VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Những người không có tên trên tạp chí (MAI NGỮ)

Chủ Nhật, 15/01/2012 21:38
Trong những cuộc họp cùng tất cả anh em cũ và mới của tòa soạn tạp chí Văn nghệ quân đội, nhân một ngày kỷ niệm gì đó, tôi thường để ý thấy thiếu những gương mặt quen thuộc mà tôi hằng gặp xưa kia, những con người chưa bao giờ hoặc chẳng bao giờ có tên tuổi in trên Tạp chí. Vừa rồi, vào cuối tháng 5/2002, nhân dịp Tạp chí được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước và Huân chương Chiến công thời kỳ đổi mới, những người đó cũng không thấy mặt. Đơn giản là vì họ đã qua đời trong vòng hai mươi năm nay, giờ có mời cũng chẳng ai tới được. Mà những người này lại có rất nhiều công lao đóng góp cho tờ Tạp chí hoạt động dù trong chiến tranh hay thời hòa bình, dù trong cơ chế bao cấp hay thời mở cửa. Lúc nào tờ tạp chí Văn nghệ quân đội cũng được in ra đều đặn với số lượng cao nhất nước… vậy mà tên tuổi của họ lại chưa bao giờ được công bố.

Tôi nói về một người: anh Doãn Trung. Suốt bao năm anh gắn bó với tờ báo, sống chết vì nó, trăn trở vì nó. Anh là trưởng ban Trị sự của tạp chí. Công việc của anh là làm sao ra báo được đúng kỳ hạn với số lượng thật cao và nhanh chóng đến tay bạn đọc trong quân đội. Hồi chiến tranh, nhà in sơ tán tận Hòa Bình, mình anh với chiếc xe máy MZ 150 phân khối đưa bài vở từ tòa soạn lên nhà in, đi đêm đi hôm, trời nóng trời rét, rồi ngồi trong nhà in vận động anh em công nhân in nhanh, in sớm để kịp gửi cho phát hành. Số lượng phát hành thời chiến tranh lên tới 90.000 bản, và qua XUNHASABA, tờ tạp chí được ra 22 nước trên thế giới. Con số ấy đáng tự hào cho một tờ tạp chí văn nghệ của quân đội mà chưa có báo nào đạt tới. Thời bao cấp, giấy in không dễ có, phải lên tận Cục Báo chí xin chỉ tiêu giấy, năn nỉ làm sao có được giấy in sớm rồi vận chuyển xuống nhà in, in xong lại đưa về phát hành chuyển đi các đơn vị. Đó là công việc chính của trưởng ban Trị sự. Nhưng với Doãn Trung thì công việc không phải chỉ có thế. Vào dịp những ngày lễ, ngày Tết, anh chạy sang Cục Quân lương, Quân nhu (Tổng cục Hậu cần) xin hàng về chia cho anh em ăn Tết, ăn lễ mà hàng xin không dễ, ai cũng có tiêu chuẩn theo tem phiếu, xin thêm là rất khó, vậy mà anh vẫn kiếm được. Nào đường, nào lương khô 702, nào bánh quy, nào mỳ chính, nào thịt lợn… Rồi anh lên tận nông trường Ba Vì xin bò mổ thịt đem về cho cơ quan. Có năm vào ba mươi Tết, anh em còn chầu chực ở cơ quan đợi Doãn Trung phóng xe lên Ba Vì đem thịt bò về, chờ đến gần giao thừa mới thấy anh Trưởng ban Trị sự vứt thịt xuống cho người khác chia, anh chỉ căn dặn đôi điều rồi phóng xe về nhà còn kịp chuẩn bị Tết cho gia đình. Có năm mỗi người được chia đến 9 kg thịt lợn, làm sao một gia đình có vài ba người ăn hết trong ba ngày Tết, tủ lạnh không có, chúng tôi đành chạy ra Hàng Buồm mua ruột lợn, sămpê đem về nhồi lạp xường suốt đêm, kịp cho thịt khỏi ôi. Còn bánh kẹo với lương khô thì đã có thùng chứa. Doãn Trung chỉ dặn đừng để anh em đơn vị khác biết họ tị nạnh. Nói chung thời bao cấp, có Doãn Trung bao giờ chúng tôi cũng được ăn Tết đàng hoàng…. Doãn Trung nguyên là học viên khóa IV trường Võ bị lục quân Trần Quốc Tuấn, từ bên Trung Quốc về tạp chí. Hồi đầu anh làm biên tập viên dịch tiếng Trung Quốc, đã dịch “Vầng Hồng” và nhiều tác phẩm Trung văn khác ra tiếng Việt. Sau đó, sẵn lòng làm Trị sự cho tạp chí Văn nghệ quân đội. Có anh làm công việc đó, các Tổng biên tập từ Thanh Tịnh đến Vũ Cao đều yên tâm giải quyết chất lượng bài vở. Nhưng Doãn Trung không bao giờ chịu dừng lại ở cái mức đó, anh muốn phát triển tờ tạp chí lên đến đỉnh cao. Nhất là sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, anh lập ra nhiều đề án, trong đó có đề án xây dựng một xí nghiệp gồm tạp chí Văn nghệ quân đội, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, nhà in và phát hành, tất cả cùng sống và làm việc dưới một mái nhà Tổng cục Chính trị. Tất cả những thành phẩm của tạp chí và nhà xuất bản đều được đưa ngay đến nhà in, in xong thì đã có phát hành chuyển xuống các đơn vị và đưa đi các nơi. Nghĩa là các nhà văn và biên tập được nắm từ khâu A đến Z. Tất nhiên đề án ấy chưa được chấp nhận vì chẳng ai dám thực thi nó, bởi ngày đó dù đã thống nhất vẫn nằm trong thời kỳ bao cấp quan liêu, hơn nữa cán bộ cũng chưa ai quen với công việc này… Hồi đó anh Doãn Trung đã có phương án thành lập xây dựng một nhà máy sản xuất giấy trên Đà Lạt và anh đã thu mua nhiều moteur đưa từ Bắc lên Đà Lạt. Doãn Trung là con người năng động, rất năng động, đầu óc chỉ nghĩ đến công việc và công việc, ăn uống không thiết, chỉ chúi đầu vào cái máy tính, tính tính toán toán, bao nhiêu giấy, bao nhiêu công in… Năm nào cũng làm kinh tế phụ (làm lịch tờ và lịch túi) bán cho các nơi thu một số lãi cho tạp chí. Tờ tạp chí hồi đó, cấp trên mới chỉ cho hạch toán từng phần, cao nhất là một nửa. Quyết định đó có vẻ như bó tay bó chân Doãn Trung. Tuy nhiên anh vẫn luôn nghĩ ra công việc để làm nâng cao đời sống cho cán bộ tạp chí và nâng cao chất lượng cho tờ báo tháng của quân đội. Ngay cái ngày được cấp một ngôi nhà ở số 5 - Đặng Thái Thân, quận 5 thành phố Hồ Chí Minh làm trụ sở của chi nhánh tạp chí ở phía Nam, Doãn Trung đã có ý định biến nơi này thành nơi sản xuất trồng trọt và nuôi cá bởi đó là một cơ sở rất rộng, có hai tòa nhà hai tầng hai đầu, có một khu đất rộng ở giữa, lại có một ngôi mả Tầu lù lù chính diện mà đêm đêm ở đó, người ta hương khói mù mịt, đến cổng ra vào cũng nhiều bó hương thắp vọng. Nghe nói khu nhà này xưa kia là khu hành chính của tỉnh Gia Định cũ. Kế hoạch không thành, chi nhánh của tạp chí phải trả lại để chia làm nhà ở cho cán bộ quân khu. Nói chung, đi tới đâu, Doãn Trung cũng có con mắt làm kinh doanh cho cơ quan, có điều thời kỳ đó ít ai nghĩ thấu đáo được như anh. Có thời gian, Doãn Trung không làm trị sự mà phụ trách bộ phận tư liệu của tạp chí, anh cũng lên phương án rất lớn và tỉ mỉ, liên hệ mua về báo chí nước ngoài như Lettes francais, Humanite diaman che hay Temps nouveaux… những loại báo ấy ngày đó rất hiếm và phải có ngoại tệ mạnh mới đặt mua được. Vậy mà Doãn Trung làm được. Hồi năm 1970, chính anh là người tổ chức lớp học tiếng Anh ở cơ quan, mời thầy về giảng dạy, hầu như cán bộ biên tập và sáng tác đều theo học, cho nên sau này anh nào cũng võ vẽ tiếng Anh…

Tất cả hàng họ kiếm thêm: đường, thuốc lá, bia hay thịt… Doãn Trung giao cho hai người là chị Định và anh Mạn. Đó cũng là hai người trong ban Trị sự. Chị Định thì công việc chính là kế toán và thủ quỹ. Chị quyết toán mọi chi tiêu của tờ báo và là người trả nhuận bút cho các cộng tác viên. Đó là một người phụ nữ hiền lành, trên môi lúc nào cũng có sẵn nụ cười độ lượng. Chị vất vả nhất là lúc chia thịt, kẻ nửa cân, người vài ba lạng, phải cân cho đúng đã đành mà miếng thịt nào cũng ngon lành như nhau, đang cân chia, có người đến lĩnh nhuận bút, chị lại rửa tay ra bàn làm việc. Chẳng ai có điều gì chê trách được chị, kể cả các cộng tác viên. Vào năm 60, tôi gặp chị lần đầu, đó là hôm tôi đi với chị Vân Đài đến một nhà quen ở phố Nguyễn Thiếp, thấy phòng ngoài kê chiếc giường to và cả gia đình chị sống tạm ở đó. Chị vốn là Việt kiều từ Côn Minh vừa về nước. Ít ngày sau, chị được vào làm việc ở tạp chí Văn nghệ quân đội, được cấp gian nhà ngay phố Lý Nam Đế. Một người phụ nữ cần cù, chịu khó, coi việc cơ quan hơn việc của nhà mình. Chị vừa là kế toán, vừa là thủ quỹ, vừa thu tiền vừa phát tiền. Việc đó có vẻ như trái khoáy với nguyên tắc tài chính nhưng ở cơ quan tạp chí chúng ta, việc này lại được tiến hành rất gọn ghẽ, chưa bao giờ xảy ra sai sót. Chị Định chuyên việc chia thịt cho anh em, còn những thứ hàng khác như bánh, đường, kẹo, bia hay thuốc lá thì người khác đảm nhiệm, đó là anh Mạn. Anh như quản gia của cơ quan, ăn ngủ ngay phòng làm việc của mình. Nhu yếu phẩm anh Trung giao cho, anh cất ngay vào cái hộp tủ trong tường, ngăn thuốc lá bao giờ cũng bật đèn chống mốc. Hàng họ lấy về, anh chia cho mọi người chu đáo. Ngoài việc ấy, anh Mạn còn hàng tháng sang bên quản lý lĩnh lương cho mọi người, bởi tất cả các cơ quan Tổng cục Chính trị đóng ngoài thành đều đến lĩnh lương ở đó. Anh Mạn là người thay mặt cơ quan sang lĩnh lương rồi về phát cho anh em. Anh vốn ít học lại là nông dân xứ Nghệ rất chi ly và cẩn thận nhưng dù sao vẫn không tránh khỏi sai sót. Có lần tôi thấy anh ngồi thừ trên bàn với cuốn sổ lĩnh lương. Hỏi, anh bảo anh bị lầm mất một khoản, bây giờ chưa biết lấy đâu đập vào cho đủ, một khoản chừng trăm đồng lúc đó. Tôi báo cho anh em rồi mọi người thông cảm gom góp mỗi anh một ít đưa anh để đập vào chỗ thiếu hụt. Vì thế tình thân thiết giữa anh em với anh Mạn giống như một nhà…

Sau năm 1980, nhiều cán bộ của tạp chí chuyển công tác. Tổng biên tập Vũ Cao và Xuân Sách về Nhà xuất bản Hà Nội. Từ Bích Hoàng về nghỉ hưu. Nguyễn Khải và Nguyên Ngọc sang Hội Nhà văn. Hữu Thỉnh về phụ trách báo Văn nghệ. Ngô Thảo và Vương Trí Nhàn sang Hội Sân khấu và Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Nhị Ca chuyển về Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật, số anh em còn lại thấy trống vắng khá nhiều, gần như hết nguồn cán bộ. Hồi ấy Tổng cục Chính trị dựng lên một ban điều hành mới bao gồm ba trung tá phụ trách Phó, Tổng biên tập và ba người này dường như không ai chịu ai. Anh Mạn ngày đó thở dài: “Cùng quê với nhau cả, sao lại không chịu nhau?...” Anh tiếc nuối cho thời kỳ hoàng kim của tờ tạp chí. Rồi anh nghỉ hưu theo chế độ, con người bao năm lăn lộn với quân đội ấy về với cấp chuẩn úy và về thẳng quê ở Nghệ An, tuy rằng anh rất muốn sống ở Hà Nội nơi anh đã sống mấy chục năm, đã từng có đứa con trai đang theo học ở đây. Nhưng chế độ là chế độ, anh đành ra về vùng quê hương cằn cỗi ấy. Ít năm sau, anh lại ra, không phải thăm anh em mà để chữa bệnh, anh mắc căn bệnh hiểm nghèo, bệnh viện trả về gia đình và anh qua đời ở đó…

Anh Doãn Trung cũng qua đời vì căn bệnh máu trắng hiểm nghèo, trước khi anh mất, tôi vào Viện 108 thăm anh, anh còn lạc quan lắm, khoe với tôi anh đang tranh thủ học tiếng Nhật để liên hệ với họ vì gia đình anh đang kinh doanh đàn Óoc gan của Nhật. Con người luôn lạc quan và luôn nghĩ đến công việc sắp làm… Chị Định, người phụ nữ hiền thảo của tạp chí cũng qua đời vì chứng bệnh pakisơn. Thế là cả ba nhân vật tuy không nổi tiếng trên trang giấy, trang sách nhưng đối với chúng tôi họ là những người không thể thiếu được trong thời kỳ khó khăn của tờ tạp chí Văn nghệ quân đội mà bây giờ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Nếu không có những con người “giấu mặt” ấy thì chắc anh em chúng tôi chưa thể viết ra được những tác phẩm đọng lại trong lòng bạn đọc trong và ngoài quân đội…

Tháng 6 – 2002

MAI NGỮ

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)