Những cư dân bé nhỏ của thành phố

Thứ Bảy, 12/09/2020 00:02

. TRUNG SĨ

Phựt! Một tiếng động nhẹ. Dưới chụp đèn bàn, con châu chấu từ đâu đáp xuống. Thân xanh cánh nâu lụa, đôi mắt lồi màu tro nhạt trong suốt ngơ ngẩn trong ánh sáng thôi miên. Có lẽ nó mới từ một cánh đồng hay bãi cỏ nào đó gần đây, bị đèn đường dẫn dụ, bay lạc dần đến ngọn đèn đêm này.

Thật là một tối đặc biệt! Vị khách không mời đột ngột đến, kéo theo hoài niệm về những cư dân bé nhỏ từng sống chung với con người trong cái thủ đô lọt giữa vùng sông hồ châu thổ. Hoài niệm thôi, bởi giờ chúng không thấy nữa, không về nữa. Bê tông, nhôm kính, nhựa atsphalt, khói xả xe hơi cùng tốc độ đô thị hóa cực nhanh đã chiếm cứ không gian sống, xua đuổi hoặc tiêu diệt chúng mất rồi.

Minh họa: Lê Anh

Thử điểm lại những cư dân bé nhỏ, từng góp mặt giữa hàng phố xưa nay đã dường như mất tích. Đầu tiên là cà cuống, loài côn trùng hoạt động được cả dưới nước, trên cạn lẫn trên không. Một loại gia vị sống quý hiếm biết bơi lặn, biết bò và biết bay.

Tháng Năm đầu hạ, lũ học trò ôn thi không chịu nổi những căn phòng bức bối, kéo nhau mang sách lên đường Hùng Vương. Dưới mỗi cột đèn cao áp sáng trắng là một nhóm bạn học. Trời khuya, trên đỉnh cột bay rờm rợp các loài côn trùng hiếu sáng. Tham gia vào cuộc vũ hội hoa đăng này có cả những con cà cuống vừa ngoi lên từ hồ Tây, hồ Trúc Bạch trong bộ cánh quê kệch, đôi khi còn dính bùn.

Các gã nhà quê vụng về, xập xòe một lát trong điệu luân vũ lóa mắt. Một hồi chóng mặt, chúng đâm vào bóng đèn, vào thân cột điện sa xuống đường. Ánh sáng kinh thành tự đời nào vẫn luôn là bả độc với những kẻ thật thà mà nhẹ dạ. Lũ học trò buông sách, thi nhau vồ. Mỗi đêm trở trời có thể có cả chục con cà cuống để mai nướng thơm lừng, hành hạ khứu giác cái xóm tập thể nghèo trong hạn kì cạn kiệt phiếu tem cuối tháng.

Chiếc niêu con chưng nước mắm loại hai mặn chát, kết tinh toàn muối hôm nay đã lừng vị bọng cay khêu ra trong sống lưng con cà cuống đực. Lép bép vị béo bùi trứng cà cuống cái nơi tận cùng góc đáy răng khôn. Đời nghèo công chức bao cấp được một ngày thơm, dẫu chết đến đít vẫn còn cay.

Đến bây giờ đủ loại nước mắm hảo hạng của Cát Hải, Nha Trang, Phan Thiết hay Phú Quốc, muốn thêm bọng cà cuống tươi vào nước chấm cho món bánh cuốn Thanh Trì mỏng tang mà dai mướt lại chẳng kiếm đâu ra. Rặt một vị hương cà cuống công nghiệp Thái Lan. Sao khẩu vị đời cứ lệch pha nhau, gây vô duyên và khổ đau đến vậy?

Tiếp đến là giống ve sầu. Mùa tháng năm tháng sáu, Hà Nội sôi lên trong tiếng ve dữ dội, có cảm tưởng cửa kính các đường phố nhiều cây xanh đều rung lên trong tiếng ve cộng hưởng. Chúng kêu làm nhiều đợt, cách nhau chừng mười lăm phút. Giữa các đợt là khoảng lặng chợt đến, làm dăm cô thiếu nữ Hà thành tỉnh luôn sự ngái ngủ trong cơn nắng chuyển mùa đến sớm. Trưa hè thoắt rơi vào miền cô tịch, sự cô tịch càng làm cho cái nóng trở nên bức bối hơn.

Nhưng chẳng phải đợi lâu. Đầu tiên, một con ve cất lên cái giọng vô duyên rè rè ngỡ bị lạc tone, nhưng sau đó vài giây như chỉ chờ có thế, cả triệu con ve thành phố đồng loạt rít lên. Dàn vĩ cầm biết bay chỉ cù cưa một nốt, làm điên đảo buổi trưa mùa hạ. Và cũng chỉ có ve đực với hai cái vè trống ép dọc thân mình mới kêu được. Con ve đã tiên phong mở màn cuộc cách mạng to mồm, được ấp ủ tới nhiều năm ấu trùng nằm gai nếm mật trong lòng đất.

Với âm lượng lên tới 105 decibel như một nghiên cứu, nó chẳng cần đến sắc phong thủ lĩnh. Ve sinh ra để kêu, và số phận sẽ ban cho nó một vài con ve cái. Ái ân gầy rạc xác ve, kêu xong rồi chết. Du ca lãng mạn tưởng chỉ đến thế là cùng. Ca học chiều đi trên đường Phan Đình Phùng, ve đái lỏa tỏa dưới nắng, mát mặt anh học trò lười biếng, trước khi những anh này mơ làm mát mặt cha mẹ, dòng họ trong các kì thi cử rình rập triền miên.

Đó mới chỉ là những cư dân sống trên tầng cao, dưới mặt đất, trong căn phòng lẻ lâu không dọn chẳng thiếu những loài côn trùng có tên trong văn vở các văn nhân tiền bối. Những đêm khó ngủ, nghe cơ-rích cơ-rích tiếng gáy con dế hương cô đơn nơi góc tủ. Tiếng cóc nghiến răng báo hiệu đổi trời đôi khi kèng kẹc xuất hiện dưới gậm giường, nhắc một kì lương chậm đến. Con nhái bén vườn hoang đến thăm, bám dính trên ô cửa kính vỡ trét ma-tít, tò mò nhìn ngắm khắp gian phòng sắp đặt theo phong cách tối thiểu. Gã chủ nhân kiết xác chưa vợ đang trằn trọc trên chiếc giường cá nhân quá rộng, mơ tưởng hão huyền đến pháo nổ rượu hồng một ngày đầu đông sánh vai cùng ý trung nhân giàu nứt đố đổ tường.

Thư thả chậm bước ra ngoài đường, để ý quan sát thì lại gặp thêm nhiều loại dân ngụ cư khác. Chim trời cá nước vẫn sống thân thiện với con người trong thành phố. Cá khổng tước, cá mây chiều còn bơi lội tung tăng trong cống cái. Đàn cá mương lượn lờ dẩu mồm ăn nổi quanh quẩn mấy bè rau muống tía ven sông Tô Lịch. Bãi cỏ vườn sau khu tập thể tạnh buổi mưa rào, gặp đôi con cá rô mề không biết rạch lên từ ngả rãnh nào. Một thành phố xanh thực sự. Buổi sáng, khi nắng mới loe trên những tàn cao cây phố, lũ chào mào lắm điều vội vã đánh rơi những trái nhội chín nâu, đánh rơi cả tiếng hót ban mai xuống vai người bưu tá đi giao báo sớm. Những buổi sương mù giăng sữa, đầu đường Thanh Niên vẫn nghe vít vít vẳng lại tiếng chim sâm cầm vang vọng mặt hồ. Tiếng chim giấu mặt thê lương và sầu thảm, như cảnh báo trước một ngày chia xa sẽ đến dù chẳng ai mong.

Thế rồi chia xa thật! Mới đôi chục năm trôi qua đã chẳng còn thấy bóng dáng những cư dân bé nhỏ ấy nữa. Chào mào ủ rũ trong lồng phủ vải điều, chân cẳng sâm cầm co quắp khẳng khiu trong bình ngâm rượu, nước cống cái, nước sông Tô đen ngầu bốc mùi thối, tiếng rao bán ruốc cam cóc còi xương len lỏi đến từng ngõ phố, và tiếng ve mùa hạ giờ ri rỉ như tiếng khóc đêm. Chỉ còn lũ thạch sùng, muỗi gián lẫn chuột cống, những loài giỏi thích nghi, những vật chủ trung gian truyền bệnh là vẫn bám chặt lấy con người đô thị.

Sức phát triển nóng kinh tế, nhu cầu vật chất, tiêu dùng bất tận cùng thái độ ngạo mạn ăn xổi ở thì của loài người ngộ nhận, vẫn vỗ ngực tự hào là chúa tể muôn loài, đã xua đuổi những người bạn hiền lành chung sống ngày nào. Thiên nhiên bị tàn phá khai thác cạn kiệt đến mức mất cân bằng, bắt đầu nổi giận cảnh báo bằng các hiện tượng cực đoan. Trận sấm sét mưa giông dữ dội mùa đông đêm trừ tịch giữa thủ đô, các trận mưa đá trắng núi trắng đồi vùng núi phía Bắc khi chưa đến tiết xuân phân, cơn hạn mặn nặng nề toác nẻ đất đai ở miền Tây Nam Bộ là những ví dụ nhãn tiền.

Bây giờ lại thêm đại dịch virus Covid-19 nguy hiểm bao phủ toàn cầu, mới sơ sơ đã giết chết mấy chục vạn người... Những tai họa này không tự nhiên mà đến. Trước thiên nhiên vô cùng, kích cỡ hình học cũng như trí tuệ của con người với con siêu vi bé nhỏ không não kia là tương đương. Hãy tỉnh sớm ra mà cân bằng chung sống để cùng phát triển bền vững.

Người đang gõ phím bài này khẽ lùa tay. Con châu chấu búng càng nhảy vút ra khỏi ô cửa, bay mất hút giữa trời đêm. Hẳn nó đang bay về nơi những cư dân bé nhỏ của thành phố này đang lưu vong sinh sống. Hãy bảo chúng đừng trở về nữa! Chẳng việc gì phải sống chung với một loài ích kỉ, đi hai chân, và giết ngâm bất kì một thứ sinh vật nào trong bình quái tửu mà họ coi là thức uống bổ béo trường sinh.


Hà Nội, những ngày cách li thời dịch - Tháng 4 năm 2020
T.S

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)