Dòng chảy  Văn nghệ

Rồng trong nghệ thuật tạo hình thời Lý, Trần, Hồ

Thứ Ba, 09/04/2019 08:59

Tối ngày 8/4/2019, tại tầng 3 AGOhub 12 Hòa Mã, Hà Nội, Thư viện Kiến trúc - Nghệ thuật CA' Library tổ chức buổi toạ đàm "Rồng Lý, rồng Trần, rồng Hồ" cùng diễn giả, nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Văn Lục.

Rồng là hình tượng một sinh vật thần thoại, được tạo nên qua nhận thức và trí tưởng tượng của con người. Hình tượng rồng mang hình dáng gần giống loài bò sát như thằn lằn, kì đà, thuồng luồng, cá sấu, rắn..., tuy nhiên do quá trình giao lưu văn hóa bằng con đường buôn bán, truyền bá và du nhập các tín ngưỡng, tôn giáo giữa các quốc gia, hình tượng rồng có sự tương đồng với nhau qua sự ảnh hưởng và tiếp nhận văn hóa giữa các nước phương Đông.

Ở phương Đông, hình tượng rồng thường xuất hiện trong các tác phẩm chạm khắc và hội họa, đặc biệt là trong Phật giáo và Đạo giáo. Trong nghệ thuật hội họa, hình tượng rồng có sự kết hợp của 9 loài vật có thật trong thế giới tự nhiên, tạo nên sự uy quyền và linh thiêng. Cùng với việc trải qua từng thời đại, từng triều đại khác nhau ở mỗi quốc gia, hình tượng rồng cũng đã biến đổi, chuyển mình sang nhiều hình dạng phù hợp với quan điểm và thẩm mĩ của con người trong mỗi thời kì, ở các vùng miền bản địa.

Tại buổi toạ đàm, diễn giả, nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Văn Lục đã có những thuyết minh, kiến giải thú vị, mới mẻ về những “biến dịch” nhất định của biểu tượng quan trọng - hình rồng trong nghệ thuật tạo hình thời trung đại ở Việt Nam, qua ba triều đại là Lý, Trần và Hồ, nhằm cung cấp cho cử toạ những gợi dẫn để có thể tham khảo và vận dụng khi nhìn nhận hiện vật di sản văn hoá và ý nghĩa lịch sử các triều đại.

 

Qua các triều đại chính sử Việt Nam, hình rồng là biểu tượng văn hoá của nước - với ý nghĩa "quốc gia". Từ nhìn nhận tổng quan đó, diễn giả nêu thí dụ ba triều đại liên tiếp là Lý, Trần và Hồ. Nguyên bản của rồng là nước, cụ thể là dòng sông. "Đại Việt" hay "Đại Ngu" là quốc gia có nền tảng nông nghiệp tự nhiên.

Văn hoá Việt Nam là văn hoá nước, nguyên bản của rồng là nước

Nguyên mẫu của con rồng thời Lý là dòng sông Hồng đoạn chảy qua đồng bằng. Nhà Trần kế thừa nhà Lý với biểu tượng "Thăng Long" - kinh đô ở bờ tây sông Hồng, song biểu tượng con rồng thời Trần lại được tạc dựng theo nguyên mẫu tổ hợp sông Diêm Hộ - sông Trà Lý - sông Lân ở Thái Bình. Con rồng Trần có thân to dày hơn tạo cảm giác chắc khoẻ hơn, phải chăng mang ước vọng trường tồn của đất nước gắn với dòng họ?

Mẫu vật ở Kinh thành Thăng Long - rồng Trần

Con rồng biểu tượng lại cuộn mình trong những thời điểm đất nước nguy nan, để vững bền viên mãn thì không chỉ bởi ý chí lãnh đạo mà còn bởi sức mạnh lòng dân. Lãnh đạo nhà Trần ban đầu phù tá nhà Lý để củng cố đất nước, cũng vậy, lãnh đạo nhà Hồ vốn là thần tử của nhà Trần. Hồ Quý Ly dời đô về quê hương Thanh Hoá, ban đầu ở Cung Bảo Thanh với danh nghĩa phù Trần, sau tập trung xây dựng thành nhà Hồ. Hình rồng nhà Hồ trở nên thanh thoát hơn so với hình rồng nhà Trần - gợi cảm giác uyển chuyển linh hoạt vốn có của biểu tượng con rồng. Dời chuyển về Thanh Hoá là giải pháp lưỡng đầu thọ địch: phía bắc quân Minh, phía nam quân Chàm? Nguyên mẫu của con rồng nhà Hồ là tổ hợp sông Mã, sông Lèn, sông Đáy.

  

Mẫu gạch trong Thành Nhà Hồ - rồng Hồ

Như vậy, một hình ảnh có hướng tự nó là tĩnh tại trong không gian, song qua tư duy thị giác có thể đoán định hình đó chuyển động như bay lên hay hạ xuống: ý nghĩa gợi mở của một hình có thể nằm bên ngoài bản thân của hình đó. Theo chân mây con rồng, chúng ta có thể nhận thức lại một diện mạo văn hóa...

TRẦN ANH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)