc huy động sức người, sức của, sự cố gắng tuyệt vời của mọi người, mọi nhà cho những cuộc kháng chiến. Ở đây, cùng với việc khẳng định ý nghĩa to lớn của những giá trị trong nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” được định hình trong 30 năm chiến đấu, đồng thời, cần phải chú ý tính đặc thù của nó, vì đó là những giá trị được cổ súy, được lựa chọn nhằm tạo nên những kiểu mẫu nhân cách người lính trong điều kiện có chiến tranh, đang chiến tranh. Khi lịch sử dân tộc chuyển sang một giai đoạn mới, khác về chất lượng (kết thúc chiến tranh, đất nước có hòa bình, chuyển từ trực tiếp chiến đấu sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vừa xây dựng vừa bảo vệ Tổ quốc), một mặt, phải giữ vững các giá trị cốt lõi, cơ bản và mặt khác, phải bổ sung những giá trị cần thiết cho nhân cách người chiến sĩ thời kỳ mới.

Do đặc trưng nổi bật về hai mặt lịch sử và văn hóa, nên từ nguyên mẫu các anh "Bộ đội Cụ Hồ" cụ thể trong đời sống đến kiểu mẫu “Bộ đội Cụ Hồ” trong cảm nhận của nhân dân và cả trong sự tái tạo, đúc kết trực tiếp của văn hóa, nhân cách này bao giờ cũng là sự thống nhất giữa cái anh hùng và cái bình dị, cái hiện thực và cái khát khao vươn tới (có tính chất lý tưởng), cái đẹp trọn vẹn trong những biểu hiện cụ thể. Chiều sâu tạo nên vẻ đẹp, giá trị văn hóa độc đáo đó là bản lĩnh chiến đấu, tâm hồn "Bộ đội Cụ Hồ" luôn luôn thuộc về nhân dân, về dân tộc, sự cao cả mang chiều sâu nhân văn mọi hành vi của cuộc sống. Hay nói một cách khác, đó là phẩm chất NGƯỜI được bộc lộ ở mức cao nhất.

Nếu như đặc trưng lịch sử và văn hóa này đã trở thành một sức mạnh to lớn, sức hấp dẫn mãnh liệt đối với nhân dân và các thế hệ thanh thiếu niên trong 30 năm kháng chiến vừa qua, thì hiện nay, nó đang bị thử thách một cách quyết liệt, từ cả hai góc độ: thực tế và tâm lý. Nếu tạo ra trong cảm nhận của con người hôm nay, rằng kiểu mẫu ấy chỉ là sản phẩm đẹp của quá khứ, sẽ dẫn tới xuất hiện hai dạng tâm lý: tâm lý chỉ có thể ngưỡng mộ (kính nhi viễn chi) hoặc tâm lý thất vọng, và như vậy sẽ không thể tiếp tục phát triển được kiểu mẫu nhân cách đó trong hiện tại và tương lai với tư cách là một giá trị văn hóa bền vững.

Nếu chỉ làm thao tác đối chiếu ít nhiều máy móc giữa nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” trong quá khứ với người chiến sĩ hôm nay lấy chuẩn mực quá khứ, vốn rất đẹp nhưng là sản phẩm có tính đặc thù về mặt lịch sử và văn hóa, làm thước đo tuyệt đối, sẽ khó có khả năng chủ động để tiếp tục nuôi dưỡng và xây dựng nhân cách "Bộ đội Cụ Hồ" trong giai đoạn mới. Công việc ở đây sẽ là, xác định những giá trị văn hóa cốt lõi và cơ bản trong nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” đã được định hình trong lịch sử để củng cố, khẳng định, đồng thời bổ sung, phát triển những nhân tố mới, trước những đòi hỏi và đặc điểm rất mới của giai đoạn lịch sử hiện nay và sắp tới.

Ví dụ như giá trị cốt lõi và cao quý nhất trong nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” bao giờ cũng là lòng trung thành vô hạn với mục tiêu và lý tưởng chiến đấu của Đảng và nhân dân, là ở sự sẵn sàng cống hiến cuộc đời mình cho lý tưởng đó. Thế hệ cha anh đã từng “coi cái chết nhẹ tựa lông hồng”, không dằn vặt khổ đau, tính toán riêng tư, ra trận chiến đấu, hy sinh với khí thế như vào ngày hội. Giá trị đó nhất thiết phải được bảo vệ và phát triển. Nhưng con đường để tạo nên nó trong phẩm chất, nhân cách người chiến sĩ hôm nay lại hoàn toàn khác trước. Phải đặt họ trong một tình thế lựa chọn mang tính hiện thực và rất gay gắt giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa sống và chết, giữa được và mất, giữa giá trị tinh thần và nhu cầu vật chất, giữa các xu hướng vận động đang diễn ra phức tạp hiện nay để giúp họ lựa chọn đúng nhất, tự tin nhất với sự mách bảo của tình cảm, của danh dự người chiến sĩ và của cả sự sáng suốt của lý trí. Nối tiếp truyền thống quý báu, luôn luôn lấy tình cảm cách mạng làm cội nguồn sức mạnh của người lính, đồng thời cần cho lúc này là sự nâng cao không ngừng tri thức, trí tuệ cách mạng.

Sự đổ vỡ kiểu mẫu nhân cách “con người Xôviết” trong những năm vừa qua cho chúng ta những bài học thực tiễn quan trọng. Ở Cộng hòa dân chủ Đức (trước đây), một thời, người ta đã tự tin khẳng định rằng đã có sự định hình vững chắc một kiểu mẫu nhân cách mới - nhân cách xã hội chủ nghĩa phát triển toàn diện trong “chủ nghĩa xã hội phát triển”. Thực tế phũ phàng thời gian qua đã chỉ rõ sự chủ quan, thiếu vun đắp, duy trì, nếu không muốn nói là sự sai lầm nghiêm trọng trong quá trình bảo vệ, phát huy những giá trị đó. Sự ra đời và phát triển của một kiểu mẫu nhân cách mới - nhân cách của chủ nghĩa xã hội - không bao giờ là một quá trình tự phát hay chờ có sẵn, tự nhiên mà có. Đó là cuộc đấu tranh không mệt mỏi, đầy trí tuệ, một công việc cực kỳ công phu, tinh tế và sâu sắc - sự nghiệp “trồng người” cần trăm năm nuôi dưỡng và chăm sóc như Bác Hồ đã dạy.

Hình ảnh cao đẹp với những giá trị văn hóa sâu sắc của nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” đã được yêu thương và quý trọng trong gần 70 năm qua chỉ có thể được tiếp tục khẳng định và phát triển trong thời gian tới trên cơ sở của một quá trình nuôi dưỡng và xây dựng với một công phu to lớn và một trí tuệ khoa học, tỉnh táo.

1997

ĐINH XUÂN DŨNG


[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.435.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)