Mai năm mới áo lại tha hồ mới

Thứ Tư, 10/02/2021 00:41

Trong không khí ấm áp, tươi vui của những ngày tết, Người Biên Tập rất vui được trò chuyện với bạn đọc thân quý về thơ. Như là sự không thể thiếu, cứ vào độ cuối năm, Tạp chí Văn nghệ Quân đội lại nhận được rất nhiều thơ viết về mùa xuân của các tác giả gần xa gửi đến.

Từ Tây Ninh, tác giả Quang Anh mang đến mùa xuân biên giới Tây Nam với những nét thân thuộc: Mai vàng còn e ấp/ Nắng đã tràn biên cương/ Dáng kiêu hùng thốt nốt/ Vẫy ta về quê hương. Tác giả Quang Anh đã lẩy ra những hình ảnh đặc trưng của quê hương mình trong bài thơ Mùa xuân quê hương với ngụ ý nhắc nhớ, tìm về với bản quán nguồn cội sau năm tháng dài xa cách. Tác giả quan niệm: Dù sống ở muôn miền đất lạ/ Xuân quê hương mới trọn vẹn tình ta, điều này gợi nhắc vẻ đẹp truyền thống, lâu đời của người Việt, rất đáng trân trọng và ý nghĩa. Cùng trong những suy cảm “ngày tết là trở về” như thế, tác giả Lê Thị Ngọc Nhi ở thành phố Hồ Chí Minh viết: Các con về thật đủ đầy/ Niềm vui của má tết này xôn xao. Bài thơ cho thấy nỗi mong mỏi của người mẹ mỗi dịp xuân sang là được thấy các con trở về đông đủ. Điều ý nghĩa nhất mà tết đem lại chính là sự sum vầy đoàn viên trong mỗi gia đình.

Với tác giả Trương Anh Sáng ở Kiên Giang, mùa xuân lại đến theo một cách khác: Nhà anh vừa quét tường vôi/ Nụ mai hé mắt đầu hồi nhà em/ Biển khơi sóng đã cài then/ Mái tranh khói bếp lại nhen lửa hồng. Trong mỗi câu thơ ta đều thấy được sự tươi mới, bừng thức của vạn vật. Đặc biệt, ẩn sau mỗi hình ảnh đẹp đẽ ấy ta thấy bóng dáng câu chuyện tình yêu, như thể mùa xuân là cái cớ để mọi vật có được diện mạo khác và mùa xuân cũng là cái cớ để tình yêu chín muồi.

Với mỗi vùng miền mùa xuân sẽ đến theo một cách khác nhau, nhưng có một điểm chung là lòng người đều nao nức mong chờ và cảm nhận nó bằng sự tinh tế, trong trẻo nhất.

Tác giả Đỗ Văn Xuân ở Hà Nội đem đến những hình ảnh mùa xuân nơi đảo xa: Những ngày tết trên đảo/ Khung trời đáy mắt trong veo/ …/ Phơi phới đào mai giấy dán/ Phần phật cờ hồng bay trước gió xuân. Những câu thơ giản dị nhưng cũng đủ cho ta những hình dung bao quát về khung cảnh mùa xuân nơi sóng nước. Đáng chú ý, ở đó không có đào mai thật mà chỉ là đào mai bằng giấy dán nhưng không khí xuân vẫn phơi phới và tràn ngập, với lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh, tưng bừng bay trong gió. Cảm ơn tác giả Đỗ Văn Xuân đã đem đến một mùa xuân nơi hải đảo xa xôi, dẫu không đủ đầy vật chất nhưng sắc xuân và tinh thần người lính thì không gì có thể làm vơi đi.

Người Biên Tập rất chia sẻ với những câu thơ nói về ngày tết nơi lũ lụt vừa đi qua của tác giả Thu Tình ở Quảng Trị: Nước đi để lại ngấn bùn/ Mẹ ngồi dọn lại run run ngậm ngùi/ Tết về lấy nắng làm vui/ Cầu cho năm tới lũ thôi hoành hành. Ước mong trong năm mới của người dân vùng lũ cũng là ước mong của tất cả chúng ta. Đã có rất nhiều mất mát, tổn thất do mưa lũ gây ra trong thời gian qua, chúng ta cùng hi vọng một năm mới mưa thuận gió hoà để ai ai cũng có được niềm vui trọn vẹn.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà mùa xuân lại đứng đầu trong bốn mùa và luôn được nhắc đến bằng vẻ đẹp, niềm vui, hi vọng. Mùa xuân cũng đem đến sự say đắm cho lòng người và khởi lên nguồn cảm hứng bất tận cho thơ ca nghệ thuật. Có những con người, dẫu rơi vào tình cảnh éo le, nhưng trước mùa xuân họ đã nhận thấy vẻ đẹp của cuộc đời. Người Biên Tập muốn nhắc đến những câu thơ của tác giả Lâm Ngạc ở Hà Giang: Cứ nghĩ mình mòn đời trước đá/ Tháng lại năm cúi xuống mà đi/ Đàn bà núi bị vía mình đè xuống/ Như ngựa thồ không lỏng dây cương/ Bất chợt gặp mùa xuân vời vợi/ Trong một sắc đào phai/ Đá vì hoa bừng sáng/ Cuộc đời nhẹ trên vai. Với những người phụ nữ miền núi, cuộc đời dẫu còn cơ cực thì dường như mùa xuân đến là khi họ được sống thật với lòng mình nhất: Đi trong xuân của núi/ Thấy mình là bông hoa.

Tác giả Vân Nguyễn ở Yên Bái viết về mùa xuân của những đứa trẻ nghèo khá nhân văn và xúc động: Chiếc áo mặc cả mùa đông đã cũ/ Em quấn chăn để chị giặt kịp khô/ Mai năm mới áo lại tha hồ mới/ Hoa núi rừng điểm tô áo cho em. Sẽ thật khó hình dung nếu ta nói chung chung về vẻ đẹp của mùa xuân, chỉ những câu thơ mới đủ sức thấu hiểu từng số phận và mang đến những xúc cảm chân thực nhất. Có thể ở thành phố, mùa xuân là khi ta thấy người người đi mua sắm, nhưng trong câu thơ Vân Nguyễn, mùa xuân là khi chiếc áo mặc cả mùa đông của đứa trẻ được thay ra để giặt cho mới lại… Người Biên Tập tin rằng, đây sẽ là một trong những hình ảnh đẹp của mùa xuân mà chúng ta được thấy.

Chúng ta cùng trở về với mùa xuân của vùng đồng bằng Bắc Bộ trong nỗi nhớ của người lính xa nhà Nguyễn Văn Dư, hiện đang đóng quân ở Lai Châu: Xuân này mẹ đã cấy chưa/ Mưa phùn gió bấc dây dưa chưa tàn/ Mùng 5 vẫn cứ hội làng/ Xuân này con chẳng trong hàng kiệu khiêng. Trong nỗi nhớ của người lính trẻ, mùa xuân gắn với những hình ảnh quen thuộc, gần gũi, thiêng liêng. Với những câu thơ giàu cảm xúc ấy tác giả Nguyễn Văn Dư đã chạm được vào tâm thức của rất nhiều người trong nỗi nhớ về quê hương. Dẫu nhiều nuối tiếc vì lần đầu tiên phải ăn tết xa nhà, nhưng người lính trẻ cũng gửi gắm về mẹ những câu thơ mang đậm “chí trai”: Mênh mang nỗi nhớ quê hương/ Cùng con canh giữ biên cương nước nhà/ Ngước nhìn mận núi nở hoa/ Mùa xuân vẫn đẹp dẫu xa xóm làng.

Còn rất nhiều mùa xuân của cảnh trí cũng như mùa xuân của lòng người được gửi đến mà Người Biên Tập không thể dẫn ra hết. Xin cảm ơn các tác giả trong một năm qua đã nhiệt tình cộng tác và dõi theo Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Mong rằng mỗi chúng ta sẽ có được một màu áo mới cho riêng mình trong mùa xuân này.

NGƯỜI BIÊN TẬP

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)