Chuyện người lái xe Trường Sơn

Thứ Sáu, 10/03/2023 00:30

. CAO KHOA
 

Một tuần sau khi đi mổ về, gối ông lại sưng lên. Đau lắm. Ông chống gậy tập tễnh đi quanh sân, thấy tôi đến thăm, ông bảo: Phải tập đi cho mềm khớp, nếu không đầu gối sẽ cứng lại và không cử động được. Tôi lấy hai chiếc ghế con đặt lên bậc thềm để hai người ngồi nói chuyện, ông nhăn nhó ngồi xuống rồi nói luôn “Mảnh đạn bằng cái móng tay, khi mổ ra vẫn sáng bóng, một lúc sau thì đen kịt lại. Ngày trước đã lấy ra một mảnh rồi, mảnh này nằm im giờ mới lấy ra được. Trên cánh tay phải còn mấy mảnh nhỏ nữa, mỗi khi thời tiết thay đổi, mạch máu nổi lên, những mảnh đạn trong đó hình như đang di chuyển, đau hết cỡ”.

Ông là Nguyễn Văn Âu ở xóm 3, xã Diễn Tân, Diễn Châu, Nghệ An, gần nhà tôi. Ông kể, mình bị thương ở Nam Lào, không biết thuộc tỉnh nào, vì cánh lái xe chỉ biết từ trạm này đến trạm khác. Núi non trùng điệp, rừng khe bời bời, sau vô lăng cứ thế đi. Lần đó, ông chở hàng vào trạm 41, chuẩn bị vượt qua một quả đồi trọc thì máy bay lao tới bắn từ phía sau, đạn xuyên qua kính găm vào buồng lái, cậu lái phụ chết ngay trên xe, ông bị mảnh bom văng vào chân, tay, vào người. Ông vẫn nhớ khi ấy, sau những tiếng nổ khủng khiếp, những mảnh bom nhỏ bắn tung tóe như tàn lửa trùm lấy mình. Ông cố lái xe vào bên đường, lấy súng bắn ba phát báo động, ngay lập tức, có mấy người cứu thương của đơn vị công binh gần đó đến hiện trường để cấp cứu các ông.

Những kỉ niệm cũ trỗi dậy hình như khiến sự đau đớn của vết mổ trên đầu gối không làm ông bận tâm nữa, câu chuyện về những ngày lái xe Trường Sơn được ông kể say sưa, rành rọt như chuyện mới hôm qua.

Năm 1971, sau thời gian học lái xe ở Ba Vì, ông được điều vào lái cho cung đường khó khăn ác liệt nhất ở phía Tây Trường Sơn. Đại đội xe của ông có 70 chiếc, mỗi khi hành quân trên đường, chiếc nọ phải đi cách chiếc kia một cây số, quãng đường từ trạm này đến trạm khác là 200 cây với đường đèo hiểm trở, vách núi chênh vênh, cây rừng nghiêng ngả. Nhiều đoạn qua ngầm nước ngập bánh xe, phải cài số một và đạp ga cố định, nếu nhả ga nước sẽ vào ống xả và xe chết máy luôn tại chỗ, máy bay đến là trút bom cho nổ tan xe, cháy hàng, tắc đường ngay lập tức. Đi loại Zin 130 của Liên Xô leo núi rất khỏe, bánh đôi nên vượt dốc an toàn, nhưng vì là máy “bán dẫn” hoàn toàn, khi dừng lại, tắt máy rồi thì tần số âm thanh vẫn phát ra, dễ bị máy bay phát hiện. Còn nếu đi loại xe Gaz của Trung Quốc, không lo sóng âm cộng hưởng nhưng bánh đơn, rất dễ lật. Khi xe bị đánh trúng, việc cứu xe cũng phải rất cẩn thận nếu không là bị dính mìn vướng ngay. Loại mìn này được liên kết với nhau bằng những sợi dây lẫn vào môi trường xung quanh rất khó nhận biết. Khi vướng vào một chỗ nào đó, lập tức cả chuỗi mìn nổ liên thanh và có thể sát thương hàng loạt.

Tất cả phải hành quân ban đêm, đèn gầm chỉ chiếu sáng trong cự li 3 mét, xe nào cũng phải đập bỏ kính lái phía trước để lái xe nhìn thấy đường đi. Quanh buồng lái phải lấy nứa môi đập dập ép vào bên ngoài, vừa ngụy trang đề phòng máy bay phát hiện, vừa cản bớt sức công phá của mảnh bom, mảnh đạn văng vào. Hàng hóa chở trên xe cái gì cũng có, lương thực, thực phẩm, súng đạn, quân trang… Ông nói, “sợ nhất là chở xăng và bộc phá. Khi chở bộc phá phải xếp phần dưới sàn xe, chất gạo ở trên để đề phòng trúng đạn. Nhưng nếu đạn bắn chéo, bắn ngang là dính, nổ tan tành luôn. Còn chở bồn xăng, khi bị trúng đạn bốc cháy anh không được dừng xe đột ngột. Vì khi chạy, ngọn lửa tạt về phía sau, nếu dừng lại ngay thì ngọn lửa phản hồi về phía trước, táp vào buồng lái và anh cũng bị thiêu luôn trong đám lửa xăng đó”.

Nghe ông kể chuyện, tôi thấy ông là người dạn dày trận mạc, có nhiều kinh nghiệm chiến trường. Hình ảnh về một Trường Sơn khốc liệt hiện lên mồn một trong tôi. Không thể tưởng tượng nổi làm sao mà những con người nhỏ bé ấy lại có thể chịu đựng và vượt qua bao năm tháng trên những cung đường đầy mưa bom bão đạn đến như vậy.

Thế xe bác trúng đạn, còn các xe khác thì sao? Tôi hỏi. Không sao - ông trả lời luôn. Họ đang ở phía sau cả. Hôm đó ăn cơm sớm, mặt trời chưa tắt nhưng cảm thấy an toàn, chỉ huy ra lệnh lên đường để vượt qua đồi trọc. Xe tôi dẫn đầu đoàn, chưa qua khỏi dốc thì máy bay phát hiện vì những đám bụi bốc lên đỏ ngầu ở phía sau xe. Máy bay phản lực của chúng thường đi hai tốp, mỗi tốp dăm bảy chiếc. Tốp thứ nhất bay thấp, nhả đạn, mình chưa kịp trở tay thì tốp sau hạ độ cao bồi thêm mấy loạt tiếp theo. Chỉ một chút nữa là tôi qua khỏi đồi trọc, vào rừng sẽ an toàn hơn. Thế mà không tránh nổi.

Ông khẽ thở dài, ánh mắt xa xăm.

Năm nay ông đã 70 tuổi, vậy là những mảnh đạn nằm trong người ông suốt 46 năm qua. Khi ông bị thương (1972), giao liên đưa ông lên xuồng rồi men theo vợp sông ra tuyến ngoài. Kết thúc chiến tranh được mươi năm ông mới đi giám định thương tật, được xếp thương binh loại 4/4 (loại thấp nhất). Về quê ông làm đủ nghề để kiếm sống. Hiện tại ông vẫn làm nghề cắt tóc, chữa xe đạp và nhặt những mảnh gỗ vụn từ xưởng mộc của con trai để đóng những chiếc ghế ngồi, mỗi chiếc bán được mươi mười lăm nghìn. Mảnh đạn vẫn còn trong người. Vết thương không nặng lắm, nhưng những năm tháng ông đã trải qua chiến tranh là một vết thương lớn không bao giờ quên được. Trong tâm trạng bùi ngùi nhớ về người đồng đội đã gục xuống trong buồng lái, ông bảo, cậu ấy là lính mới được điều về đơn vị đi phụ cho tôi, lúc ra, sẽ được lái xe không để quen đường quen sá. Vậy mà… ngay trận đầu cậu ấy đã hi sinh. Cậu ấy quê Thanh Hóa, còn trẻ lắm, mới mười tám đôi mươi nói chuyện về con gái vẫn còn đỏ mặt…

Ông dừng lại lau những giọt nước đã ướt nhòe trên mắt rồi nghẹn ngào nói tiếp: Chiến tranh mà. Cậu ấy có được chôn cất tử tế gì đâu, cả đồi trọc toàn đá là đá. Có đào được đâu. Khi vào chiến trường mỗi người được phát một “tấm đắp” để dùng khi ngủ, nếu chết thì lấy tấm đó gói vào để chôn, gọi là “tấm liệm”. Đơn vị thay cho cậu ấy bộ quần áo mới, quấn vào “tấm liệm”, đặt bên đường rồi lấy đá xếp lên thành mộ, rất dễ mối xông hoặc bom đạn lại hất tung rải mỗi nơi một miếng…

C.K

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)