Nàng thơ trong tranh

Thứ Hai, 12/12/2022 00:37

. CHÂU SA
 

Buổi vẽ thứ hai, mắt Khánh nhìn tôi vẫn chưa hết mơ màng. Lúc đưa nét cọ đầu tiên trên toan, Khánh âu yếm nói:

- Trông Nguyệt giống hệt một nàng thơ.

Lúc bấy giờ tôi gần như đang trần truồng nằm ngả trên ghế dài, tay tì lên má, một mảnh vải hờ hững vắt ngang hông. Tôi ngẩn người ra năm giây, rồi phải kiềm chế lắm mới không bưng mồm cười. Cứ tưởng tình huống sến súa này chỉ có trong mấy phim ngôn tình, thật không ngờ có ngày tôi cũng được vào vai nữ chính.

Căn phòng của Khánh nằm trong một con ngõ nhằng nhịt dây điện và biển quảng cáo, cạnh cái hồ nước xanh mỡ màng. Còn nhớ buổi đầu khi mới đến, tôi đi lại quanh quẩn cái hồ đến ba vòng. Sau bốn năm lăn lộn ở thành phố, tôi đã nghĩ gần như không sự kiện gì có thể làm mình xúc động được nữa. Nhưng lần đầu làm mẫu vẽ khỏa thân lại cho tôi cảm giác hồi hộp kì lạ. Đưa tay vuốt phẳng lại váy, đánh thêm má hồng, tôi thấy tim đập bớt nhanh. Tôi đưa tay nhấn chuông cửa.

Minh họa: Lê Huy Quang

Chỉ một chốc sau tôi đã nghe tiếng chân đi xuống. Khánh lúi húi mở cửa nhường lối cho tôi đi vào. Tôi cười với anh ta và sửa soạn bộ mặt mới cho mình. Với khách, tôi là Quỳnh Cherry, chân dài da trắng, kĩ năng điêu luyện, gợi cảm chết người, tôi là ngọn lửa thiêu đàn ông ra tro. Còn với Khánh, tôi sắm vai Minh Nguyệt sinh viên năm tư, nhỏ nhẹ ngoan hiền trong sáng.

Đường đi vào trong nhà khá tối. Chúng tôi mò mẫm lách qua mấy chiếc xe máy chắn ngang cửa. Lối đi đầy mạt sắt và mùn cưa. Một người đàn ông tóc bạc - mà Khánh bảo là chủ nhà - quay lưng về phía chúng tôi, đang lúi húi hàn một cái cửa sắt. Tôi theo Khánh lên cầu thang bé và dốc, tay vịn đã tróc sơn, mùi ẩm mốc làm tôi nhăn mũi. Cả chục bức tranh trên tường, hoặc đặt tạm bợ trên sofa. Chúng tạo cho tôi ấn tượng dữ dội, hệt như vừa bước vào một góc rừng nhiệt đới gay gắt và tôi bối rối không biết nên bắt đầu nhìn ngắm từ đâu. Những tấm toan trắng, cọ và bảng màu vung vất chẳng có trật tự nào. Tôi tiến thêm mấy bước. Chẳng có gì ở ban công, ngoài một đôi tất trên móc đung đưa vì gió.

Đứng vịn tay lên giá vẽ, Khánh cứ để mặc tôi ngắm nghía căn phòng. Khi tôi quay lại, Khánh nhún vai. “Tôi thoải mái khi sống như này.” Anh ta hơi nhoẻn cười. “Tôi cho là cái đẹp không nhất thiết phải sinh ra từ nơi đẹp đẽ.”

Khánh bảo tôi ngồi xuống ghế, còn anh ngồi trước khung toan. Những ngón tay Khánh thuôn dài, mảnh mai, khoan thai xếp trên đùi. Trước lúc đến tôi đã chuẩn bị tinh thần cởi đồ, nhưng hình như buổi đầu Khánh chỉ muốn nói chuyện. Anh ta hỏi han nhiều kinh khủng. “Tên em là gì? Năm nay bao nhiêu tuổi? Em học trường gì? Em có nhiều thời gian rảnh không…” Tôi thấy sốt ruột. Chỉ là vẽ tranh thôi mà, cần gì tìm hiểu nhau kĩ thế, làm như đang đi xem mắt không bằng. Ngón tay Khánh gẩy nhẹ điếu thuốc. Là Marula, hương bạc hà. Tôi luôn mê mẩn thứ mùi này và suýt nữa đã mở mồm xin anh ta một điếu. Tôi đã phải ngồi yên cả một buổi chiều, tay khép trên đùi, nghe những câu chuyện dài lê thê về mấy cô người mẫu trước đó của anh ta. Rốt cuộc Khánh cũng hỏi tôi muốn vẽ thế nào. Chúng tôi bàn nhau về thời gian làm mẫu.

“Buổi sau bắt đầu nhé Nguyệt!” Tôi gật đầu và chìa tay cho anh ta nắm lấy. Tôi sẽ tới đây, hai lần mỗi tuần.

*

*           *

Khi trở về căn hộ, tôi thấy bó hoa đặt trước cửa, kèm một tấm thiệp màu hồng ghi dòng chữ bay bướm: “Trên mảnh đất cằn cỗi này, em là đóa hoa hồng cuối cùng của đời tôi.” Sến sẩm như này thì chắc chắn là quà của Hân. Lại thêm một anh chàng nào mê nó. Tôi mở cửa, ôm bó hoa đặt lên bàn cho em, Hân vẫn chưa về. Nó bận suốt ngày.

Tôi chưa bao giờ giỏi bằng Hân. Những người sinh ra với năng khiếu đặc biệt, có cái gì đấy để đam mê và sống vì nó. Tôi nghỉ học năm lớp mười. Không như nhiều người học tốt môn này và dở môn kia, tôi học dốt đều tất cả các môn. Bù lại, tôi có vẻ ngoài ưa nhìn với da trắng và thân hình gợi cảm. Mẹ nói cả họ chỉ mình tôi thừa hưởng khuôn mặt đẹp của bà ngoại. Tôi đã rất buồn. Thật ra tôi muốn được thừa hưởng tiền của bà hơn. Là một góa phụ giàu có, bà có nhiều đất đai. Nhưng bà chỉ chia tài sản cho các con trai, bà nói cháu ngoại là cháu người ta, con gái lấy chồng rồi như bát nước đổ. Vậy là chúng tôi chẳng được bà cho xu nào hết.

Là hai đứa con gái, tôi và Hân chưa bao giờ là hi vọng của cả nhà. Dù hai đứa đều xinh xắn ưa nhìn. Hân hát rất hay. Từ nhỏ nó đã quen bám theo tôi mọi lúc. Bố rượu chè suốt ngày, mẹ bận bán hàng ngoài chợ, tôi gần như thay bố mẹ săn sóc Hân từ nhỏ đến lớn. Là con gái lớn trong nhà, tôi sớm được dạy nữ công gia chánh, đi nhẹ nói khẽ cười duyên. Nếu lỡ rửa bát chưa sạch, lỡ lê dép quèn quẹt hoặc nấu nồi cơm hơi nhão thì chết với bố tôi. Ông không nói không rằng, không mắng mỏ một câu, chỉ nhìn chằm chằm tôi, và bất thần ném vào tôi bất kì thứ gì trong tầm tay với. Người tôi và mẹ lúc nào cũng có vết bầm vì những cơn giận vô cớ bố trút lên.

Ngày Hân thi đỗ nhạc viện, hai chị em tôi lên thành phố với hai túi hành lí và trái tim không biết lo sợ. Chúng tôi đi với lời đe của bố, muốn đi học thì tự lo lấy thân. Tôi thuê tạm căn phòng cấp bốn ở ngoại thành cách trường hơn mười cây số. Hân đi học bằng xe bus. Chúng tôi không đủ thời gian làm quen với thành phố. Tôi tự tìm công việc, tự tra đường, tìm các tuyến xe. Chuyện đi lạc tuốt sang quận khác hoặc bắt nhầm chiều xe nhiều không đếm nổi. Một ngày làm việc thật dài mà giấc ngủ thì quá ngắn. Mỗi tối khi thả rơi cơ thể xuống giường, tôi chỉ mong giấc ngủ kéo dài mãi mãi. Tôi làm đủ mọi việc để có tiền. Rửa bát đêm ở quán nhậu, đi phát tờ rơi, làm mẫu make up. Một lần tôi nhận việc lau dọn theo giờ ở căn hộ tầng hai mốt chung cư. Lần đầu tôi đi thang máy. Tôi phải đứng đợi rất lâu, một lão già bụng phệ mới lò dò ra mở cửa. Lão già mặc áo ba lỗ màu trắng, tóc đã muối tiêu. Ban đầu, lão chỉ ngồi trên ghế xem bóng đá khi tôi dọn nhà, những lằn mỡ ở bụng núng nính theo nhịp thở. Tôi chào chú, nhưng lão không chịu, bắt gọi anh xưng em. Lần sau, lão không xem tivi nữa, mà quay sang ngắm nghía tôi đang cúi người lau sàn:

- Em bảo em học nhạc viện hả? Thế em có biết thổi kèn không…

Tôi ngoảnh lại. Lão nháy mắt, cười biến thái.

- Dạ có chứ. Nhà anh có đám ma ạ?

Mặt lão sa sầm. Tôi giơ chân đá đổ xô nước ra sàn, quay lưng về thẳng. Tôi tìm được việc ở quán nướng. Ở quán, tôi quen Diễm. Diễm là gái miền Tây, giọng ngọt lịm, mông phúc hậu, ngực to như quả bưởi. Diễm hay gặp khách ở nhà nghỉ đối diện, xong việc thường khoác tay bồ đi ăn đêm. Một đêm Diễm vừa ra khỏi khách sạn thì ba người phụ nữ ập đến đánh ghen. Gã đàn ông lập tức co giò chạy. Chứng kiến vụ tai nạn nghề nghiệp thảm khốc, chúng tôi không dám can, chỉ xớ rớ đứng nhìn. Đến khi người ta đánh đã tay, bỏ đi, tôi mới dám dìu Diễm về phòng trọ.

Không như vẻ sành điệu bên ngoài, phòng của Diễm bừa bộn khủng khiếp. Tôi dìu Diễm vào giường, Diễm chỉ cho tôi nơi để thuốc. Tôi cẩn thận lau cồn lên các vết trầy, còn Diễm vừa xuýt xoa vừa chăm chú ngó tôi.

- Coi kìa coi kìa. Coi cái mặt đẹp quá chời kìa, đi rửa chén chi cho uổng dzậy cưng. Cái dáng này phải đi làm gái mới xứng.

Tôi ngớ người. Diễm cười khúc khích:

- Sợ gì, chơi đại đi. Cỡ mày làm sugar baby ngon hết biết. Tao giới thiệu daddy cho, nha. Tuần đi mấy lần thôi, mà tháng được chu cấp hơn chục triệu lận. Có người bao nuôi sướng lắm.

Thời gian sau tôi gần như kiệt sức, nhiều hôm ngủ gục ở quán giữa ca làm. Tôi căng thẳng vì Hân đã đến hạn nộp học phí, lưng tôi đau muốn gãy vì rửa bát hàng giờ. Đề xuất của Diễm xem ra không đến nỗi tệ. Tôi không muốn chịu khổ nữa. Tôi quyết định cặp với daddy bây giờ.

*

*          *

Cuối tuần nào Hân cũng đi chơi với người yêu từ sáng tới tối. Chủ nhật nào tôi cũng giặt chăn màn, dọn phòng, pha một cốc cà phê và ra ban công nhìn trời nắng đẹp. Sau khi gặp daddy, tôi đã thuê được căn chung cư mini khá xịn, lại ở gần trung tâm. Tôi không ưa người yêu của Hân, nhưng tôi quen Khánh nhờ người yêu nó. Đó là một bùng binh lòng vòng. Người yêu Hân quen một nhà thơ, nhà thơ lại quen một họa sĩ, nhưng anh này chỉ vẽ tranh phong cảnh với mấy cái bình lọ ngả nghiêng. Nghe nói anh ta pê đê, chỉ thích đàn ông cao to cơ bắp, thấy con gái cởi quần ra là anh ta ngất xỉu. Ngày đầu chưa biết, tôi gọi cho anh ta để nhờ vẽ tranh. Mới nhắc đến chữ “khỏa thân”, anh ta ré lên bằng tông giọng ba quãng tám, chua và chói. Sau khi kìm cơn xúc động, anh ta giới thiệu tôi với bạn của mình, là Khánh bây giờ.

Người yêu của Hân cũng là một trường hợp hiếm có khó tìm, cần phải bảo tồn và trân trọng. Anh ta cũng là một nhà thơ. Nhìn khuôn mặt anh, người ta thấy thấp thoáng nét đau thương của dân tộc bốn nghìn năm lịch sử. Hân khoe người yêu đã có hai cuốn thơ và một trường ca, do anh tự bỏ tiền túi ra in. Ngày ra mắt tôi, anh ta rút túi tặng tôi đủ ba cuốn.

Tôi hỏi, lúa thấy mẹ, mày còn yêu lão làm gì? Hân cãi, anh ấy lãng mạn lắm. Lúc nào gặp em, anh ấy cũng đàn tặng em một bài. Mà toàn là thơ của anh tự phổ thành nhạc. Với lại một nhà thơ sẵn sàng đội mưa đi mua bún ngan cho em chỉ vì em đòi như thế, chị có thấy đáng hãnh diện không?

Tôi bảo, ừ cũng được, nhưng mai kia giỗ họ đừng mang người yêu về ra mắt nhé. Trước bữa ăn, hắn chỉ cần đứng đọc tầm chục bài thơ là các cụ nhà mình hạ đường huyết hết.

Miệng nói vậy, nhưng tôi không quá lo về người yêu Hân. Dù hơi gàn dở khó hiểu, nhưng tôi vẫn nghĩ những người làm việc với chữ nghĩa không thể là người xấu. Chí ít vẫn tốt hơn đủ loại đàn ông tôi gặp trên đời. Tôi chỉ sợ con bé ăn trái cấm quá sớm. Nó còn đang đi học. Tối nào hai đứa đi chơi, tôi cũng dặn Hân, là con gái nhớ giữ mình. Vừa nhanh nhảu vẫy tay chào tôi, nói em biết rồi, biết rồi, thì bóng nó đã mất hút.

*

*         *

Đến buổi vẽ thứ hai, Khánh hỏi một ngày của tôi thế nào. “Em học năm cuối, sáng em đi học, buổi chiều hoặc tối em làm phục vụ ở nhà hàng, tùy ca.” Sống giữa thành phố văn vở, tôi cũng dùng cái văn ấy với Hân, với gia đình. Người ở quê vẫn thật thà ít ngờ vực. Hân đi học từ sáng tới chiều, tôi đi và về lúc nào nó cũng không hay. Bố mẹ không thắc mắc vì sao làm công việc tay chân thôi mà tôi lại kiếm đủ tiền nuôi em đi học. Tôi luôn diễn khá giỏi. Mỗi lần về quê tôi mặc áo phông quần bò giản dị, tóc búi qua loa sau gáy, nhỏ nhẻ một dạ hai vâng. Mấy bà thím trong xóm tranh nhau nhận tôi làm con dâu. Tôi che miệng cười thầm.

Lần đầu cởi quần áo, tôi quyết để lại cho Khánh ấn tượng khó quên. Khánh yên lặng chờ đợi tôi, sau giá vẽ. Tôi chưa bao giờ nắm bắt được Khánh, khuôn mặt anh ta luôn có vẻ điềm tĩnh phẳng lặng, khó đoán vui buồn. Một vạt nắng từ ban công hắt vào chỗ tôi đang đứng. Tôi quay lưng lại, chậm rãi... Áo sơ mi của tôi trắng, đồ lót mỏng manh cũng màu trắng. Bằng cử động nhẹ, chúng trượt qua rãnh lưng, khuỷu tay, hờ hững buông rơi tới gót… Dưới nắng, cả tấm thân mịn màng của tôi như sáng lên. Khi đưa tay tháo dải lụa buộc trên tóc, tôi hơi nghiêng rũ đầu và cổ để tóc bồng bềnh chảy xuống vai. Tôi ngoảnh lại thật chậm như trong mấy phim ngôn tình thường xem, và cắn môi nhìn Khánh. Dáng điệu vừa ngượng ngập, vừa kiêu hãnh của người phụ nữ biết mình có thân thể đẹp. Khánh chăm chú nhìn những cử động của tôi bằng đôi mắt lóe sáng.

Khánh hơi ngẩn người một chốc rồi bảo tôi nằm xuống ghế. Cử chỉ của Khánh lịch sự, ngoài lúc hướng dẫn tạo dáng, anh ta không chạm vào tôi thêm lần nào. Khi đã hài lòng, Khánh quay lại ngồi sau tấm toan, mớ tóc rủ xuống vầng trán cao và cặp mắt sáng. Khánh chăm chú ngắm rất lâu mà chưa bắt đầu, ngón trỏ đập nhè nhẹ trên cọ vẽ. Chỉ chừng nửa giờ sau, mọi háo hức của tôi bay biến. Người hướng ngoại thích di chuyển như tôi, phải nằm bất động suốt buổi quả là cực hình. Người tôi đau mỏi như thể vừa rửa năm mâm bát…

Buổi tối, daddy đi công tác Sài Gòn về, đòi gặp ở khách sạn quen. Tôi không muốn đi vì cả người nhức mỏi, nhưng biết mình không có quyền từ chối. Còn nhớ lần đầu ra mắt daddy, tôi đã được một phen hú hồn vì daddy vừa già, vừa hói. Khi đi thang máy lên phòng, tôi run không kìm nổi, daddy còn tưởng là biểu hiện của sự e lệ, cười hềnh hệch vỗ vai tôi. Tôi chỉ muốn xin, hay là thôi, cho em té, được không? Em không muốn nhớ ngày giỗ của bất kì ai cả.

Rốt cuộc thì daddy không chết, tôi mới là người muốn chết vì đau và hãi hùng. Lần đầu biết đàn ông, còn là với một người xa lạ, tôi gần như ngồi đờ đẫn trên xe suốt đường về. Tôi phảng phất thấy mùi nước bọt dính nhớp trên người vì bị liếm láp từ cổ đến từng ngón chân, cảm giác vừa lạ lẫm vừa ghê tởm. Xiết chặt nắm tiền trong balo, tôi cảm thấy rõ sức nặng của nó trên đùi. Từ ngày ra thành phố, lần đầu tôi mất ngủ. Tôi ngồi trên giường tới khuya, cơ thể căng nhức. Hân đang ngủ, cuộn tròn như con sâu trong kén, hai tay non bé bấu lấy chăn. Tôi chờ đợi ngày Hân trở thành bướm. Chúng tôi vẫn yên ổn ở đây, với tôi như vậy là quá đủ. Tôi đã ngã, nhưng không sao cả, mỗi ngày tôi vẫn có thể nhìn thấy phần đẹp đẽ non nớt của mình, qua gương mặt nó.

Hân học cả sáng lẫn chiều. Những đêm daddy gọi, tôi nói đi làm ca muộn, Hân không cần chờ cửa. Lúc tôi về thì nó đã ngủ say. Tôi tắm và giặt đồ ngay, gột bớt mùi thuốc lá, rượu, nhưng dấu tay đàn ông bấm trên những vùng da thịt sâu kín không cách nào gột nổi. Từ đấy tôi không cho Hân mặc chung đồ, và tìm cách giặt riêng quần áo.

Để cặp được với daddy dài lâu, tôi lên mạng học kĩ năng giường chiếu, tập gym, dưỡng da, trang điểm, ăn mặc. Ngoài tôi ra, daddy còn vài đứa “con nuôi” khác, nhưng tôi vẫn được gọi đến nhiều hơn. Thậm chí daddy còn muốn tranh khỏa thân của tôi treo trong phòng ngủ. “Tìm người vẽ đi. Anh trả giá cao. Mà vẽ nghệ thuật một tí, để anh có hứng trả bài cho con vợ già.”

Nhìn thấy cơ hội kiếm tiền, tôi đồng ý ngay. Tôi bắt đầu đi khảo giá vẽ tranh. Tranh khỏa thân của những tay vẽ nghiệp dư thì trần trụi lộ liễu làm tôi đỏ cả mặt. Cỡ đẹp và nom nghệ thuật một chút thì giá cao, hơn chục triệu, ba chục triệu. Có người còn đòi tôi hẳn sáu chục. Khánh đồng ý vẽ tôi miễn phí, với yêu cầu người mẫu thật trẻ, là sinh viên càng tốt, có vẻ đẹp ngây thơ trong sáng.

Sau buổi vẽ chính thức, tôi mới biết miếng bánh này không dễ ăn, khắp người tôi mỏi nhừ. Đến tối khi làm tình với daddy trên giường, lưng tôi đau như muốn gãy. Tôi tự cười mình mấy năm sống an nhàn, giờ mới khổ một chút đã chịu không nổi. Đã thế daddy còn uống thuốc tráng dương, thời gian lâu như một nghìn năm… Daddy không vừa lòng, chẳng chờ tôi dậy mặc đồ đã bỏ về trước. Tôi nằm ngửa nhìn trần nhà trăng trắng. Tôi không đếm nổi đã nhìn trần nhà bao nhiêu đêm. Sex trở thành thói quen, tuần tự, vô cảm. Tôi vẫn thường kiếm việc gì đấy để làm khi nằm dưới ai đó. Như nhớ lại bảng tuần hoàn hóa học, tính chu kì kinh nguyệt…

*

*         *

Đến buổi vẽ thứ sáu thì tôi cùng Khánh hôn nhau. Hôn kiểu Pháp hẳn hoi. Tôi luôn thích kiểu hôn này, an tâm tận hưởng môi lưỡi Khánh trơn trượt ấm mềm. Mưa đầu hè ảm đạm lạnh lẽo tràn qua cửa sổ mở rộng. Tôi giả vờ run rẩy trong tay Khánh, thầm nghĩ, ái chà, kĩ thuật tốt đấy. Bàn tay nóng rực của Khánh vuốt ve sườn má tôi, mơn man qua cổ, rồi dần xuống ngực. Tôi đẩy Khánh ra, lí nhí nói trong tiếng thở ngập ngừng. “Đừng, anh ơi…”

Tôi không muốn tiến xa hơn với Khánh. Tôi không tin các cử chỉ yêu thương. Tôi từng gặp loại đàn ông vừa ôm hôn vồ vập lúc đầu, xong việc lại quay ngoắt chửi đồ con điếm, mất tiền mà còn không bằng vợ tao. Tôi cũng chẳng buồn, có tiền là được. Tôi hoài nghi mọi thứ. Tôi hoang mang trước sự gắn kết hay trìu mến. Tôi sợ. Bởi tôi biết khi đã yêu và tin ai, nghĩa là đồng thời trao cho người đó khả năng làm tổn thương mình.

Nhiều lần tôi nghĩ quan hệ giữa tôi cùng Khánh là mối quan hệ biện chứng giữa con gà và hạt thóc. Có điều chưa biết ai là thóc hay gà. Tôi đoán Khánh chẳng thật lòng với tôi. Có lẽ anh ta thèm muốn tôi vì vẻ ngoài thơ ngây tôi xây dựng. Nếu biết bản chất tôi thế nào, có khi anh ta đã xách quần chạy bốn hướng. Vì hiểu thấu đàn ông, tôi tự nhủ mình không thể lậm sâu. Qua mấy năm lăn lộn, tôi nhận biết bản chất đàn ông, giống loài bạo liệt muốn chinh phục cả thế giới. Phụ nữ mảnh mai yếu ớt, làm sao tranh đấu nổi. Nhưng chúng tôi vẫn tìm cách có được thế giới này, chỉ bằng việc chinh phục đàn ông.

Cùng buổi chiều, Hân đã chia tay người yêu. Đúng ra là anh nhà thơ chia tay nó. Mưa đầu hạ nhanh đến nhanh đi, ráng chiều hoàng hôn đẹp lộng lẫy. Hai đứa trú mưa trong quán trà, anh ta lẩm nhẩm “mưa đến em đi ngày hoang vắng, làm khát hồn anh em biết chăng…” thì nó lại buột mồm bảo mưa thế này tối ăn lẩu Thái ngon phải biết. Anh ta nhìn nó như nhìn một sinh vật tầm thường thô thiển. Thế là chấm hết một cuộc tình!

*

*           *

Chẳng cần tôi an ủi lâu, Hân gượng dậy rất nhanh sau thất tình đầu đời. Mấy ngày đầu con bé buồn ra mặt, bỏ cả ăn cơm. Nó ngồi thờ thẫn trên giường, loay hoay hát và ghi âm mấy bài thất tình sầu não. Video đăng lên, bỗng dưng trở thành hiện tượng. Giọng hát của Hân được nhiều người thích. Chỉ mấy ngày sau, vài ứng dụng ca nhạc trên mạng đã gọi điện mời nó hát livestream. Một phòng thu âm ngỏ ý muốn nó tới thử giọng. Hân kiếm được công việc đầu tiên trong đời. Con sâu của tôi đang hóa thành bươm bướm lộng lẫy. Tôi mua cho mẹ điện thoại mới, bố mẹ tối nào cũng xem nó hát và mang khoe khắp làng.

Một tháng sau Hân khoe đã yêu một anh nhà mặt phố. Nhưng lần này nó giấu thật kĩ, chưa cho gặp tôi. Hân lấy túi xách của tôi đi chơi với người yêu, đòi mua thêm váy áo để mặc cho xứng đáng. Hân đi sớm về khuya, công việc bận rộn làm nó hay cáu gắt. Những giờ Hân live hay tập hát, tôi phải giữ im lặng tuyệt đối. Lần đầu sau bốn năm bố gọi cho tôi, nói chúng tôi là niềm tự hào của bố. Bố mẹ muốn sửa nhà, chờ Hân tốt nghiệp xong đưa cậu ấm về ra mắt, nhà cửa phải trông tươm tất sáng sủa một tí. Tôi ở thành phố có vẻ kiếm tiền dễ dàng. “Con xem, thu vén thế nào, gửi về nhà mấy chục triệu.” Tôi đứng ở ban công nhìn ra phố rực rỡ ánh đèn. Sau khi tắt điện thoại, tôi còn đứng đó rất lâu.

Giữa những ngày xáo động đó, nơi ở của Khánh thành chỗ trú thân. Tôi mang thêm lọ hoa và hướng dương đến cắm, nom căn phòng có sức sống hơn hẳn. Tôi treo rèm cửa màu xanh để nắng bớt hắt vào phòng. Khánh để mặc tôi tùy tiện bài trí. Xong buổi vẽ, tôi không về ngay mà luôn nấn ná lại. Tôi tham lam cảm giác được quan tâm và tán tỉnh. Chúng tôi kéo ghế ra ban công, uống bia, nghe Khánh hát “chiều nay không có mưa bay” Là nghệ sĩ, nhưng nom Khánh chẳng khác một người bình thường là mấy. Thậm chí đôi khi còn vụng về lơ đãng. Tôi thắc mắc sao Khánh không xăm mình không buộc tóc đuôi gà hay nổi loạn phá cách, Khánh bảo: “Tôi nghĩ trạng thái tốt nhất của nghệ sĩ là sống như người bình thường và sáng tạo ra những thứ bất thường.” Tôi luôn thích nghe Khánh nói, dù nhiều lúc không hiểu hết ý anh. Tôi tận hưởng mọi thứ, ngoài chuyện Khánh kiên quyết không cho tôi xem bức tranh đang vẽ. Khánh nói không bao giờ để người khác thấy sự bộn bề dở dang trong việc anh làm. Khánh chỉ muốn mang bức họa ra khi đã hoàn thành.

Một lần Khánh có bạn vẽ ghé thăm. Kiên cao lớn, râu quai nón, phong trần hoang dại. Không như Khánh từng học qua trường lớp chính quy, Kiên tự hào khoe tôi thành tích thi đại học mĩ thuật bốn lần trượt cả bốn. Suốt buổi đôi mắt Kiên đuổi bám tôi, khen mẫu đẹp, sống động. Anh ta chủ động xin số điện thoại để lần sau mời tôi làm mẫu vẽ. Tôi để ý Khánh hơi cau mày, vẻ không vui thấy rõ. Tôi hiểu, mối nguy của một thằng đàn ông khỏe mạnh hung hăng luôn là một thằng đàn ông khỏe mạnh hung hăng hơn. Không chờ tôi kịp trả lời, Khánh gạt ngay đi: “Nguyệt là sinh viên, không phải mẫu chuyên nghiệp.” Tôi gợn lên cảm giác áy náy. Tôi đã chủ tâm lừa Khánh. Ngay từ đầu Khánh muốn một vẻ đẹp thuần khiết trong trẻo, còn tôi đã quá dạn dày...

Những ngày sau tôi lâm vào trạng thái chán nản. Tôi biết là nên gượng dậy kiếm tiền, nhưng daddy gọi, tôi để mặc chuông đổ không buồn nghe máy. Tôi hỏi ý kiến Diễm. Diễm nói, “Vì muốn tìm nghề khác thì được, chứ đừng vì một thằng đàn ông nào cả. Coi chừng mất cả chì lẫn chài. Ừa tao đang ở quê nè. Tao bỏ mấy tháng rồi. Mày dứt ra sớm cũng hay. Tao nè, đi khách mãi riết quen, có đêm đang ngủ với má, đúng mười giờ tự dưng bật dậy ra gốc cây đứng.” Rồi Diễm cười hi hi.

Tôi quyết định hẹn gặp daddy lần cuối để dứt tình. Hân sắp tốt nghiệp. Tôi cũng tới lúc tìm một con đường khác. Vừa vào phòng daddy đã đẩy ngã tôi, ngả ngớn luồn tay vào váy. “Sao tự dưng gọi anh. Thèm hả?” Tôi nói thẳng:

- Không. Em muốn dừng. Em thích người khác.

Mắt daddy vằn đỏ. Mớ tóc ít ỏi dựng đứng lên. Daddy vung tay giáng cho tôi mấy tát cháy má, vừa đánh vừa rít lên mấy câu chửi rủa kiểu “tráo trở” hay “ăn cháo đá bát”. Tôi choáng người, định quay ngoắt lại nói gì thật cay nghiệt. Chỉ là mối quan hệ làm ăn mua bán, giờ hết muốn rồi, tôi không bán nữa. Thỏa thuận là một - một, nhưng chẳng phải lão đã đưa tôi cho người khác như món hàng. Tôi nghĩ tới những cốc rượu nóng cháy cổ, đến nước tiểu đàn ông tưới đầy mặt mũi bao lần làm tôi nôn thốc. Tôi nghĩ đến bệnh dạ dày mấy năm chữa không khỏi. Tôi khóc.

Lần đầu mất trinh tôi không khóc. Bốn năm không khóc. Daddy hơi bối rối, giọng tự dưng dịu lại. Ô kê, anh cũng thấy chán dần rồi. Chiều anh lần cuối, rồi giải tán, nhé?

Tôi thả người xuống giường mong buổi tối mau qua, nhưng lão già trên tôi hì hục thật lâu. Tôi ngủ quên giữa chừng. Trải qua thời gian mệt mỏi, cơ thể tôi đã tới cực hạn. Giữa khuya khi tỉnh dậy, còn mình tôi nằm trần truồng chơ vơ trên giường khách sạn. Daddy bỏ về tự bao giờ, cửa phòng mở toang, thấp thoáng đốm đỏ lòe của thang máy trong đêm. Tôi mò mẫm trong bóng tối. Ví tiền, quần áo, điện thoại còn nguyên, thật may. Các tin nhắn nảy lên liên tục.

Tôi lướt màn hình trong hoảng loạn. Hàng loạt clip được gửi đi sau lúc tôi ngủ, gửi cho bao nhiêu người trong danh bạ tôi không rõ. Nhìn thoáng qua, tôi nhận ra clip daddy quay tôi mùa đông năm ngoái, trên giường… Tôi đã tưởng mình có trái tim trơ lì. Vậy mà tôi không dám mở từng tin nhắn, không dám xem hết đã gửi những ai. Bố mẹ, nhà thơ, Diễm, Khánh, Hân, rồi ai nữa?

Trả giá của tôi đến quá nhanh, giống đốm lửa cháy lan trên đồng. Ngồi trên taxi, tin nhắn cuộc gọi đổ đến tôi dồn dập. Tôi tắt chuông báo. Tôi không quan tâm người khác, tôi sợ về nhà, sợ nhìn thấy chất vấn thất vọng phẫn nộ của bố mẹ, của Hân. Đường phố bên ngoài thật lạ lẫm, các khuôn mặt người tê dại, mọi thứ đều lạ như ở thế giới khác. Tôi mong mình đang mơ. Tôi cầu ước thời gian lùi lại vài giờ trước, tôi sẽ làm khác, sẽ không ngủ quên, hoặc sẽ dứt khoát xô lão già mà trở về. Hân đang ngủ. Tôi ra ban công thức chờ, vừa sợ hãi vừa đợi mong bình minh mau đến. Vậy mà tới trưa, bố mẹ và Hân vẫn im lặng. Nhìn Hân, tôi cố tìm vẻ ngạc nhiên hay phẫn nộ, nhưng tuyệt không có. Nó tránh nhìn vào mắt tôi. Chưa bao giờ giữa chúng tôi gượng gạo đến mức này. Trong tôi có gì đó vỡ ra. “Mày biết từ bao giờ? Còn bố mẹ…?” Tôi muốn gào lên muốn khóc cười điên dại, chỉ cần nó dám nói. Nhưng nó lách qua tôi, không đáp một lời.

Hân dọn ra khỏi nhà ngay hôm sau để đến sống cùng người yêu. Nó mang theo tất thảy, đồ dùng, quần áo, cả bộ thu âm tôi mua hồi năm nhất. Bố mẹ vẫn không gọi cho tôi lần nào. Tôi đi lang thang khắp thành phố, tạt vào mọi quán cà phê, club, phòng trà, những nơi đông mặt người, để không có cảm giác bị bứt giật ra khỏi đời sống. Tôi ngạc nhiên vì không cảm thấy đau đớn gì lắm, bởi hễ thấy trong người hơi ê ẩm là tôi lao ra phố, nốc bừa cái gì đó. Tôi thường về nhà khi khuya muộn và ngủ như chết đến trưa hôm sau.

Có một người cũng im lặng. Là Khánh. Tôi chờ đợi một phản ứng, một hồi đáp. Thái độ mờ mịt của Khánh như lưỡi dao lơ lửng treo trên đầu. Tôi đợi từng ngày lưỡi dao bổ xuống, để đau đớn một lần. Cuối cùng tôi nhận tin nhắn từ Khánh, vào một buổi trưa. Nội dung chẳng giống tình huống nào tôi từng hình dung: “Tranh vẽ xong rồi. Em đến nhé.”

Tôi chuốt lông mày, tô son đỏ, mặc bộ váy khiêu khích nhất. Mặt nạ đã rơi xuống, tôi không cần phải đóng kịch làm gì. Mặt tôi hẳn phải kiêu hãnh thách thức lắm khi đứng chờ Khánh trước cửa. Khánh dịu dàng vẫy tôi lại, nắm tay dắt vào phòng ngủ. Tôi run rẩy, run hơn ngày đầu biết đàn ông.

Tôi vào phòng ngủ của Khánh. Bức tường sạch sẽ, ga giường trắng muốt, căn phòng đầy gió lộng. Bức họa của tôi ở ngay kia, Khánh chỉ. Trong tranh là nàng thơ. Người thiếu nữ nằm trên ghế, uể oải mơ màng. Một thoáng bâng khuâng sững lại ở đôi mắt, môi hé nụ cười nho nhỏ, mềm mại thanh tân như thể chưa biết buồn đau chút gì. Tôi nhìn đắm bức tranh như nhìn vào phiên bản lạ lùng của chính mình. Bằng những sắc mỏng và lạnh, Khánh đã phủ lên thân hình thiếu nữ vẻ mơ mộng dịu dàng giống như nhìn qua một màn sương. Bức họa hiện hình vẻ đẹp trong trẻo của xác thân, nhưng chỉ tôi biết bên trong đã sớm rữa mục. Tôi chìa điện thoại, mắt đã hơi đỏ. “Anh có thấy…” Khánh lắc đầu. “Tôi không quan tâm những cái đó. Tôi vẽ những gì nhìn thấy ở Nguyệt. Tôi vẽ nàng thơ.”

Mùi sơn hắc. Tôi tiến lại, khao khát muốn gần Khánh mãnh liệt. Lần đầu tôi thèm được ôm ấp, tôi biết những đụng chạm trên da thịt có thể rất tầm thường bản năng, cũng có thể cứu rỗi tâm hồn. Nhưng tôi cũng biết chỉ cần nằm xuống, sẽ nhìn thấy trần nhà trăng trắng. Tôi muốn quên, nhưng chúng vẫn ở đó, trên tôi. Không bôi xóa được. Tôi chưa bao giờ được biết tình yêu, tôi ngần ngại nghi kỵ mọi thứ. Tôi cũng không thể quay về phòng. Lao mình vào cuộc đời hỗn loạn, dìu đỡ người thân, thuê được một mái nhà, tôi tưởng đã có được cả thành phố. Nhưng tất cả đã vỡ. Tôi ngồi trên giường, thật lâu. Chúng tôi đều im lặng. Cuối cùng, vẫn không nói với Khánh một lời, tôi khom người gỡ bức họa ra khỏi giá, ôm nó trong tay.

Rồi chạy ra ngoài trời hun hút gió...

C.S
Trại viết VNQĐ tại QK9 - Cần Thơ tháng 6/2022

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)