Năm 2024 đánh dấu đúng 100 năm đại thụ Joseph Conrad qua đời. Tại Việt Nam, trong suốt nhiều năm, chỉ có Giữa lòng tăm tối là được chuyển ngữ, giới thiệu một cách chính thức. Vì vậy, việc cho ra mắt đồng thời 2 tập truyện ngắn Bão lớn, Giữa đất và nước cùng tiểu thuyết May gần đây là một sự kiện rất đáng lưu tâm, khi còn cho thấy một Conrad khác: một Conrad giản dị của nghề đi biển, không bị chói sáng với các định đề về thực dân, thuộc địa của cuốn sách duy nhất được biết đến kia.

Tiểu thuyết gia Joseph Conrad.
Bão lớn gồm 4 truyện ngắn, trong đó đa số nhân vật đều có dính dáng đến nghề đi biển hoặc biển cả. Đọc hết cuốn sách, không quá khó thấy họ đều là những “thủy thủ bị biển khước từ” (mượn một tựa sách của Yukio Mishima). Sự “khước từ” này có khi trực tiếp như truyện ngắn cùng tên, khi con tàu Nan-Shan phải trải qua một cơn biển động khủng khiếp, nhưng cũng có thể gián tiếp chỉ là nguồn cơn để dẫn đến những bi kịch đau đớn ở 3 truyện ngắn “Falk”, “Amy Forster” và “Ngày-mai”. Cái “khước từ” này không cho thấy sự nhân hậu của biển như một vị thần rẽ sóng để tạo lối đi như trong Kinh Thánh hay chuyện thần thoại, mà thông qua đó, Conrad cho ta thấy những góc tối yếu ớt bên trong con người, mà như tựa đề của cuốn tiểu thuyết hai phần – chỉ vì gặp “may” mà họ mới được sống tiếp.
Điều này cho thấy Conrad cũng là nhà văn của hiện thực chủ nghĩa, và đã khiến những câu chuyện cuốn hút hơn bao giờ hết khi đưa nó khỏi địa phận đất liền. Chủ điểm trong các truyện ngắn đều là những nhân vật đặc biệt, họ sở hữu những nét tính cách riêng biệt để từng bước từng bước trở thành những ấn tượng không thể nào quên. Ta thấy điều đó trong truyện Bão lớn với viên thuyền trưởng MacWhirr – người trung thành với các dữ kiện thực tế - thứ duy nhất được phản chiếu trong ý thức của ông, người viết những bức thư khó nhọc để tường thuật chúng cho gia đình mình và chưa bao giờ gặp phải bão lớn. Trong con thuyền mà người chủ gần như sống trong một thế giới khác ấy, Conrad đã mang vào Jukes – một phản anh hùng – và bằng sự bất khả kháng khi gặp cơn bão đã làm nổi bật sự vô phòng bị và cái mỏng manh của số kiếp người.

Tập truyện ngắn Bão lớn.
Và dẫu đa số câu chuyện đều kết thúc bằng sự vượt qua của con người, nhưng trong văn chương của Conrad, ta thấy họ sẽ không bao giờ còn trông hệt như lúc đặt chân lên tàu. Qua những mất mát, ngã quỵ vì phải đối mặt với tự nhiên gào thét, họ mang trong mình rất nhiều vết xước cứ ăn dần mòn từng góc tâm hồn. Đó là Falk – viên chỉ huy của con tàu dẫn – vì những di chứng không thôi ám ảnh mà suốt đời phải ăn cá và bị quy cho bản tính bủn xỉn. Đó cũng là Thuyền trưởng Hagberd về hưu, người cứ suốt đời mong ngóng “ngày-mai” con trai về nhà... Những con người này kinh qua bão giông và bị biến đổi một lần và mãi mãi, và có thể nói Conrad bằng những quan sát lý thú đã đóng băng họ, từ đó mang đến những đại diện cho các di chứng của việc đi biển – khi con người ta cảm thấy mất mát và cõi lòng mình cũng tự đào khoét, bị làm mục ruỗng.
Hơn ai hết Conrad đã có những miêu tả đầy ắp sống động về những thủy thủ và ngành nghề này. Hiếm khi tìm được truyện ngắn nào có chủ đề biển cả nào của ông mà ta không biết được thêm chút ít nào đó về cuộc sống và những con người lênh đênh trên đó. Như trong Bão lớn, ngoài mối quan hệ giữa thuyền trưởng, thuyền phó, người quản boong... xuất hiện nhiều lần trước đó, ta cũng được cung cấp thêm câu chuyện của những cu li người Hoa phục vụ trên tàu:
“Linh hồn nào trong số đó cũng mang bên mình tất cả những gì họ có trên đời - một chiếc rương gỗ có khóa leng keng, góc bọc đồng thau, đựng tiền chắt bóp suốt mấy năm ròng: vài bộ quần áo để mặc vào dịp trọng đại, mấy nén hương, có lẽ một ít thuốc phiện nữa, vài món đồ vặt vãnh không tên, giá trị thường thường và một ít đô la bạc nhỏ lẻ, tích cóp từ việc làm thêm trên tàu than, đào lên từ lòng đất, thắng trong sòng bạc, đổ mồ hôi trong hầm mỏ, trên đường sắt, trong rừng rậm chết chóc, dưới các khối hàng nặng trĩu - những đồng xu được họ tích lũy kiên nhẫn, bảo vệ cẩn thận và quý trọng điên cuồng”.
Còn hơn thế nữa, chuyện nhà MacWhirr và xung đột quan hệ khi ngành đi biển buộc người chủ gia đình phải rời xa nhà cũng được đề cập. Ta thấy ở đó có một MacWhirr xung khắc với cha mẹ vì quyết tâm chọn nghề biển mà không phải kinh doanh “cha truyền con nối”, để rồi chỉ có thể giao tiếp qua những bức thư:
“Hai vợ chồng già dần quen với những tên tàu cùng tên thuyền trưởng chỉ huy chúng, những chủ tàu người Scotland và người Anh, tên của các vùng biển, đại dương, eo biển, mỏm đất, cả những cái tên kì lạ của các cảng gỗ, cảng gạo, cảng bông, tên các đảo, tên cô gái của con trai họ...”
Đến rồi khi lập gia đình, ông cũng trở thành một người xa lạ với căn nhà nhỏ, nơi:
“Bí mật duy nhất của cuộc đời bà là nỗi kinh hoàng tột độ khi nghĩ đến việc chồng bà cuối cùng sẽ về và vĩnh viễn ở nhà. Dưới cùng một mái nhà còn có một cô con gái tên Lydia và một cậu con trai tên Tom. Hai cô cậu này chỉ biết cha sơ sơ. Với chúng, ông là một vị khách hiếm xuất hiện nhưng nhiều đặc quyền, được hút tẩu trong phòng ăn...”
Ngoài sự hấp dẫn trong cách xây dựng nhân vật và chủ đề biển cả không thường nhìn thấy, Conrad chứng minh bản thân không phải “ăn may” với những sắp đặt số phận đưa mình gắn liền với nước, mà các câu chuyện của ông cũng có một nghệ thuật viết đặc biệt. Trong 4 truyện ngắn, truyện cô đọng, súc tính nhưng có sức gợi lớn nhất chắc phải kể đến Ngày-mai. Nó kể câu chuyện của 2 người hàng xóm, một của thuyền trưởng Hagberg mong đợi con trai quay về, và một của cô thiếu nữ thuê lại một phần căn nhà của ông, sống với người cha bạo bệnh nhưng luôn tàn ác hành hạ cô, khiến cô mãi mãi ở gần bên mình. Conrad ở đây xây dựng một bi kịch kép, khi hai con người ấy được nối với nhau bằng một ước vọng quá đỗi mong manh vào một “ngày-mai”. Trong khi người cha nghĩ con sẽ về vì đã tìm thấy được ý trung nhân phù hợp, thì người thiếu nữ cũng mong ước được giải phóng khỏi chiếc gông xích đang giam giữ mình bằng cuộc hôn nhân mới...
Họ tuy là 2 cá thể, nhưng lại đồng mộng dị sàng, họ mơ đến một hạnh phúc nhưng rồi không thể. Khi Conrad kết thúc câu chuyện bằng nhân vật người trai Harry trở về nhưng ông bố không nhận ra, còn cô thiếu nữ vẫn bị gọi vào số kiếp “áp bức”, ta thấy một nỗi đắng cay như dâng trong miệng. Ở đó sự ích kỷ, thói quen chiếm hữu và trốn tránh thực tại ăn mòn con người. Điều này rồi cũng sẽ thấy trong Amy Forster, xoay quanh sự thiện lành khi cứu sống một con người đắm tàu gần như điên loạn bỗng dưng đổi chiều khi người phụ nữ tìm thấy tình yêu lớn hơn đó là con mình – một cảm giác bản năng, không thể chối bỏ. Conrad đã đặt nhân vật vào một lựa chọn ngặt nghèo, không thể khác đi, qua đó cho thấy đời sống nhân gian cũng đầy khó lường như trên biển cả. Nhưng nếu biển cả là cõi bao la không thể gọi tên hồn cốt sự biến động của nó, thì cõi nhân quần lại đầy lọc lừa, trong tham – sân – si mà những con người rơi vào bé mọn.
Bão lớn tuy không phải tác phẩm mang tính đại diện cho Conrad, nhưng qua đó ta sẽ nhìn thấy một nhà văn lớn bằng những trải nghiệm độc đáo mà mình có được đã kết hợp với nghệ thuật kể chuyện đặc sắc và để nhân vật đối đầu với những thách thức không dễ xoa dịu, từ đó làm nên những truyện ngắn mới mẻ, hấp dẫn và vẫn còn giá trị sau 101 năm đi xa.
HOÀNG ANH
VNQD