Truyện ngắn XUẤT KÍCH CHUYỂN QUÂN của VINH TÚ trên VNQĐ số tháng 6-1957

Thứ Sáu, 16/03/2012 09:12
Mặt trời đứng ngọ, ánh nắng càng gay gắt. Trưa nay Hà cứ nằm trằn trọc mãi không ngủ được. Đằng góc nhà Tâm đang thì thụt thông nòng súng. Anh em nằm xoài mỗi người một cánh cửa, ngáy khò khò. Hà nghiêng mình nhìn ra ngoài sân. ánh nắng lóa cả mắt. Hôm nay nghe đâu chúng nó không tiếp viện nữa. Toàn đơn vị đều được ở nhà không phải ra bố trí ngoài bờ sông. Từ sáng tới giờ thỉnh thoảng Huy sang nói chuyện Hà thấy cũng vui vui. Huy hay nhắc tới Lan. Nhưng Lan đi vắng đâu từ hồi chiều qua. Từ ấy thấy Huy chăm chú tới Lan, Hà cũng sinh ra để ý. Hay cô cậu lại ăn cánh với nhau rồi? Hà hỏi dò Huy:

- Cậu định đóng thủ đô ở đây chắc?

- Cậu thử nhằm hộ tớ xem vùng này có tay nào xuất sắc không?

- Tớ chỉ thấy có cô Lan là nhất thượng đẳng.

Huy trong bụng thích mê nhưng vẫn bĩu môi:

- Cái cô “chính trị viên tiểu đội” của cậu ấy à! Nhường cho cậu đấy. Cái loại ba hoa chích chòe ấy mang về để nó lên lớp cho mà nghe.

Hà thấy mồm mép của Huy cũng ghê thật. Vào ra đầu mày đuôi mắt còn dấu được ai. Mèo thấy mỡ lưỡi nuốt nước bọt, miệng cứ chê bai. Những lúc ấy Hà chỉ cười không muốn hỏi thêm. Anh muốn để cho Huy được tự nhiên. Châm chọc kê úm bạn là điều Hà không muốn. Hà liên hệ tới mình. Anh cũng còn mơ tưởng đến Nguyệt nữa à. Không bao giờ Hà có thể quên được cái cô hàng xóm có đôi mắt bồ câu đã vận động Hà tòng quân, khi Hà lên đường Nguyệt đã cởi chiếc khăn vuông trên đầu đưa Hà gói quần áo, vật kỷ niệm đó lúc nào cũng nằm ở đáy ba lô Hà, hễ thấy khăn là nhớ đến người.

Hà lại nghĩ đến Lan.

Ngày đầu gặp Lan, Hà không ưa cái tính hay nói của cô này. Con gái gì mà hễ mở miệng ra à ý thuyết tuôn ra từng tràng không còn để cho người ta nói nữa. Một lần Hà tìm cách đả lại. Lời qua tiếng lại một lúc hai bên cùng đỏ mặt tía tai. Sau kết tính Hà thấy nên tránh nói chuyện với cô ta là tốt hơn cả. Một buổi sáng Hà đi ngang qua bếp, Lan đang đun nước nói ra:

- Anh mặc áo rách thế kia không sợ người ta cười cho à? Tìm người, người ta vá giúp cho chứ!

Hà đứng lại tự nhiên:

- Chỉ có cô chứ ai cười bộ đội làm gì! Tôi thì ai người ta vá cho. Rồi giọng Hà trở nên khẩn khoản:

- Tôi không biết vá, cô giúp tôi một tí.

Lan vui vẻ nhận lời. Hà lên nhà cởi áo mang xuống đưa cho Lan:

- Cô chịu khó tí bao nhiêu tiền chỉ tôi xin giả.

Lan cau có vứt chiếc áo vào chiếc giỏ trước mặt;

- Anh khinh chúng em vừa vừa chứ. Thấy bộ đội xa gia đình chúng em có nhiệm vụ phải giúp đỡ. Chúng em được ở nhà sung sướng như thế này là nhờ có các anh. Giúp vá tí cái quần, cái áo có là bao mà anh đòi giả tiền chỉ. Anh làm như chúng em là hạng người không biết gì!


Bị một tràng lý luận, Hà thấy mình trái đâm ra luống cuống:

- Thôi tôi xin... lỗi... cô!

Hà nói xong đi thẳng. Từ nay thì phải kệch với con bé này mới được. Còn nhờ còn chết. Nhờ nó một tí chả bõ. Chiều về Hà chưa dám hỏi chuyện thì Lan đã đưa áo cho Hà miệng vui vẻ:

- Anh tha lỗi em nhé. Hồi sáng em nói quá! Hà cầm lấy áo, thấy khô cứng và thoang thoảng mùi xà phòng thơm. Hình như cô ta mới giặt lại. Hà nhìn đường chỉ vá đều đặn như là khâu máy. Từ đó Hà bắt đầu chú ý đến Lan.

Anh không yêu Lan nhưng ít lâu nay thấy Lan càng có nhiều cái làm Hà phải cảm phục. Lan có kém gì Nguyệt của Hà đâu. Đêm đêm đi hoạt động đến khuya mới về. Suốt ngày lại tăng gia sản xuất không lúc nào nghỉ. Mỗi buổi trưa trời nắng Lan ở ngoài đồng vác cuốc về đôi má ửng lên như một đóa hoa hồng. Lan đẹp thật. Huy với được thật là hạnh phúc. Hà cũng ước ao cho đôi bạn nên vợ nên chồng. Từ dạo về đóng quân ở đây Hà thấy Lan săn sóc mình thật chu đáo khi thì vá quần áo giúp, khi thì đi mua các thứ vặt vãnh cho tiểu đội. Hôm nào có bún riêu cô lại đưa ra ủng hộ anh em. Trong nhà có nồi nước chè vối bao giờ cũng nóng. Bộ đội đi bố trí về là Lan lại mang ra một ấm tích đầy nói với Hà:

- Anh mời đi cho các đồng chí ấy xơi. Nước mới nấu ngon lắm anh ạ.

Những lúc ấy anh thấy Lan ăn nói ngọt ngào quá.

Về đây bố trí phục kích địch đã ngót nửa tháng trời lắm lúc Hà cũng thấy sốt ruột. Hôm nay nằm khàn ở nhà không ngủ được. Anh nghĩ: Giá bây giờ được gặp Lan ở đây nhỉ. Cái lỗ tai này cũng đủ sức chịu đựng những tràng lý thuyết của cô ta. Hà nhắm mắt định ngủ thì có tiếng chân bước thình thịch ở vỉa hè. Anh mở mắt dậy. Kỳ ở đâu chạy về mồ hôi nhỏ giọt trên trán miệng thở hổn hển:

- Thôi! Dậy mà truy kích giặc nó sắp đến rồi!

Hà ngồi nhổm dậy. Toàn tiểu đội đều thắt súng đạn khoác ngụy trang chạy ra bờ sông Mới. Tâm lau súng kỳ cục mãi chẳng biết thế nào bị tắc thông nòng rút mãi không ra. Anh em đều chạy hết. Tâm cố hết sức rút, đổ mồ hôi sôi nước mắt cũng chẳng ăn thua. Bực quá Tâm định mang cả súng chạy, nghĩ cũng không tiện. Trong đầu anh nảy ra một sáng kiến, Tâm bẻ cong thông nòng móc vào xà nhà cầm súng giật một cái thật mạnh. Thông nòng lơ lửng trên không. Tâm sung sướng cầm súng chạy quên cả áo ngụy trang. Anh ra đến gần cầu xây, chạy xuống ruộng luống cuống thế nào giẫm phải gấu quần ngã lộn nhào xuống bùn. Mình mẩy lấm bê lấm bết. Bùn vào đầy cả nòng súng và bám đầy cơ bẩm. Tâm bực tưởng vứt súng đi được. Trận đường 10 người ta đánh nhau bắt tù binh, thu chiến lợi phẩm ra về vênh vang. Tâm chẳng bắn được phải dò mìn suýt nữa thì phải kiểm điểm. Đến trận này lại tắc nòng súng còn đánh chác gì được nữa. Tâm đang bực mình thì Được ở phía sau chạy tới nhìn Tâm rồi nói: “Súng đạn thế thì về nhà cho được việc. Đi để nó thịt cho à”. Tâm ậm ừ không nói. Anh vẫn cúi đầu chạy. Được nói theo:

- Cậu khỏe mang quả bộc phá này hôm nay có khi đánh cả vào bốt đấy. Tao đau chân không chạy được tao mang súng cho. Tâm đứng một lát do dự. Hay tao cứ giữ bộc phá may ra gặp lô cốt đốt một cái về nhà lại oai ra phết. Tâm gật đầu đeo bộc phá vào người, một tay đỡ lấy chùm lựu đạn sau lưng cho đỡ thắt ruột. Anh cúi đầu lao thẳng một mạch. Trên các ngả đường, bộ đội, du kích, dân quân cùng chạy về phía Lạc Quần. Người nào cũng súng đạn trong tay. Tâm vượt lên trước mọi người. Nhưng chạy mãi chẳng thấy anh em đâu cả.

Tiểu đội Hà đã rẽ vào làng Hải An dọc theo hào giao thông bám sát đường 21. Hà mấy lần ngoái cổ nhìn lại vẫn không thấy Tâm. Đồng ruộng Nam Định lắm lạch, lắm ngòi Hà phải cởi quần dài quàng lên cổ để lội cho đỡ ướt. Mọi người bố trí cách đường độ 30 thước. Vừa đào xong hố đã thấy lũ giặc kéo tới nhốn nháo trên đường. Từng tràng đạn trung liên xiết qua bụi tre bay vèo vèo.

Trên trời chiếc bà già lượn đi lượn lại, tiếng động cơ rè rè đè nặng không khí. Bọn giặc vẫn nghênh ngang tiến, súng vác ngược, vác xuôi. Chúng chắc chắn với cuộc hành quân đột ngột này ta không tài nào phục kích nổi. Tiếng đại bác ắng lặng khắp nơi. Chúng rải đầy đường 21 đông như kiến cỏ.

Hà vạch lá chuối nhìn ra bụng nhủ thầm: Thế này mà quét một mẻ thì tha hồ chiến lợi phẩm, tha hồ tù binh. Anh dặn Thường: “Chốc nữa cố lên cậu nhé. Tớ đi thế nào cũng bắt được một thằng”. Thường mỉm cười thách thức: “Tôi sẽ bắt ít nhất cũng phải 5 thằng. Chúng nó nhiều thế kia”. Thường hỏi tiếp: “Này anh Kỳ đâu rồi nhỉ!”. “Anh ấy đang ở đằng kia! Chốc nữa lên chú ý chúng mình phải dàn hàng ngang. Cứ túm tụm lại dễ bị xuyên táo đấy! Nhớ chưa!”.


Tằng, tằng, tằng, tằng, tằng!...

Từng tràng đại liên của ta nổ giòn giã không ngớt. Hà, Mai, Thường nhảy ra khỏi hố dàn thành một hàng ngang. Bọn địch trên đường đang đi nghênh ngang nghe tiếng súng giật mình đang ngó ngược ngó xuôi thì bộ đội ba bề bốn bên đã ào ào xông lên như nước lũ.

Hà chạy lại gần đến cầu. Mấy thằng vẫn ngoan cố bắn xuống. Cả tổ lấy lựu đạn đồng loạt ném lên. Bọn chúng nằm rạp xuống. Hà lên trước bắn ngay một băng tiểu liên vào lũ giặc trên cầu. Mấy thằng ngã vật. Bọn còn lại đều giơ tay hàng. Bộ đội ở bên kia đường cũng xông lên phối hợp. Hà tước hết khí giới bọn giặc, đưa cho du kích, gạt chúng về phía sau tiến lên tiếp tục truy kích. Phía trước một toán ngụy binh hơn ba chục thằng bị kép giữa hai lạch nước sâu ở hai bên đường thấy không có bộ đội và du kích bổ vây chúng liền chạy thẳng một mạch về bốt Lạc Quần cách đấy non hai cây số.

Hà bảo Mai ở lại dẫn tù binh về đại điểm còn mình cùng Thường với một số đồng chí nữa ra sức truy đuổi theo. Bọn giặc phía trước đổ xô nhau chạy. Đôi bên cách nhau chừng 100 thước. Thường tháo ngay quả A.T lắp vào đầu súng máy bắn truy theo. Năm thằng bị thương ngã gục xuống. Ba thằng sợ quá đứng lại giơ tay hàng. Lũ còn lại vẫn cố tháo thân chạy. Có thằng vứt cả khẩu trung liên xuống ruộng. Bọn ngụy binh thằng nào cũng to lớn chạy khỏe nên đã bỏ dần bộ đội. Cự ly ngày càng xa. Hà chạy liệt đầu gối bở hơi tai cũng chẳng ăn thua.

Bốt Lạc Quần ngày càng gần lại. Chuyến này có khi chúng chạy thoát. Hà và anh em vẫn cố đuổi theo. Sống chết cứ bám lấy chúng mày. Bỗng Hà nghe phía trước có tiếng súng nổ. Bọn giặc đứng lại nhốn nháo nhảy xuống ruộng. Hà ngạc nhiên chưa biết sự tình ra sao. Tới gần mới biết là bọn ngụy binh bị du kích đón đường. Hà trao khẩu tiểu liên cho một đồng chí du lích rồi cầm súng trường bắn tỉa từng thằng một. Hà nhất định không bỏ sót đứa nào. Để quân này trốn thoát hàng trăm ngàn đồng bào còn phải đau khổ với nó. Các mũi súng đều chĩa xuống ruộng. Mười thằng bị đạn ngã gục xuống, riêng trong đó Hà bắn tỉa được năm. Bọn ngụy binh ở dưới ruộng thấy khó bề sống thoát vội giơ tay hàng, mọi người thu hồi chiến lợi phẩm.



Hà đi tìm đồng chí du kích hồi nãy để trao khẩu tiểu liên thì gặp Lan đang đứng bên đường nhìn mình. Lan mặc một chiếc áo nâu bó gọn trong quần. Bộ ngực nở căng. Một cái dây da lủng lẳng 2 quả lựu đạn thắt ngang lưng. Lan mặc quần “gôn” chân lấm bùn bê bết có lẽ cũng vừa ở dưới ruộng lên. Hà ngập ngừng chưa kịp hỏi, Lan đã nói:

- Anh Hà bắn súng trường giỏi thật! Chúng em thì xin chịu.

Một anh du kích bàn tay che miệng dứng bên nói vào:

- Bộ đội thì còn nói gì nữa!

Hà liếc nhìn anh du kích thấy miệng đỏ hoe, liền hỏi:

- Anh bị đạn đấy à! Có việc gì không?

Một chị du kích dứng bên cười:

- Anh ấy bắn tàu bay giơ súng quá đầu, đặt báng ngang miệng rồi nó giật cho sứt mất 2 răng đấy!

Mọi người cùng cười. Hà nhìn thấy Lan đè bàn tay phải lên phía vai trái, ống tay áo đầy nước ươn ướt. Lan biết ý đứng nghiêng mình lại hỏi lảng:

- Anh hôm nay bắt được nhiều tù binh không?

Hà không nghe Lan hỏi, mắt vẫn chăm chú nhìn vào vai Lan:

- Cô bị thương phải không?

Lan không chối được nói quanh:

- Cũng nhẹ thôi. Đạn chỉ sướt vào vai.

- Đã lâu chưa?

- Cũng mới thôi. Trong lúc đón đường em bắn được 2 thằng thì bị một thằng khác bắn phải. Nó vừa chạy xuống ruộng thì bị anh bắn chết.

Hà không hỏi nữa. Anh lấy ở túi trên ra một cuộn băng chiến lợi phẩm, anh gọi cả đồng chí du kích sứt răng tới để băng. Hà bảo Lan cởi áo ra. Lan thập thò không chịu:

- Em chỉ đau nhẹ thôi về nhà chữa cũng được.

Hà nhăn trán lắc đầu:

- Không được, về nhà nhiễm trùng uốn ván thì khốn.

Anh mở xong cuốn băng đưa cho đồng chí du kích một nửa miếng gạc dịt vào cằm. Còn một nửa anh đắp vào vai cho Lan. Cánh tay Hà run run như sốt rét lên cơn. Lần đầu tiên bàn tay anh đụng vào da thịt đàn bà. Quả tim anh hồi hộp đánh mạnh hơn cả buổi đầu mới vào chiến đấu. Hà thương Lan quá. Viên đạn sướt qua vai sâu đến nửa đốt ngón tay mà không kêu ca gì cả. Chắc là đau lắm. Hà luồn bàn tay dưới nách Lan, nhè nhẹ đưa cuốn băng qua lại mấy vòng. Các lần trước anh em đều là nam giới, lần này lại phụ nữ, Hà phải tự tay băng bó nên càng phải cẩn thận. Lan ngước mắt nhìn Hà. Lúc đầu cô không dám cởi áo. Sau mọi người rút dần, Lan mới chịu cởi chiếc áo ngoài. Bên trong còn một chiếc áo lót trắng máu chảy nhuộm đỏ gần một nửa.

Lan thấy Hà băng bó nhẹ nhàng chăm chút từng ly từng tý sợ mình đau, nên càng cảm động. Từ bé tới giờ đã có ai săn sóc âu yếm Lan như vậy đâu. Lan để mặc cánh tay trái cho Hà cầm.

Buổi đầu Hà mới đến đóng quân. Hôm ấy, Lan đang thổi cơm thì nghe bên nhà có người hát bài “Chiến thắng Yên Mông” cùng các bài ca vọng cổ. Lan chưa bao giờ được nghe giọng hát như vậy. Dần dần bị lôi cuốn theo tiếng hát, Lan ngồi thừ ra nghe. Nồi cơm khê mất một góc. Tối hôm đó Lan hỏi dò Bằng em giai mình mới biết là giọng hát của Hà. từ đó ngày này Lan cũng nhớ tới Hà, ngày nào cũng tìm cách gặp mặt Hà bằng được để nói chuyện vài câu dù rằng chuyện đâu đâu.

Hà vẫn lúi húi băng. Lan nhìn xung quanh. Mặt trời đã ngả, ánh sáng chiều trải trên đồng lúa một mầu vàng nhạt. Trên trời 4 chiếc Hen Cát vẫn lồng lộn khắp nơi tìm kiếm bọn tàn quân. Đường đi vắng dần. Cánh tay của Lan vẫn đặt trong lòng Hà. Lan thấy quả tim mình cứ đập thình thịch. Lan nuốt nước bọt, Lan muốn Hà sẽ nói với mình một điều gì! Sao Hà không nói đi!

Hà băng bó xong, kéo tay Lan đứng dậy. Giọng Hà nhẹ nhàng êm dịu như quạt hết tất cả không khí u ám chết chóc đang lảng vảng chung quanh:

- Cô chịu khó đi. Tôi sẽ dìu về dần. Trời sắp tối rồi!

Lan thấy khó chịu. Cô không muốn đứng dậy. Ngồi đây mãi đến tối cũng được. Hà nhìn Lan hơi sốt ruột nhưng không dám lộ ra nét mặt. Anh đang chờ Lan đứng dậy đi thì có tiếng reo to:

- Anh Hà ơi! Trời tối rồi! Còn đứng làm gì đấy. Gớm tôi tìm anh mãi!

Hà ngoảnh lại nhìn. Tâm đã đến gần bên, vác trên vai một khẩu trung liên. Đi bên cạnh Tâm là một thằng ngụy binh to lớn. Hà cười hỏi:

- Cậu lục cục ở đâu mà bây giờ mới tới đây! Súng trường đâu rồi! Kìa lại mang bộc phá của ai đấy!

Tâm thở hổn hển, nhìn Lan chào:

- Kìa cô Lan bị thương à! Có đau lắm không?

Tâm ngoảnh sang Hà:

- Tôi nãy giờ lo lắm. Không biết đơn vị mình ở làng nào, dọc đường chẳng gặp cậu nào cả nên cứ bước tràn thế này, Lan thấy không thể ngồi lâu làm nũng với Hà được, nghe Tâm nói, đứng gượng dậy trách móc:

- Anh Tâm là đến tệ, ở trong nhà em đến hơn tuần lễ mà không biết tên làng. Có khi ra đi rồi quên hết cả chúng em.

Mọi người rảo bước ra về Hà hỏi Tâm:

- Vớ được súng trung liên ở đâu thế!

Tâm giục tên ngụy binh đi lên trước rồi kể lể đầu đuôi câu chuyện:

- Lúc các anh chạy truy kích rồi tôi ở nhà ì ạch mãi mới rút được thông nòng, chạy ra đến cầu Xây bị ngã lấm bê lấm bết bùn vào cả quy lát, cả trong nòng súng. Vừa lúc đó gặp Được mang bộc phá đau chân không chạy được. Hai chúng tôi trao đổi vũ khí cho nhau. Tôi mang bộc phá đuổi theo tiểu đội chẳng thấy đâu. Tôi cứ dọc đường này chạy mãi thì nghe tiếng súng nổ trên đường 21, vội vàng chạy lên.

Đường đất xa quá phải lội qua lạch, qua ngòi, bì bõm gần nửa tiếng đồng hồ mới tới nơi. Tôi bực quá, trận trước ở đường 10 đã chậm, trận này cũng hỏng nốt. Lúc ra đi mang bộc phá tôi cũng tưởng là gặp bốt sẽ đốt nào ngờ đến bây giờ mới biết đánh phục kích, truy kích mang bộc phá là dại. Tôi đứng trên đường, chân chẳng buồn bước, mắt cứ ngó tàu bay địch lồng lộn.

Chốc nữa tôi mang cái thân không về nhà lủng lẳng quả bộc phá 5 cân sau lưng có lẽ anh em cười đến chết. Giá cứ mang súng có phải đỡ xấu hơn không. Tôi đứng một lát nhìn ngược nhìn xuôi, định về thì thấy một người ở dưới ruộng mò lên đường vác khẩu trung liên chạy. Tôi tưởng là du kích định chạy theo về cho vui sau nhìn kỹ mới biết là quân 6 túi. Tôi giật mình, bây giờ không còn ai, nó cứ giã cho mình một băng trung liên là đi đứt. Biết lấy cái gì mà đối phó.

Nghĩ đến mọi người ai cũng ra chiến đấu như mình đều bắt được địch, thu được chiến lợi phẩm hết bằng khen này đến bằng khen nọ, mình thật là ăn hại cơm nhân dân. Bây giờ về khỏi thế nào cũng có người cho tôi là rút rát, sợ chiến đấu. Tôi thấy ức quá không chịu được. Lúc mới thấy thằng giặc thì tôi sợ nhưng rồi trấn tĩnh được ngay. Tôi nhìn khẩu trung liên thèm quá. Nhất định phải đuổi, mình mang bộc phá nhẹ hơn nó thế nào chẳng kịp. Quyết không bỏ sót một thằng giặc. Tôi đuổi nó càng chạy.



Tôi chắc phen này thì hỏng mất. Nó chạy khỏe quá. Trời sắp tối rồi. Bốt Lạc Quần đã gần đến. Chỉ sợ chúng nó ở trong bốt ra bắt sống. Dù sao tôi cứ đuổi. May ra nó sẽ mệt mỏi mà hạ súng quy hàng. Lúc bấy giờ giá có súng, tôi sẽ bắn cho nó một phát. Tôi nhớ đến lựu đạn, nó chạy cách mình gần 100 thước, ăn thua gì mà ném. Tôi nhớ đến bộc phá đeo sau lưng. Thật là vô ích quá. Không lẽ vứt đi, đánh chác chẳng ra cái gì vứt vũ khí về tiểu đội kiểm điểm cho lại không tóe phở ra. Tự nhiên tôi bực mình quát to:

- Này! Tên kia! Có đặt súng xuống đầu hàng không ông cho một quả bộc phá vào rốn vỡ bụng ra bây giờ!

Tâm nói đến đây Hà và Lan cùng cười. Đoạn đường về cũng gần tới nơi. Trong các nhà đã le lói ánh đèn. Lan nóng ruột:

- Thế rồi sao nữa anh Tâm?

- Thế rồi tôi cũng không ngờ nó đứng lại cô ạ! Tâm vừa nói vừa chỉ tên ngụy binh:

- Chính nó đấy. Nó vác cả khẩu trung liên này!

Hà cười:

- Thật là mèo mù vớ cá rán. Hà quay lại hỏi tên ngụy binh:

- Tại sao hồi nãy đang chạy anh lại giơ tay hàng?

Tên ngụy binh cuống quýt:

- Dạ thưa các anh cho phép em nói lúc ấy quả thật là em cũng muốn về bốt lắm. Trong chúng em, bọn sếp bốt, thường kháo nhau, ai cũng sợ bộc phá. Chúng nó bảo bộc phá có thể đánh được lô cốt boong ke, đánh được các thành dầy đến 3 thước bằng đất hoặc bằng đá, bộc phá đánh được cả xe tăng, xe thiết giáp, xe cóc, xe vận tải, phá được cả hàng rào dây thép gai, cái gì kiên cố đến đâu bộc phá cũng phá được hết. Nói đến bộc phá đã sợ rồi. Nói đến người chiến sĩ bộc phá lại càng ghê nữa. Chúng em thường bảo nhau, họ là những người cảm tử quân của cách mạng, của Việt Minh. Đã gặp họ thì thế nào cũng chết. Em nghe đồn là bộ đội không bắn giết tù binh nên khi nghe tiếng bộc phá là em vội giơ tay hàng.

Lan, Hà, Tâm liếc mắt nhìn nhau tủm tỉm cười thầm. Hà thấy câu chuyện vừa lạ vừa buồn cười. Lan nhìn Hà thấy lòng ấm áp. Chỉ riêng có Tâm là sung sướng nhất. Chốc nữa về đến nhà thế là cũng có tù binh, có chiến lợi phẩm, có chuyện truy kích kể lại cho mọi người không đến nỗi cứ ngồi nghe như trước nữa.

*
* *

Huy nóng ruột quá. Chờ mãi từ chập tối đến giờ gần một tiếng đồng hồ Lan vẫn chưa về. Lan đi đâu suốt cả chiều hôm qua đến nay, Huy hỏi đâu cũng không thấy. Hồi trưa chưa nóng ruột mấy nhưng đến bây giờ thật là không chịu được. Anh đi ra đi vào. Thỉnh thoảng lại qua bên tiểu đội Hà. Hôm nay, cô ta đi vắng lại đúng vào ngày xuất kích của mình, mà đã xuất kích thế nào cũng phải chuyển quân. Nghề bộ đội Huy kinh nghiệm nhiều rồi!

Trong nhà mọi người trò chuyện bàn cãi nhau ỏm tỏi về trận phục kích hồi chiều. Huy ra vào chẳng ai để ý. Hôm nay anh cũng lập được thành tích. Giá có Lan đây, anh sẽ kể bằng hết. Huy đứng tựa vào bức tường đổ trước sân rồi lại lần sang gặp Bằng em Lan. Mấy lần hỏi đi hỏi lại thật tỉ mỉ Bằng chỉ lắc đầu.

Huy đâm ra nghi ngờ: - Hay là chị em nhà nó lại tìm cách tránh mặt mình chăng? Không có lẽ! Huy thấy không nên đổ vạ như vậy. Huy chỉ cần mong Lan về để hôm nay bày tỏ nỗi niềm cho cô ta rõ rồi đi đâu thì đi. Mấy lần Huy không mạnh dạn thành thử bây giờ nước đến chân mới nhẩy. Bỏ Bằng, Huy lại về nhà. Trong túi anh đã cắt sẵn hai sợi dây dù thật dài thật tốt. Anh dành riêng để tặng Lan.

Huy đứng tựa vào bức tường cũ tay thọc vào túi mân mê. Sợi dây dù mềm nhũn như bún. Lan chắc thích phải biết. Huy nghiêng nghiêng người nhìn về phía đông. Mặt trăng đã nhú lên tròn như cái nia. Mấy cành tre phất phơ lá rung rung theo chiều gió. Huy nhớ tới buổi giặt quần áo đầu tiên ngoài ao khi mới đến trú quân ở đây. Hôm ấy Huy đau tay, Lan cũng ra ao giặt thấy vậy bèn giặt giúp.

Huy tỉ tê hỏi tình hình trong thôn xóm rồi tinh nghịch anh hỏi lần lần đến các chuyện trong huyện trong tỉnh, trong nước. Lan thấy Huy cứ dồn mình vào chỗ bí, không trả lời nữa, vặn lại: - “Anh hỏi em làm gì lắm thế. Các anh được đi đây đi đó việc gì chẳng biết. Đáng lẽ các anh phải chỉ bảo cho chúng em mới phải. Ai lại cứ đi hỏi chúng em. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ ra chưa bước khỏi cổng, quét cái bếp chưa sạch còn nói gì đến chuyện thế giới”.


Huy ngồi nghe chỉ cười, bàn tay khoát khoát xuống nước khua đuổi những cánh bèo dâu. Tâm hồn Huy phơi phới như những cơn gió nhẹ thổi rì rầm trên ngọn si bên bờ.

Sau biết Lan ở nhà tiểu đội Hà trú quân. Tiếc quá, Huy vừa chuyển sang tiểu đội khác thì chúng nó lại với được cái nhà này. Mà Huy xem chừng cả cái tiểu đội này chúng nó đều ngốc cả. Người xinh đẹp sắc sảo thế mà không đứa nào để ý. Cái thằng Tâm ranh con lại còn gán cho Lan cái tên “bà chính trị viên tiểu đội”. Giá Huy được ở nhà này thì đến hôm nay Lan cũng có thể thông cảm với Huy rồi.

Bên tiểu đội Hà có tiếng gọi nhau rộn rịp. Huy lần sang. Hà, Lan, Tâm đã về, theo sau là một thằng ngụy binh mặt nhớn nha nhớn nhác. Mọi người thấy cánh tay Lan bị băng bó liền xúm lại hỏi thăm. Hà vui mừng kể lại cho mọi người nghe. Chuyện Hà, Lan xong thì chuyện Tâm với quả bộc phá. Tiếng cười nói ròn rã nổi lên nhộn nhịp tưng bừng.

Bằng vào nhà dọn cơm cho bốn người. Trong không khí đầm ấm của gia đình cụ Lan, tên ngụy binh nét mặt lúc này đã có phần tươi tỉnh. Nó thấy mọi người không ai coi nó như là kẻ thù nữa. Ai cũng gọi bằng anh. Huy đứng ngoài sân nhìn cảnh tượng ấy trong lòng cũng vui. Thấy cánh tay Lan bị băng bó anh càng thương Lan hơn nữa. Nhưng anh chưa nói chuyện vội.

Trong lúc tiếng này tiếng nọ chen nhau Huy có thêm dấm thêm mỡ vào càng chẳng ăn thua. Anh lủi thủi quay góc về nhà. Một lát sau lại lần sang. Lan đang xem sách cùng Bằng dưới bếp. Hai ông bà cụ đều đi ngủ. Nhà trên tiểu đội Hà đang tập hát cho thiếu nhi. Thấy Huy đến Bằng e thẹn gấp sách chạy tìm Tâm để nói chuyện. Huy ngồi trên tươi cười chào trước:


- Thấy cô bị thương nãy giờ bận quá không sang được. Thế nào có đau lắm không?

Lan không muốn kể lể dài dòng chỉ nói gọn:

- Có gì đâu! Chẳng may thôi. Đã đánh nhau thì thoát sao được.

Huy ngồi tỉ tê chuyện trò hết việc nọ đến việc kia lấn lẫn mãi muốn nói giọng cứ ngập ngừng. Không biết nói ra rồi cô ta có đồng ý hay không? Chuyện trò xem ra vẫn vồn vã lắm. Nhưng Huy nhìn trong con mắt Lan hình như có khía chưa được tươi vui tình tứ lắm. Thỉnh thoảng cứ nhấp nhỏm ngồi dậy như là nóng ruột một việc gì! Huy đoán thế thôi. Chuyện được mươi lăm phút. Vẫn chưa ra đâu vào đâu cả. Huy xoay nước cờ khác. Phải đánh mạnh vào tình cảm để xem nét mặt cô ta như thế nào rồi hay liệu. Huy phải làm gấp gấp. Chuyện trò dây dưa không có lợi. Anh cần hỏi một câu: Lan có yêu mình không? Chỉ thế thôi rồi giải tán cũng được. Nhưng Huy thấy hỏi thế khí đột ngột và sỗ sàng. Phải thăm dò đã. Anh nói:

- Cô Lan ạ! Tối nay chúng tôi sẽ hành quân. Lần này đi xa lắm. Không biết có trở lại được hay không? Mấy lần tôi thường sang đây nói chuyện. Gia đình và cô cũng hiểu tôi nhiều...

Lan nghe nói hành quân rụng rời cả chân tay:

- Hành quân à! Chết thế mà em không biết!

Huy nghe giọng Lan hoảng hốt, chắc là cô sợ mình đi mất nên rút ngay hai sợi dây dù ra:

- Trước khi đi chẳng có gì làm kỷ niệm. Lan cầm lấy vật nhỏ mọn này để chúng ta còn nhớ nhau mãi mãi.

Huy nói xong cảm thấy mình đã dùng câu nói thật là mạnh dạn. Lan nhìn Huy ngập ngừng:

- Các anh đi bộ đội chúng em phải giúp đỡ này nọ là khác ai lại thế này?

Huy đưa chiếc dây dù đặt vào tay Lan run run:

- Của có là bao lăm mà Lan cứ khách sáo mãi. Cùng người nhà cả ấy mà, cứ chối mãi. Tôi không bằng lòng đâu.

Lan lần lần dưới giỏ lấy ra một chiếc túi bút mầu hồng:

- Thế thì anh cầm lấy cái này cho em vừa lòng anh nhé!

Lan nói xong đút ngay vào túi áo Huy. Huy chỉ khe khẽ giơ tay ra gạt. Lan nói luôn một hơi:

- Thế là anh lại từ chối em rồi đây. Anh cứ bảo quân dân nhất trí cái chỗ nào! Có đi có lại mới toại lòng nhau. Anh là khách sáo lắm. Chẳng gì cũng là của em làm ra. Cũng là công sức lao động. Anh cầm lấy làm kỷ niệm đi đâu nhớ gửi thư về cho em với nhé.

Huy ngồi nghe mê mẩn cả người. Anh đang dành từng bước chủ động không ngờ chỉ một loáng Lan đã lật cho xuống hàng bị động. Huy cứ ra sức gỡ cho ra khỏi cái vòng luẩn quẩn về cái vật kỷ niệm cũng đủ mệt. Riêng phần Lan từ lúc nghe Huy nhắc đến chuyện hành quân lòng cô cứ sôi lên. Cô chỉ muốn làm sao anh ta về chong chóng để cô còn phải gặp Hà.

Thấy Huy cứ chuyện trò dằng co mãi, Lan đành phải ngồi tiếp chuyện suông. Cô muốn nhẩy ra ngoài sân tìm Hà. Đêm nay là buổi cuối cùng. Huy vẫn chưa về. Không thể cắt ngang câu chuyện được. Huy đối với mình tử tế lắm. Nhưng đến lúc này Lan thấy vô cùng bực bội.

Lan cúi đầu giấu nỗi bực dọc tay đang mân mê sợi dây dù thì Bằng và Tâm kéo nhau vào. Bằng bô bô:

- Đề nghị hai anh chị ra ngoài kia để chúng tôi chép bài hát.

Lan tát nhẹ vào má Bằng:

- Cái thằng hỗn. Nói năng thế kia à!

Tâm cười nhìn Lan:

- Cô còn một cánh tay nữa cứ đánh em lắm nó lại què đi bây giờ!

- Cho nó què anh ạ! Không đánh rồi sau này chứng nào tật ấy nó nhờn đi.

Bằng nhỏ nhẹ với Tâm:

- Anh ghi tôi bài “Chiến thắng Yên Mông” mà anh Hà thường hát đấy.

Huy bị Tâm và Bằng vào cắt ngang câu chuyện, anh bực quá chào Lan:

- Thôi chào cô. Nhớ hôm nào gửi thư với nhé.

Lan vui vẻ:

- Chỉ sợ anh lại quên em thôi. Còn chúng em thì bao giờ chả nhớ.

Huy về. Lan chạy lên nhà trên vào buồng một lát rồi đi lại phía Hà đang đứng dưới gốc cây cau hát bài Yên Mông một mình. Lan rón rén chụp mộ tay vào vai:

- Hùm!

Hà giật mình ngoảnh lại:

- Cô làm tôi giật mình!

Lan cười:

- Anh hát hay quá. Em cứ muốn nghe mãi. Trăng đẹp thế này!

Hà không cười, hỏi:

- Cô không đi ngủ à! Hôm nay chạy mệt lại bị thương thế kia! Phải bảo vệ sức khỏe chứ.

Lan nũng nịu:

- Anh cứ giấu chúng em mãi. Chốc nữa các anh lại đi rồi!

Thấy Lan nhắc đến chuyện hành quân. Hà giật mình: Sao cô ta đã biết sớm thế. Hà đoán là chỉ có Huy nói thôi, chắc hai người lại vừa chuyện trò với nhau rồi, anh không thể giấu được nữa:

- Chốc nữa chúng tôi đi đấy cô ạ! Chúng tôi đi xa các cô nhớ gửi thư với nhé!

Lan rút trong túi ra một mùi xoa lụa và một cuốn sổ tay đưa cho Hà:

- Anh cầm lấy. Vật mọn gọi là kỷ niệm mối tình... quân dân!

Hà biết trước là không chối được. Anh đã bị Lan đả cho mấy vố lý thuyết rồi nên đành phải giơ tay nhận một cái mùi xoa:

- Thôi tôi nhận thế này đủ rồi. Quyển sách tôi để lại tặng em Bằng.

Lan không chịu:

- Anh đã cầm thì cầm cho chót. Lấy một nửa để một nửa thì đừng nhận có phải hơn không? Anh là đáo để lắm!

Hà thấy vật kỷ niệm của Lan to tát quá, Hà có dùng mùi xoa bao giờ. Hôm nay sờ đến thấy mềm mại mát cả tay. Khăn thêu cả xung quanh. Thêu cả bốn góc. Có những chữ gì xanh xanh đỏ đỏ, đẹp quá. Rồi quyển sổ tay nữa. Bìa đỏ giấy trắng gạch hàng cẩn thận ở ngoài có ảnh Hồ Chủ tịch và cờ đỏ sao vàng. Của này phải nhiều tiền lắm. Thấy Lan cứ giúi quyển sổ vào túi áo mình. Hà lấy tay gạt ra run run lời nói không vững:

- Thôi cô ạ! Tôi tặng em Bằng quyển sách là tôi nhận của cô rồi đấy.

- Anh cứ cầm lấy. Tôi sẽ đưa em Bằng quyển khác tôi sẽ bảo là anh tặng nó cũng được!

Hà không nói được nữa để mặc Lan bỏ sách vào túi áo.

Lan cười:

- Anh đồng ý như vậy mới đúng chứ. Em có quên anh bao giờ. Anh ra đi chúng em nhớ. Chúng em thương, chúng em mới phải tặng làm kỷ niệm. Rồi đây không biết các anh có trở lại nữa hay không. Sau này chúng em nếu có thật nhiều vật phẩm muốn tặng cũng không được.

Lan nói chuyện tỉ tê nhưng óc Hà chỉ tập trung vào mấy vật kỷ niệm. Cô ta tặng mình cũng phải có cái gì giả lại người ta. Làm cái kiểu ăn không còn đẹp mặt gì nữa. Hà nhớ trong ba lô chỉ có một cái khăn vuông đen của Nguyệt. Có nên đưa ra hay không? Khăn vuông cũ lắm rồi. Đem ra Lan sẽ cười cho là quê mùa cục mịch.

Ngoài chiếc khăn Hà chỉ có một bộ quần áo, một nửa hộp gíp, một miếng xà phòng, một bàn chải đánh răng. Thế là hết. Hà chẳng còn gì cả! À Hà còn hai đồng bạc nữa! Hay là anh cứ đưa tuốt hai đồng bạc Đông tặng lại. Không được như thế Lan sẽ khinh cho. Hà nghĩ hết ba lô lại đến súng đạn. Súng không được rồi. Đạn lại không được nữa! Chợt nghĩ ra một vật này... Hà rất sng sướng. Anh xin lỗi Lan, chạy vào nhà một lát lấy ra đưa cho Lan một cuộn băng chiến lợi phẩm còn bọc giấy bóng trắng tinh, loang loáng dưới ánh trăng. Tay Hà run run:


- Tôi chẳng có gì làm kỷ niệm. Cô cầm lấy mà băng bó vết thương cho chóng khỏi.

Lan cầm lấy đút ngay vào túi áo mình cười:

- Đấy anh đưa cho em, em có từ chối gì đâu! Em hiểu bụng các anh. Thế mà các anh là cứ khách sáo làm cao.

Hà nhìn Lan mỉm cười. Anh đến chịu mồm mép của cô. Bao giờ cũng tìm cách nắm chủ động giành ưu thế về mình. Thế mà Lan, Lan thấy vẫn còn bị động, vẫn chưa chuyển lòng Hà được. Hai người nhìn nhau. Đôi mắt long lanh. Dưới ánh trăng Hà trong Lan đẹp như một bông hoa. Lan trông Hà lòng càng xao xuyến. Bao nhiêu lần định đánh bạo ngỏ hẳn lòng mình. ý nghĩ vừa đến họng đã bị một vật gì chẹn lại. Trên trời trăng càng sáng tỏ. Tiếng hát tiếng hò đầu kia sân ầm ĩ không ngớt. Lan bỗng thấy ngập ngừng. Hà thì không biết tìm chuyện gì để nói. Anh lấy ngón tay trỏ chà chà nước rêu trên tường.

Tè! Tè! Tè!

Tiếng còi tập họp thổi ran ran. Hà chỉ kịp chào Lan:

- Cô ở lại mạnh khỏe nhé. Đừng quên chúng tôi nhé!

Lan nói với theo:

- Đến địa điểm thế nào cũng gửi thư về cho em nhé!

Một lát sau bộ đội đã tập hợp đầy đủ ngoài sân nhà Lan. Các em thiếu nhi, các anh thanh niên, các bà, các cụ đều đến tiễn đưa tấp nập. Toàn đơn vị hành quân ra phía bờ sông thứ tự trung đội này trung đội nọ. Lan cùng cô Tẹo trong xóm đứng bên hàng rào tre vẫy tay chào bộ đội. Nhiều bà cụ, nhiều chị nước mắt rưng rưng. Tối hôm nay bộ đội hành quân xa nhân dân đều biết hết. Sau một trận chiến thắng các anh ấy còn phải đi để giành thêm những chiến thắng mới. Ngày trở lại cũng khó lắm. Lan nhìn bộ đội đi qua lòng vừa thương vừa nhớ. Hôm nay các anh đi đây ngày mai biết đâu kẻ còn người mất. Huy đi qua vẫy tay:

- Cô Lan cô Tẹo ở lại mạnh khỏe nhé!

Lan trông theo:

- Chúc anh đi lập được nhiều công. Lúc nào công tác về qua nhà em chơi với nhé.

Bóng Huy mất hút trong hàng quân thì Hà cũng vừa bước tới. Lan nhìn Hà nghẹn ngào, Lan phải cầm chiếc mùi xoa lên che mắt. Hà tới bên Lan an ủi:

- Cô ở lại vết thương chóng khỏi nhé.

Lan chỉ he hé chiếc khăn. Cô không dám nhìn Hà, nhưng rồi cũng phải nhìn để được trông thấy hình ảnh Hà lần chót. Lan chỉ ngập ngừng:

- Vâng! Anh đi!

Bóng Hà mất hút trong hàng quân. Toàn đơn vị đi ra phía cầu sông. Nhân dân tiếp tục tiễn đưa kéo thành một hàng dài. Bộ đội qua bên kia bờ sông rồi đi ngược lại. Trăng đêm càng khuya càng tỏ. Gió thổi gợn mặt nước sông rung rinh lốm đốm hoa bạc. Lan cùng Khanh kéo nhau ra bờ sông trông sang bên kia. Lan cố đưa mắt tìm bóng Hà trong hàng quân. Hà đội cái mũ lá to vành, mặc chiếc áo xanh đã bạc màu, vai vác khẩu tuyn, cô trông rõ lắm. Lan thấy trong người ngây ngất đầu choáng váng muốn ngã. Cô phải ghì chặt lấy vai Tẹo.

Hà đi rồi Lan run lên như người bị sốt rét. Tẹo quay đầu hỏi:

- Chị Lan làm sao thế!

- Có gì đâu! Tay bị thương nên người cũng hơi mệt.

Tẹo bảo:

- Thế thì ta về nhé!

- Thôi cứ nán lại tí đã.

Gió đêm lành lạnh thổi vào vết thương đau buôn buốt. Lan nhớ lại mới lúc chiều Hà còn ngồi băng cho mình trên đường 21. Liệu Hà có bao giờ quay về đây nữa không?

VINH TÚ
(Ảnh: yume)

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)