Dòng chảy  Chính trị - xã hội

Cần xây dựng một xã hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ Bảy, 04/08/2018 00:47
ct7
 
Nguyễn Xuân Thủy
TS. Hoàng Văn Thắng

 
hoang van thang

TS Hoàng Văn Thắng
- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.
- Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
- Phó Chủ nhiệm Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
- Phó Chủ tịch Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam.
 

Thi thoảng chúng ta vẫn gặp những bản tin không khỏi giật mình, như một vùng đất với xóm làng ven sông nào đó bỗng chốc bị sạt lở, buông mình xuống sông trôi theo dòng nước, hoặc một làng bản nào đó bị lũ quét vùi lấp, bão lốc thổi bay không còn một nóc nhà… Bản thân tôi cũng không khỏi bàng hoàng trước những bản tin như thế và luôn băn khoăn tự vấn, những việc này thực sự là thiên tai hay chính tại nhân tai. Cho đến cuộc trò chuyện với TS Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì câu trả lời mới được định hình: Tác động của biến đổi khí hậu và hệ quả của việc phát triển thiếu bền vững đã gây ra những hiểm họa khôn lường cho chính con người không chỉ tại Việt Nam. Và nhiều hiểm họa lớn đang thực sự là những viễn cảnh gần.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã tạo ra nhiều cơ hội cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu đang đe dọa tiến trình phát triển của đất nước. Về phía Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng đã có những chuẩn bị ứng phó ở cấp quốc gia, nhưng còn mỗi cá nhân, ngoài việc lên án những việc làm tiêu cực là nguyên nhân dẫn đến tai họa hoặc cứ đơn giản và võ đoán cho rằng tất cả là do biến đổi khí hậu gây nên, liệu có ai nghĩ rằng chính hành vi của mỗi người cũng góp phần khiến thế giới đi theo hướng nào, làm cho môi trường sống của chúng ta tốt lên hay xấu đi, làm cho cuộc sống của chính chúng ta được cải thiện mỗi ngày hay sẽ là bất an thường trực…

 
+ Thưa đồng chí Thứ trưởng, nói một cách ngắn gọn và khoa học thì biến đổi khí hậu nghĩa là gì?
- Biến đổi khí hậu được dùng để chỉ những thay đổi của khí hậu vượt ra khỏi trạng thái trung bình đã được duy trì trong một khoảng thời gian dài, thông thường là vài thập kỉ hoặc hơn nữa. Trong quá khứ, khí hậu trái đất đã có rất nhiều thay đổi một cách tự nhiên, tuy nhiên thuật ngữ “biến đổi khí hậu” được dùng hiện nay chủ yếu muốn nói tới sự nóng lên toàn cầu bởi các hoạt động của con người. Nói một cách ngắn gọn, biến đổi khí hậu là sự thay đổi trạng thái khí hậu có thể nhận biết được thông qua sự thay đổi giá trị trung bình và (hoặc) sự biến thiên các đặc tính của nó, duy trì trong các thời đoạn kéo dài, theo tiêu chuẩn thường là hàng thập niên hoặc dài hơn.

Tôi không có nhiều kiến thức về lĩnh vực khá chuyên sâu này, nhưng tôi cũng thấy cả thế giới đang phải đối mặt với hiện tượng trái đất nóng lên do biến đổi khí hậu. Và nếu nhìn về quá khứ cũng thấy có những thứ khó mà tưởng tượng, thậm chí còn có vẻ khủng khiếp hơn đã từng xảy ra với ngôi nhà chung của loài người, như sự phun trào của núi lửa, sóng thần hay trái đất bị băng tuyết hóa… Có lẽ đó cũng là những hiện tượng từ hệ quả của biến đổi khí hậu trong lịch sử?
- Trong lịch sử đã có những hiện tượng biến đổi khí hậu mà quy mô và sự ảnh hưởng của nó vô cùng to lớn. Bảy mươi nghìn năm trước, nhiều núi lửa trên trái đất đã đồng loạt phun trào mạnh, mạnh đến mức khói bụi của nó đã che lấp ánh sáng mặt trời xuống trái đất khiến trái đất của chúng ta lạnh đi một thời gian dài. Hai mươi nghìn năm trước, trái đất trải qua kỉ băng hà, hầu hết lục địa Bắc Mĩ và lục địa Á - Âu bị bao phủ hoàn toàn bởi băng tuyết, mực nước biển thời kì này thấp hơn hiện nay đến 120m. Mười nghìn năm trước, nhiệt độ trái đất bắt đầu ấm dần lên. Một nghìn năm trước, trái đất trải qua thời kì “tiểu băng hà”, nhiệt độ lạnh đi. Gần ba trăm năm trước, chính xác là năm 1760, thời điểm đánh dấu sự mở màn của cách mạng công nghiệp, cũng là thời điểm khí hậu trái đất ngày càng ấm lên. Cho đến năm 2000 thì khí hậu trái đất nóng lên bất thường trong vòng 150 năm qua.

Trở lại với câu chuyện biến đổi khí hậu, những biểu hiện của nó tại Việt Nam là gì và nó đã tác động đến chúng ta như thế nào thưa Thứ trưởng?
- Tại Việt Nam, biến đổi khí hậu biểu hiện ở một số hiện tượng cụ thể: Nhiệt độ trung bình tăng 0,62oC kể từ năm 1958 đến năm 2014, tức là cứ mỗi mười năm sẽ tăng 0,1oC. Trong hai mươi năm gần đây nhiệt độ tăng 0,38oC so với thời kì năm 1981 đến 1990. Cùng với đó, lượng mưa giảm ở phía Bắc nhưng lại tăng ở phía Nam. Mưa cực đoan giảm ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ nhưng lại tăng mạnh ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Hạn hán trong mùa khô xảy ra thường xuyên hơn. Số cơn bão mạnh có xu hướng tăng. Ảnh hưởng của El Nino và La Nina cũng có xu hướng tăng. Một hiện tượng quan trọng do tác động của biến đổi khí hậu đó là nước biển dâng. Mực nước hiện nay tại các trạm đo ven biển Việt Nam tăng khoảng 2,45mm một năm trong giai đoạn 1960 - 2014, tăng khoảng 3,34mm một năm ở giai đoạn 1993 - 2014. Còn theo số liệu vệ tinh, nước biển đã tăng khoảng 3,5mm một năm ở giai đoạn này.
Cũng cần nói thêm, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và hiện tại nó đang tác động mạnh mẽ đến chúng ta. Việc nước biển dâng do biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến nhiều hệ quả về kinh tế xã hội. Đất ven biển ngập, dân mất nơi cư trú phải di cư. Tài nguyên nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bị nhiễm mặn. Các ngành kinh tế như Nông nghiệp, đất canh tác bị thu hẹp do ngập mặn, xói mòn...; Lâm nghiệp, hệ sinh thái suy giảm; Thuỷ sản, nước biển xâm nhập gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các động thực vật nước ngọt; Giao thông vận tải, đường bộ, đường sắt, đường thuỷ bị ảnh hưởng; Du lịch, mất di tích, mất bãi tắm... Nước biển dâng cũng làm cho diện tích rừng ngập mặn ven biển bị thu hẹp và suy thoái. Môi trường sống của rất nhiều loài sinh vật bị mất đi, việc chắn gió bão từ biển vào cũng suy giảm.
Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, làm thay đổi ranh giới của các vùng sinh thái. Các nhà khoa học đã nhận thấy nhiều loài cây trên dãy Hoàng Liên Sơn đang “sơ tán” lên cao hơn để sinh tồn, như loài thông Vân San Hoàng Liên trước đây sinh trưởng ở độ cao 2.200 đến 2.400m thì nay đã “leo” lên độ cao 2.400 đến 2.700m. Nhiều loài côn trùng, chim và cá cũng có thể di cư sang các vùng khác để sinh sống. Cách thức sinh tồn cũng khác hơn, nhiều loài cây cối nở hoa sớm hơn, nhiều loài chim chóc di cư sớm hơn, nhiều loại động vật vào mùa sinh sản sớm hơn. Bên cạnh đó, những động thực vật không thích nghi kịp với sự biến đổi của môi trường sống sẽ có nguy cơ bị tuyệt chủng, đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ mất đi một số nguồn gen quý hiếm. Điều này không riêng gì ở Việt Nam, theo kết quả của một công trình nghiên cứu, 50% đa dạng sinh học của châu Á có thể bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, và nếu lượng khí CO2 tăng gấp đôi thì khoảng 133 đến 2835 loài thực vật trong vùng Indonesia - Myanma có thể bị tuyệt chủng. Nếu nước biển dâng cao 1m sẽ có khoảng 2.500km2 rừng ngập mặn ở Châu Á bị hủy hoại.
Còn nhiều những tác động khác như tác động đến tài nguyên nước, tác động đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực, tác động đến sức khỏe con người… mà tôi không thể kể hết ra đây.

Vâng! Có lẽ hiện tượng nước biển dâng là dễ nhận biết nhất. Nguy cơ nước biển dâng kéo theo những hệ lụy lớn thì trên truyền thông cũng đã nói nhiều. Liệu thứ trưởng có thể cho một vài hình dung, một vài số liệu, một vài viễn cảnh về tương lai của Việt Nam khi nước biển dâng đến một mức nào đó…
- Điều này đã được thể hiện trong kịch bản về biến đổi khí hậu mà các nhà khoa học đã xây dựng cho thời điểm là cuối thế kỉ này. Theo kịch bản thứ nhất thì nước biển ở khu vực Trường Sa, Hoàng Sa sẽ dâng lên khoảng 57 đến 58cm, khu vực Cà Mau - Kiên Giang dâng lên 55cm, khu vực Đèo Ngang dâng lên 53cm. Còn theo kịch bản thứ hai sẽ ở mức cao hơn, mực nước dâng ở khu vực Trường Sa, Hoàng Sa là 77 đến 78cm, khu vực Cà Mau - Kiên Giang là 75cm, khu vực Đèo Ngang là 72cm. Trong vòng 50 năm qua, mực nước biển trung bình tại nước ta đã tăng khoảng 20cm. Nếu nước biển dâng lên 1m sẽ dẫn đến việc 22 triệu người Việt mất nhà cửa. Nếu nước biển dâng 1m chúng ta cũng sẽ đứng trước nguy cơ ngập úng khoảng 16,8% diện tích Đồng bằng Sông Hồng, 1,47% diện tích ven biển miền Trung, 17,8% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh và 38,9% diện tích Đồng bằng Sông Cửu Long, trong đó phần lớn là bán đảo Cà Mau. Như vậy, có thể thấy, đến cuối thế kỉ này, dù đất nước hòa bình, không có chiến tranh giặc giã, không có xâm chiếm lãnh thổ nhưng chắc chắn bản đồ Việt Nam chúng ta vẫn sẽ có sự biến đổi lớn theo hướng thu hẹp diện tích như các kịch bản tôi vừa nêu…

 
1 235419
Rừng ngập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: ST

Theo dự báo của Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường Việt Nam, với mức độ biến đổi khí hậu như hiện nay, nếu nước biển dâng 1m, 40% diện tích Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ biến mất. Còn nếu nước biển dâng 5m, toàn Việt Nam sẽ mất đi 16% diện tích, theo một nghiên cứu do Ngân hàng thế giới công bố. Việt Nam cũng là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
 

Thế giới cũng đã nhận thức rằng, nguyên nhân của biến đổi khí hậu là từ con người, trên con đường đi đến văn minh loài người đã phải trả giá. Và khi sự biến đổi khí hậu xảy ra thì đôi khi, hoặc không đôi khi, con người lại tỏ ra vô can, thậm chí coi chính việc biến đổi khí hậu như một cái cớ để bao biện cho những việc làm phản tự nhiên của mình. Bằng quan sát cá nhân tại Việt Nam, tôi thấy rằng, bây giờ, nhiều khi chúng ta cứ đổ hết cho biến đổi khí hậu trong khi chính chúng ta làm nhiều việc dẫn đến tai họa, gây những hậu quả nghiêm trọng. Chẳng hạn như việc rút ruột các dòng sông bằng hoạt động khai thác cát, chẳng hạn như việc làm thủy điện ngăn dòng chảy các con sông, chẳng hạn như nạn phá rừng đầu nguồn gây nên lũ lụt… Gần nhất với nơi chúng ta đang trò chuyện, nếu ai theo dõi sẽ thấy sự biến đổi của sông Hồng trong những năm gần đây, và chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những dòng sông chết ngay trong lòng thành phố hay ngoại vi Hà Nội…
- Đúng là có một sự nhập nhằng ở đây. Trước các sự việc cần phải phân định rõ, xem đâu là do tác động của việc biến đổi khí hậu, đâu là do con người gây nên. Tôi xin nhìn từ các dòng sông. Lòng sông Hồng vùng hạ lưu của chúng ta bị hạ thấp dần là một ví dụ. Việc này chủ yếu xảy ra từ sau khi vận hành Thủy điện Hòa Bình (năm 1987) cùng với hiện tượng khai thác cát bừa bãi gây nên. Từ năm 2000 đến nay lòng sông đã hạ thấp 2,5m. Nếu anh nhìn vào các trụ cầu Long Biên sẽ thấy rõ điều đó. Khi người Pháp xây dựng từ đầu thế kỉ XX, phần móng của các trụ cầu ngập sâu dưới lòng sông thì đến nay nó đã trơ phần xương xẩu, móng đã nhô lên khỏi mặt nước. Nếu lòng sông vẫn cứ hạ thấp như nó đang hạ thấp thì tôi e rằng một số năm nữa các chân trụ cầu Long Biên sẽ không còn chỗ mà bấu víu. Theo tính toán, lòng sông Hồng mỗi năm đã hạ thấp 17cm. Mực nước trung bình trên sông hạ thấp liên tục khiến các công trình thủy lợi không thể hoạt động lấy nước vào tưới cho đồng ruộng vì cửa lấy nước của các cống, trạm bơm theo thiết kế đều bị cao hơn mực nước thực tế hiện nay từ 0,9 đến 2,5m. Ví dụ tại cống Phù Sa cao hơn 1,7m; cống Liên Mạc cao hơn 2m; cống Xuân Quan cao hơn 0,9m; cống Long Tửu cao hơn 1,1m. Chính vì điều này mà hàng năm, để đảm bảo đạt mực nước thiết kế của các công trình lấy nước từ sông Hồng, khi vào mùa đổ ải, các hồ chứa tại các thủy điện thượng nguồn đã phải xả tăng cường từ 3,5 - 6 tỉ m3 nước. Chúng tôi đang có dự án làm sống lại hệ thống thủy lợi theo các con sông phía Tây Hà Nội. Sau khi tính toán thì thấy rằng, muốn lấy nước từ sông Hồng vào các con sông nhánh này phải hạ lòng sông nhánh xuống tới 2m cho tương thích với lòng sông Hồng.
Dù vậy thì sự cố trên sông Hồng ở phía Bắc vẫn còn là may mắn vì việc can thiệp và điều tiết là do chúng ta, (vị trí dòng sông nằm trên lãnh thổ Việt Nam). Ở phía Nam đáng lo ngại hơn. Hệ thống sông ở Đồng bằng Sông Cửu Long cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc khai thác và sử dụng nguồn nước từ thượng nguồn, nhưng ngặt một nỗi là lại do các nước có sông Mê Kông chảy qua can dự, có sự mâu thuẫn về quan điểm và lợi ích kinh tế của mỗi quốc gia. Chế độ vận hành của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông tác động rất lớn tới vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, như tác động về xâm nhập mặn; tác động về lượng phù sa, bùn cát và dinh dưỡng; tác động lên nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học; gia tăng rủi ro sạt lở…
Hay như sông Hoài ở Hội An mà báo chí mới đưa do bị thay đổi dòng chảy gây hiện tượng sạt lở. Chuyên gia Nhật nói rằng, trường hợp này rất giống với một con sông ở Nhật Bản 40 năm trước. Do việc khai thác cát và kè san lấp bừa bãi đã làm thay đổi dòng chảy dẫn đến sạt lở chứ không phải do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hay thiên tai gì hết. Theo chuyên gia Nhật dự đoán, việc sạt lở sẽ không dừng lại ở Hội An mà có thể còn tiến đến sát Đà Nẵng.
Những điều tôi vừa nói có thể gói gọn trong cụm từ “phát triển thiếu bền vững” với sự can dự của nhiều quốc gia, không chỉ Việt Nam.

+ Những hiện tượng nêu trên đều dẫn đến một câu hỏi, mà đôi khi rất khó trả lời cho thỏa đáng. Nhưng tạm khoanh vùng những thứ diễn ra tại Việt Nam, tôi vẫn muốn hỏi Thứ trưởng, tựu trung lại những bất cập, những việc làm dẫn đến hiểm họa mà chúng ta đang phải gánh chịu là do đâu, và tôi biết trong câu trả lời sẽ có yếu tố do con người. Con người đã làm gì để ra nông nỗi này...
- Nguyên nhân cơ bản là do chúng ta phát triển thiếu bền vững. Do công tác quản lí nhà nước kém. Không ứng phó kịp thời về mặt chính sách và luật pháp để làm cơ sở. Chúng ta xây thủy điện nhưng lại làm biến đổi về tự nhiên và dân sinh ở vùng hạ du. Chúng ta làm những tuyến đường giao thông hiện đại nhưng lại vô tình tạo thành những con đê ngăn khiến nước lũ không thể thoát. Chúng ta cho xây những bờ kè khiến dẫn đến hiện tượng sạt lở. Chúng ta san lấp hết các ao hồ và vùng trũng quanh thành phố khiến nước mưa không có chỗ trú gây nên úng ngập. Do tư duy khoa học của chúng ta chưa theo kịp với sự biến đổi của tự nhiên và chưa thực sự ứng xử văn minh với tự nhiên. Chúng ta cứ loay hoay ngọt hóa trong khi lẽ ra phải thích ứng với việc mặn và lợ… Tất cả những điều này đều phải trả giá, chỉ là ngay hay lâu mà thôi.

+ Vâng! Vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu là Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi mà sẽ mất đến xấp xỉ 40% diện tích nếu nước biển dâng cao 1m. Tôi có một ám ảnh về nước đối với khu vực này khi xem hai bộ phim Mùa len trâu và Nước 2030 của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, tôi vẫn nghĩ, đằng sau câu chuyện và những khuôn hình lãng mạn, cảm hứng cho phim là hiện thực rất khốc liệt đang diễn ra âm thầm với người dân Đồng bằng mà đạo diễn đã nhìn ra. Trong phim Nước 2030 chuyển thể từ truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, đạo diễn đã cho mọi thứ đều bị nhấn chìm trong nước, những vùng kí ức về đời sống cũng bị đóng băng trong một vùng nước mênh mang sâu thẳm, con người chới với và lạc trôi đi tìm những mảng kí ức của chính mình. Nếu như nước biển dâng 1m như kịch bản biến đổi khí hậu, và có thể cao hơn nữa, thì có nghĩa là điều này không còn là giả tưởng, nhiều công trình văn hóa, nhiều miếu mạo đền đài của vùng đất Chín Rồng sẽ bị nhấn chìm, và hàng triệu người dân sẽ phải chia tay với mảnh đất mà tổ tiên ông bà đã bao đời gắn bó… Chúng ta phải làm gì và chúng ta có thể làm gì để hạn chế hay giảm nhẹ điều đó?
- Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo. Đây cũng là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam: đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70 % các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu. Khu vực này cũng có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Kông. Đồng bằng Sông Cửu Long có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với sự thay đổi của tự nhiên.
Những điều anh vừa chia sẻ hoàn toàn có thể là hiện thực chứ không còn trên phim ảnh hay do tưởng tượng. Biến đổi khí hậu cộng với tác động của phát triển thượng nguồn sông Mê Kông và ngay tại Đồng bằng Sông Cửu Long có thể làm biến đổi mọi thứ cũng như biến đổi chính cuộc sống của con người. Đồng bằng Sông Cửu Long với những hiểm họa nhỡn tiền mà ngay từ bây giờ đang phải đối mặt luôn là mối quan tâm của Đảng, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền và người dân Đồng bằng Sông Cửu Long. Từng tấc đất mà cha ông ta gột đắp từ “thuở mang gươm đi mở cõi” đang bị gặm nhấm ngày ngày, lặng lẽ, liên tục và quyết liệt. Hiện nay bán đảo Cà Mau mỗi năm bị lún 2 đến 3cm. Nếu cứ như vậy, chỉ 30 năm nữa thôi, Cà Mau sẽ thấp hơn mực nước biển.
Và không chỉ với Đồng bằng Sông Cửu Long, trên phạm vi cả nước chúng ta cũng có nhiều việc phải làm, nhiều thứ cần giải quyết. Chúng ta phải bày tỏ thái độ đối với những việc làm cụ thể gây hại đến sự phát triển bền vững của đất nước. Vừa rồi chúng tôi đã kiến nghị việc ngừng xuất khẩu cát. Chúng tôi cũng đã kiến nghị để quy định việc cấp phép khai thác cát chỉ do một nơi là Bộ Tài nguyên Môi trường quản lí và cấp phép chứ không ba bốn đơn vị như trước đây. Và việc khai thác cát phải trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá, có hạn mức sản lượng cho từng khu vực, từng năm…
Đồng bằng Sông Cửu Long, với vị trí và tầm quan trọng như tôi vừa nêu, chắc chắn phải có những quyết sách kịp thời. Chính vì thế mà Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức hội nghị về Đồng bằng Sông Cửu Long, sau đó, ngày 17/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120-NQ/CP thể hiện quan điểm, mục tiêu, giải pháp cho phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long. Nghị quyết đã có hiệu lực ngay sau khi ban hành, thể hiện tinh thần khẩn trương và hành động.

Thứ trưởng có thể sơ qua vài nét về Nghị quyết quan trọng và kịp thời này…
- Nghị quyết 120 có tầm nhìn đến năm 2100 và mục tiêu đến năm 2050. Về quan điểm chỉ đạo, Nghị quyết 120 đã chỉ rõ, việc phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long phải tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn”; giao cho các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng các kịch bản và có giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai như bão, lũ, hạn hán và xâm nhập mặn, và với các tình huống bất lợi nhất do biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn sông Mê Kông gây ra.
Về chủ trương và định hướng chiến lược phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long, Nghị quyết cũng xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội. Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách; quy hoạch phát triển vùng, cần phải được quản lí tổng hợp trên toàn lưu vực và tăng cường hợp tác với các nước trong lưu vực. Bên cạnh tài nguyên nước ngọt, cần coi nước lợ, nước mận cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế. Tăng cường quản lí và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm và bền vững tài nguyên nước cũng như đất đai và các tài nguyên khác trong vùng. Chú trọng phát triển vùng duyên hải, vùng đặc quyền kinh tế và vị trí địa chính trị của Đồng bằng. Đồng thời, chú trọng việc giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, ứng phó với các kịch bản bất lợi nhất có thể xảy ra.
Tác động của biến đổi khí hậu đã rất rõ ràng, không với riêng gì Đồng bằng Sông Cửu Long. Mọi thứ đã rất cấp bách. Ngay từ bây giờ, chúng ta cần xây dựng một xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu…

+ Xây dựng một xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu! Có lẽ đó là giải pháp thuận theo tự nhiên, bền vững trên sự linh hoạt, cũng là hướng đi của nhiều nước trên thế giới. Thứ trưởng có thể nói rõ hơn…
- Chúng ta cần thay đổi cách nghĩ, cách làm truyền thống. Chẳng hạn như vùng bán đảo Cà Mau trước đây có chủ trương ngọt hóa thì bây giờ chúng ta đang tìm cách thích ứng với việc hệ sinh thái nơi mặn, nơi lợ. Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã hình thành các tiểu vùng sinh thái: Vùng đồng bằng ngập lũ, vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái nước mặn, lợ. Thay vì cố gắng để có thể canh tác nuôi trồng trên nước ngọt thì chúng ta phải tìm ra các giống cây con thích ứng với nước mặn và nước lợ. Hay như vùng ngập lũ thuộc An Giang, Đồng Tháp, Long An, thay vì đắp đê bao ngăn lũ để cấy lúa vụ 3 thì để thuận theo tự nhiên, nay chỉ làm 2 vụ để lũ về bồi đắp phù sa, đồng thời phát triển sản xuất nông nghiệp, sinh kế thích ứng với mùa lũ. Chúng ta cần phát triển một cách bền vững. Chúng ta khai thác cát quá mức dẫn đến việc các dòng sông bị sạt lở, thay đổi dòng chảy thì cần phải điều chỉnh. Hay như trong quy hoạch đô thị, nếu chúng ta cứ san lấp hết những vùng trũng, toàn thành phố trên một bình địa thì sẽ không còn chỗ cho nước mưa trú, khi mưa lớn kéo dài sẽ gây nên úng ngập. Theo nghiên cứu, đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh phải giữ lại ít nhất 17% diện tích tự nhiên mới đáp ứng được nhu cầu tiêu nước tối thiểu. Ở các nước tiên tiến, họ cho xây dựng những hầm ngầm khổng lồ chỉ để chứa nước khi trời mưa. Khi nước đầy họ lại bơm hút đi. Nhưng làm theo cách này khá tốn kém…

Vâng! Tôi nghĩ rằng cùng với việc phải nhanh chóng xây dựng một xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu chúng ta cũng cần chủ động thích ứng với những hệ quả từ sự phát triển thiếu bền vững của chính chúng ta và không chỉ chúng ta nữa, vì những tác động từ việc phát triển thiếu bền vững cũng sẽ diễn ra lâu dài chứ không phải một sớm một chiều. Cám ơn Thứ trưởng đã cung cấp cho bạn đọc Văn nghệ Quân đội những dữ liệu khoa học cùng với những chia sẻ nhiều trăn trở. Qua đây chúng tôi cũng hiểu hơn về trọng trách của những người đứng mũi chịu sào của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, của những người làm công tác quản lí tài nguyên môi trường và các cơ quan quản lí nhà nước. Hi vọng cùng với sự chung tay của toàn xã hội, của mỗi người dân, chúng ta sẽ từng bước tìm ra những hướng đi đúng đắn nhất, hợp lí nhất, cùng góp sức kiến tạo môi sinh cho người Việt và cho ngôi nhà chung của con người.

 
­

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)