"Xuyên thấu" - Tận cùng đau thương của những số phận bé mọn

Thứ Năm, 30/09/2021 06:21

Một chàng trai lên kế hoạch tinh vi để giết người. Một cô gái làm nghề buôn hoa bán phấn mang khao khát được chết ẩn sau tấm thân chằng chịt vết sẹo ngang dọc. Hai con người, hai số phận xa lạ, vô tình gặp nhau, tổn thương lẫn nhau, để thấu hiểu, và cứu rỗi tâm hồn nhau.

Cuốn tiểu thuyết xây dựng theo thủ pháp điện ảnh

Cùng với Haruki Murakami và Banana Yoshimoto, Ryu Murakami là một trong ba cái tên nổi bật nhất của nền văn học Nhật Bản đương đại. Trên cương vị vừa là một nhà văn, vừa là một nhà làm phim tài năng, các tác phẩm văn học Ryu Murakami viết lên có sự giao thoa hài hòa giữa ngôn ngữ văn chương với góc nhìn điện ảnh. Và tiểu thuyết Xuyên thấu đã thể hiện rất rõ đặc trưng đó trong phong cách sáng tác của Ryu Murakami, trên mọi khía cạnh.

Trước hết, tác phẩm có sự chắt lọc, cô đọng đến cực hạn về mặt thời gian, không gian và con người trần thuật. Nội dung chính của cả câu chuyện gần như chỉ diễn ra trong vòng 24 giờ, từ lúc cô gái làm nghề buôn hoa bán phấn thuộc câu lạc bộ SM tên Chiaki đến khách sạn nơi Kawashima, chàng trai đã lên sẵn kế hoạch giết người tinh vi đang đợi sẵn. Thời gian rút ngắn, không gian cũng trở nên bức bối, chật chội, tại hầu khắp các “không gian trong nhà”: khách sạn, trong xe taxi, bệnh viện, căn hộ Chiaki sinh sống… Và suốt 24 giờ, hàng loạt sự việc xảy đến nhưng gần như cũng chỉ xoay quanh sự tương tác qua lại giữa hai cá nhân là Kawashima và Chiaki mà thôi.

Thời gian truyện kể thu hẹp tới cực hạn nhưng thời gian sự kiện lại trải rộng theo cả một đời người. Đó là câu chuyện quá khứ ngày Kawashima còn là một đứa trẻ chịu cảnh mẹ ruột bạo hành và kí ức mơ hồ tháng năm anh sống ở cô nhi viện rồi tuổi dậy thì chuyển sang sống cùng một người phụ nữ lớn tuổi kiếm sống dựa trên xác thịt. Đó còn là tháng năm tuổi thơ Chiaki bị bố đẻ lạm dụng, sang tuổi trưởng thành cô gái trẻ đã tự buông thả bản thân ra sao. Thời gian trải dài, trường không gian mở rộng, liên tục chồng chéo giữa các chiều thực - ảo, kí ức - hiện tại. Nhất là, đã xuất hiện các nhân vật hết sức đặc biệt. Những tiếng nói vọng lên trong tâm tưởng Kawashima và Chiaki, xa lạ mà gần gũi, là họ, mà lại không phải họ.

Bìa tiểu thuyết Xuyên thấu.

Tất cả, tạo lên cấu trúc một tiểu thuyết Xuyên thấu như một thước phim điện ảnh được tạo dựng từ ba lối dựng phim: nối tiếp, song song, dựng nhảy quyện hòa. Câu chuyện chảy trôi theo dòng thời gian tuyến tính, sự kiện này nối tiếp sự kiện kia. Nhưng điểm nhìn, góc độ trần thuật liên tục xoay chuyển, thay đổi giữa Kawashima và Chiaki. Hai con người ấy, đóng vai trò bình đẳng đồng thời tạo thành hai tuyến truyện song song cùng tồn tại; tựa thủ pháp lia máy, chuyển cảnh trong một bộ phim vậy. Và những mảng đứt gãy của thực tại - quá khứ, từ không - thời gian nhỏ hẹp trải rộng tới cả một kiếp đời, từ không gian trong nhà chuyển về không gian tâm thức cũng là thủ pháp thường thấy trong quay phim, dựng cảnh.

Như chính nhà phê bình văn học Hasumishi Gehiko đã nhận định rằng, Xuyên thấu là tác phẩm có hai tác giả: Ryu Murakami nhà văn - Ryu Murakami đạo diễn. Và hai con người ấy, đã đồng sáng tạo lên một Xuyên thấu văn học mà đậm chất điện ảnh, hiện thực mà cũng đầy kì ảo, dồn dập sắc lạnh mà u uất đau thương. Về bi kịch cuộc đời cùng ẩn ức sâu kín trong mỗi dòng ý thức vụn vỡ của những trái tim chẳng chịt thương tổn từ ngày thơ ấu.

Ẩn ức tâm lí của những đứa trẻ chịu nhiều thương tổn

Bằng lối viết mang đậm dấu ấn điện ảnh và có những khía cạnh rất gần với chủ nghĩa hậu hiện đại, tiểu thuyết Xuyên thấu như một thước phim tài liệu được dựng một cách công phu, chắt lọc nhất về cuộc đời những cá nhân hết sức đặc biệt. Đó là những con người, mang theo ẩn ức tâm lí từ tuổi thơ chịu nhiều thương tổn do chính người thân gây ra.

Thực sự, đúng với tựa đề tác phẩm - Xuyên thấu, tác giả Ryu Murakami đã nhìn rất sâu vào vùng tối của một đối tượng, như mảnh đất “cấm kị” trong văn chương - trẻ thơ, những đứa trẻ bị bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần. Bóng hình trẻ nhỏ trên trang văn Ryu Murakami, qua kí ức, ấn tượng nhìn lại của bản thân chúng khi đã trưởng thành, quả tình vẫn hết sức hồn nhiên, ngây thơ và quá đỗi yếu đuối.

Bởi ngây thơ, nên một Kawashima đã chẳng thể hiểu, tại sao lại có sự bất công đến thế trong gia đình, tại sao mẹ luôn căm hận anh đến vậy. Bởi hồn nhiên mà cô bé Chiaki đã bị bố đẻ lạm dụng ngày này qua ngày khác. Và bởi, những đứa trẻ ngày ấy, chúng còn quá nhỏ, chúng yếu mềm để có thể tự bảo vệ chính mình trước cuộc đời cùng những nghi kị, thành kiến, phẫn nộ... người lớn đè nặng lên vai nên chúng chỉ có thể tự đấu tranh trong tâm tưởng. Chúng sợ hãi tất cả, và sợ hãi bản thân.

Nhà văn Ryu Murakami.  Nguồn: guimartinez.com

Tiếng vọng nơi tâm thức, cách chúng tự hành hạ bản thân trong vô thức, chỉ là sự cụ thể, hiện thực hóa cho những đau thương đã hằn sâu mà trở thành ẩn ức nơi tiềm thức; là sự phân thân để chúng tự đối thoại cho vợi bớt cô đơn giữa bốn bức tường những tưởng phải là “tổ ấm”, để chúng bớt sợ hãi khi chỉ là “một mình” khi đối diện trước mâu thuẫn: khao khát yêu và được yêu, hưởng trọn vẹn sự ấm áp giản dị mà tất cả đều xa vời tới bất lực. Từ đó chúng có thêm dũng khí tiếp tục sinh tồn, dù rằng, cái tôi của chúng đã thương tổn đến vỡ vụn. Và rồi, khi trưởng thành, ẩn ức vẫn mãi là vết sẹo dài hằn sâu trong tâm hồn, để những chàng trai như Kawashima hay cô gái như Chiaki, vẫn vẫy vùng dằn vặt tìm một lối thoát.

Trẻ nhỏ tựa tờ giấy trắng, vì thế, trẻ nhỏ lại càng dễ tổn thương. Thương tổn càng nhiều, càng ép đứa trẻ nảy sinh những nhân cách, như lớp vỏ bọc chúng tạo ra bảo vệ chính mình. Kawashima, Chiaki, những đứa trẻ từng sống trong cô nhi viện với Kawashima hay những chàng trai đã bước qua cuộc đời Chiaki, là cá nhân riêng biệt, song lại như cùng sống trong một thế giới. Thế giới không có tuổi thơ. “Giữa một khung nền tối được ra bởi ba màu - đen, tím thẫm và xanh dương - một cậu bé ở trần, đứng một mình, toàn thân chi chít những những mũi tên xuyên qua da thịt. Khi được hỏi đó là ai thì Taku luôn luôn nói: “Là cháu đấy!”, “Thế nếu không phải là cháu thì sẽ là ai?”, “Không là cháu thì là ai cũng được!”.

Nói rằng Ryu Murakami nhắc đến trẻ thơ trên trang viết song ông lại tiếp cận đối tượng đó ở góc độ “cấm kị” và “riêng biệt” là vì thế, không dịu dàng, trong trẻo như bao tác phẩm mà gai góc đến thương tâm. Qua đó, người đọc không chỉ có cái nhìn đồng cảm với những cá nhân thiếu vắng tuổi thơ mà hơn cả, là hướng người ta về cái nhìn nhân văn khi đánh giá một con người. Để lần nữa, ta thấm thía rằng, vết thương thể xác hay vết thương tâm hồn đều chẳng thể dễ dàng chữa lành, dẫu thời gian có chảy trôi. Và chỉ có sự thấu hiểu của những con người cùng chung số phận hay tình thương xuất phát từ chính trái tim chân thành, mới có thể cứu rỗi phần ẩn ức nơi tiềm thức kia.

Tuy nhiên, Xuyên thấu không chỉ là cái nhìn sâu vào tận cùng đau thương của những số phận bé mọn chẳng thể phản kháng. Mà câu chuyện này còn là cái nhìn gay gắt đến khía cạnh cũng đầy “nhạy cảm” trong văn chương, khía cạnh “người thân.” “Hổ dữ không ăn thịt con” nhưng Ryu Murakami đã bóc trần hiện thực có những bậc làm cha, làm mẹ lại sẵn sàng chà đạp lên chính đứa con họ dứt ruột đẻ ra để thỏa mãn dục vọng ích kỉ. Người thân bạo hành, người lớn thờ ơ, tất cả, đã đẩy đứa trẻ vào nỗi cô đơn chỉ còn biết thu mình lại khi chẳng còn bất cứ một điểm tựa giữa cuộc sống quá đỗi rộng lớn.

Song đến tận cùng, khi đã đi sâu vào vùng cấm kị “nền văn hóa của đất nước này chứa đựng những kĩ năng và cả những truyền thống bao trùm lên, đòi hỏi phải giấu đi những gì là biểu hiện của hành vi ngược đãi trẻ em”, điều tác giả Ryu Murakami hướng tới hẳn vẫn luôn là hi vọng vào ngày mai, về sự cứu rỗi và tương lai. Những đứa trẻ chịu nhiều thương tổn, chúng không thể chọn nơi sinh ra, cũng không thể quay ngược thời gian về quãng đời đã qua, nhưng chúng có quyền chọn lựa lối sống ở hiện tại và tương lai sau này. Mãi chìm vào ẩn ức rồi tận diệt chính mình hay kiên cường sống tiếp cùng kí ức đớn đau đã qua? Và cái kết mở, cho hành trình Ryu Murakami tiên sinh “xuyên thấu” vào tâm hồn Kawashima và Chiaki, chính là cái nhìn đầy nhân đạo và hiện sinh, của ông tới “những con người bé nhỏ khốn khổ” đang ẩn sâu giữa cuộc đời còn nhiều mâu thuẫn, đắng cay.

MỌT MỌT

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)