Trái tim thầm vẫy gọi...

Thứ Hai, 27/11/2023 08:44

(Đọc Nghiêng bóng lá của Nguyễn Thanh Kim, Nxb Hội Nhà văn, 2023)
 

Tính từ năm 1975 đến nay, nhà thơ Nguyễn Thanh Kim đã trải gần 50 năm gắn bó với nghiệp cầm bút. Ông đã xuất bản 18 tập thơ, mới nhất là tập Nghiêng bóng lá. Thi tập này cho thấy sự kiệm lời, chắt lọc, nhiều cảm xúc của nhà thơ.
Thơ Nguyễn Thanh Kim thiên về phong cách tự thuật, chụp ảnh, họa hình, phác vẽ sự kiện, cảnh vật, tâm trạng nhất phiến, nhất thể. Ông rành mạch yêu là yêu, nhớ là nhớ, thương là thương, vui là vui, buồn là buồn, đắm say là đắm say, xao xuyến là xao xuyến, chống chếnh là chống chếnh, cay đắng là cay đắng, có thể đi đến tận cùng gam độ nhưng không chuyển kênh, không đảo chiều, không quá day đi dứt lại...
Như một thông lệ, tập thơ nào của Nguyễn Thanh Kim cũng có một số bài viết về vùng quê Kinh Bắc Thượng - sông Thương - Tây Yên Tử và đến tập Nghiêng bóng lá này cũng chiếm tới 6 bài thơ trên tổng số 72 bài. Ông đến với non thiêng chỉ thấy đất trời và lòng mình đối diện với chính mình: Thấp thoáng chùa xa chừng đất Phật/ Vườn vải sương mờ rộn bước chênh/ Ai hay nẻo bước lên Yên Tử/ Cõi giới lòng ta thỏa rộng thênh (Lên Yên Tử)…
Nguyễn Thanh Kim “đăng cao” để tìm về, trở lại, chiêm nghiệm giữa những cao xa, rộng dài trong muôn thuở đời người: Đất Phật xa vọng vời tâm trí/ Đưa ta trở lại chốn phiêu bồng… Ông trở lại miền quê trung du trong cảnh thanh bình, hòa hội trong thiên nhiên, đường quê, vườn quê, cảnh quê, tình quê: Bố Hạ ta qua nhớ ngược quen/ gió gọi dọc đê, nắng vừa nhen. Thi sĩ thả tình nối hôm nay với ngày xưa, gợi nhớ tình xưa, kết nối những bâng khuâng tình người, cảnh vật: Nham Biền non thẳm vợi tầng không/ đường ngược dặm nào ngợp bóng thông/ ta chạnh nỗi buồn khôn xiết tả/ Lối cũ em về chống chếnh mong. Nguyễn Thanh Kim bâng khuâng trước thời gian, không gian, trải nghiệm trước nắng tà, trước những thực hư, còn mất của “nẻo gió”: Mái thuyền buông sóng. Ráng chiều tà…/ sông Thương rựng đèn bóng nước nhòa/ chữ vần neo buộc chênh nẻo gió/ lòng vẩn vơ hoài ruổi lũng xa.
Nguyễn Thanh Kim trữ tình, lãng mạn trong cuộc sống đời thường: Nắng lóa trưa hè nắng im hơi/ nghe tiếng chim kêu vọng mé đồi/ có chùm vải chín tay em hái/ ngọt trái vườn kia thương mến ơi! Từ những quan sát, trải nghiệm của những nắng lóa, chim kêu, vải chín, bóng cây, xe hàng, dốc ngược đặc thù quang cảnh vùng trung du đã dẫn đến xúc cảm “ta nhớ mong”. Tâm trạng ấy là của người đã đến, đã ở, đã qua, đã xa và sống giữa thực tại hôm nay đây mà vẫn còn xôn xao mong nhớ.
Gần cận với lối thơ tập cổ, Nguyễn Thanh Kim mượn hai câu thơ tuyệt hay của Phạm Hầu thay lời đề từ Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/ Chẳng biết xa lòng có những ai? để có được bài thơ nối tiếp theo mạch cảm xúc thi nhân xưa: Ta - người thơ đến sau/ trái tim thầm vẫy gọi/ biển thời gian xô mau/ Lòng ta thành bến đợi.
Đến Nghiêng bóng lá, dường như nhà thơ Nguyễn Thanh Kim dễ chạnh lòng, nhạy cảm nhiều hơn với trạng thái chông chênh của tuổi chiều vọng nhớ thuở xuân thì: nón nghiêng quạt múa chênh chao sân đình; nhớ hình bóng mẹ một đời vất vả: Nhớ hoài dáng mẹ nghiêng chao; cho đến cả nhan đề và câu kết bài thơ cũng lô xô đồi thông Nham Biền trào dâng thương nhớ: Lối cũ em về chống chếnh mong; rồi đến bài kết cả tập thơ cũng là những suy ngẫm, giả định, đong đếm mang đầy tính bất định: nỗi nhớ đời chênh chao/... Dường như theo quy luật, nhà thơ dự cảm Trái tim còn hực lửa/ Thơ gieo chẳng nệ vần và điều này bộc lộ khá rõ ở hai câu sau trong lối thơ “phỏng tứ tuyệt”, âm điệu câu chữ xuôi theo bè ngang; chẳng hạn: Đỉnh sóng trào dâng. Phù sa mới…/ ngọt se múi bưởi giữa tay cầm/ Tân Triều ấp vườn thơm tên gọi/ ta xao xuyến nhớ vị xa xăm.
Tập thơ Nghiêng bóng lá của Nguyễn Thanh Kim còn nhiều mảng màu với những chuyến đi lên rừng xuống biển, trong Nam ngoài Bắc và những suy tư về tình gia đình, bạn bè, quê hương, đất nước, núi sông, cõi người và cõi đời. Đọc tập thơ lại nhớ giọng đọc thơ hồn nhiên, hào sảng, mê mải, đắm say của chính nhà thơ: Xênh ngồi thả chút vân vi,/ ta nghe dội vắng, thấm vì ngóng trông/ nỗi người thắt buộc mông lung,/ ta dềnh vạt sóng chạnh lòng vướng nhau…

NGUYỄN HỮU SƠN chọn và giới thiệu


Gió bình yên

Ta là gió thổi khắp cùng nương rẫy
những nhiều tà vương vấn mỗi ban mai
giương cánh buồm ta như là sức đẩy
biển trời dậy sóng triều xa

Đất ru cánh võng hiện tao nôi
cơn ngủ chờm giấc mơ trẻ nhỏ
có lời ru ngợp cánh chuồn be bé
cách biệt đâu? Hạnh phúc giữa đời thường

Giữa đảo xa sóng cả đại dương
nghe gió mặn mòi nồng hơi biển
nghe đất liền lời thương trìu mến
đêm trăng rằm và giọng hát vu vơ

Người đi xa bến đỗ đợi chờ
phút đưa tiễn biết bao là lưu luyến
thuyền xa khuất rặng cây neo động
gió lay hoài kí ức thức trong tim

Cho lòng ta mãi mãi bình yên
ta là gió thổi hoài nơi chốn vắng
chút tâm tình thơ ta gieo giọt nắng
soi bừng lên khuôn sáng mặt người...


Rét muộn

Đã sang tháng mười rồi
trời nắng, hơi lửa đốt
anh như lá me kia
cứ âm thầm nhớ rét

Cũng chẳng trách than trời
không làm mình làm mẩy
anh xanh hoài nơi ấy
xanh nuối tầm mắt trông

Nắng nôi chi, kệ hết
anh chỉ nhớ em thôi
như nhớ về cõi biếc
xanh tận cùng buồn vui...

- Ảnh:


Mùa vải chín

Nắng loá trưa hè nắng im hơi
nghe tiếng chim kêu vọng mé đồi
có chùm vải chín tay em hái
ngọt trái vườn kia thương mến ơi!

Bóng cây lúp xúp trải ven đường
xe nối theo hàng mùa vải thơm
ngược dốc Lục Nam chào Lục Ngạn
rộn bến chi mà ta nhớ mong

Hương vải ngát bay rì rào ong mật
thấm ngọt môi người. Cho lòng ta yêu
có giọng em cười. Đất đồi tươi gọi...
mắt ngợp xa ráng đỏ ngang chiều.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)