Ta bỗng lớn ở bên Người một chút

Chủ Nhật, 18/05/2025 07:27

PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ sinh năm 1960 tại Nghệ An. Ông từng giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. Hiện nay, ông là Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chuyên về mảng văn học, nghệ thuật. Không chỉ là một chính khách, một nhà khoa học, một nhà quản lí văn hóa, văn nghệ, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ còn là một nhà văn, một nghệ sĩ. Nhân kỉ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông sắp cho ra mắt bộ tiểu thuyết 5 tập Nước non vạn dặm, phục dựng cuộc đời, con người và sự nghiệp vĩ đại của Bác dưới góc nhìn văn học, nghệ thuật. Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ) đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Thế Kỷ xoay quanh bộ sách cũng như những suy tư trong sáng tạo nghệ thuật về đề tài Bác Hồ.

PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ

- Thưa PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, là một nhà văn sáng tác ở nhiều thể loại, nhiều đề tài, nhưng có lẽ đề tài Bác Hồ đã gợi nhiều cảm hứng sáng tạo cho ông nhất. Ông có thể chia sẻ cùng độc giả VNQĐ, cơ duyên nào đưa ông đến với đề tài này?

+ Mỗi người Việt Nam, dù sống trong nước hay ở nước ngoài đều dành cho Bác Hồ lòng kính yêu, biết ơn và ngưỡng mộ. Đó có lẽ là nguyên do đầu tiên, tự thân, đưa tôi đến với đề tài Bác Hồ trong những sáng tác văn học, nghệ thuật của mình.

Tôi đã từng làm thơ về Bác cách đây 30 năm, xin đọc một đoạn để nhớ lại cảm xúc của năm tháng ấy: Tháng Năm về nhà Bác/ Lối vào ngát hương sen/ Bờ tre lao xao gió/ Lích chích chim chuyền cành// Lặng yên nơi quê ngoại/ Thương người mẹ tảo tần/ Thoi đưa cùng nhịp võng/ Câu ví dặm à ơi// Con về bên Làng Sen/ Mây trời in giếng Cốc/ Thăm lò rèn cố Điền/ Nơi người nhen ngọn lửa// Theo bước chân trẻ nhỏ/ Thung thăng lên núi Chung/ Nhìn cánh diều no gió/ Vi vút giữa từng không// Làng Chùa và Làng Sen/ Thành chiếc nôi vĩ đại/ Câu hát và ngọn lửa/ Nâng bước người đi xa…

Tôi sinh ra trên quê hương Nghệ An. Năm 2003, khi đang là Tỉnh ủy viên, Tổng biên tập Báo Nghệ An, Ban thường vụ tỉnh ủy Nghệ An luân chuyển tôi về làm Bí thư huyện ủy Nam Đàn. Về đây, tôi đi nhiều hơn, tìm hiểu nhiều và sâu hơn vùng đất này. Tôi ít khi nói hay gọi một vùng đất nào đó là “địa linh, nhân kiệt”, dù Nam Đàn rất xứng với thành ngữ này, nhưng tôi tin chắc và luôn coi Nam Đàn là vùng đất rất đặc biệt. Những trăn trở, khát khao khám phá về lịch sử, văn hóa, con người, sự tích trên quê hương Nam Đàn của Bác Hồ, quê hương Yên Thành - nơi tôi sinh ra và nhiều nơi khác nữa luôn thôi thúc tôi. Và đương nhiên, nhân vật rất lớn mà tôi muốn nghiên cứu khoa học hay sáng tác văn nghệ là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chắc là anh cũng biết, dân gian ở vùng xứ Nghệ và có thể rộng hơn từ hàng trăm năm nay lưu truyền mấy câu sấm kí được cho là của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm về việc “Nam Đàn sinh thánh”. Sấm kí ấy ứng vào ai? Cụ Phan Bội Châu cũng sinh ra ở đây. Ông là một chí sĩ yêu nước rất nổi tiếng, là bạn văn chương, thế sự thân thiết với thân phụ của Bác là cụ Nguyễn Sinh Sắc và mấy vị trong “Nam Đàn tứ hổ”. Sau này, khi bị chính quyền thực dân Pháp đưa về “an trí” ở Huế, có người hỏi cụ Phan, “thánh” của đất Nam Đàn chắc là nói về cụ, cụ Phan cười mà rằng: “Cuộc đời tôi trăm lần thất bại, không một thành công. Nếu có câu sấm kí ấy, chắc là chỉ Nguyễn Ái Quốc, một bậc tuổi trẻ chí lớn, tài cao”. Nói về Nguyễn Ái Quốc, cụ Phan Châu Trinh, trong một bức thư đề ngày 18/2/1922 gửi từ Marseille cho Nguyễn Ái Quốc đang ở Paris, đã viết: “Thân tôi tựa như chim lồng, cá chậu… Cảnh tôi như hoa sắp tàn, hiềm vì quốc phá gia vong, mà hơi tàn cũng phải gào cho hả, may ra có tỉnh giấc hồn mê”. Cuối thư, cụ Phan Tây Hồ ví Nguyễn Ái Quốc “như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hành, lí thuyết tinh thông…” Những sự kiện lịch sử của đất nước cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, từ các cuộc khởi nghĩa của nông dân, văn thân, sĩ phu yêu nước, đến con đường cứu nước của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đang lâm vào bế tắc, càng cho chúng ta niềm tin rằng, lịch sử đã lựa chọn Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh để trao truyền sứ mệnh giải phóng dân tộc.

Nguồn tư liệu phong phú, cộng với suy nghĩ rằng, đã có rất nhiều người nghiên cứu, sáng tạo văn học, nghệ thuật về Bác (cả trong và ngoài nước), tại sao, mình sinh ra ngay trên mảnh đất quê hương của Bác, lại không viết về Người. Là một nhà nghiên cứu văn hóa, một nhà văn, một người làm chính trị, tôi cũng có những quan điểm của mình đối với các nhân vật lịch sử. Việc “chép sử” thì phải có cái nhìn nghiêm cẩn, không thể bóp méo, xuyên tạc hay bịa đặt. Còn văn chương, loại hình này có tính sáng tạo, có hư cấu, đi được vào nội tâm nhân vật, đem đến cái nhìn mềm mại, uyển chuyển hơn, đó là cơ hội cho nhà văn, nghệ sĩ. Đó cũng là lí do, nguyên cớ (nếu có thể gọi là cơ duyên cũng được) để đưa tôi đến với những sáng tác văn học, nghệ thuật về Bác Hồ.

- Trong các sáng tác của ông về đề tài Bác Hồ, tác phẩm nào để lại cho ông nhiều cảm xúc nhất?

+ Tôi đã có bốn mươi năm sưu tầm, nghiên cứu, tập hợp tư liệu về Bác Hồ. Tôi cũng đã viết báo, rất nhiều bài và làm thơ, dựng sân khấu về Bác và các vĩ nhân, anh hùng như Lý Công Uẩn, Mai Hắc Đế, Phan Đăng Lưu, tiểu đội “Thép” Truông Bồn… Tôi nghĩ, có nhiều nhà văn tài năng, gạo cội, nhưng viết về nhân vật lịch sử, nhất là về Bác Hồ và các lãnh tụ của Đảng thì cùng với tài năng, rất cần phải nhiệt huyết, có tư liệu, có tư duy lịch sử, chính trị, văn hóa. Ngay cả khi có tư liệu đầy đủ, cũng cần xem xét, chọn lọc kĩ lưỡng, nhìn nhận và xử lí sao cho cuối cùng, tác phẩm văn học nghệ thuật không phải là tác phẩm sử học - sử kí, nhà văn không phải là người viết sử, thậm chí là tô sử. Văn chương viết về lịch sử phải chạm đến trái tim con người, phải có sự đằm sâu để sống cùng, sống bền bỉ trong tâm hồn con người. Tôi là người được đào tạo bài bản chính quy về văn học, về chính trị, văn hóa, kể cả thi pháp tiểu thuyết và hoạt động nhiều năm trên lĩnh vực này. Tuy vậy, trong lĩnh vực văn học, ngoài thơ, kịch bản sân khấu, nghiên cứu lý luận, phê bình… tôi chưa từng thử sức với ngay cả truyện ngắn, chưa nói đến tiểu thuyết, lại là tiểu thuyết về Bác Hồ, về thời đại Hồ Chí Minh. Bộ tiểu thuyết Nước non vạn dặm (5 tập) là công trình đầu tiên, mang đến cho tôi nhiều cảm xúc và cũng là tác phẩm tôi dành nhiều trí tuệ, tâm huyết nhất trong hành trình viết của mình đến hiện tại. Tôi không nghĩ/ chưa dám nghĩ, sau này, các tác phẩm khác của tôi có thể vượt qua được bộ sách này. Có lẽ khó. Đây là bộ sách của cuộc đời tôi.

Ba tập đầu trong bộ tiểu thuyết Nước non vạn dặm về cuộc đời Bác

- Ông đã suy nghĩ như thế nào khi đặt tên công trình để đời của mình là Nước non vạn dặm và tên của từng tập?

+ Lúc đầu tôi định viết ba tập. Khi ra mắt tập 1 rồi, tôi vẫn đinh ninh là mình chỉ có thể viết được đến ba tập. Nhưng rồi tác phẩm đã lên tới năm tập. Nếu nhìn vào tư liệu và những khía cạnh còn lôi cuốn, hấp dẫn tôi trong đề tài Bác Hồ, tôi nghĩ, có thể viết đến hàng chục tập hoặc nhiều hơn. Tuy nhiên, tôi cũng cảm nhận được những chuyển động nhất định trong thị hiếu của bạn đọc, của thời đại. Công chúng hiện nay, tiếp cận thông tin đòi hỏi nhanh, gọn, ngay cả những thông tin thẩm mĩ. Vì thế, trình ra một bộ sách dày quá, chưa hẳn đã là lựa chọn tối ưu cho một dự án nghệ thuật có ý nghĩa như thế này. Tập 1 (Nợ nước non - 2022) tôi dành để viết về tuổi thơ và thời thanh thiếu niên của Bác. Tập 2 (Lênh đênh bốn biển - 2023) viết về 30 năm Bác hoạt động cách mạng ở nước ngoài. Tập 3 (Từ Việt Bắc về Hà Nội - 2024) tập trung vào giai đoạn 1941 - 1945, khi Bác từ nước ngoài về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, giành chính quyền và thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tập 4 (Đường lên Điện Biên - 2025) dựng lại hình tượng Bác Hồ trong 9 năm kháng chiến chống Pháp. Tập 5 (Việt Nam - Hồ Chí Minh - 2025) viết tiếp những năm tháng từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ đến khi Bác mất (1969). Dù bộ tiểu thuyết, về mặt thời gian biên niên, dừng lại ở năm 1969, nhưng sự thật sức sống của nhân vật, tư tưởng, tầm vóc của Bác trường tồn cùng dân tộc. Thế nên, cái tên sách ít nhiều cũng phải mang được tính chất vĩ đại, trường tồn ấy. Giữa nhiều ý nghĩ, tôi chợt nhận ra, Hồ Chí Minh là một lãnh tụ có hành trình, kể cả nghĩa đen và nghĩa bóng, dài bậc nhất so với các nhà lãnh đạo của các nước trên thế giới. Bác ra đi từ Bến Nhà Rồng, đến khắp Á - Âu - Phi - Mĩ Latin… Không ai đi nhiều bằng Bác, nếu là đi bộ thì Bác của ta vô địch luôn. Bác đi bộ trên đất Trung Quốc nhiều hơn, dài hơn, khổ cực hơn bất cứ vị lãnh đạo nào của Trung Quốc, “mặc dù bị trói chân tay”, đi bộ trong thời gian bị giam giữ, bị giải đi qua bao nhiêu nhà tù của Tưởng Giới Thạch trong hơn một năm... Điều đó nói lên hành trình vĩ đại của Bác. Sau khi về nước năm 1941, Bác qua lại biên giới, nhất là đi trên đất Trung Quốc dễ đến cả vạn cây số. Không thể tưởng tượng được! Dĩ nhiên, Bác còn đi lại cả bằng tàu thủy, tàu hỏa và các phương tiện khác… Tôi dùng cái tên Nước non vạn dặm mang ý nghĩa là sự nặng lòng, canh cánh về nước non của Bác suốt vạn dặm bôn ba hoạt động cách mạng. Nhưng, vạn dặm này cũng biểu đạt nghĩa đen về con đường Bác đã đi qua như ta đã nói ở trên.

- Khi viết về Bác Hồ - một nhân vật mang tầm vóc lịch sử và biểu tượng dân tộc - ông lựa chọn cách tiếp cận như thế nào để vừa giữ được chất liệu lịch sử, vừa tạo được chiều sâu nghệ thuật?

+ Bác Hồ vừa là nhân vật lịch sử tầm vóc vĩ đại, vừa là biểu tượng văn hóa và tâm hồn, tâm linh dân tộc. Người là nguồn cảm hứng lớn cho nhiều loại hình nghệ thuật. Vì vậy, nhà văn phải có cách tiếp cận tinh tế, trách nhiệm và sáng tạo. Văn chương viết về lịch sử khác với sử học. Nhà văn không đi lại dấu chân của nhà sử học. Trong lịch sử, Hồ Chí Minh là nhân vật lịch sử. Trong văn học, Hồ Chí Minh là nhân vật văn học. Tôi tiếp cận Bác ở góc độ con người. Muốn vậy, phải đến thật gần Bác, khám phá thế giới nội tâm để thể hiện tốt nhất khía cạnh này. Thay vì tái hiện Bác Hồ bằng lối viết sử học hay tuyên truyền khô cứng, tôi cố gắng khai thác những lát cắt đời thường, những cảm xúc nhân văn, rồi chuyển tải bằng các hình thức nghệ thuật. Qua đó, lịch sử vẫn được tôn trọng - các sự kiện, mốc thời gian, bối cảnh đều chính xác. Nhưng đồng thời, chiều sâu nghệ thuật và cảm xúc cũng được đẩy cao. Thông qua lời ca, câu ví, giai điệu dân gian, hình tượng văn học, người xem không chỉ “biết” mà còn “cảm” được Bác Hồ. Không thần thánh hóa Bác Hồ một cách cứng nhắc, thay vào đó, tôi khắc họa Bác như một người cha, người thầy, người anh, người bạn, người con của dân tộc, với đầy đủ cung bậc cảm xúc: cô đơn, trăn trở, yêu thương, hi sinh, buồn đau, hạnh phúc… Chính điều này khiến hình tượng Bác trở nên gần gũi, sống động, truyền cảm hứng mạnh mẽ hơn là chỉ đơn thuần gây kính phục từ xa. Đưa Bác Hồ về giữa lòng dân, tôi nghĩ đó là một tư duy nhân văn sâu sắc. Thông qua những biện pháp nghệ thuật, những sáng tạo đủ sức mạnh để truyền tải cảm xúc tinh tế, chạm tới tầng sâu văn hóa người Việt, không chỉ tạo chiều sâu nghệ thuật, mà còn khiến hình ảnh Bác Hồ sống động trong tâm trí nhiều thế hệ. Các tác phẩm viết về Bác, không chỉ kể chuyện, mà lồng trong câu chuyện là tư tưởng, hành động và tâm huyết, nỗi âu lo, nỗi đau, niềm hi vọng, hạnh phúc của Bác đối với dân tộc Việt Nam. Nhờ đó, chiều sâu nghệ thuật được nâng lên thành chiều sâu tư tưởng, chạm đến những giá trị lí tưởng cách mạng, đạo đức, văn hóa dân tộc.

- Khi viết về Bác, ông thường tập trung vào những phương diện nào của con người và tâm hồn Bác Hồ?

+ Như đã nói ở trên, tôi tích lũy tư liệu, nghiên cứu về Bác đã bốn mươi năm. Trước cuộc đời vĩ đại của Bác, trước những tư liệu mà tôi có được, tôi gắng đến bên Người một cách gần gũi nhất. Ở đó, tôi nhận ra, Bác rất gần gũi, giản dị, đời thường, không có gì xa vời với cuộc sống của nhân dân, đất nước. Người là một lãnh tụ vĩ đại, nhưng cũng là một người con trong gia đình có cha là Nguyễn Sinh Sắc, mẹ là Hoàng Thị Loan, là em của anh Khiêm, chị Thanh; là đồng chí, đồng đội của nhiều người yêu nước, anh hùng và giản dị… Không phải ngẫu nhiên, nhân dân ta gọi Người là Bác. Đó là tiếng gọi gần gũi, thân thương, trìu mến của nhân dân dành cho người lớn tuổi mà họ tôn kính. Khi viết về Bác, tôi ý thức rõ điều này. Từ cuộc đời hoạt động cách mạng, những năm tháng bôn ba nước ngoài, những hành trình phương Tây - phương Đông gian lao của Bác, cho đến khi Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam…, tôi tập trung vào vấn đề lớn nhất là tư tưởng, tư duy, những suy tư trong sâu thẳm tâm hồn một người dân yêu nước, một lãnh tụ, một người con, một người em, một người bạn, một người đồng chí… Thậm chí, tôi cũng hình dung ra những cô đơn, cô độc của Bác trong nhiều tình huống cách mạng và đời sống, chung và riêng.

- Dường như, khía cạnh đời thường của Bác thu hút nhiều sự chú ý của ông. Nhưng, Bác là một lãnh tụ vĩ đại, một anh hùng giải phóng dân tộc, một danh nhân văn hóa, cái đời thường phải được nhìn nhận, xây dựng hòa quyện một cách tự nhiên trong cái cao cả. Điều gì khiến ông trăn trở nhất khi khắc họa hình tượng Bác Hồ trong văn học nghệ thuật?

+ Khi bắt tay viết tiểu thuyết về Bác, thú thật, tôi cũng khá e dè, nếu không muốn nói là tự ti, e sợ. “Sức vóc” của mình có hạn. Tầm vóc của Bác thì quá vĩ đại. Mặt khác, nhiều người, nhiều loại hình nghệ thuật, cả trong nước và ngoài nước đã viết, đã thể hiện, ngợi ca Bác… Trên lối đi ấy, rõ ràng, mình cần nhìn trước ngó sau, để xem xem, mình đóng góp thêm được điều gì có giá trị vào lịch sử văn học, nghệ thuật về đề tài Bác Hồ.

Tôi luôn nhìn ra, nhìn sang các nhà văn khác, rồi nhìn lại mình, để bước chân vào văn chương nghệ thuật một cách bình tĩnh, khiêm tốn nhưng phải can trường. Thú thực, về tư liệu, tôi đã chuẩn bị được một kho tàng tương đối đồ sộ về Bác. Tôi lại là một người làm khoa học, làm chính trị, làm báo, làm văn, nên có những đặc thù, đôi chỗ, tôi xem đó là thế mạnh để mình nghĩ và viết về Bác thuận lợi hơn. Nhưng, cũng chính những đặc thù đó khiến tôi trăn trở. Phải viết về Bác thế nào trong những góc nhìn (chính trị - văn hóa - nghệ thuật - lịch sử - đời thường - vĩ đại…) và sự đan xen, hòa quyện của những góc nhìn ấy trong một chỉnh thể nghệ thuật?

Viết về Bác cho sâu sắc, giàu cảm xúc, thuyết phục, đằm sâu, chạm vào trái tim, tâm hồn người đọc, vừa không mất đi sự tôn kính cần thiết, vừa không tạo nên cảm giác Bác xa xôi, thần thánh quá… tôi nghĩ không hề dễ chút nào. Tôi phải làm sao đây? Nhưng, như đã nói, những chuẩn bị của tôi về tư liệu, thời gian nung nấu ý tưởng nhiều năm trời, đặc biệt là tình yêu với Bác đã cho tôi can đảm để bước tiếp, dấn thân vào việc viết lách nhọc nhằn nhưng cũng rất tự hào này. Tôi muốn nhắc lại câu thơ của Tố Hữu: Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta/ Ta bỗng lớn ở bên Người một chút. Tôi tâm niệm điều đó khi viết về Bác.

- Theo ông, văn học nghệ thuật hiện nay có đang thiếu hụt những tác phẩm chất lượng cao về đề tài Bác Hồ không? Nếu có, nguyên nhân là gì?

+ Bác Hồ là một đề tài lớn, nhưng không dễ viết. Lịch sử nói về Bác rất nhiều. Nghệ thuật cũng nhiều, ở hầu hết các thể loại (thơ, nhạc, sân khấu, mĩ thuật, múa, điện ảnh, điêu khắc, nhiếp ảnh, văn nghệ dân gian…), trong văn học các dân tộc thiểu số cũng rất phong phú… Thế nhưng, riêng ở tiểu thuyết, tôi lại cảm thấy chưa có nhiều, thậm chí là ít tác phẩm như các thể loại khác. Một số tác phẩm của Sơn Tùng (Búp sen xanh, Bông sen vàng, Từ Làng Sen, Bác về…), Hồ Phương (Cha và con), Hoàng Quảng Uyên (Trông vời cố quốc, Mặt trời Pác Bó, Giải phóng), Nguyễn Thế Quang (Khúc hát những dòng sông)… sự thực chưa phải là nhiều. Tôi chỉ mới nói đến số lượng. Còn chất lượng, và chất lượng cao, đó lại là vấn đề thuộc về chuyên môn nghệ thuật, đôi khi có sự tham dự của nhiều hệ tiêu chí đánh giá, nên ta cũng chưa thể kết luận ngay được. Một đề tài lớn như đề tài Bác Hồ, cần phải có những thể loại lớn, có thể bao quát được sâu rộng về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đóng góp của Bác. Cùng với đó, cần phải có thêm nhiều tác phẩm, khai thác nhiều khía cạnh khác nữa. Về nguyên nhân thiếu hụt (như anh nói), tôi nghĩ viết được tiểu thuyết đã khó; viết tiểu thuyết về Bác lại còn khó hơn rất nhiều. Đề tài khó, thể loại khó, lại có nhiều người sáng tạo ở các thể loại - loại hình khác, có lẽ là những yếu tố sẽ làm cho người viết tiểu thuyết e dè. Bản thân tôi cũng không nghĩ mình sẽ đi vào địa hạt này của văn chương. Nhiều năm qua, tôi thấy mình hiện diện ở mảng sân khấu nhiều hơn (hiện nay tôi đã có 8 vở sân khấu: Chuyện tình Khau Vai, Mai Hắc Đế, Hừng đông, Hoa lửa Truông Bồn, Huyền thoại Gò Rồng Ấp, Thầy Ba Đợi, Ngàn năm mây trắng, Nợ nước non…) Tôi cũng muốn dựng sân khấu bộ Nước non vạn dặm (vở Nợ nước non cũng là một phần từ tập 1 của bộ tiểu thuyết), nhưng quả thật sẽ cần nhiều cố gắng để có thể biến dự định ấy thành hiện thực. Cũng có một khó khăn, có thể xem là nguyên nhân dẫn đến người viết tiểu thuyết về Bác còn e dè, đó là tư liệu. Tư liệu về Bác đã nhiều, rất nhiều, nhưng chắc vẫn chưa đủ. Trong sự bộn bề ấy, nhà tiểu thuyết phải làm sao để có thể có được tư liệu, thời gian, điều kiện vật chất để đi sưu tầm, nghiên cứu, rồi còn suy nghĩ để lựa chọn hướng tiếp cận, xác định cái mới, cái giá trị mà tác phẩm của mình đóng góp vào việc xây dựng hình tượng nghệ thuật Hồ Chí Minh… Không dễ tí nào. Đấy là chưa kể, có nguyên nhân đến từ những sử liệu không thể bàn cãi, không thể “hư cấu” về Bác. Vừa phải tôn trọng tính chính xác của sử liệu, vừa phải xây dựng được hình tượng - thế giới nghệ thuật thoát ra những “quản chế” của sử liệu, đó là điều thách thức bất kì người viết nào.

- Sự sống vận động không ngừng. Hình tượng, giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng sẽ vận động trong những điều kiện mới để tiếp tục trường tồn cùng dân tộc. Theo ông, trách nhiệm của người nghệ sĩ trong việc giữ gìn, phát huy và làm sống động hình tượng Bác Hồ trong lòng nhân dân hôm nay là gì?

+ Tôi cứ chân thành nghĩ và nói thế này, giữ hình tượng Bác Hồ không phải là giữ một tượng đài, mà là giữ một ngọn lửa. Một ngọn lửa đã từng sưởi ấm cả một dân tộc trong đêm dài nô lệ. Một ngọn lửa đã từng dẫn đường cho hàng triệu người Việt Nam vượt qua chia li, khổ đau, mất mát trong máu lửa chiến tranh. Ngọn lửa ấy tên là niềm tin, lòng yêu nước, ý chí tự cường và tình thương không biên giới. Hôm nay, khi đất nước bước sang những khúc quanh mới - hòa bình, hội nhập, phát triển nhưng cũng nhiều thử thách - thì trách nhiệm của người nghệ sĩ là làm sao để ngọn lửa ấy ngày càng sáng, càng ấm. Chúng ta phải làm cho Bác sống bằng câu chữ, giai điệu, hình ảnh, sân khấu, phim ảnh, mạng xã hội… với những cảm xúc chân thật nhất. Nhưng muốn làm được điều đó, trước hết, người nghệ sĩ phải nhìn Bác bằng đôi mắt của sự trung thực và thấu cảm. Không lí tưởng hóa một chiều, mà là dám đi vào chiều sâu con người - một con người giản dị, trăn trở, quyết liệt và đầy tình yêu - thương. Sau đó, bằng tất cả sự sáng tạo và rung động trong tim, chúng ta kể lại câu chuyện về Bác - không phải như một huyền thoại xa xôi, mà như một người ông, một người cha, một người đồng hành đang lặng lẽ dõi theo từng bước chân của đất nước hôm nay. Viết về Bác, hát về Bác, khắc họa Bác, không phải để ngợi ca, mà để thắp lên. Thắp cho thế hệ hôm nay thấy một con đường, một lí tưởng, một niềm tin, rằng sống tử tế, yêu thương con người và cống hiến cho đất nước vẫn luôn là điều đẹp đẽ nhất.

- Là người thử sức với nhiều loại hình nghệ thuật như văn học, sân khấu… về đề tài Bác Hồ, ông có tâm sự nào gửi đến thế hệ người sáng tác trẻ khi muốn khai thác đề tài Bác Hồ?

+ Từ chính cảm nhận, suy tư và thực hành sáng tác của mình, tôi nghĩ rằng cần đến với Bác bằng trái tim chân thành, khối óc tỉnh táo và tinh thần dấn thân tìm hiểu. Đừng sợ cũ, nhưng cũng đừng lặp lại. Viết về Bác là chạm vào một đề tài lớn, thiêng liêng, từng được nhiều thế hệ khai thác. Nhưng điều đó không có nghĩa là không còn điều mới để nói. Mỗi thời đại có cách cảm nhận khác nhau về cùng một con người. Hãy dũng cảm đi tìm “Bác Hồ trong thời đại của mình”. Hiểu Bác là con người trước khi là biểu tượng. Đừng chỉ nhìn Bác như một hình mẫu hoàn hảo để ca ngợi. Hãy tìm hiểu về những nỗi trăn trở, những chọn lựa khó khăn, sự giản dị khiêm nhường, cả sự cô đơn trong tâm hồn của Người. Từ đó, ta sẽ tìm được một hình tượng giàu chiều sâu và gần gũi hơn rất nhiều. Lí tưởng cách mạng, lòng yêu nước, sự hi sinh… nếu chỉ được kể bằng ngôn ngữ khuôn sáo sẽ trở nên khô cứng. Nhưng nếu tác giả kể bằng trải nghiệm sống, bằng cảm xúc riêng, bằng giọng văn, âm nhạc, hình ảnh của thế hệ mình, thì câu chuyện về Bác sẽ gần gũi và lay động hơn bao giờ hết. Tìm trong Bác cái đẹp lặng thầm và nói lên điều thời đại đang cần; có thể không cần nói những điều to tát, nhưng lại có sức sống lạ kì. Một bữa cơm đạm bạc, một lá thư cho thiếu nhi, một chiếc áo sờn vai, một cử chỉ hỏi han người già, trẻ nhỏ, giọt nước mắt rơi trên vầng trán người nữ anh hùng Trần Thị Lý (khi Bác tới thăm bên giường bệnh)… đôi khi chính những điều nhỏ bé ấy lại khiến người ta xúc động và thức tỉnh nhiều nhất.

- Vẫn ở mạch trò chuyện này, ông có thể chia sẻ thêm, việc viết về Bác Hồ ngày nay cần điều chỉnh hay làm mới cách tiếp cận như thế nào để gần gũi hơn với công chúng trẻ, mà vẫn giữ được sự tôn kính cần thiết?

+ Như tôi đã nói, văn chương cần có sự đằm sâu để chạm, lắng vào trái tim con người. Nhưng, con người là con người của hôm nay, trong những điều kiện sống mới, thị hiếu mới, suy nghĩ, cảm xúc cũng có nhiều mới mẻ so với trước đây. Vì thế, cách tiếp cận và xây dựng hình tượng Bác Hồ cũng cần có những chuyển động hợp thời. Ngày nay, lớp trẻ lớn lên trong một thế giới khác xa thời của Bác Hồ. Họ sống nhanh, tiếp cận thông tin qua mạng xã hội và thích những gì sinh động. Vì vậy, để sức sống của Bác Hồ lan tỏa trong lòng thế hệ trẻ, chúng ta cần thay đổi cách kể về Bác - không phải là thay đổi sự thật, mà là thay đổi cách tiếp cận để Bác trở nên gần gũi hơn, dễ cảm hơn, mà vẫn giữ được sự kính trọng. Bác không chỉ là lãnh tụ, mà còn là một con người - một người giản dị, yêu thương, gần gũi. Những câu chuyện nhỏ như Bác tự vá áo, nhường cơm cho anh em, hay chơi đùa với các cháu thiếu nhi đều có thể làm người trẻ cảm động và thấy Bác gần gũi như người ông trong nhà. Hãy kể về Bác bằng giọng nhẹ nhàng, không lên gân, không giáo điều. Người trẻ hôm nay thích học qua hình ảnh, video, podcast ngắn gọn, rõ ràng, chạm vào cảm xúc. Vậy tại sao ta không làm những video ngắn kể chuyện về Bác? Những điều ấy nếu làm đúng, vẫn giữ được sự trang nghiêm mà lại dễ đi vào lòng người. Tư tưởng của Bác - yêu nước, thương người, sống giản dị, học suốt đời, đều là những điều người trẻ cần. Nhưng thay vì giảng dạy khô khan, hãy đưa vào các hoạt động trải nghiệm: một cuộc thi kể chuyện về Bác qua góc nhìn cá nhân, hay một chuyến đi thực tế theo dấu chân Bác. Khi người trẻ được cảm và được làm, họ sẽ nhớ sâu hơn. Tôn kính không có nghĩa là xa cách. Nếu biết kể lại câu chuyện Bác Hồ bằng tình cảm, bằng ngôn ngữ của thời đại, thì Người sẽ là một tấm gương sống động, đi cùng người trẻ trên đường đời.

- Tôi nghĩ, PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, với những góc nhìn vừa của một nhà chính trị, nhà quản lí văn hóa văn nghệ, vừa là của một nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật về Bác Hồ, chắc hẳn có nhiều tâm tư muốn chia sẻ đến thế hệ người viết hôm nay về đề tài Bác Hồ. Ông sẽ nói gì?

+ Tôi không dám khuyên bảo hay nhắn gửi gì mà chỉ chia sẻ những suy tư của mình, trước hết như một người dân Việt Nam yêu kính Bác Hồ, và sau đó như một người làm khoa học, làm chính trị, và là một nhà văn, viết về đề tài Hồ Chí Minh. Trong ngưỡng ấy, tôi nghĩ rằng, viết về Bác Hồ là một hành trình trở về với cội nguồn tinh thần của dân tộc - nơi ý chí tự lực, lòng nhân ái và khát vọng độc lập hòa quyện trong một con người. Nhưng viết về Bác không chỉ là kể lại những điều đã cũ, mà là đối thoại với hiện tại bằng ngọn lửa mà Người từng nhóm lên. Hãy vượt khỏi những công thức mòn sáo, để lắng nghe tiếng Người từ những điều bình dị - một chiếc áo nâu sờn, một bước chân giữa chiến khu, một đêm thức trắng vì dân. Viết với sự tỉnh táo để hiểu Bác không phải là tượng đài, mà là con người - từng giây phút sống và lựa chọn giữa những nghịch lí, những giới hạn, và niềm tin mãnh liệt vào tương lai. Viết về Bác với sự thành kính, không phải để thần thánh hóa, mà để trao truyền, để thế hệ mai sau biết vì sao một con người có thể trở thành linh hồn của cả một dân tộc.

- Xin trân trọng cảm ơn PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ

NGUYỄN THANH TÂM thực hiện

VNQD
Thống kê