. TRUNG SỸ
Mùa khô những năm cuối cuộc chiến biên giới Tây Nam, tình hình chiến sự giữa quân chính phủ Campuchia và quân Khmer Đỏ chùng lại. Tình nguyện quân Việt Nam đang rút dần từng bước theo thỏa thuận với chính phủ Hun Sen. Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc rục rịch đổ bộ, chuẩn bị cho một cuốc tổng tuyển cử. Tiểu đoàn bộ binh số 2 thuộc Mặt trận 779 đang đóng sâu trong rừng núi Santuk, được lệnh rút ra phum Tà Veng gần thị trấn Tang Krasang.
Khỏi phải nói những người lính Việt đã mấy năm ở rừng vui mừng thế nào. Vui nhất là trung sĩ Lâm, biệt danh “Lâm Nhà Bè”, một chàng trai ra đi từ đô thành Sài Gòn. Các anh có hiểu cái cảm giác nhớ xã hội loài người, nhớ thành phố, thậm chí nhớ cả tiếng còi xe hay ánh đèn điện của anh lính phố nó như thế nào không? Phố xa xôi nhớ lắm! Từ những phum sâu trong núi Santuk, muốn ăn được một tô hủ tiếu, uống li cà phê đá, phì phà điếu thuốc thơm ở chợ Tang Krasang, người ta phải đi bộ qua những cánh rừng đầy mìn, xuyên qua những cánh đồng khô cằn, men theo nhánh con sông lờ lờ nước hến gần 25 cây số mới ra được đến chợ.
Minh hoạ: Bùi Quang Đức
Vì nhiệm vụ, có những phân đội vẫn phải băng rừng thông đường ra thị trấn. Đã có nhiều người lính cùng dân bản địa không may, phải để lại một bàn chân ở khu vực này vì những trái mìn 652a của Pol Pot. Những trái mìn nhựa nhỏ như hộp vá ruột xe đạp, được gọi là loại mìn “Xin một chân”, không thể phát hiện bằng máy dò. Tuy nhiên, không vì thế mà những chuyến công tác ra chợ vắng người xung phong, bởi phố trấn ngoài kia thỉnh thoảng vẫn có những chuyến xe từ thành phố quê nhà chạy qua, có cà phê và hủ tiếu. Hương vị hủ tiếu cà phê đời thường thơm lừng át cả mùi chết chóc nguy hiểm. Những người lính in dấu chân của mình lên đúng vết chân của người đi trước để tránh mìn. Thời buổi chiến tranh, trời kêu ai nấy dạ.
Giờ đây tiểu đoàn bộ đóng quân gần ngay đầu cầu Tang Krasang. Từ doanh trại ra đến chợ chỉ chừng dăm trăm mét. Màn đêm buông trên đường. Hàng me lung linh ánh đèn… Nghe bài hát quen từ những cuốn băng cassette ngoài lều chợ vọng về đã đủ rạo rực. Hiện thời quân Khmer Đỏ bị đẩy dạt ra vùng biên. Chiến tranh như tạm ngưng chờ giải pháp hòa bình. Lịch tác chiến thưa nên việc xin phép chỉ huy đơn vị ra thị trấn chơi quá dễ dàng. Những quán cà phê hủ tiếu đông khách, oang oang tiếng thuyết minh phim chưởng Hồng Kông từ các đầu máy video VHS bên Thái Lan mới nhập là những con quỷ tham lam hút tiền lính không biết chán. Sau một tháng xả láng không khí thị thành, nửa năm phụ cấp còm trong rừng không có chỗ tiêu của của anh trung sĩ quèn đội nón ra đi hết sạch.
Tiền hết, nhưng hương cà phê hủ tiếu vẫn thơm váng vất như có chất gây nghiện, nhất là đôi mắt nàng Sol xinh đẹp, con gái bà chủ quán Cây Me làm trung sĩ Lâm nhiều đêm mất ngủ. Sol mới mười bảy tuổi, ngoài việc đi học còn phụ má bán hàng. Anh lính trẻ xa quê cùng cô chủ nhỏ chỉ trao đổi những câu ngắn giao tiếp thông thường, nhưng không hiểu sao ánh mắt họ hay vô tình gặp nhau, càng tránh né lại càng hay đụng. Gương mặt Sol ửng hồng những khi đó, còn Lâm quay đi bối rối mà tim dội lên những nhịp hồi hộp lạ thường. Không biết người ta nói đôi trẻ phải lòng mặt nhau, hay cái sự phải duyên đầu mày cuối mắt là như thế này chăng.
Hết tiền giờ biết sao ta? Khỏi cần biết, cứ ra đó rồi tính. Tóc cắt gọn và quân phục bảnh tỏn, sáng chủ nhật Lâm ra quán sớm dõng dạc kêu tô hủ tiếu, lại thêm li cà phê và gói thuốc Jet. Nỗi nhớ tình yêu mạnh hơn, đánh gục sĩ diện anh lính trẻ. Khi đang yêu người ta không thể giấu ai được. Hương cà phê thơm lừng loang phố chợ, và khuôn mặt Sol hồng hơn vầng mặt trời ướt đẫm đang ngoi trên mặt sông Saen buổi bình minh. Cô suýt đánh đổ li cà phê đang pha trong cái nhìn thấu hiểu của má khi nghe Lâm lúng búng xin thiếu, vì sáng vội ra chợ mà quên mang theo bóp tiền. Má nói nhỏ, đầy bao dung: “Lính làm gì có tiền, muốn hủ tiếu cafe cứ ra đừng ngại. Khi nào có tiền trả cũng được. Má không có đòi đâu’’. Nghe má Sol nói vậy, Lâm vừa ngại vừa cảm động trong nỗi biết ơn chẳng thể nói nên lời.
Nhưng người ta không thể lợi dụng sự hào hiệp để mà ăn thiếu mãi, anh lính đang yêu của chúng ta nghĩ thế. Món nợ lớn dần chưa trả mà phụ cấp quân nhân lại đến chậm. Lâm ngại ra quán, dặn những người đi chợ nếu má Sol hỏi thì nói giùm đang bệnh. Một tuần trôi qua, trong giờ thể thao chiều, anh trung sĩ đang chơi bóng chuyền cùng đồng đội bỗng thấy một chiếc Honda cub 90 dừng lại bên rìa bãi bóng, trên xe là má Sol cùng anh trai của cô. Chết cha! Má vào tận đây để đòi nợ rồi. Chờ hết hiệp, anh trai Sol vẫy tay gọi Lâm ra, vỗ vai cười giòn: “Đau ốm sao bây. Ốm mà mầy đập bóng mạnh như vầy hả”. Lâm lúng túng, ngượng ngập gãi đầu. Má Sol nói nhỏ, rành rẽ như ra lệnh: “Má có đòi bây trả tiền đâu mà giả bệnh không ra nữa. Mai ra ngay không em Sol nó buồn.”
Gần một năm trôi qua, gia đình má Sol cưu mang chăm sóc anh lính xa quê như con cái trong nhà, từ hộp dầu gió, đôi áo thun, chiếc khăn kro ma cho đến những bữa ăn ngon, như để bù lại cho khẩu phần kham khổ của lính chiến. Tình đầu trong sáng, tình yêu không biên giới của đôi trẻ lớn dần trong không khí ấm áp bao bọc của cả gia đình.
Cuối tháng 7/1989, Lâm nhận quyết định giải ngũ. Anh chạy ra nhà má Sol thông báo, nghẹn ngào không nói nên lời. Sol không nói được câu nào, ngồi thất thần, nước mắt giàn giụa. Vẫn biết có một ngày thế này sẽ đến, nhưng lòng đam mê của tuổi trẻ át những toan tính hay nỗi đau khổ trong giờ phút biệt li, trái tim đang yêu biết tính sao đây?
Mọi người lặng đi hồi lâu. Cuối cùng, bà má bảo: “Thằng Lâm ra quân hãy ở lại Tang Krasang làm ăn, rồi má sẽ làm đám cưới cho hai đứa”. Sau một hồi suy nghĩ, Lâm thưa: ‘’Nếu ở lại thì khó cho má con ở Việt Nam. Ba con mất khi con mới 13 tuổi. Con là con trai út. Má đang từng ngày từng giờ mong con trở về. Giờ trước mắt, má cho em theo con cùng về đất Việt thưa chuyện với má con. Con hứa sẽ sớm đưa em trở về thăm ba má và bà con ở Tang Krasang trong một ngày gần nhất”. Má nhìn Sol xót xa như dò hỏi. Sol khẽ gật đầu đồng ý, rồi ôm má lặng lẽ khóc.
Rồi cái ngày những người lính Việt được giải ngũ hồi hương cũng đến. Các cuộc liên hoan chia tay anh em đơn vị còn ở lại, chia tay bà con Tang Krasang bùi ngùi. Buổi tối trước hôm khởi hành, Lâm chạy ra nhà má Sol, chốt lại kế hoạch hành trình. Hai người sẽ không đi cùng chuyến xe đơn vị vì không được phép. Lâm sẽ đi trước, đón Sol tại chợ Kampong Thmo. Hai người đi tách nhau ra để tránh các cặp mắt soi mói, tránh tiếng cho gia đình Sol. Gương mặt hai kẻ đang yêu say đắm vừa hồi hộp vừa lo lắng, nhưng vẫn ngời lên niềm hạnh phúc. Má Sol ngậm ngùi kể: “Vừa có người quen ở Phnom Penh lên xin hỏi và dự tính năm sau sẽ cưới Sol. Nhưng má tin và giao Sol cho con. Chỉ mong hai đứa biết thương yêu nhau, cho dù xảy ra bất cứ điều gì. Ráng về thăm ba má sớm...’’.
Sáng hôm sau, đơn vị điểm danh những người lính hoàn thành nhiệm vụ, được ra quân đợt này. Mọi người bịn rịn chia tay nhau, lần lượt lên xe. Trung sĩ Lâm nhận xong tờ quyết định xuất ngũ, gửi chiếc ba lô nhờ hai người bạn đồng đội cùng thành phố mang về trước rồi lén tụt lại. Kể từ lúc cầm tờ quyết định này, mình không còn là lính nữa. Ba năm quân ngũ chiến trường với hàng chục trận đánh như cuốn phim chớp qua trong một thoáng mơ hồ. Lâm thay đồ civin, bộ quần áo Thái Lan mới mua ở chợ. Trông Lâm bây giờ không khác một thanh niên thị trấn bản địa. Trên vai toòng teng chiếc túi mìn claymore đựng mấy thứ đồ thiết yếu, Lâm đủng đỉnh ra lộ 6.
Gần đến đầu phum, anh Nhất cán bộ đơn vị đi tiễn quân về trông thấy. Nhất xông đến chửi um: ‘’Xe chạy rồi, sao mày còn ở đây? Bộ muốn ở lại đánh Pốt nữa hả...?’’ Nhất lôi Lâm xềnh xệch ra giữa lộ vẫy xe xin cho lính mình đi nhờ, đuổi theo đoàn xe chạy trước. Vẫy mãi không xe nào chịu dừng, Nhất liền rút khẩu K54 vẫn nhét sau thắt lưng, cầm tay ra đứng chặn giữa đường. Quả nhiên chiếc xe Kamaz (xe Liên Xô) chở đầy gỗ đang tới liền phanh két. Lâm nhảy vội lên xe, chắp tay xá chào anh Nhất như xá một ân nhân.
Đến điểm hẹn Kampong Thmo, Lâm xin bác tài cho xuống xe. Đoàn xe đưa lính ra quân cũng đang dừng lại ở đây nghỉ. Lâm vừa phải né anh em vừa sốt ruột đợi chờ. Đã quá giờ hẹn, Lâm mòn mỏi nhìn ngược về hướng Tang Krasang, lòng như lửa đốt. Tim bỗng hồi hộp như lạc nhịp khi Lâm thấy bóng dáng hai người con gái chở nhau bằng chiếc xe đạp Thái Lan mỗi lúc một gần. Hi vọng là Sol... Đúng Sol rồi. Sol ra lộ đón đúng lúc xe không chạy nhiều, nên cô phải nhờ người bạn gái thân lấy xe đạp chở đến điểm hẹn giùm.
Chia tay người bạn gái, đôi trẻ đi kiếm xe Honda ôm. Sol ra đi với độc nhất bộ đồ trên người. Lâm có thêm cái túi claymore, bên trong đựng cái áo lính, khăn tắm cùng vài thứ nhỏ gọn thủ thân dọc đường. Người tài xế già chịu chở cặp đôi về thành phố Kampong Cham với giá tương đối rẻ trên chiếc xe Honda cũ kĩ. Chiếc xe chở ba người xuyên qua khu rừng cao su Cham Kaleu. Địa hình này nguy hiểm bởi lính Pol Pot luôn rình rập phục kích xe hậu cần quân đội Việt Nam. Cũng phải liều thôi, với hi vọng sáng nay đã có những đoàn xe qua đây, chắc tuyến đường ít nhiều sẽ được bảo vệ.
Giữa chiều, như trò chơi cút bắt, chiếc xe ôm lại đuổi kịp đoàn xe đơn vị đang đậu tại chợ Kampong Cham. Thanh toán xong cho bác tài, Lâm dẫn Sol vào chợ kiếm mua một bộ đồ mốt mới để mọi người không biết Sol là người Campuchia. Người Việt những năm đó hay sang thành phố này buôn bán nhiều, Sol sẽ lẫn vào giữa họ. Bộ đồ hàng Thái lan rất đẹp, quần lửng màu xanh da trời, áo trắng in hình những ca sĩ nổi tiếng Madona, Carpenter… Khi trả tiền, Sol đưa Lâm một chỉ vàng, bảo má cho để hai đứa làm lộ phí. Sol bảo má biết lính trận như Lâm lấy đâu ra tiền đủ để trang trải dọc đường. Má lo cho như thế là quá chu đáo, nhưng má không biết rằng Lâm đã chuẩn bị tiền trước, và anh em còn ở lại đã dồn phụ cấp cho thêm cũng khá đủ rồi. Đến đây có thể yên tâm đưa Sol nhập lại với anh em lính ra quân. Ở Kampong Chàm chẳng ai biết Sol nữa. Nhưng bất ngờ một anh sĩ quan về phép đi cùng đoàn gọi Lâm lại bảo: ‘’Chúng mày né ngay đi! Coi chừng trung đoàn trưởng thấy là ổng bắt Sol trở lại đó. Đợt này ổng cũng theo xe về nước vài hôm”.
Hoảng hồn, cặp đôi tranh thủ mua vội thêm vài món rồi nhảy xe lôi chạy trước đoàn lính ra quân, về chợ Suông bên kia sông Mekong. Người lính có thể tình nguyện hi sinh nhưng yêu đương lúc này không được phép. Quân lệnh như sơn. Nhưng giờ mình có là lính nữa đâu. Nghĩ thế nên Lâm yên tâm hơn phần nào. Đến Suông, Lâm tranh thủ kiếm tiếp xe để kịp về qua cửa khẩu Sa Mát trong ngày. Bến xe lôi này cũng là bến cuối cùng, gần biên giới được thêm khoảng 14km nữa. Trời ngả chiều muộn. Lâm năn nỉ bác tài, xin trả thêm tiền nhiều nếu chịu chở hai đứa về đến cửa khẩu. Bác tài già không chịu, khuyên hãy ngủ lại một đêm chờ sáng hôm sau đi tiếp. Đường sá sau 18h gần như vắng bóng người. Còn chiến tranh nên người dân rất sợ ra đường khi mặt trời đã lặn. Cặp đôi đành theo xe về nhà bác ngủ nhờ qua đêm.
Bác gái dọn cơm mời hai đứa cùng ăn. Tâm trạng đâu mà ăn nổi. Lâm ngồi thẩn người suy nghĩ mông lung. Bác gái ngạc nhiên vì thấy Sol từ khi vào nhà đến giờ không nói một lời, chỉ có chắp tay chào. Bác hỏi Sol là người Việt hay Campuchia. Cuối cùng Lâm đành nói thật với bác câu chuyện tình yêu của hai đứa. Lâm năn nỉ nhờ bác nói giúp bác trai chở về cửa khẩu ngay trong đêm, nếu không sẽ khó mà qua được trong sáng ngày mai.
Nghe tâm sự, bác gái mủi lòng bảo bác trai: ‘’Ông là người lính từng cầm súng đánh Pol Pot, giúp cho hai đứa đi, coi như ông làm phước dâng chùa vậy.” Mãi cuối cùng, bác trai chịu chở. Sol được mở miệng, chắp tay cảm ơn liên tục. Lâm lấy tiền hậu tạ nhưng bác tài xe ôm dứt khoát chỉ lấy tiền xăng, xuống tay làm phước như lời vợ dặn. Đúng là nhất vợ nhì giời. Bác tài già tốt bụng lượng dung trời bể, tựa tâm Bồ Tát. Lâm lẩm nhẩm khấn thầm: “Chỉ còn 27km nữa thôi là về tới đất Mẹ rồi. Cầu xin trời đất ông bà phù hộ cho chúng con”.
Tiếng động cơ lẻ loi vang động trong đêm. Vài ánh đèn dầu le lói nơi xa xa xóm trại ven đường. Xe về gần tới cửa khẩu, Lâm kêu bác dừng xe, lấy cái áo lính ra mặc, đeo huy hiệu “Vì nghĩa vụ quốc tế” cẩn thận. Chỉnh trang quân phục xong xuôi, đoạn nói: “Bác cứ chạy xe qua trạm gác cửa khẩu Campuchia bình thường. Có gì để cháu giải quyết”. May sao, xe chạy theo cửa nhỏ dành cho xe Honda và xe đạp của dân biên giới qua lại hàng ngày mà không thấy một bóng người. Đến cây cầu cạn nơi con suối chảy qua, gặp ba người lính Campuchia đi tắm, ngồi chơi trên thành cầu. Họ rọi đèn pin hỏi:
- Ai đó? Tối rồi còn đi đâu nữa?
Lâm vừa trả lời, vừa đưa tay chỉ vào chiếc huy hiệu thần thánh đeo trên ngực:
- Tôi là bộ đội Việt Nam, hoàn thành nghĩa vụ giờ trở về nước.
- Còn cô gái là ai?
- Em gái tôi ở Sài gòn qua đón. Giờ về chung với tôi.
Nhìn bộ đồ cùng mái tóc dài của Sol, lính biên phòng phẩy tay cho qua. Lạy giời thế là xong. Về đến cửa khẩu Sa Mát, Lâm xuống xe bắt tay ôm hôn bác tài, cảm ơn và hẹn một ngày không xa gặp lại. Đến cổng barie không thấy anh lính biên phòng nào, chỉ nghe những giọng ca Nam Bắc có đủ, vọng ra từ dãy phòng tắm lộ thiên bên ngoài giếng. Sau một hồi gọi không thấy ai trả lời, hai người tranh thủ qua trạm luôn mà không chờ giải quyết. Đi được hơn nửa cây số đến đoạn đất trống, Lâm thấy từ xa có ánh đèn xe máy chạy từ hướng Tân Biên về. Xe đến gần, người trên xe dừng lại hỏi: ‘’Bên kia về phải không?” Tâm trạng vừa lo vừa hồi hộp, Lâm trả lời ừ hữ cho qua rồi kéo Sol đi tiếp. Lát sau, lính biên phòng chạy hai chiếc Honda đuổi theo, mời hai kẻ khả nghi lên xe chở ngược về đồn cửa khẩu.
Anh lính biên phòng dẫn Lâm vào gặp đồn trưởng. Đồn trưởng ngó lơ, làm như không thấy cái huy hiệu thần thánh trên ngực đã đưa anh trung sĩ của chúng ta qua cửa khẩu Campuchia.
- Anh đi đâu về? Tại sao qua không xuất trình giấy tờ?
- Khi qua có gọi mãi nhưng anh em đang tắm, không thấy ai trả lời. Vậy nên tôi tranh thủ qua trạm để kịp bắt xe về Sài Gòn.
Lâm trình quyết định xuất ngũ. Đồn trưởng xem qua loa, hỏi tiếp:
- Cô gái đi cùng anh là ai?
- Đây là cô em gái gần chỗ đơn vị đóng quân theo tôi về Sài gòn chơi. Tuần sau cô ấy sẽ quay lại - Lâm nói quấy quá.
Đồn trưởng cười lớn, căn dặn lính canh chừng không cho cặp đôi bỏ trốn. Trong đồn bắt đầu bày tiệc. Đồn trưởng quay điện thoại, mời đồn phó cửa khẩu Campuchia qua nhậu. Lát sau, tay đồn phó cửa khẩu bên Cam vè vè chạy xe máy qua. Anh đồn trưởng chỉ tay vào Sol nói: “Cô này con gái Kampong Thom, theo chồng là coong top Việt Nam về không có giấy tờ. Ông giải quyết sao thì giải quyết”.
Đồn phó Campuchia dựng xe, thản nhiên đáp: ‘’Cô em đúng người Campuchia chúng tôi. Nhưng cô ấy đã qua biên giới, hiện đang ở đất Việt Nam rồi. Ông anh tự giải quyết đi. Đây không phải là đất tôi, kêu tôi giải quyết sao được?’’ Cả hai cười rộ, kéo nhau vào trong đồn ngồi nhậu. Thấy họ có vẻ dễ dãi, Lâm và Sol khấp khởi mừng thầm.
Sương xuống lạnh. Trời tối đã lâu. Bỗng nhiên cả một vùng trời phía Campuchia bừng sáng ánh đèn pha. Nhìn ra lộ Lâm thấy rất nhiều xe, không thể đếm hết trong bóng đêm vùng biên giới. Cả một đoàn xe chở lính chiến trường từ khắp các mặt trận trở về. Họ ở xa nên về đến cửa khẩu Sa Mát khá muộn. Sau khi các xe làm xong thủ tục, đồn trưởng biên phòng ra tận nơi hỏi xe nào về Sài Gòn, để gửi cặp đôi quốc tế đi nhờ. Phút chia tay, anh đồn trưởng chúc hai người may mắn rồi vỗ vai Lâm nói nhỏ: “Hồi nãy tôi cho lính giữ lại vì nếu để vợ chồng anh đi lên đến chợ huyện Tân Biên có thể sẽ gặp dân quân du kích xã ách lại, mà vợ anh là người Campuchia không có giấy tờ tùy thân. Tôi gặp trường hợp này nhiều rồi”. Chao ôi, câu “vợ chồng anh” đồn trưởng mới nói vừa thiêng liêng vừa lạ lẫm làm sao. Lâm ôm vai đồn trưởng, nghẹn ngào cảm ơn. Kẻ tuyến trước người tuyến sau chia tay nhau thân mật, như anh em từng quen biết đã nhiều năm.
Thành phố quê chồng đón Sol cùng đoàn lính trở về bằng trận mưa khuya lạnh giá. Trên thùng xe tải, mọi người ướt đẫm. Hai giờ sáng đôi trẻ gõ cửa ngôi nhà cũ. Bà má già run rẩy ra mở cửa, ôm đứa con xa trở về vào lòng mà mắt lệ nhòa. Thấy cô gái lạ, má tưởng bạn gái Lâm ở Sài gòn đi đón rồi cùng về. Sau khi nghe rõ ngọn ngành, nhất là tình cảm gia đình bà má Campuchia dành cho con trai mình, má lại khóc và hiểu rằng mình nay có thêm một người con nữa để thương yêu. Một cuộc liên hoan nhỏ trong họ hàng cùng những đồng đội chiến trường của trung sĩ Lâm được tổ chức vài ngày sau đó, như một đám cưới không chính thức, tác thành hạnh phúc cho đôi trẻ. Người và đất Sài gòn đón nhận và cưu mang Sol, như gia đình cô ở Tang Krasang đã cưu mang anh lính trận. Chính quyền cùng pháp luật có thể chưa kịp công nhận Sol, nhưng trái tim luôn có quy ước riêng, dành lối cho những tình cảm chân thành.
Nửa năm đầu tiên trôi qua yên lành. Lúc này Sol cũng đang đậu thai đứa con đầu lòng trong sự mừng vui của cả gia đình. Một ngày tháng tư, có người bạn lính cùng đơn vị ra quân, báo tin xấu ở Tang Krasang, rằng có tin đồn trung sĩ Lâm không đưa Sol về Việt Nam mà đã bán Sol vào vào “động gái” vùng biên. Ba má Sol tức tốc chở nhau trên chiếc Honda 90 máy cối, chạy thẳng đến cửa khẩu Sa Mát. Hai ông bà lùng sục hai ngày trời tìm con gái trong vô vọng. Lòng như lửa đốt, Lâm bảo vợ viết thư về nhà, nhờ một sĩ quan đơn vị về phép chuyển gấp giùm. Vẫn chưa yên tâm, Lâm quyết định trở lại Tang Krasang ngay thăm ba má Sol và báo tin mừng ông bà sắp có cháu ngoại.
Anh trung sĩ của chúng ta lên đường về quê vợ. Xe khách chạy đến cửa khẩu Mộc Bài, người lơ xe thu hộ chiếu làm thủ tục quá cảnh. Lâm không có hộ chiếu. Lơ xe chỉ tay về cuối đoàn, khuyên Lâm đi chung với mấy anh lính địa phương qua biên. Lính địa phương quen nhau nhẵn mặt nên qua lại kiểu này không ai xét hỏi.
Lâm theo mấy người lính đi theo lối mòn qua biên giới. Đường này dành cho dân vùng biên hai nước mua bán hàng hóa qua lại mỗi ngày. Được một đoạn bỗng có tiếng quát kêu Lâm quay lại. Những người lính biên phòng đã phát hiện Lâm là người lạ vượt biên trái phép, đuổi theo mời anh lính hết hạn quân ngũ về công an cửa khẩu xử lí. Lâm trình giấy xuất ngũ, nói lí do mình phải trở lại chiến trường. Đồn công an biết Lâm chẳng phải dạng buôn bán, giao lại bên biên phòng.
Lính biên phòng dẫn Lâm lên gặp thiếu tá đồn trưởng. Thiếu tá hỏi đầu đuôi câu chuyện. Có sao nói vậy, Lâm kể chuyện của mình. Anh đồn trưởng hiểu và thông cảm sau khi coi giấy phục viên. Lâm chắp tay ngửa mặt thầm cảm ơn trời Phật. Thực là trời Phật luôn độ trì cho những kẻ thành tâm và lương thiện.
Lâm bắt xe đi Phnom Penh, ngủ lại một đêm ở khu người Việt gần bến xe. Sáng hôm sau, anh lính của chúng ta lên đường đi tiếp về Tang Krasang. Đường sá đã hư hỏng, cầu cống bị sập rất nhiều do quân Pol Pot phá hoại bằng mìn sau khi quân tình nguyện Việt Nam rút. Suốt dọc đường, Lâm không dám mở miệng, im lìm như người câm, sợ người trên xe phát hiện ra mình là người Việt. Khi xe qua mỗi cầu, tài xế đều bồi dưỡng tiền cho bộ đội Heng Somrin canh gác. Cuối cùng Lâm cũng về đến được chợ huyện Tang Krasang.
Mới tám tháng trôi qua nay trở lại thị trấn, cảnh sắc yên bình sầm uất xưa nay đã tiêu điều. Chợ, trường học, trụ sở chính quyền, trạm công an và huyện đội bị quân Pol Pot tấn công, đốt cháy rụi, chỉ còn lại những mảng nền xi măng cháy nám đen. Quân Khmer Đỏ đã đánh trở ra sát mặt lộ 6. Chính quyền của bạn chưa đủ lớn mạnh để đánh tan và dẹp hẳn lũ tàn quân. Trở về sân nhà cũ của Sol, không thấy một bóng người, Lâm hoang mang không biết phải làm sao. Chiến tranh đã trở lại, gia đình má Sol đành rút tạm vào sống ở phum bên ngoại.
Lâm tìm một người quen gần nhà, nhờ họ bắn tin với gia đình Sol. Một người công an viên thân với ba vợ cho Lâm ngủ nhờ. Từ Sài Gòn thanh bình hoa lệ, anh lính trở lại với đêm vùng chiến mông lung, nhập nhoạng ánh đèn dầu. Ngoài biên thị trấn, tiếng súng cối, tiếng hỏa lực B40, B41 cùng tiếng trung liên nổ liên hồi từng chập nghe rợn tóc gáy. Trong tay không một tấc sắt, không một người thân nơi đất khách quê người là một cảm giác thật khó quên.
Qua ngày thứ hai, tiếng súng vẫn rền vang trong đêm không sao ngủ được. May sao trưa ngày thứ ba Lâm ở lại chờ tin, đứa em Sol ra tới. Anh rể em vợ gặp nhau mừng tủi không nói nên lời. Lâm trao em các tấm hình hai vợ chồng chụp ở Sài Gòn, thư Sol viết gửi ba má. Em gái Sol cũng đưa lại thư của ba và chút quà quê hương. Ba Sol nhắn Lâm phải trở về Việt Nam ngay lập tức, vì Khmer Đỏ sẽ tấn công thị trấn Tang Krasang nay mai. Hai anh em vội vã chia tay trong lưu luyến.
Hòa bình trở lại với đất nước Campuchia khi chính phủ Hoàng gia được bầu và tổ chức Khmer Đỏ bị đưa ra quốc tế xét xử vì tội diệt chủng. Hai vợ chồng đã nhiều lần trở lại Tang Krasang thăm ông bà ngoại và bà con quê vợ. Họ cũng nhiều lần mời ba má Sol cùng gia đình sang Việt Nam chơi. Em gái Sol lớn lên, thành một thiếu nữ xinh đẹp và đã lập gia đình. Cô bạn gái ngày xưa chở Sol bằng xe đạp đến điểm hẹn tình yêu ở chợ Kampong Thmo, đã cưới anh trai Sol và trở thành chị dâu của hai người. Các tấm hình đại gia đình Việt Nam Campuchia của họ chụp ở Nha Trang, ở các khu du lịch khác tràn đầy những ánh mắt và nụ cười rạng ngời hạnh phúc.
Vĩ thanh:
Tôi kể lại với các bạn câu chuyện tình yêu này của một người đồng đội trên chiến trường đất nước Chùa Tháp, tất nhiên với sự đồng ý của anh ấy. Đã dấn thân vì nghĩa vụ quốc tế thì cũng xứng đáng với một tình yêu quốc tế, phải không các bạn?
T.S
VNQD