Viết tiếp truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của bộ đội Tăng Thiết giáp

Thứ Tư, 14/06/2023 17:07

“Từng vòng xích lăn trên đường đua, từng thao tác điều khiển, mỗi phát đạn bắn ra sẽ được toàn thể cán bộ, chiến sĩ lực lượng Tăng Thiết giáp (TTG) toàn quân, hàng triệu con tim người Việt Nam dõi theo và mong chờ chiến thắng…”

Trong thời kì mới nhiều biến động, người lính xe tăng sẽ viết tiếp truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của binh chủng mình thế nào? Văn hóa Quân sự (VHQS) đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Đức Dinh, Chính ủy Binh chủng TTG về vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm này.

VHQS: Để có hiện tại và đi đến tương lai nhất thiết cần quá khứ. Đồng chí có thể khái quát về gần 65 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của bộ đội TTG, cùng những dấu son ghi nhớ quá trình phát triển này?

Thiếu tướng Nguyễn Đức Dinh: Để khái quát quá trình phát triển của bộ đội TTG phải bắt đầu từ ngày 05 tháng 10 năm 1959 lịch sử. Khi đó Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 449/NĐ về việc thành lập Trung đoàn xe tăng đầu tiên lấy phiên hiệu 202. Sự ra đời của Trung đoàn xe tăng 202 là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của Binh chủng TTG. Kể từ đó ngày 05 tháng 10 trở thành ngày truyền thống của Bộ đội TTG Việt Nam.

Và chiến thắng Tà Mây - Làng Vây ngày 07/02/1968 trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh là chiến công đầu của bộ đội TTG, đặt nền móng xây dựng nên truyền thống vẻ vang “Đã ra quân là đánh thắng”. Sau chiến thắng này bộ đội TTG tiếp tục tham gia chiến đấu và giành thắng lợi ở các chiến dịch lớn như: đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 719” năm 1971, cuộc tiến công chiến lược năm 1972.

Cho đến năm 1975 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, bộ đội TTG dẫn đầu 5 hướng tiến công tiến vào hang ổ cuối cùng của địch. Đúng 10 giờ 45 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, hai chiếc xe tăng mang số hiệu 390 và 843 húc tung cánh cổng sắt tiến vào dinh Tổng thống ngụy quyền. 11 giờ, Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng Đại đội tăng 4, cắm lá cờ giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đưa cách mạng Việt Nam bước sang thời kì mới, cả nước độc lập, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Thời gian sau đó, sức mạnh đột kích của lực lượng TTG lại một lần nữa được khẳng định trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc; hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế, giúp đỡ cách mạng Lào và Campuchia.

VHQS: Tiếp nối truyền thống hào hùng từ quá khứ, với những Tà Mây - Làng Vây, Lam Sơn 719, rồi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc…, thì những người lính xe tăng ngày nay thể hiện sự tiếp lửa của mình thế nào thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Đức Dinh: Sự tiếp lửa của người lính TTG hôm nay không đến từ một hai kíp xe mà đến từ sự đoàn kết trên dưới một lòng của toàn Binh chủng. Tất cả đều nêu cao ý chí, quyết tâm trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Say mê học tập, tích cực huấn luyện, không ngừng vươn lên làm chủ vũ khí, trang bị kĩ thuật. Chấp hành nghiêm kỉ luật, khắc phục khó khăn, thực hiện triệt để mệnh lệnh chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo trong lao động, cần kiệm xây dựng đơn vị.

Đi vào việc làm cụ thể tiêu biểu có thể kể đến Hội thao quân sự quốc tế (Army Games) tại Liên bang Nga. Thành tích của đội tuyển xe tăng được nâng lên sau từng năm: năm 2018 lần đầu tham gia với nhiều bỡ ngỡ đội tuyển chúng tôi đứng thứ 17/22 đội; năm 2019 đội tuyển đoạt Huy chương Bạc bảng 2; năm 2020 đội tuyển xuất sắc giành Huy chương Vàng bảng 2 và được chuyển lên thi đấu tại bảng 1 cùng với đội tuyển của các nước có tiềm lực quân sự mạnh; năm 2021 đội tuyển tiếp tục giữ vững thành tích trụ hạng thi đấu tại bảng 1; đến năm 2022 đội tuyển thi đấu xuất sắc lọt vào vòng bán kết bảng 1, riêng nội dung xạ kích tiêu diệt 20/24 mục tiêu đứng thứ 2 sau Liên bang Nga.

Đồng thời Binh chủng đã hoàn thành tốt và xuất sắc nhiều nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó, chưa có trong tiền lệ như giúp nhân dân phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, rồi dịch bệnh Covid-19.

Thiếu tướng Đỗ Đình Thanh, Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp chỉ huy cơ quan Bộ Tư lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Hữu Cương

VHQS: Nhớ lại, trong những ngày diễn ra Hội thao quân sự quốc tế dư luận cả nước như “nóng bừng” lên. Đâu đâu cũng bình luận về việc đội tuyển tăng Việt Nam đua, bắn thế nào qua các vòng. Thành tích của đội tuyển xe tăng tiến dần theo các lần tham dự như đã biết. Vậy tác động cụ thể của hội thao theo đồng chí là gì?

Thiếu tướng Nguyễn Đức Dinh: Có thể nói thông qua thành tích hội thao đã thể hiện sức mạnh quân sự của Việt Nam, khả năng sử dụng vũ khí trên xe tăng hiện đại trong thời kì mới. Thông qua đó tạo được niềm tin với người dân về khả năng bảo vệ Tổ quốc của người lính xe tăng hôm nay. Đồng thời làm trỗi dậy lòng tự hào dân tộc trong mỗi người con nước Việt; gắn kết cộng đồng kiều bào người Việt ở nước ngoài.

Còn với Binh chủng, thành tích hội thao đã thể hiện được tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó dù trong thời chiến hay thời bình.

Tác động thiết thực hơn nữa là hồ sơ tuyển sinh nộp vào Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp tăng hơn qua các năm. Thúc đẩy, giáo dục thế hệ thanh niên ngày nay sẵn sàng lên đường tòng quân, cống hiến tuổi trẻ trong môi trường quân ngũ, làm tròn nhiệm vụ với quê hương đất nước.

Phổ biến, quán triệt nhiệm vụ trong diễn tập vòng tổng hợp. Ảnh: Hữu Cương

VHQS: Để có được thành tích chung phải bắt đầu từ sự nỗ lực, rèn luyện vượt khó của từng kíp xe. Được biết trong năm 2023 Binh chủng TTG đưa vào triển khai xây dựng, nhân rộng mô hình kíp xe “mẫu mực, tiêu biểu”. Đồng chí có thể chia sẻ về nguyên nhân ra đời, nội dung của mô hình này?

Thiếu tướng Nguyễn Đức Dinh: Việc đưa vào triển khai, nhân rộng mô hình kíp xe “mẫu mực, tiêu biểu” xuất phát từ đặc thù riêng của người lính xe tăng. Hẳn ai trong chúng ta cũng biết bài hát Năm anh em trên một chiếc xe tăng, có những câu: như năm bông hoa nở cùng một cội/ như năm ngón tay trên một bàn tay/ đã xung trận cả năm người như một… Kíp xe là đơn vị nhỏ nhất của Binh chủng TTG, như tổ ba người trong bộ binh, khẩu đội trong pháo binh vậy. Một kíp xe thường có trưởng xe, lái xe, pháo thủ số và nạp đạn (ở kíp xe T-34 còn có thêm thành viên là lái phụ). Khi sinh hoạt chung, rèn luyện hay chiến đấu đều đòi hỏi sự đồng lòng “như một” của tất cả thành viên kíp xe. Bất cứ vị trí nào “chệch choạc” lập tức xe không hoạt động được và không phát huy được sức mạnh đột kích.

Hơn nữa, điều kiện hoạt động, thao tác trong môi trường nặng nhọc không khỏi có lúc khiến anh em chiến sĩ nản lòng dao động. Cộng với thời đại ngày nay là thời đại bùng nổ thông tin về mọi mặt. Việc nắm tư tưởng anh em thông qua kíp xe là rất quan trọng. Sau phát hiện đến tiến hành giáo dục, bồi dưỡng để anh em yên tâm công tác.

Từ những nguyên nhân, đòi hỏi trên mà mô hình kíp xe “mẫu mực, tiêu biểu” ra đời. Nội dung xây dựng kíp xe phải toàn diện trên tất cả các mặt. Về tư tưởng chính trị phải vững vàng. Phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sạch, lành mạnh. Hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Đoàn kết tốt, kỉ luật nghiêm, an toàn tuyệt đối. Sống có văn hóa, nhân ái, nghĩa tình.

VHQS: Còn tiêu chí của mô hình kíp xe “mẫu mực, tiêu biểu” gồm có những tiêu chí nào thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Đức Dinh: Về tiêu chí có 5 tiêu chí. Tiêu chí đầu tiên là mẫu mực, tiêu biểu về tư tưởng chính trị. Với 100% thành viên kíp xe có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác và rèn luyện; không dao động trước mọi khó khăn, thử thách; luôn nỗ lực, chủ động vượt khó vươn lên, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong kíp xe có có ít nhất một đảng viên hoặc một đoàn viên được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, còn lại hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tiếp đến là mẫu mực, tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, lối sống. Với 100% các thành viên kíp xe có lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị, trung thực, thẳng thắn, chân thành; giàu lòng nhân ái, tình thương yêu đồng chí, đồng đội, gia đình và nhân dân; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dũng cảm trong đấu tranh chống mọi biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tiêu cực, lạc hậu.

Lực lượng Tăng Thiết giáp diễn tập vượt cửa mở. Ảnh: Hữu Cương

Tiếp nữa là mẫu mực, tiêu biểu trong thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Hoàn thành đúng, đủ và vượt mức các nội dung, chỉ tiêu trong thực hiện nhiệm vụ; dẫn đầu phong trào thi đua quyết thắng của đơn vị. Có trình độ kĩ thuật, chiến thuật, điều lệnh, thể lực giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao; chuyên môn, nghiệp vụ thành thạo; tham gia đầy đủ các khoa mục huấn luyện, kết quả kiểm tra 100% các nội dung đạt khá, giỏi. Tham gia học tập đầy đủ, có chất lượng chương trình, nội dung giáo dục chính trị, phổ biến giáo dục pháp luật; kết quả kiểm tra 100% đạt khá, giỏi. Hoàn thành đúng đủ và có ít nhất 50% vượt các chỉ tiêu về tăng gia, chăn nuôi, cải thiện đời sống; tích cực tham gia xây dựng cơ quan, đơn vị có doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp; tỉ lệ quân số khỏe đạt 100% trở lên. Nắm vững và thực hiện tốt các mục tiêu của cuộc vận động “Quản lí, khai thác vũ khí trang bị kĩ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”.

Kế đến là mẫu mực, tiêu biểu trong xây dựng chính quy, chấp hành pháp luật, kỉ luật và đoàn kết thống nhất cao. Kíp xe luôn dẫn đầu đơn vị về việc chấp hành pháp luật Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, kỉ luật Quân đội, quy định của cơ quan, đơn vị và các chế độ, nền nếp học tập, sinh hoạt, công tác; luôn mẫu mực về lễ tiết, tác phong quân nhân, thực hiện đúng 10 lời thề, 12 điều kỉ luật, gương mẫu trong lời nói và việc làm.

Tiêu chí cuối cùng là mẫu mực, tiêu biểu trong thực hiện nếp sống văn hóa. Đó là thực hiện đúng phong cách quân nhân, làm việc theo chức trách, hành động theo điều lệnh, có tác phong và phương pháp làm việc khoa học, chuyên nghiệp, trách nhiệm cao; giải quyết tốt các mối quan hệ công tác và quan hệ xã hội; tôn trọng, ứng xử có văn hóa với đồng chí, đồng đội, gia đình, người thân và nhân dân; phân biệt rõ tốt - xấu - đúng - sai; kiên quyết đấu tranh bảo vệ cái đúng, loại trừ cái tiêu cực, lạc hậu; không tham gia vào các tệ nạn xã hội; tích cực xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương nơi đóng quân, nơi cư trú có môi trường văn hóa phong phú, tốt đẹp, lành mạnh.

VHQS: Bên cạnh truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng”, người lính TTG còn được biết đến với sự hào hoa, lãng mạn trong cuộc sống cũng như trong chiến đấu. Đọc những lá thư đồng chí gửi anh em chiến sĩ đội tăng trước khi lên đường tham dự Hội thao quân sự quốc tế thấy được sự xúc động, mạnh mẽ, quyết tâm trong từng câu chữ, cảm giác như một bài hịch vậy. Và cho đến giờ anh em TTG vẫn đọc cho nhau nghe bài thơ Vượt nắng mỗi khi ra thao trường luyện tập. Đồng chí có thể nói thêm về hoàn cảnh ra đời bài thơ?

Thiếu tướng Nguyễn Đức Dinh: Bài thơ ấy tôi làm gửi đội tuyển xe tăng tham dự Hội thao Army Games 2021. Viết dưới cái nắng tháng 6 như thiêu như đốt ở thao trường Tây Sơn, Bình Định. Bài thơ buột ra trong đầu như một sự đồng cảm, khiến tôi không thể không viết khi chứng kiến sự luyện tập hăng say, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, quên đi cái nắng hè chao chát của cán bộ, chiến sĩ trong đội tuyển. Thực ra mình cũng có biết thơ ca gì đâu, nhiều lúc cảm xúc dâng trào thì viết ra vậy. Giờ những khi có thời gian rảnh, nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ đồng đội anh em cảm xúc đến tôi vẫn ghi lại thế. Tôi vừa làm xong bài thơ Mẹ, nguyên mẫu từ chính cuộc đời người mẹ của mình, có những câu như: ăn đong bữa đủ bữa vơi/ vá chằng chẳng kín nổi trời tiết đông/ tròn vuông ba bận thành công/ bốn lần vượt cạn cha không có nhà/ chưa từng có nụ cười hoa/ một ngày mẹ nhận tin cha mất rồi/ khô dòng nước mắt giữa đời/ đau thương mẹ nén giữ tươi nếp nhà… Nói vui thế thôi, chỉ là cảm xúc, tình cảm của một người lính, một người con với mẹ mình chứ không phải thơ phú gì đâu nhé.

VHQS: Những câu thơ về mẹ thật xúc động. Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện thú vị này.

ĐINH PHƯƠNG thực hiện

VNQD
Thống kê