Quân hàm “lậu”

Thứ Tư, 22/03/2023 00:34

. NGUYỄN ĐIỀN
 

Gần 40 năm sau khi tôi rời mặt trận, ngày 19/8/2019, khi vào Tp. Hồ Chí Minh dự Lễ kỉ niệm 70 năm thành lập Trung đoàn 174, tôi mới được gặp lại anh - Nguyễn Minh Sơn, nguyên Trợ lí cán bộ Trung đoàn 174, hiện là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ti Dược Việt Hà.

Cũng phải nói thêm rằng, ngay sau khi đồng đội tôi trong Tp. Hồ Chí Minh báo tin có cuộc gặp mặt, tôi tức tốc đi xe ca từ Sơn La về Hà Nội, rồi sau đó lên máy bay, bay vào Sài Gòn. Với tôi, đây là cuộc hội ngộ hết sức ý nghĩa. Bởi ở Sơn La, tôi chưa tìm được ai cùng Trung đoàn nhập ngũ trong những năm tháng ấy. Tôi là người Sơn La, nhưng lại nhập ngũ từ trường đại học ở Hà Nội, nên trở thành “người Hà Nội” bất đắc dĩ, nhập ngũ tại Hà Nội rồi vào chiến trường Campuchia. Trong khi bạn bè ở Sơn La thời đó, phần nhiều nhập ngũ và lên chiến đấu tại biên giới phía Bắc.

Cuộc gặp mặt hôm đó thật vui và vô cùng ấm áp. Những người lính 174, sau những năm tháng tham gia chiến đấu trên chiến trường trở về, mỗi người một nơi, mỗi người một hoàn cảnh, từ khắp mọi miền, trong Nam, ngoài Bắc… đều tụ về Nhà khách T78, Quân khu 7. Mấy chục năm rồi, từ những người lính măng tơ năm nào, giờ tất cả đã thành ông, thành bà, những khuôn mặt gig đội Trinh sát của tiểu đoàn, chỉ cho tôi một người đang vui vẻ bắt tay, chào hỏi mọi người. Anh bảo:

- Anh Sơn kìa Điền.

Tôi vẫn chưa biết anh Sơn là ai nên hỏi lại:

- Anh Sơn nào hả anh?

- Anh Sơn cán bộ đó, người phong quân hàm cho mầy đó.

Ôi giời. Giờ thì tôi nhớ rồi. Tháng 4/1980, khi tôi ra Trung đoàn làm thủ tục về nhập học tại Trường Sĩ quan Chỉ huy - Kĩ thuật Tăng (nay là Trường sĩ quan Tăng - Thiết giáp), anh đã “phong lậu” quân hàm cho tôi từ binh nhất lên hạ sĩ. Tôi quên làm sao được. Tôi chỉ không nhớ khuôn mặt anh, bởi lúc đó, thời gian hai anh em gặp nhau để hoàn thành thủ tục chỉ khoảng 15 phút. Vả lại khi đó, một thằng lính trơn, ra gặp cán bộ trung đoàn để khai báo lí lịch… sợ chết khiếp, chỉ sợ sểnh mồm, nhỡ đâu không được về học thì chết. Hơn nữa, thời gian cũng lâu quá rồi. Gần 40 năm chứ đâu có ít, làm sao tôi còn nhớ.

Tôi tiến đến, giơ tay ra bắt tay anh. Rồi nhắc lại kỉ niệm phong quân hàm binh nhất lên hạ sĩ. Anh Sơn nhíu đôi lông mày, rồi như chợt nhớ ra điều từ trong sâu thẳm, anh ôm choàng lấy vai tôi lắc lắc, rồi như nghẹn lại, anh nói:

- Điền phải không em?.... Ừ, lâu quá rồi, chàng hạ sĩ của tôi.

Tôi ôm lấy anh và nước mắt tôi đã rơi. Thật cảm động, bởi được gặp lại người đã vì tôi mà dám làm một điều không được phép trong kỉ luật quân đội.

*

*        *

Cuối tháng 4/1980. Sau trận đánh vào hồ Ampil, đơn vị trở về củng cố lực lượng và tiếp tục chốt ở phum Kh’vav. Ngày ngày, các đại đội vẫn đưa quân lên lùng sục trên những cánh rừng phía tây và phía bắc của phum theo dọc đường biên giới. Một hôm, anh Lưu đi giao ban tiểu đoàn về thông báo:

- Điền ơi, lát nữa mày lên Ban Chỉ huy Tiểu đoàn nhận nhiệm vụ mới nha.

Tôi hỏi anh:

- Nhiệm vụ mới là gì vậy anh?

- Tao cũng không biết, nhưng chắc là xa đơn vị đấy.

Thực sự hồi hộp, bởi đã một lần tôi phải nhận nhiệm vụ như thế. Tháng 3/1979, khi tiểu đoàn đang đứng chân ở Tang Krasang, tỉnh Kampong Thum truy quét tàn quân Pol Pot thì tôi được phân công cùng bảy đồng chí nữa, phần lớn là những người ốm đau, thuộc các đại đội bộ binh tách khỏi đơn vị, đi xây dựng chính quyền giúp bạn. Suốt một tháng tròn, tám thằng lính phải hoạt động độc lập cùng với một chính quyền hoàn toàn mới ở cấp xã, những người mà chúng tôi không hiểu biết về họ bởi sự bất đồng ngôn ngữ.

Ban ngày, chúng tôi tham gia giúp họ ổn định tình hình nhân dân và tiếp nhận sự trình diện của những tên lính Pol Pot bỏ ngũ ra hàng. Ban đêm, chỉ có mấy thằng lính sống giữa cộng đồng không cùng ngôn ngữ, không hiểu họ đang nghĩ gì, không hiểu mối quan hệ giữa họ với những thằng Pot như thế nào, nên hằng đêm cả bọn phải thay nhau gác rất nghiêm túc, bảo vệ nhau trước những toán nhỏ địch luồn vào phum tập kích hoặc lùng sục kiếm lương thực và tìm cách giết hại những cán bộ của chính quyền mới được thành lập... Cảm giác “lạnh lưng” bởi lực lượng quá mỏng và chưa dám tin vào chính quyền bạn khi đó khiến chúng tôi chẳng khi nào ngon giấc. Nhiều đêm chợt nghĩ, nếu giờ mà địch tập kích vào đây thì chỉ có chạy chứ đánh đấm gì. Súng ống vài ba khẩu, làm sao chọi lại được với chúng? Ai cũng mong được trở về đơn vị chiến đấu chứ chẳng ai thích ở một đơn vị độc lập thế này.

Còn hôm nay, nhiệm vụ mới của tôi là gì? Sao cả tiểu đoàn không có ai mà chỉ mình tôi? Cảm giác đó khiến tôi thực sự lo lắng.

Xin phép anh Lưu, tôi khoác khẩu AK đi về hầm Ban Chỉ huy Tiểu đoàn. Đến nơi đã thấy anh Sinh, Tiểu đoàn trưởng đang chờ sẵn, anh vui vẻ gọi tôi vào lán Tiểu đoàn bộ. Rót nước mời rồi thong thả:

- Thế này Điền nhé. Vừa rồi, anh đi họp trên Trung đoàn về, các anh trên Ban Cán bộ thông báo toàn Trung đoàn có 3 đồng chí được về nước học sĩ quan, một học sĩ quan chính trị, một sĩ quan thông tin nhưng ở các tiểu đoàn khác. Tiểu đoàn mình có em được cho về học Trường Sĩ quan Chỉ huy Kĩ thuật Tăng ở Tam Đảo, Vĩnh Phú. Chiến tranh còn dài, quân đội cần những đồng chí có văn hóa, cho đi đào tạo để trở về tiếp tục chỉ huy chiến đấu sau này. Em ra Trung đoàn làm thủ tục rồi khi nào có xe đón thì về.

Một cảm giác thật sự khó tả chợt đến với tôi. Cảm giác thật lạ, bâng khuâng khó nói thành lời. Sung sướng nhưng cũng cảm thấy cô đơn. Tôi cảm thấy con đường từ phía tây Campuchia trở về Tổ quốc sao mà xa vời vợi. Tôi mừng vì được rời xa nơi này, nơi mà hằng ngày hằng giờ phải đối mặt với hiểm nguy và chết chóc. Nhưng tôi buồn, bởi từ đây sẽ phải xa đồng đội, xa những người bạn đã cùng sống, cùng chiến đấu, gắn bó với tôi suốt những tháng năm qua. Tôi cảm thấy cô đơn vì khi trở về cũng lại chỉ một mình trên một con đường mà không có ai bên cạnh. Về Trung đội, báo tin được đi học với anh em, ai cũng mừng, nhưng cũng buồn bởi không còn được cùng tôi đi máy nữa. Anh Lưu nghe tin vui lắm. Anh lệnh cho thằng Cánh lấy thêm hai hộp thịt, tiêu chuẩn ăn của Trung đội còn để dành cho đơn vị ăn tươi, khao tôi đi học. Bữa cơm chia tay thật bịn rịn giữa kẻ đi, người ở…

Hôm sau, từ phum Kh’vav, tôi đi bộ ra Svay Chek, vào Ban Chỉ huy Trung đoàn, gặp anh Sơn ở Ban Cán bộ. Anh Sơn rót nước mời tôi uống, vui vẻ bắt tay, hỏi thăm tôi rồi chìa cho tôi giấy gọi nhập học của Trường Sĩ quan Chỉ huy Kĩ thuật Tăng đã điền sẵn tên tôi.

Lúc viết giấy cung cấp tài chính cho tôi, anh ngước mắt hỏi:

- Cấp bậc?

Tôi trả lời:

- Binh nhất anh ạ.

Anh hơi chùng mắt xuống rồi hỏi tiếp:

- Sao lại binh nhất?

- Thì từ ngày vào Trung đoàn đến nay có ai phong quân hàm cho chúng em lần nào đâu mà chẳng binh nhất. Tiểu đội em có thằng Nguyễn Minh Tiến quân hàm trung sĩ; thằng Nam, thằng Tâm hạ sĩ, còn lại tất cả đều binh nhất. Thông tin thì ít chết, mà nếu thằng Nam có chết, còn 4 - 5 thằng vào trước em cơ, em đâu đã đến lượt.

Câu trả lời của tôi khiến anh Sơn phì cười. Anh cười thật vô tư và sảng khoái. Rồi nhìn thẳng vào mặt tôi, anh nói nhỏ:

- Tao ghi cho mày quân hàm hạ sĩ nha. Ghi thế để về nhận phụ cấp khi học sẽ cao hơn.

Tôi chẳng biết nói gì, chỉ biết cám ơn anh. Từ ngày rời Tổ quốc sang bên này có ai đeo quân hàm đâu mà biết cấp bậc với chức vụ gì. Giờ được về đi học mới lại nhớ mình vẫn đang là binh sĩ. Tôi biết như vậy là trái với quy định của quân đội. Nhưng vì thương lính, thương bọn tôi cứ cặm cụi đánh nhau mà thiệt thòi, chẳng biết kêu đòi quyền lợi, nên anh làm.

Vậy là sau ngày đó, tôi rời mặt trận, xa anh em đồng đội, xa những người bạn đã gắn bó với tôi suốt những tháng ngày đáng sống nhất. Phút chia tay đầy lưu luyến giữa người đi và những người ở lại. Chẳng ai dám hẹn ngày tái ngộ, bởi chiến tranh...

Tháng 5/1980 tôi trở thành học viên Khóa 6, trường Sĩ quan Chỉ huy Kĩ thuật Tăng (nay là trường Sĩ quan Tăng - Thiết giáp). Quân hàm đeo trên ve áo khi nhập học là hạ sĩ và tháng phụ cấp đầu tiên tôi nhận tại Vĩnh Phú ngày đó là 7 đồng, tương đương với 42 điếu thuốc cuộn nhãn hiệu “Con gà béo ngậy”.

*

*         *

Giờ gặp lại anh cùng đồng đội, ấm áp vô cùng. Chúng tôi đã vượt qua cửa ải đau thương, chết chóc. Bao người nằm lại để cho chúng tôi được sống đến hôm nay, trọn vẹn trong vòng tay nhau.

Anh Sơn giờ đã trở thành một doanh nhân thành đạt. Với phẩm chất của một người lính chiến, anh đứng ra thành lập Công ti cổ phần Dược Việt Hà, thu hút hàng trăm đồng đội và con cái họ vào làm việc, góp phần san bớt nỗi đau của những chiến binh sau chiến tranh. Anh thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện, giúp đỡ những thương binh và gia đình liệt sĩ của Sư đoàn; đóng góp vào việc tu sửa các nghĩa trang, làm nhà tình nghĩa cho các gia đình liệt sĩ còn khó khăn; là một “mạnh thường quân”, đóng góp kinh phí xây dựng Đền thờ liệt sĩ Long Khốt (huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, giáp biên giới Việt Nam - Campuchia), nơi có hơn 1000 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174 (Đoàn Cao Bắc Lạng) và hàng trăm người dân Đồng Tháp Mười đã vĩnh viễn nằm lại vùng đất này… Hàng năm, anh là nhà tài trợ chính cho các hoạt động gặp mặt của các thế hệ cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 174. Và dù công việc kinh doanh bận rộn thế nào, trong các cuộc gặp mặt đó anh cũng luôn có mặt để động viên tất cả mọi người…

Nhớ lại lần gặp mặt gần nhất của các cựu chiến binh Trung đoàn 174 ngày 21/8/2022 vừa qua tại huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, khi gặp lại nhau và nhắc lại chuyện cũ, chuyện anh phong “lậu” quân hàm cho tôi, anh lại ôm lấy tôi, vỗ vỗ vào lưng tôi mà nói:

- Chàng hạ sĩ của tôi...

Rồi anh nói thêm:

- Mà sao ngày ấy tao ngốc thế nhỉ. Sao không ghi cho chú em là “thượng sĩ” nhỉ. Thượng sĩ hay hạ sĩ thì cũng có chết ai đâu.

Anh cười. Nụ cười thật sảng khoái, rạng rỡ của một người lính trận đã chiến thắng trở về.

N.Đ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)