Những câu thơ khắc khoải cội nguồn

Chủ Nhật, 27/04/2025 14:27

(Đọc Hồn chiêng giữ vía của Kiều Duy Khánh, Nxb Hội Nhà văn, 2024)

            Hồn chiêng giữ vía của Kiều Duy Khánh với 40 thi phẩm tựa như những nốt trầm bổng vang lên từ núi rừng, mở ra những huyền thoại xưa và nhịp sống nay, dẫn người đọc đến với một vùng núi non điệp trùng Tây Bắc đầy huyền tích.
           Bắt đầu từ những rung cảm tinh tế, từ những dấu vết trên mình gốm, Kiều Duy Khánh đã dắt người đọc đến với xứ Mường Chanh, nơi được coi là trung tâm gốm cổ ở Sơn La, nơi ôm trọn trong mình những cuộc thiên di xưa cũ, nơi Lũ trẻ vừa đi vừa nuôi lớn cuộc đời/ Tiếng khóc chào ngày hẫng một vành nôi hẹp/ Người mới sinh tiếp dấu chân người mất. Đó là cuộc thiên di mang đậm chất sử thi mà những người dân vùng cao từng đi tìm xứ sở cho mình và để lại những đặc trưng văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc mình. Đâu là quê hương hợp với lời tiên tổ? Câu thơ vừa cháy lên khát vọng lớn lao lại vừa như chất chứa trong đó những khắc khoải cội nguồn.
            Tuy nhiên Kiều Duy Khánh trong thi tập này không chủ định để giải mã lịch sử hay những điều lớn lao của vùng đất Sơn La còn nhiều trầm tích. Anh chọn cách thơ hơn, đó là trò chuyện bằng tâm thức với người xưa, để mang đến cho bạn đọc một cách tiếp cận sâu hơn với đất và người xứ này. Phong tục, tập quán, thói quen là những điều gần gũi, thiêng liêng cũng là cốt lõi để làm nên văn hóa tộc người. Kiều Duy Khánh đã kết nối những yếu tố ấy một cách cảm xúc và cũng rất bản sắc: Bài Khua Kệ chênh vênh dẫn chá về với Mường trời/ Chá sẽ gặp lại ma ông bà bố mẹ/ Gặp lại trưởng họ Sồng cầm hai mảnh sừng trâu đón chá ở cổng trời để giữ vía...
             Có một nỗi ám ảnh lớn trong tâm cảm tác giả gợi liên tưởng đến dấu hỏi: Ruộng bậc thang dáng mẹ cong dấu hỏi hay Cây lúa cong oằn như dấu hỏi ngả nghiêng xiêu. Là những tượng hình dấu hỏi hay là những nỗi băn khoăn của tâm hồn nhạy cảm, băn khoăn về những bí ẩn của vùng đất còn biết bao huyền tích, dấu thiêng chưa được khai mở? Tuy vậy, cũng trong chính sự băn khoăn này Kiều Duy Khánh đã thêm phần khẳng định về sự sâu dày của những vẻ đẹp còn ẩn lấp. Bởi vậy mà qua mỗi bài thơ, câu thơ ta lại thấy như tác giả đang đắp bồi thêm, làm dày lên huyền tích xứ này bằng những điều anh đã thấm thía: Tôi đi mãi mà không ra khỏi núi/ Ngã bao lần vịn đá tự đứng lên...
             Ở Hồn chiêng giữ vía Kiều Duy Khánh khắc họa những hình ảnh giản dị, quen thuộc nhưng ở góc nhìn của anh mọi thứ đều có những câu chuyện, số phận riêng. Như sự trữ tình và bi tráng qua hình ảnh người thợ săn: Ánh đèn bỏ bùa vào đôi mắt nai hay đôi mắt đẹp của người con gái xưa đã bỏ bùa lên khẩu súng/ Cũng có thể người thợ săn đã tự nguyện để mắt mình say vào ánh mắt nai. Ngay cả câu chuyện tình yêu tưởng đã hẹn thề son sắt thì cái buồn của tộc người thiên di vẫn khôn nguôi bám đuổi: Hẹn làm được cái nhà to sẽ kéo em về làm vợ/ Nhà dựng sắp xong rồi sao em bỏ bản mà đi...
               Với Hồn chiêng giữ vía, Kiều Duy Khánh dễ khiến người đọc nhầm lẫn về xuất thân của anh và đinh ninh rằng anh là một người con của núi rừng từ trong máu thịt: Bản trập trùng như dáng núi/ Núi gập ghềnh như cuộc đời/ Chỉ tiếng chiêng thì luôn thẳng/ Vì chiêng giữ vía cho người… Hồn vía của xứ sở, hồn vía của con người trong quan niệm của tộc người nơi đây chính là tiếng chiêng. Kiều Duy Khánh không chỉ thấu hiểu điều đó mà anh đã thấm nhuần điều đó nên những câu thơ cũng đầy âm vọng và mênh mang như tiếng chiêng ngân.
               Xuất thân đâu có còn quan trọng khi Kiều Duy Khánh (quê gốc Hà Tây cũ) đã chọn vùng văn hóa ấy để nuôi dưỡng, đằm sâu tâm hồn mình. Như thể chỉ qua sự uy nghi mà trầm mặc của núi, qua tiếng chiêng đầy chất sử thi anh mới tìm thấy được chính mình. Khi đã định danh mình gắn bó với một vùng nào đó là khi ít nhiều người viết đã tạo được những ấn tượng riêng.
                                                        LÝ UYÊN giới thiệu và chọn

 

Bàn tay run vuốt mắt ngày xa ngái

Chiếc lá rơi nghiêng nắng xuống tượng đài
Chiều run rẩy như tiếng ai đang gọi
Nén hương thơm cho nghẹn lòng sợi khói
Giữa đồi núi mênh mông, đâu là chỗ anh nằm?
Đâu là nơi anh đã trút bỏ tuổi thanh xuân cho trẻ mãi con đường?
Tuổi mười tám gục lên màu cỏ cháy
Ngã ba Cò Nòi đã góp sức mình làm nên một Điện Biên vĩ đại
Giải phóng rồi sao anh mãi nằm đây?
Mẹ mòn mỏi chờ mong thương tóc bạc da mồi
Bàn tay ấm mà sao chiều lạnh quá
Nghẹn hờ gọi tên con, tiếng gọi ngân vào đá
Tiếng gọi cô đơn, tiếng gọi tự trả lời
Xác bom hung tàn giờ nằm gỉ dưới mưa rơi
Cây đại cũ nở bông hoa rất mới
Bàn tay run vuốt mắt vào xa ngái
Lặng lẽ ở cuối chiều dáng mẹ tựa vào mây…


Lời của khèn bè

Pli… plè…pe…plè…
Lời khèn tìm em cạn bao đêm
Lời khèn gọi em gầy khóm lúa đương đòng, đói cây ngô mọc bắp
Sao em không mời anh lên bếp lửa nhà sàn
Để sương khuya làm ướt lạnh tiếng khèn
Bảy đôi nứa kết lại một bè
Người xưa gọi khèn bè nhắc đừng quên gốc cổ
Ống sáo ngắn nói lời thương dài
Đôi sáo dài nói câu chung thủy
Đôi sáo chẵn nói sự tròn đầy
Bảy cặp lẻ mang ý sinh sôi mãi
Ống dài chạm mắt
Ống ngắn gần lòng
Tiếng khèn chia gió
Cho lời song song
Anh gửi tiếng khèn nói hộ ý mình
Dẫu dài ngắn thấp cao khèn vẫn đủ đôi đủ cặp
Dẫu tiếng khèn đã cạn đêm thao thức
Mà sao anh với em hai phía vẫn một mình
Căn bếp khuya còn ấm than hồng
Sao em để củi cháy hoài cháy phí
Hết mùa đông em không ra mở cửa
Thì tiếng khèn anh gọi cạn mùa xuân
Bậc thang thì ngắn
Cầu thang thì dài
Bếp khuya gầy ánh lửa
Em hóa thành ban mai…

Mùa gặt

Lúa chín
Ruộng bậc thang như những mảnh nắng
Nắng ủ hương thơm nồng
Con gà rừng mỗi sáng đến mổ ăn
Trả công mẹ bằng rạc rời tiếng gáy
Đàn chim cu mỗi chiều bay đi rồi quay lại
Những bông lúa vàng ngủ trong vách đá đợi mùa đông
Lúa chín
Đàn bà đi ra đồng
Ngang lưng ai cũng có một lưỡi liềm
Lưỡi liềm cong như cái bát để nghiêng
Đàn ông đi ra đồng
Không ai quên cái điếu cày và một chum rượu cần để uống
mừng ngày gặt mới
Khói thuốc bập bềnh bay lên vẽ dáng mây vào núi
Hương rượu cần rủ gió ngật ngà say
Lúa chín
Đêm nay
Bản vui hội đón lễ mừng cơm mới
Giấu giấc ngủ vào tiếng chiêng
Buộc bài khèn vào núi
Đêm thẹn thùng tay chạm một bàn tay…

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)