Ống kính nhà văn

Giãn cách kiểu Cao Xuân Sơn

Thứ Sáu, 06/08/2021 14:03

Những ngày gần như cả xã hội giãn cách chống dịch, mỗi người chọn một cách ứng xử với quỹ thời gian tưởng như vô biên của mình theo một cách khác nhau. Với nhà thơ Cao Xuân Sơn anh chọn làm bạn với những vần thơ, những bức ảnh. Từ lâu vốn nổi tiếng trong làng văn với những bức ảnh “pờ rồ”, hình ảnh Cao Xuân Sơn với mái tóc, chiếc mũ, đôi kính và bộ râu nghệ sĩ cùng chiếc máy ảnh chuyên nghiệp luôn đi kèm bên mình đã trở nên quen thuộc với bạn văn cả nước. Anh cũng đặc biệt thích chụp những cảnh sắc thiên nhiên, hoa lá. Trong những ngày giãn cách xã hội chống dịch, như những người dân thành phố khác, chỉ quanh quẩn trong không gian nhỏ hẹp của gia đình, nhưng với góc riêng bé nhỏ đó, bằng ống kính máy ảnh, con mắt nhạy cảm, tinh tế và tài năng của mình anh cũng có được những hình ảnh đẹp về thiên nhiên cây lá xung quanh. Đặc biệt, mỗi tấm ảnh lại khiến anh liên tưởng đến những vần thơ, câu thơ, bài thơ của mình hay của bạn bè, đồng nghiệp. Facebook của anh những ngày này thường có những bức “ảnh - thơ” do anh tự thực hiện trên tinh thần “thơ tự họa, ảnh tự chụp” rất hay và đẹp, phù hợp với xu thế đọc nhanh hiện nay.

Chẳng hạn dưới bức ảnh này, anh đăng lại bài thơ có tên Vịn viết từ năm 2015 nhưng đọc nó trong những ngày cùng nhau vượt qua dịch bệnh khiến mỗi người càng thấm thía: Xin người hãy vịn vào nhau/ Nỗi vui bớt ngắn, niềm đau bớt dài/ Xin người những giấc mơ phai/ Bữa nay là thực, ngày mai còn chờ/ Xin người yêu lấy hư vô/ Cả khi hơi thở lơ phơ, nhạt nhòa/ Đường gần hun hút nẻo xa/ Vịn vào nước mắt mà qua phận mình

Nếu như trong thơ, Cao Xuân Sơn luôn đúc kết những vận động, những quy luật của thời gian thì trong những bức ảnh anh chụp, người xem cũng nhận thấy anh luôn ghi lại những chảy trôi của từng giây phút nơi vạn vật. Một chồi non vừa nảy, một nụ hoa vừa hé, một hạt sương vừa ngưng… Tất cả đều lọt vào ống kính của nhà thơ.

Nếu bạn biết yêu mọi cỏ cây hoa lá thì sẽ thấy mỗi ngày là một mới lạ với những bất ngờ mở ra từ cuộc sống

Nhìn những bức ảnh do Cao Xuân Sơn ghi lại trong sự đổi khác hàng ngày của cây chanh nhỏ trồng trong chậu này, người ta chợt nhớ đến câu thơ của nhà thơ, họa sĩ người Mĩ Kahlil Gibran: Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ ta có thêm ngày nữa để yêu thương.

Cao Xuân Sơn cũng kết hợp lồng những bài thơ tâm đắc vào những bức ảnh do mình vừa chụp hoặc trong kho ảnh mà anh lưu lại khi rong ruổi trên những nẻo đường đất nước. Đó là những bài thơ ngắn về một chiêm nghiệm, một triết lí, một đúc kết…
Cũng có những khung cảnh mà anh bắt gặp, sau khi thu vào ống kính khiến anh chợt nhớ đến những vần thơ cũ của mình. Như khi chụp bức ảnh này anh đã liên tưởng đến bài thơ Lạ lùng làm từ năm 1985 với những câu: Hết thảy vững bền, hết thảy quá mong manh/ như đất trời này thoắt mưa rồi thoắt nắng/ như đám mây kia thoắt đen rồi thoắt trắng/ như anh với em thoắt giận, thoắt làm lành/ Hết thảy vững bền, hết thảy quá mong manh/ tốt xấu, giàu nghèo, bạn thù, thiện ác/ công lí - bất công, khôn ngoan - dốt nát.../ những tượng thần đất thó gió xô nghiêng...

Những bông hoa nhài bé nhỏ và bình dị khi vào ảnh của Cao Xuân Sơn như mang một sức sống và vẻ đẹp khác.

Hay những bông lựu đỏ từ khi hoa nở đến khi kết những trái rung rinh đầu cành đều được anh ghi lại và chia sẻ trên facebook khiến những ai theo dõi trang cá nhân của anh đều thấy thú vị và thấy an yên trong tâm hồn.

Một góc bầu trời thành phố những ngày giãn cách qua ống kính Cao Xuân Sơn.
Một ngày mới đến và thêm một bông hoa vừa nở.
Bụi mai vạn phúc vào ảnh của Cao Xuân Sơn như thể đang tỏa hương, mặc dù ở ngoài đời chúng là loài hoa "vô hương hữu sắc".
Một vòng đời của ổi, một vòng “giãn cách” của nhà thơ
Đây là góc nhỏ gần gũi thiên nhiên trên sân thượng ngôi nhà của Cao Xuân Sơn, nơi anh tạo dựng, chăm tưới, nó cũng cho anh “nguồn sống”, cho anh cảm hứng và cả những suy tư trong những ngày ngồi nhà chống dịch. Góc nhỏ mà anh chia sẻ vui là “riêng một góc hang” độ từ ca khúc Riêng một góc trời của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên.
Không gian này đã cho anh nhiều ý tưởng sáng tạo, là chốn giao hòa với thiên nhiên, hít thở khí trời cũng như để set up những bức ảnh đẹp “nuôi phây” chia sẻ với bạn bè.
Một bông hoa cẩm cù.

Không chỉ thơ mình, đôi khi anh còn trích dẫn những vần thơ của các nhà thơ khác cùng những bức ảnh do mình chụp. Như bài Chơi với kiến của nhà thơ Trần Mạnh Hảo được anh giới thiệu: Bạn ta bảy chục tuổi xuân/ Giờ ngồi xem kiến hành quân thay người/ May còn con kiến để chơi/ Có khi vạn sự ở đời con con

Có những bức ảnh chia sẻ trên facebook được bạn đọc yêu mến và bình luận rất dễ thương. Như bức hình anh chụp con sâu này. Một bạn trẻ viết: “Chú đừng giết nó, chú mang vào nhà nuôi trong một cái hộp có lỗ thở, hàng ngày hái lá cho nó ăn, chỉ vài hôm là nó thành sâu bướm, và rất nhanh nở ạ”. Cao Xuân Sơn đã trả lời hóm hỉnh: “Đợi chú tu thành chánh quả đã. A di đà Phật!”
 Nhà thơ Cao Xuân Sơn sinh năm 1961 tại Lý Nhân, Hà Nam. Anh vốn là giáo viên dạy văn tại Đồng Nai sau đó về TP. Hồ Chí Minh viết văn làm báo. Hiện anh là Phó Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng kiêm Giám đốc Chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh. Cao Xuân Sơn đã in 12 đầu sách văn học, mới nhất là tập thơ Bấm chân qua tuổi dại khờ, Nxb Hội Nhà văn, ra mắt cuối 2019, năm 2020 đã nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Nhà thơ Cao Xuân Sơn bên một cây ngô đồng tại Cù Lao Chàm, tháng 7 năm 2020.

Tổ chức trang: Vũ Thành Duy
Thực hiện: Tiểu Hoành Sơn. Ảnh: Cao Xuân Sơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)