Giấc mơ kí ức

Thứ Sáu, 10/01/2025 15:44

Giấc mơ kí ức tôi viết qua sự nghe, gom góp nhiều chiều. Ở đây, nhân vật Thái có thật, là người chú họ xa, ông đẹp trai cao lớn, nhiều lần trốn lính trên nóc nhà cha mẹ tôi, đã kể cho tôi nghe nhiều tình tiết sống động. Ông là kiểu người ngang tàng, sống theo bản năng, bất cần đời, không lí tưởng, bị cuốn vào vòng xoáy tàn khốc của chiến tranh ở giai đoạn cuối, cố gắng vùng vẫy tìm cách thoát. Kết cục ngoài đời của ông buồn và bi thảm.

Viết truyện này, một phần tôi muốn cứu ông, cứu nhân vật Thái trong quá trình hoàn thiện nhân cách. Vì dẫu còn nhiều khiếm khuyết nhưng hắn vẫn là một con người, cuối cùng chính tình người cao cả đã cứu hắn.

Nhà văn PHAN ĐỨC NAM

************

Thái chăm chăm nhìn bàn tay mình, thật không ngờ...

Bàn tay lúc nhỏ chỉ được cầm bút đến lớp năm, dù Thái học không dở.

Mẹ Thái kể: “Cha con bị bom chết năm con mới hai tuổi”. Sau đó mẹ đưa Thái lên Sài Gòn, oằn lưng vác từng bao gạo trăm kí ở cảng nuôi con ăn học. Cho đến một ngày, tấm ván bắc cầu chênh vênh ở độ cao sáu mét bị lật, mẹ Thái chết vì bị bao gạo đè gãy xương cổ. Thái mới mười tuổi. Phải chi lớn hơn vài tuổi nữa, nó sẽ xin bốc vác thay mẹ, hay làm việc gì đó... Và bắt đầu từ đây đứa trẻ mồ côi trải qua những tháng ngày vất vả, bơ vơ đói khát, nhiều lúc phải khóc lóc xin ăn.

Một đêm, Quang nổ - tên anh chị Cầu Kho - nhét vào tay Thái ổ bánh mì thịt bảo: “Ăn đi, rồi theo tao”. Hắn đưa lưỡi lam cho thằng nhỏ: “Tập rạch đi. Vậy đó. Ở đời ít ai cho không. Mày phải tự tìm lấy miếng ăn”.

Thái trở thành đứa trẻ rạch túi chuyên nghiệp.

Quang nổ lâu lâu lại dọa: “Bữa nào mày không nộp đủ tiền, bữa sau phải đóng bù. Không được ăn”. Thái chỉ biết cúi đầu. Tên anh chị còn tập tành cho thằng nhỏ uống rượu, hút thuốc, hút cả bồ đà, cần sa... Hắn muốn nó phải lệ thuộc phục tùng mình suốt đời. Bởi hắn có nhiều vợ, xài sang. Số tiền đàn em nộp ngày càng tăng nhưng vẫn chưa đủ cho hắn xài.

Sóng đời cứ ngập chìm Thái, những đêm bơ vơ thằng nhỏ nhìn hai bàn tay mình mà khóc. Cũng đã có nhiều người khóc vì bị nó rạch túi lấy sạch tiền.

Thái đã hai lần bỏ trốn, nhưng đều bị đàn em Quang bắt lại. Đánh chán, Quang nổ xoay xoay li rượu chợt hét lên: “Mày là thằng lì nhứt đám. Đây là lần chót. Nếu còn trốn tao sẽ cắt gân để mày phải ăn xin mang tiền về nộp”. Thái nghĩ đến những đứa trẻ èo uột bại xuội lê lết xin ăn mà rùng mình. Từ đó nó nhẫn nhục im lặng kiếm tiền cho Quang.

Hễ say tên anh chị lại nhìn vào mắt Thái, nhắc dọa: “Ê! Coi chừng tao sẽ cắt gân mày”.

Năm mười sáu tuổi, chính Thái đã cắt gân tên anh chị dã man đó trước trong lúc hắn say. Xong Thái bỏ đi đăng lính biệt động, trước mắt là tránh các đàn em của Quang trả thù. Nhưng khi Thái về với bộ đồ rằn ri và hai quả mini(1) lủng lẳng trước ngực tụi này sợ xanh mặt tôn Thái làm đàn anh.

Thái thêm nghề đăng lính kiếm tiền đầu quân. Hắn chưa bắn ai mà đã qua mấy sắc lính, toàn lính dữ. Thái nhìn hai bàn tay to bè của mình cười cười...

Và những cuộc ăn chơi trác táng làm hắn nghiện hồi nào không hay.

Một đêm, Thái đang lim dim gác đầu lên đùi một ả điếm thì quân cảnh ập tới: “Mẹ nó! Chắc băng Sơn Đảo báo tụi cớm tóm mình để chiếm trọn vùng Bảy Hiền”. Thái bị điệu lên xe, vẫn còn ngoái lại ném một cái nhìn dữ dội: “Đợi đó”.

Sau phiên tòa, hắn bị đẩy ra tiền tuyến. Chiếc C130 thả hắn xuống chiến trường Quảng Trị đang ngập chìm trong lửa đỏ.

Lần đầu tiên đặt chân xuống vùng đất bỏng, Thái hoang mang ngơ ngác. Gã thiếu úy biệt động quản trung đội lao công đào binh nhìn hắn trần truồng tắm, gật gù: “Coi bộ mày khỏe đó. Những thằng không xăm mình mà lì mới đáng sợ”. Sau đó trận đòn dằn mặt thủ tục dạy cho Thái biết rằng ở đây phải tuyệt đối tuân lệnh, cưỡng lại là chết.

Sáng hôm sau, trung úy Cao cảnh báo trước hàng binh đầu trọc: “Sẵn sàng nhả đạn vào những thằng bỏ trốn”. Dĩ nhiên trong đám Thái cũng nhiều đứa nghĩ ngược lại: “Tụi tao cũng sẵn sàng chén sành đổi chén kiểu”.

Chiều thứ bảy, trong khi tụi sĩ quan và lính chia phép ra phố tìm gái, Thái cũng tranh thủ xuống khu gia binh thăm Hoa. Hoa đã không ít lần ngủ với hắn ở Sài Gòn, lúc ả còn xuân sắc và làm trong động do Thái cai quản. Trai giang hồ gái tứ chiếng tình cờ gặp nhau chốn này cũng là duyên. Sau vài lần gặp Hoa tâm sự: “Em gom được chút tiền. Làm gái mười phương cũng phải dành một phương kiếm chồng. Em làm vợ bé một trung sĩ - ảnh mới chết cách đây ba tháng. Còn anh?” Thái xoa xoa cái đầu trọc: “Đừng lo. Đụng trận là anh biến. Một sống hai chết. Người như anh dễ gì chịu nhục”. “Em cũng đang tính sang cái quán này rồi chạy về Sài Gòn, hay chỗ nào đó. Ở đây đánh nhau dữ quá. Với lại từ ngày chồng em chết, tụi lính cứ mò tới hoài. Em không muốn quay lại nghề cũ”. Nói vậy nhưng khi Thái nắm tay Hoa thì ả xuôi lơ, khi Thái mò đùi thì ả tủm tỉm cười: “Dù sao... với anh thì...”

Nhờ Hoa mà Thái được những bữa ăn ngon. Cô tặng cho Thái những giây phút ân ái mặn nồng. Thái nghĩ mình vẫn còn may, hắn cảm kích nhưng không nói ra. Còn Hoa, cô chẳng hi vọng người trai giang hồ này sẽ yêu và sống đời với mình. Cô là người tình cảm, đơn giản nghĩ rằng khi đã quen biết thì phải giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn. Thái bảo Hoa: “Em cứ về Sài Gòn trước, anh sẽ kiếm cách về sau. Mình hẹn nhau ở cầu Kho”. Nói vậy nhưng Thái thầm lo. Chiến tranh biết đâu mà hứa, nhất là khi hắn đang bị xích vào cuộc chiến. Hoa bảo: “Em đi lúc nào cũng được. Nghĩ tội anh...” Thế nên cô chần chừ mãi...

Cho tới một chiều, Hoa đưa Thái gói tiền, nói: “Em phải đi trước...” Thấy Thái buồn, Hoa an ủi: “Đáng ra em chưa đi. Nhưng chiều qua...” Thái thắc mắc: “Chuyện gì vậy?” Hoa cắn răng, nghĩ ngợi một lúc rồi kể: “Thôi được. Em chỉ mong anh nếu có thể giúp em một việc...” “Em cứ nói...” “Em là gái đã qua tay nhiều người - đó là do em tự nguyện. Chưa có người đàn ông nào hiếp em. Vậy mà chiều qua em bị nhục”. Thái giật mình: “Em nói sao?” Hoa gật: “Em biết có dịp anh cũng sẽ giết nó. Chính thằng trung úy Cao coi anh đó. Chiều qua, lúc anh vừa về, nó dẫn hai thằng lính ập vào, nói là tìm anh đang bỏ trốn. Chúng làm bộ lục lọi rồi đè em xuống giường. Em cưỡng lại, thằng Cao nói: “Mày đẹp tốt quái gì! Dám ngủ với lao công đào binh thì phải ngủ với tụi tao”. Thân em kể gì nữa. Nhưng thấy nhục và tức quá!” Thái nghiến răng: “Thằng khốn nạn! Được! Anh sẽ giết nó rồi mới về”.

Hoa đi rồi Thái càng lầm lì. Cuộc chiến càng thêm khốc liệt. Một ngày không biết bao nhiêu trận pháo giã vào cổ thành. Hai tiểu đoàn biệt động tung vào cứu nguy bị nướng sạch. Vậy mà Thái bị kẹt giữa hai làn đạn lại chẳng sứt mẻ gì. Đã có nhiều cơ hội cho Thái bỏ trốn nhưng hắn vẫn kiên trì trụ lại, như một thằng ngố, như một thằng điếc, lầm lì lao lên vác xác lính giữa cơn mưa đạn. Nhiều lúc Thái tự hỏi nếu hắn chết thì ai sẽ lôi xác mình về?

Trái cối nổ xéo trước mặt Thái phá tung những dòng suy nghĩ và quăng hắn lên cao...

Khi tỉnh dậy, Thái vẫn còn nghe tiếng súng nổ lác đác, thỉnh thoảng tiếng trọng pháo đệm rời rạc, như tiếng trống trong bản nhạc chiến tranh âm ỉ. Thái gượng ngồi dậy, hốt hoảng khi thấy cờ đỏ phấp phới trên nóc cổ thành... Trên bót canh của trại lao công đào binh cũng treo đầy cờ đỏ...

“Nguy rồi!” - Hắn chép miệng, luýnh quýnh lượm cái nón cối của một chiến binh Việt cộng bị tử thương nằm bên cạnh đội lên đầu. Súng của anh ta văng đâu mất? Thái đành nhặt khẩu M16 bị bể báng nằm chìm trong cỏ rồi lồm cồm nhỏm dậy...

Một tay cầm súng, một tay bợ cái nón cối trên đầu, Thái chợt thấy tức cười nghĩ mình đang ở bên nào đây? Chợt Thái nghe có tiếng rên. Quay lại, hắn thấy gã trung úy Cao đang nằm vắt ngang chiến hào, chỉ cách hắn chừng mười mét. Một mảnh pháo cắt lìa đùi trái tên Cao, bụng hắn bể lòi ruột ra ngoài. Tên sĩ quan giương đôi mắt dại như mắt chó bị cắt tiết nhìn Thái, thều thào: “Làm ơn... bắn tao... Làm ơn...” Thái nhếch mép cười, từ từ nâng súng như kẻ mất hồn. Hoa ơi! Đoàng! Đoàng! Đoàng! Tên sĩ quan giãy lên, đầu giật giật như gật.

Chính Thái lúc đó cũng không hiểu mình xiết cò vì căm thù hay để giúp hắn cắt cơn đau đớn. Ngay sau đó Thái nghe có tiếng chân người chạy đến. Chết cha! Thái nghĩ mình nổ súng ngu quá. Hắn quay vội lại, kịp nhận ra bóng nón cối và súng AK. Quá hoảng sợ, hắn lia đại băng đạn M16 rồi nằm phục xuống.

Từ trước đến nay Thái được dạy phải bắn vào Cộng quân, được dạy phải coi họ là kẻ thù không đội trời chung. Hắn nghĩ những kẻ không đội trời chung ấy chắc cũng được dạy ngược lại. Thái chẳng có lí tưởng nào ráo, ngán sợ chiến tranh quá rồi. Hắn bất mãn không tham gia cuộc chiến này là vì vậy. Nhưng khi người lính Việt cộng ngã xuống với tiếng kêu đau đớn và đôi mắt ngạc nhiên thì Thái hiểu ngay chính cái nón cối đang đội trên đầu đã cứu hắn. Có lẽ người cộng quân ấy cũng đã chứng kiến những phát đạn mà hắn vừa kết liễu tên sĩ quan biệt động.

Nghĩ vậy, Thái thẫn thờ đứng lên, quăng khẩu M16 ra xa và nhìn hai nạn nhân. Tên Cao chết hẳn rồi, còn người cộng quân đang hấp hối. Trẻ quá! Có lẽ thua mình tới mười tuổi. Đôi mắt sáng của anh ta dại đi rồi và vẫn nhìn mình chưa hết vẻ ngạc nhiên…

Thái bước nhanh lại nâng người lính trẻ lên: “Tha lỗi cho tôi!” Thái nói rồi chợt rơi nước mắt. Chàng trai gật nhẹ đầu, giương đôi mắt ứa lệ nhìn Thái, gắng gượng chỉ vào túi mình, nói những lời cuối: “Anh... mang về... mẹ tôi...” Xong đôi mắt ấy không nhìn Thái nữa mà cố thu lấy bầu trời trên cao. Thái ôm chặt người lính, còn thấy trong đôi mắt một đám mây trắng lờ lững trôi...

Mười ngày sau Thái mới thoát được về Sài Gòn. Hắn giấu kĩ chiếc nón cối, hai bức thư và tấm ảnh đen trắng khổ 6 x 9 vào chỗ kín đáo, lâu lâu mới dám mở ra coi. Người cộng quân trẻ tuổi ấy lúc chụp ảnh chung với gia đình chắc mới chừng mười hai mười ba tuổi. Nhiều lần Thái ngắm bức ảnh gia đình nơi miền quê nghèo hiền hậu ấy mà nghĩ người mẹ vấn khăn đen chắc thương và lo cho con trai lắm. Đọc lá thư của bà thì biết. Lá thư thứ hai của người con viết trả lời mẹ chưa kịp gửi.

Hắn đau đớn ôm những kỉ vật của người lính trẻ gửi gắm mà thấy nhớ thấy thương mẹ mình vô cùng. Thái nghĩ mình phải có bổn phận gìn giữ kỉ vật ấy. Dù chưa biết đến bao giờ.

*

*           *

Thái tiếp tục sống đời giang hồ. Giai đoạn này hắn chưa biết làm gì hơn. Hắn nghĩ thà trốn chui trốn nhủi, chết bờ chết bụi ở đất Sài Gòn này còn hơn thiệt mạng nơi chiến trường. Hắn không sợ chết nhưng chết vậy ngu quá! Uổng quá! Trốn về được đến đây, coi như tới đường cùng, vậy phải dằn mặt trước những ai có thể bắt hắn.

Trước tiên, Thái tặng cho tên trưởng ban nhân dân tự vệ xã hai nhát dao lam ngọt xớt vô má thấu tới xương: “Lần trước mày ăn tiền của tụi Sơn Đảo báo bắt tao phải không?” Phải trả thù cảnh cáo vậy cho nó biết mặt. Rồi Thái bắt chước trong phim Bố già, quăng con mèo bị cắt cổ vào sân nhà tên quận trưởng. Bọn chúng phải biết rằng Thái sẵn sàng chém.

Quả nhiên bọn chúng rụt lại. Chúng muốn yên thân để còn vơ vét, chẳng ngu gì đụng tay anh chị liều mạng, thôi thì giả bộ làm ngơ, có đứa còn báo động cho Thái mỗi khi quân cảnh sắp bố ráp. Ngược lại, Thái cũng chơi đẹp trích hai chục phần trăm tiền thâu các sòng sai đàn em mang tới để mấy thầy uống bia.

Có thể nói những năm cuối của cuộc chiến các anh chị bự như Thái sống khá ung dung.

Chỉ có điều Thái hơi buồn là không gặp lại Hoa, hắn vẫn có ý tìm nàng. Anh chị như hắn phải ơn đền oán trả. Thái muốn gặp Hoa để kể cho nàng nghe rằng chính hắn đã nổ tới ba viên đạn vô đầu thằng trung úy Cao khốn nạn, đã rửa nhục cho nàng, cho cả hắn. Nhưng Hoa bây giờ ở đâu? Còn sống hay chết? “Em chẳng hi vọng sống với anh...” Buồn quá! Lời Hoa nói làm Thái thương cô vô cùng. Hừ!

Thái nghe nói đêm đó trại lính bị trận pháo kích của cộng quân, rồi biển người tràn ngập. Lữ đoàn dù nhảy xuống cũng không cứu nổi. Mĩ cấp tốc cho B52 thả bom hủy diệt. Là lao công đào binh Thái có dịp cận kề những cái chết của cả hai bên, hắn thấy cái chết nào cũng đều bi thảm. Nhiều đêm ác mộng đến với Thái. Hắn mơ thấy những thi thể không vẹn toàn nhảy múa trong cõi không gian nhầy nhụa đỏ toàn máu và lửa. Những gương mặt không còn ra hình người im lặng lướt qua, hàng hàng lớp lớp những đôi mắt nhìn hắn vô hồn cười khóc. Những cơn mơ khủng khiếp đầy ám ảnh đó phần cuối thế nào cũng rực sáng đôi mắt chàng cộng quân, đôi mắt mở to nhìn Thái đăm đăm.

Những ác mộng chiến tranh cứ lẩn khuất, đeo đuổi, bao vây, trì kéo Thái vào từng cơn trầm uất triền miên. Hắn thường thoát ra khỏi trạng thái ấy với thần xác rã rời, người đẫm mồ hôi...

Minh họa: Bùi Quang Đức

Giải phóng 1975 lật trang đời Thái. Hắn học tập tại địa phương ba ngày, rồi trở về với tâm trạng lo lắng hoang mang. Đàn em đứa giải nghệ đứa tiêu tán. Thái không nghề nghiệp, không việc làm, không còn chỗ đăng lính kiếm tiền. Người tình non nhân ngãi cuối cùng của Thái bỏ đi với số tiền mà ả tích cóp được.

Thái thuộc diện đi kinh tế mới. Thì đi, nhưng hắn bán tuốt lương thực mùng mền được cấp phát, lấy tiền bỏ về Sài Gòn tiếp tục ăn hút. Được vài tháng lại đói. Là anh chị không thích làm mướn. Thái cầm lại lưỡi lam.

Đi đêm lắm có ngày gặp ma, hắn đã hết thời, Thái là một trong tốp người đầu tiên có mặt trong trại cải tạo lao động Bố Lá. Hắn trốn trại nhiều lần, nhưng trước sau cũng bị bắt lại. Anh chị bự như hắn giờ thấy sợ thấy gờm cái chính quyền mới này. Do trốn trại nhiều lần, hắn bị cạo đầu, biệt giam, ăn nửa suất cơm độn.

Một sáng, có cô thanh niên xung phong lo việc cấp dưỡng đi qua, thấy Thái co cụm trong phòng biệt giam, cô đứng lại nhìn hắn một lúc rồi bỏ đi. Sau đó cô trở lại với tô cơm đầy: “Anh ăn đi”. Hắn còn ngơ ngác thì cô nói: “Của tôi đó”. Đang đói, Thái xơi luôn. Gần hết tô cơm Thái mới thấy con cá khô nằm dưới đáy.

Hôm sau, Thái hỏi: “Sao cô cho tôi ăn?” “Tôi thấy tội nghiệp anh”. Cô gái nói thêm: “Anh không nhớ tôi đâu. Cách đây chừng một năm anh đã rạch túi tôi, lấy cả số tiền tôi mang đi mua lương thực ở chợ Bến Thành. Nhưng chỉ sau đó bốn tiếng đồng hồ, anh lại cho tôi 10 ngàn ở bến xe Hàng Xanh, lúc tôi đang năn nỉ anh lơ xin quá giang về Vĩnh An. Nhờ hành động đó nên tôi không nỡ báo bắt anh... Anh hại người, giúp người mà đâu có nhớ. Giờ anh nhớ chưa?”

Tối đó, những giọt nước mắt hiếm hoi của Thái nhỏ vào con cá khô làm nó mặn thêm. Hắn nghĩ mình trước đây toàn sống theo bản năng, hoang dã như con thú...

Chính cô gái mắt đen ấy đã kéo Thái ra khỏi sóng đời. Thái nghĩ mình phải thay đổi, trở thành con người khác. “Tôi biết bản chất anh không xấu” - Cô gái nói vậy. Cả tháng sau Thái mới biết cô tên Rừng. Hay thiệt!

Thái đắn đo hoài, cuối cùng, hắn quyết định đưa những kỉ vật của người lính miền Bắc cho cô gái. Đương nhiên hắn chỉ thổ lộ phần nào...

Hai tháng sau, một trung tá bộ đội đến tận phòng biệt giam Thái, tự giới thiệu là anh ruột của người lính đã chết. Ông cảm ơn Thái và sau đó bảo lãnh cho hắn mau được về. Thái vừa mừng vừa xấu hổ, nghĩ, dù lúc đó mình hoảng, mình vô tình, nhưng có nên nói thiệt về cái chết của người lính trẻ. Nói ra mình đỡ bị cắn rứt. Mình có chết cũng được. Nhưng có chắc người mẹ, người anh đó sẽ tha thứ cho mình. Khéo họ chỉ thêm đau lòng. Thôi vậy! Trong chiến tranh có những điều không thể nói...

Nửa năm sau Thái được về, nhưng hắn xin ở lại trông coi hai mẫu rừng. Đây là quê Thái, nơi đây có rừng, có phải duyên trời? Hắn hi vọng mơ hồ...

Thái cầm lại cây bút và đến lớp hằng đêm.

Ba năm sau, Thái phấn đấu trở thành cán bộ trường. Sau trường giải tán biến thành lâm trường. Thái là một trong những cán bộ gương mẫu. Còn cô gái mắt đen có hàng mi như rừng, cô đi lao động hợp tác bên Đức, thỉnh thoảng vẫn thư về cho Thái.

Rồi một ngày Thái nhận được tin cô lấy chồng. Buồn không? Buồn lắm chớ!

Nhưng lạ thay Thái chỉ tê tái đôi chút. Hắn chai lì rồi. Những người phụ nữ tốt đều đến với hắn như thế! Hoa cũng vậy nữa là. Hình như nỗi ám ảnh quá khứ đen tối của Thái làm họ sợ? Thôi đành xa mà hơn...

*

*         *

Đã lâu rồi Thái không còn gặp lại những cơn ác mộng chiến tranh. Cuộc chiến trong chính bản thân hắn đã tàn. Thái dần dần hiểu rằng những ám ảnh quá khứ sẽ từ từ nhạt, tâm hồn hắn đang ổn định bởi bao công việc bận rộn hàng ngày.

Cho đến tận giờ, Thái vẫn giữ cái nón cối ngày nào làm kỉ niệm, lâu lâu hắn đội cái nón cứu tinh ấy lên đầu rồi đứng trước gương nghĩ ngợi. Thái nhìn hai bàn tay to bè ngày càng chai sần của mình. Giờ Thái vừa cầm bút vừa cầm cuốc, đã bắt đầu nghĩ đến ngôi nhà ngói đỏ mà xưa cha mẹ hắn ao ước. Ngôi nhà nho nhỏ thôi, khuất sau vườn cà phê xanh tươi, phía sau là chuồng heo, ao cá. Rồi sẽ có một phụ nữ tốt đến với mình. Mình sống hôm nay cần phải làm những gì? Phải làm sao cho những đôi mắt tin cậy nhìn mình. Và không phải chỉ những đôi mắt đó, mà mãi còn đôi mắt có áng mây trôi của người lính trẻ - vẫn dõi theo mình cho đến cuối cuộc đời

P.Đ.N

1. Lựu đạn nhỏ bằng trái cóc.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)