Ở dấu mốc kỉ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), nhiều nhân chứng lịch sử đã lần lượt về với "thế giới người hiền", nhiều nhân chứng trưởng thành từ chiến sĩ, cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn đã trở thành các tướng lĩnh giữ trọng trách trong Quân đội... Đó vừa là sự trưởng thành của người chiến sĩ được rèn luyện qua lửa đỏ chiến tranh vừa thể hiện sự lớn mạnh không ngừng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Trên con đường thống nhất non sông ấy, đã có biết bao đồng bào, chiến sĩ ngã xuống, biết bao máu xương đã đổ. Chúng ta phải trả một giá đắt nhưng xứng đáng để có độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng đất nước ngày một đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn.
Ba câu chuyện với ba vị tướng ở những cương vị, chức trách khác nhau trong chiến tranh và trong hoà bình mà VNQĐ giới thiệu trong số tạp chí đặc biệt tháng 4 này như ba nét vẽ, ba nét kí ức về cuộc trường chinh của dân tộc trên con đường thống nhất: Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Phó Chủ nhiệm về chính trị Tổng cục Kỹ thuật; Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp; Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh.
Bài trò chuyện mang tên Ba nét kí ức trên con đường thống nhất sẽ mở đầu Tạp chí Văn nghệ Quân đội số đặc biệt kỉ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt được biết đến là nhà văn của Binh chủng Tăng Thiết giáp, bởi suốt 38 năm quân ngũ của ông đều gắn với binh chủng này và gần như 16 đầu sách mà ông đã xuất bản đều gắn với câu chuyện về những người lính tăng. Một người lính lái xe tăng, khi mới 21 tuổi đã có mặt ở Sài Gòn, trực tiếp chiến đấu trong đội hình xe tăng của Quân giải phóng hùng dũng tiến vào Dinh Độc Lập, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Một nhân chứng lịch sử, nhưng mỗi khi nói về mình, mỗi khi nói về thời khắc trọng đại trong ngày 30/4 ấy, thường khiêm nhường cúi xuống trước sự hi sinh của biết bao đồng đội - những người góp phần chủ yếu làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta.
Trong số đặc biệt này, VNQĐ đã có bài trò chuyện với nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt về những gì ông luôn đau đáu, trăn trở. Bài trò chuyện mang tên Tôi phải viết để cho hậu thế biết thế hệ cha anh mình đã sống, chiến đấu và hi sinh như thế nào.
Phần Văn xuôi được tiếp tục với những tác phẩm, bài viết ấn tượng.
Truyện ngắn Mùa xuân khó quên của Hồ Tĩnh Tâm viết về đoàn cán bộ miền Bắc vào tham gia tiếp quản miền Nam những ngày cuối năm 1974, đầu 1975. Trên chặng đường lịch sử ấy họ đã trải qua muôn vàn gian nan và biết bao kỉ niệm khó quên. Tác phẩm như thước phim quay chậm để tái hiện kí ức về những năm tháng cả nước hướng về miền Nam. Trong không khí chung ấy, còn biết bao câu chuyện riêng, số phận riêng… Có những hi sinh, có những chia sẻ, có những điều bé nhỏ nhưng tất cả đều góp mình vào để làm nên những lớn lao, vĩ đại. Truyện được viết dung dị nhưng đầy cảm xúc lắng đọng.
Ở một chặng khác, nhưng cũng trên con đường hướng về giải phóng non sông, truyện ngắn Nơi xa tiếng súng của Nguyễn Ngọc Lợi lại kể một câu chuyện khác. Trong giai đoạn củng cố lại quân sau một chiến dịch, đơn vị của Bân trú ở một ngôi làng nhỏ. Làng có những con người đáng mến, sẵn sàng yêu thương che chở giúp đỡ bộ đội như mẹ con bà Giới. Và chính từ sự yêu thương ấy mà họ đã đề xuất việc Bân nên tranh thủ nhắn vợ vào đây, bởi từ ngày cưới xong, anh đi biền biệt, hai người chưa kịp có con. Chiến tranh không nói trước được gì. Nhận được thư của Bân, người vợ đã vượt mấy trăm cây số để tìm đến ngôi làng nơi anh đang đóng quân. Thế nhưng chiến tranh lại rẽ chia họ thêm một lần nữa… Truyện để lại nhiều nuối tiếc và mang lại cảm xúc chân thật.
Truyện ngắn Người ở lại của Nguyễn Thị Loan kể câu chuyện về “gã”, một người đặc biệt, sống khép mình dưới chân núi Bà. Sau chiến tranh, “gã” vẫn kiên định ở lại nơi chiến trường xưa. “Trước đây, đã nhiều lần "gã" định bỏ đi. "Gã" đã đi như trốn, nhưng lại hèn nhát không thể đi đâu quá xa được. Cứ mãi quẩn quanh ở chân núi này, vun vén, chăm chút và canh giữ những quá vãng một cách lặng lẽ, cẩn trọng.” Quá khứ trở lại như khắc sâu thêm khoảnh khắc ấy, lúc trận đánh đang vô cùng khốc liệt, đồng đội đang đứng trước sinh tử, chỉ một khoảnh khắc do dự của “gã” vì niềm riêng đã làm nên những ám ảnh, day dứt mãi về sau… Truyện để lại nhiều suy ngẫm sâu xa cho người đọc.
Huy Phạm trở lại với truyện ngắn Đan len lôi cuốn người đọc bởi cách kể chuyện tự nhiên nhưng sâu sắc. Những chi tiết vốn quen thuộc trong cuộc sống nhưng qua cách viết của Huy Phạm trở nên vô cùng thú vị, những khám phá nho nhỏ qua nghệ thuật trở nên vô cùng sống động. Huy Phạm kể những điều bé nhỏ quen thuộc ấy để khắc sâu kí ức, đồng thời và quan trọng hơn, qua đó ta thấy được cách nhìn cuộc sống và thái độ, ứng xử với cuộc sống của nhà văn.
Ghi chép Những dấu chân nơi biển đảo Tây Nam của Vũ Thành Duy ăm ắp cảm xúc, trĩu nặng tâm tư của người cầm bút sau khi anh trở về từ chuyến công tác vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc. Những hòn đảo máu thịt thiêng liêng, những người lính đêm ngày nơi đầu sóng và mênh mông khơi xa như gần lại hơn với bạn đọc mọi miền đất nước qua ghi chép này.
“Kí ức lính” là bài viết Cuộc giao lưu bất ngờ ngày thống nhất của Nguyễn Trọng Luân. Bài viết kể về kí ức của một người lính trong ngày trọng đại 30/4/195. Đó là kí ức đặc biệt bởi ngay đêm hôm đó, những người lính quân giải phóng đã có cuộc giao lưu với thầy trò trường Lê Quý Đôn. Ngôi trường nằm sát ngay dinh Độc Lập…
Nhật ký phóng viên chiến trường xuân 1975 của nhà thơ Anh Ngọc là những dòng nhật ký được ghi trong mùa xuân năm 1975, khi ông cùng một số phóng viên Báo Quân đội nhân dân được cử vào chiến trường miền Nam để theo dõi và phản ánh tình hình chiến sự.
Trận đánh trước ngày giải phóng là bài viết đầy xúc động của Vũ Công Chiến về trận đánh căn cứ Đồng Dù và những đồng đội của ông đã ngã xuống trước ngày toàn thắng.
“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” giới thiệu tác phẩm Cánh đồng của ba của Thu Trân.
Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Vương Cường, Phan Bá Linh, Lê Tuấn Lộc, Đàm Chu Văn, Lê Thuý Bắc, Trần Thế Vinh, Nguyễn Thánh Ngã, Hà Kim Quy, Thái Thuỷ, Trang Thanh, Cao Nguyên Quyền, Nguyễn Vĩnh, Nguyễn Thành Hưởng, Lại Quốc Biểu, Nguyễn Hồng Minh, Nguyễn Xuân Khoát, Phan Văn Ấu, Myo, Mai Tuyết, Mai Xuân Thắng.
Chiến tranh cách mạng và người lính là chủ điểm của phần thơ số này. Đặc biệt là đề tài giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Từ những bài thơ viết về chiến tranh cách mạng và người lính đã vang lên tinh thần vượt qua đau thương, vượt qua mọi khó khăn gian khổ để chiến đấu, chiến thắng kẻ thù, giải phóng quê hương. Sự đa dạng trong giọng điệu, phong cách, đề tài góp phần làm cho trang thơ thêm sinh động, đặc sắc.
“VNQĐ giới thiệu” là chân dung tác giả Vũ Quang Trạch cùng chùm thơ ấn tượng của anh.
“Thơ trong những tập thơ” là bài viết Mơ Nắng... của Nguyễn Thanh Tâm giới thiệu thi Nắng trên bờ gió của Đỗ Văn Nhâm.
Văn học nước ngoài giới thiệu truyện ngắn Nghĩa tình đồng đội của nhà văn Galina Ponomareva do Yến Yến dịch từ nguyên bản tiếng Nga.
Phần Bình luận văn nghệ với sự góp mặt của các tác giả: Triệu Phong, Nguyễn Minh Khiêm, Đặng Bá Tiến, Nguyễn Anh Vũ, Nguyễn Bích Thu, Lê Thị Dương, Phùng Văn Khai, Hoàng Đình Bường, Đỗ Hường.
Tiểu thuyết viết về chiến tranh giai đoạn 1965 - 1975 là một bộ phận máu thịt của văn học chống Mĩ với những thành tựu không thể phủ nhận. Đặt trong tương quan thể loại, tiểu thuyết giai đoạn này đã tái hiện được bức tranh đời sống chiến tranh với quy mô rộng rãi và trên nền cảnh ấy, các nhà văn đồng thời đã khắc họa gương mặt và chân dung con người Việt Nam yêu nước, sống có lí tưởng và hành động quả cảm, kiên cường. Chúng ta cùng bàn luận chủ đề này qua bài viết Tiểu thuyết chiến tranh trong văn học Việt Nam giai đoạn 1965 - 1975.
Trong giai đoạn chiến tranh ác liệt ở miền Nam, kí đã có những thành tựu và đóng góp đáng kể trong loại hình văn xuôi nghệ thuật, làm sống dậy một vùng kí ức hào hùng và bi tráng của cuộc sống và con người bên kia vĩ tuyến 17, đã tỏ rõ sức mạnh của thể loại, là một bộ phận không thể tách rời trong bối cảnh văn học chống Mĩ nói riêng và rộng ra trong tiến trình văn học dân tộc. Bài viết Kí ức chiến tranh trong kí miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 có những khảo sát, luận bàn xoay quanh chủ đề này.
Nội dung các tác phẩm múa giai đoạn trước năm 1975 phản ánh những sự kiện lịch sử của cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Tác phẩm múa dựng nên hình ảnh người chiến sĩ cách mạng tham gia kháng chiến và đấu tranh với kẻ thù xâm lược. Những hiện thực của cuộc chiến tranh, những hi sinh, đau thương, mất mát được phản ánh trong những tác phẩm giai đoạn này tương đối rõ rệt. Bài viết Hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong tác phẩm múa trước 1975 sẽ có những phân tích sâu sắc.
Còn nhiều bài viết hấp dẫn, mang tính phân tích, kiến giải, luận bình về các lĩnh vực của văn học nghệ thuật. Những đề tài cũ được nhìn nhận theo những nghiên cứu mới; những chân dung và tác phẩm được lí giải, phân tích kĩ lưỡng; những câu chuyện, trao đổi về nghề viết sẽ góp phần làm nên sự phong phú cho phần này.
Tạp chí VNQĐ số đặc biệt kỉ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước dày 200 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 10/4/2025. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
VNQĐ Ba nét kí ức trên con đường thống nhất 3. Hồ Tĩnh Tâm Mùa xuân khó quên 17. Vũ Thành Duy Những dấu chân nơi biển đảo Tây Nam 25. Nguyễn Trọng Luân Cuộc giao lưu bất ngờ ngày thống nhất 44. Nguyễn Ngọc Lợi Nơi xa tiếng súng 61. Nguyễn Thị Loan Người ở lại 75. Thu Trân Cánh đồng của ba 85. Anh Ngọc Nhật kí phóng viên chiến trường xuân 1975 94. Lý Hữu Lương - Nguyễn Khắc Nguyệt: Tôi phải viết để cho hậu thế biết thế hệ cha anh mình đã sống, chiến đấu và hi sinh như thế nào 122. Huy Phạm Đan len 131. Vũ Công Chiến Trận đánh trước ngày giải phóng 141.
Thơ
Vương Cường Khi ấy mặt trời chưa lên; Từ chiếc xe tăng cuối cùng; Anh mang về cho em 33. Phan Bá Linh Ngọn lửa chiều mưa; Vùng đất tử; Bâng khuâng chị hát trong chiều 37. Lê Tuấn Lộc Mưa trong rừng đước Cà Mau; Viết bên cầu Hàm Rồng 40. Đàm Chu Văn Trùng phùng; Những cánh sen ở sân bay quốc tế Long Thành 42. Lê Thuý Bắc Lật lá rêu phong; Ở phía chị tôi; Đằng đông đằng tây 49. Trần Thế Vinh Khi nhà thơ về nguồn; Cầm tinh ta ngọn nắng 54. Nguyễn Thánh Ngã Biên giới ngày nắng cạn; Hoa trắng bên tường câm 57. Hà Kim Quy Tháng tư đang trôi; Đôi mắt cánh đồng 59. VNQĐ giới thiệu thơ Vũ Quang Trạch Nhớ về cột cây số; Sóng nước Lòng Tàu; Lặng lẽ mang theo 71. Thái Thủy Tôi đi tìm phía hoàng hôn; Chị tôi 113. Trang Thanh Trường giang lòng mẹ; Về nghe sông kể 115. Cao Nguyên Quyền Vía quê; Cỏ đồng 118. Nguyễn Vĩnh Bạn chờ tôi ở hội Lim; Vườn xuân tôi 120. Nguyễn Thành Hưởng Bài thơ nơi khu tưởng niệm Gạc Ma 152. Lại Quốc Biểu Tri ân 153. Nguyễn Hồng Minh Đồng đội tôi đã ngã xuống nơi này 154. Nguyễn Xuân Khoát Gửi em bài thơ trước khi vào trận đánh 155. Phan Văn Ấu Hoa chuối 156. Myo Những con đường hoa hồng 157. Mai Tuyết Con sóng chiều vỗ mãi tiếng quê hương 158. Mai Xuân Thắng Ngủ ngon giấc xanh 159. Nguyễn Thanh Tâm Mơ Nắng... (Đọc tập thơ Nắng trên bờ gió của Đỗ Văn Nhâm) 160.
Văn học nước ngoài
Galina Ponomareva Nghĩa tình đồng đội (Yến Yến dịch từ nguyên bản tiếng Nga) 147.
Bình luận văn nghệ
Triệu Phong Có một bài ca không bao giờ quên… 102. Nguyễn Minh Khiêm 30 tháng 4 năm 1975 - một tượng đài chiến thắng, một tượng đài thơ 106. Đặng Bá Tiến Một tập bình thơ tâm huyết về hình tượng Hồ Chủ tịch 165. Nguyễn Anh Vũ Tiểu thuyết chiến tranh trong văn học Việt Nam giai đoạn 1965 - 1975 167. Nguyễn Bích Thu Kí ức chiến tranh trong kí miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 171. Lê Thị Dương Chiến tranh trong điện ảnh Việt Nam: Những cách kể mới sau 1975 176. Thanh Hoa Hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong tác phẩm múa trước 1975 182. Phùng Văn Khai Nhà văn Nguyễn Thi - một phác thảo gần 186. Hoàng Đình Bường Âm vang Khúc tráng ca Thành cổ 191 Đỗ Hường Anh hùng, hiện thực và lãng mạn trong Tập đoàn quân kị binh của Isaac Babel 196.
Minh hoạ, ảnh
Bìa 1: Khi chiến tranh đi qua, Tranh của họa sĩ Lê Đức Tùng Minh họa: Nguyễn Vân Chung, Trương Đình Dung, Bùi Quang Đức, Ngô Xuân Khôi, Quốc Thắng, Đặng Tiến, Vũ Đình Tuấn, Lê Anh Vân,...
VNQD