Lời hẹn tháng bẩy

Thứ Năm, 12/01/2023 00:19

. NGUYỄN QUỐC HÙNG
 

Lần nào gặp nhau chúng tôi cũng hẹn: “Tháng bẩy nhé!” Chỉ nói thế thôi nhưng chúng tôi biết mình sẽ phải làm gì.

Tháng bẩy, bên dòng sông Lô có thêm “dòng sông” mang sắc xanh áo lính chảy ngược từ dưới xuôi lên phía Hà Giang. “Dòng sông” của những cựu chiến binh tham gia mặt trận Vị Xuyên những năm 1984 - 1989 cùng nhau trở về miền kí ức, trở về thắp một nén nhang cho đồng đội, những người đã hi sinh thân mình giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Sông Lô bây giờ không cuồn cuộn sắc đỏ phù sa như những năm tôi là người chiến sĩ giữ chốt nơi đây. Ngày ấy, đằm mình dưới dòng Lô lên là cả thân mình đỏ rực, lấp lánh hạt phù sa phản chiếu ánh mặt trời. Sông Lô bây giờ không mênh mông, chiều sâu không bí hiểm giống như hơn ba mươi năm trước. Một vài nhà hàng bên bờ bây giờ đã nằm trên dòng chảy ngày xưa.

Minh họa: Tô Chiêm

Bên bờ sông Lô bây giờ không còn hàng cây gạo thẳng tắp, trang nghiêm như người lính đứng canh cho những ngôi mộ liệt sĩ trên những triền đồi được bình yên trong tiếng pháo ì ầm vọng về từ hướng đường biên.

Đâu rồi hiệu sách nhân dân ngày xưa, nơi tôi thường xuyên lui tới trong những ngày ở cứ, ngay đầu ngã tư Nguyễn Trãi - Trần Hưng Đạo, điểm đầu của con đường lên tuyến lửa. Lần nào ở hiệu sách ra, tôi cũng tới đứng trên cầu Yên Biên nhìn hàng tre bên bờ sông Lô và đắm trong nỗi nhớ nhà.

Đâu rồi cửa hàng tuyến lửa, nơi tôi cùng thằng Thuấn quê Nghệ Tĩnh vào mua hai mươi đồng bánh rán khiến các chị mậu dịch viên ngạc nhiên, hai anh ăn hết từng đây á. Không tiêu hết tiền sợ ngày mai không được tiêu nữa, có no cũng phải cố, sợ không xuống được để ăn bánh rán.

Căn nhà nhỏ của bưu điện Hà Giang ngày xưa thì tuyệt nhiên không thể nhận ra ở vị trí nào. Nơi đó, chúng tôi đã gửi không ít những bức thư không dán tem, thay vào đó là dòng chữ trên phong bì “điều kiện lính chốt không có tem, nhờ bưu điện chuyển giùm”. Những bức thư là sợi dây tình cảm của người lính chốt với người thân đã được bưu điện Hà Giang kết nối đều đặn.

Con đường lên biên xưa nhỏ hẹp, lỗ chỗ hố pháo. Bây giờ rộng thênh, phẳng lì. Tôi lắng tai, tìm tiếng sông Lô rì rào ngày xưa mỗi khi qua đây. Chỉ thấy tiếng gió ào ào bên ô cửa xe.

Ngã ba Cửa Tử đây, thung lũng gọi hồn kia. Đỉnh 812 cùng dãy Coóc Nghè lẩn sau sương mù. Cầu Sập, hang Dơi, hang Làng Lò không giống ngày xưa. Không còn bầm dập, tan hoang vì cối pháo cày xới.

Rưng rưng nhìn ngã ba Thanh Thủy. Thấy chân mình bồn chồn muốn chạy, xem còn nhanh như ngày xưa. Ngày xưa qua đây cắm đầu chạy, không kịp nhìn đường dưới chân, không biết có vật cản nào mà mình phải vượt qua. Cây cầu treo vào hang Dơi đến giờ không nhớ nổi khi ấy kết cấu thế nào. Nhưng tôi tìm thấy ánh mắt thất thần của thằng Đạo bên bờ suối Thanh Thủy, thấy thằng Quỳnh chống nạng tập tễnh qua cầu treo vào hang Dơi.

Bước chân thong thả, lần tìm. Vị trí nào mình đã qua. Người lính năm xưa lạc ngay tại nơi hơn ba mươi năm trước mình đã phải gồng mình giành giật sự sống từng giây từng phút.

Tại sông Lô bây giờ không cuộn cuộn sắc đỏ. Tại suối Thanh Thủy không còn sâu như ngày ấy. Tại con suối trong xanh chảy trong lòng hang Làng Lò, hai bên là bờ cát không còn. Tiếc nhất là tầng hai của hang Làng Lò cũng không còn…

Tại ngày ấy đạn pháo tơi bời, có kịp định thần quan sát địa hình địa vật quanh mình đâu. Buổi hành quân hôm ấy, chúng tôi đi từ làng Pinh lên 812 qua Coóc Nghè để vào 1100. Đêm tối mịt mùng, bàn tay giơ trước mặt không thấy. Mưa tầm tã. Cỏ tranh cứa rách da, nước mưa như muối chan vào xót tê mặt. Lần đầu trong đời đi qua đây vậy mà trước mặt, sau lưng mình không thấy ai, không người dẫn lối. Phía đồi bên, những đường đạn đỏ lừ, vặn mình găm vào trời đêm. Tiếng nổ chui sâu xuống lòng đất, ùng ục như mắc nghẹn. Khi nghe thấy tiếng người, dừng lại cũng đúng là nơi tập kết của đơn vị. Tôi gọi đó là linh giác của người lính dẫn đường.

Năm nào cũng thế, tháng bẩy Hà Giang là tháng đi tìm. Những cái ôm và những giọt nước mắt của người lính năm xưa gặp lại nhau sau mấy chục năm. Những chị em đi theo đoàn nói vui mà giọng nghèn nghẹn, phụ nữ xung quanh nhiều mà chẳng anh nào ôm, chỉ thấy đàn ông lao vào ôm nhau rồi khóc. Tại người lính khi đi qua cuộc chiến là lúc sức chịu đựng của con người phải căng ra tới mức tối đa và cảm xúc được đẩy lên tột cùng. Không thể quên được nhau.

Còn mất vô chừng. Hiệu sách nhân dân không còn nhưng những cuốn sách tôi mua ngày ấy vẫn còn tuy đã ố vàng, sờn gáy. Hang Làng Lò còn nhưng không “đẹp” như ngày xưa bởi không còn con suối chảy giữa lòng hang, không còn tầng hai. Những điểm cao trắng màu đá không còn vì màu xanh đã trở lại, phủ đầy. Sông Lô không còn cuồn cuộn sắc đỏ phù sa nhưng bây giờ có thêm “dòng sông” mang sắc xanh áo lính chảy ngược lại vào dịp tháng bẩy. Trở lại bên đài hương 468 nhìn về 772 và 685, tôi nhẩm đếm cái còn cái mất. Bên ấy, đồng đội tôi chưa quy tập được về, tuy đã hơn ba mươi năm nhưng tôi tin vẫn còn. Xương cốt đồng đội tôi đã hóa đá. Đá vun dưới chân cột mốc đường biên. Đá là vĩnh cửu.

Năm nào cũng thế. Tôi đi tìm ba thằng còn lại trong số bốn thằng cõng tôi gần chục cây số mà tới giờ chưa gặp được.

Năm nào cũng thế. Tháng bẩy nhé! Tháng bẩy không lên được Hà Giang trong lòng người lính năm xưa thấy áy náy, thiếu thứ gì đó trong cuộc đời. Hỏi nhau, sao không đi? Lại hẹn, tháng bẩy nhé!

N.Q.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)