Trong nỗi nhớ của mùa xuân

Chủ Nhật, 29/01/2017 00:10
logochuan - Mùa xuân là mùa của thứ cảm xúc vừa dào dạt thiết tha, vừa đằm đặm, sâu lắng, tuồng như có biết bao nỗi nhớ, niềm thương... Không hẹn mà đến, không đến mà gặp cứ thế ùa về, xâm chiếm lấy hồn người để rồi thi ca được dịp cất lên và hiện hữu cùng đời sống.

Giữa muôn vẻ tao ngộ, tương phùng khi tết đến, xuân về lòng người xa quê thường hướng đến hai chữ sum họp. Với tác giả Nguyễn Lưu (Thái Bình) thì hai chữ sum họp ấy đã trở thành một nỗi canh cánh khôn nguôi:
Lại tết nữa không về thăm mẹ
Lòng con canh cánh nỗi nhớ nhà
Chiều ba mươi, mẹ cời thêm ngọn lửa
Bánh chín rồi, mẹ nhớ đứa con xa

       (Nhớ mẹ chiều ba mươi tết)

 
mua xuan

Thực mà nói thì những câu thơ trên chưa lấy gì làm đặc biệt, nếu chưa nói là còn có phần dễ dãi. Dẫu vậy khi cảm xúc đan quyện vào hình ảnh mẹ cời thêm ngọn lửa đã cho Người Biên Tập thấy được vẻ ưu tư đẹp đẽ đang tỏa ra trầm ấm trong lòng tác giả. Có thể bài thơ chưa có đích đến nhưng ít nhất cũng cho ta tìm ra được ngả về của nỗi nhớ trong Nhớ mẹ chiều ba mươi tết.

Với tác giả Huy Đỗ (Sơn La) thì món quà dành tặng cho người mình yêu quả là đặc biệt:
Tặng cho em nhé mùa xuân
Nếu xa anh chẳng tính nần lãi chi
Em còn, e lệ làm gì
Khi trời đất đã đi về lối yêu

                (Quà xuân)

Món quà xuân của tác giả đầy vẻ lãng mạn và ga lăng đấy chứ. Ấy vậy mà Người Biên Tập đồ rằng cô gái sẽ không dám nhận nó đâu nhà thơ ạ. Mùa xuân thật đẹp nhưng nếu chuyển thành một món quà thì to lớn và mông lung lắm lắm, biết cất, để vào đâu cho được. Chưa kể, khi tặng chàng nói thế, rồi biết đâu khi xa nhau chàng lại “tính toán” mà đòi cả nần lãi, lúc ấy có trả hay không cũng thật khó chừng nào. Cơ may là trong hoàn cảnh này nàng còn giữ vẻ e lệ, nghĩa là vẫn đứng đấy để đón nhận lời tỏ tình, chứ nếu không phải vậy thì Người Biên Tập cũng khó mà hình dung hết được viễn cảnh này.

Xuân về, biển đảo và biên cương xa xôi của Tổ quốc như thêm gần lại. Bởi trong những giờ phút nhà nhà tao ngộ, người người tương phùng vẫn có hàng triệu trái tim hướng về người lính đang làm nhiệm vụ canh giữ bình yên cho đất nước và nói hộ các anh qua những vần thơ chân thật nhất. Mùa xuân ở Trường Sa của tác giả Nguyễn Văn Sửu mang một cách thể hiện như thế.

… Xuân về đánh thức biển sâu
Một cành đào thắm gợi nhau nhớ nhà
Tết này con ở Trường Sa
Thèm mưa phùn ở quê nhà bay bay


Mùa xuân chỉ là một trong bốn mùa của trong năm và mùa xuân vốn không phải tiêu chuẩn để ta đo lường, để định lượng cho một năm hay một đời người. Nhưng khác với ba mùa còn lại, mùa xuân thường dẫn dắt người ta đến những sự liên tưởng vượt ra ngoài tầm mà đôi khi từ những liên tưởng ngoài tầm ấy câu thơ bỗng trở nên sáng lạn và diệu vợi hơn nhiều so với thực cảnh:
Mưa như từ nghìn năm trước
Về bay trong buổi sáng này
Lá như từ nghìn năm trước
Về xanh lại giấc mơ cây


Không điệu đàng mà dịu dàng, nhìn cơn mưa ấy, nhìn chiếc lá ấy, trong sáng mùa xuân, ta bất chợt nhận ra muôn điều khác lạ. Không dừng ở đấy, trong bài thơ này tác giả Ngọc Chức còn dấn thêm một nhịp để đưa mình vào những cơn say, niềm say bất tận của trời đất:
Rượu như từ ngàn năm trước
Đổ vào sông suối để say


Say cùng trời đất cũng là một kiểu say rất thi sĩ. Viết từ xuân trước để gửi tới xuân này, tưởng tượng cái nghìn năm trước đang hiện hữu ở xuân nay là một câu chuyện rất thường tình mà ta đã gặp. Và Người Biên Tập hi vọng bước vào xuân Đinh Dậu, Tạp chí sẽ nhận thêm được nhiều thơ cộng tác từ tác giả.

Xuân là dịp đẹp để bày tỏ tình cảm, bày tỏ niềm thương mến và cũng làm khơi dậy những cảm thức về tình yêu:
Tình yêu vo kín niềm thương nhớ
Để mỗi mùa xuân lại hẹn về


Đó là những câu thơ của tác giả Phan Minh Châu. Cảm thức tình yêu trong thơ bạn giống như một cô gái có duyên mà không ít chàng trai để mắt tới. Nhưng một ngày đẹp trời cô gái ấy lại tỏ tình với nhiều chàng trai trong cùng một lúc, thành ra ai cũng ngại ngần vì tình yêu đấy đâu chỉ dành cho riêng mình. Đôi khi, tình yêu là thứ vô cùng ích kỉ, người ta muốn đó chỉ là của riêng mình. Hoặc giả như cô gái có thể tỏ tình với nhiều người nhưng ít ra cũng phải ở những thời điểm khác nhau chứ không phải theo kiểu “for ward” cùng một lúc. Việc một bài thơ được “nhấp chuột” rồi chuyển tiếp tới hàng chục địa chỉ như vậy thì quả là làm khó cho không ít người làm công tác biên tập như trường hợp của tác giả, và của không ít bạn viết khi gửi bài cộng tác cho Tạp chí.

Khi mùa xuân đến, đất trời, vạn vật và lòng người thường có những mối tương giao đặc biệt, vì thế thơ được dịp làm sợi dây nhỏ nối những niềm ý của hồn người ra với vạn vật.

Bước sang năm mới Đinh Dậu, Người Biên Tập chúc tất cả các cộng tác viên của Văn nghệ Quân đội lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và giàu sáng tạo. Mong nhận được nhiều hơn nữa những sáng tác từ quý vị 
                                                          
 NGƯỜI BIÊN TẬP
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)