Người thầy và sự học

Chủ Nhật, 03/03/2024 06:06

. PHẠM TIẾN LUẬT
 

Những năm 1960, ở làng chúng tôi đã có nhiều thầy cô giáo. Giáo viên dạy từ lớp vỡ lòng, tập chép và giáo viên dạy cấp I (từ lớp 1 đến lớp 4). Nhưng giáo viên dạy cấp II như thầy giáo Đỗ Minh Thiêm thì cả làng ít lắm. Thầy Thiêm là lớp giáo viên được đào tạo như lời căn dặn của Bác Hồ với Bộ trưởng Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu: “Chú phải đem chữ của chú để “sẻ” cho dân”. Tốt nghiệp trường phổ thông cấp III tỉnh Thái Bình khóa 2 (1956 - 1959), năm 1962, thầy Đỗ Minh Thiêm được học lớp đào tạo giáo viên (lớp 10+1) ở thành phố Nam Định. Từ năm 1963, thầy giáo trẻ được cử về dạy ở các trường cấp II trong huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Từ kiến thức được tích lũy khi là học sinh phổ thông và ở trường sư phạm, cùng với sự giao lưu văn hóa, thầy đã có kiến thức sâu rộng. Là giáo viên dạy văn phổ thông, thầy được Phòng Giáo dục Kiến Xương và Ti Giáo dục Thái Bình điều động dạy chuyên văn cho học sinh giỏi, gần 30 năm chủ nhiệm lớp giỏi văn của huyện để tuyển chọn dự thi học sinh giỏi miền Bắc và toàn quốc. Ngày ấy, kinh tế khó khăn vật chất thiếu thốn, các thầy phải xuống từng địa phương có học sinh giỏi xin điều hòa lương thực, tạo điều kiện cho các cháu ăn ở tập trung, duy trì việc học. Thầy cùng các thầy khác như thầy Trần Xuân Riến, Nguyễn Xuân Thanh, Đặng Nguyên Hồng, Phạm Đức Nhật... thường đạp xe xuống từng gia đình động viên các cháu học tập.

Thầy Đỗ Minh Thiêm và tác giả - Thiếu tướng Phạm Tiến Luật

Từ dạy văn phổ thông đến bồi dưỡng chuyên văn cho học sinh giỏi, thầy Đỗ Minh Thiêm đã có nhiều sáng tạo để lại ấn tượng sâu sắc với đồng nghiệp và học sinh. Những năm đầu thập niên 60 của thế kỉ trước, hầu hết dạy văn theo kiểu diễn xuôi thơ, văn, tóm tắt tác phẩm rồi liên hệ người thực việc thực… đẩy tới việc xã hội hóa văn chương, bỏ qua cái hay cái đẹp về nghệ thuật. Thầy Thiêm luôn đi theo hướng khai thác từ nghệ thuật sang nội dung, giúp học sinh cảm thụ cái hay cái đẹp của hình tượng nghệ thuật, những đóng góp sáng tạo nghệ thuật của nhà văn, học sinh được cảm thụ văn chương đúng đặc trưng của bộ môn.

Học sinh Bùi Thanh Huyền và Phạm Thị Yến đoạt giải thi học sinh giỏi văn quốc gia năm 1978 nhớ lại: Khi dạy Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, thầy phân tích kĩ từ bình ở đầu bài để toát lên tư tưởng nhân nghĩa của tác giả, tác phẩm. Cùng là nghĩa “đánh”, trong Hán tự có các từ: bình, chinh, phạt. Mỗi từ có sắc thái khác nhau. Chinh có nghĩa là đem quân đi đánh nước người, đánh bằng quân sự; phạt nghĩa là đánh đối phương bằng vũ khí, vũ lực; còn bình là đánh nhưng nghiêng về đánh vào lòng người, đánh bằng lòng nhân nghĩa. Như vậy chọn từ bình mà không dùng từ chinh hay từ phạt, người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã khẳng định cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi nhờ vào tư tưởng “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn; lấy chí nhân thay cường bạo”. Khi dạy bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, thầy đã hướng dẫn học sinh so sánh sắc thái ý nghĩa của từ đế. Trong nguyên bản là Nam quốc sơn hà Nam đế cư với từ “vua” trong bản dịch Sông núi nước Nam vua Nam ở để khẳng định tinh thần độc lập tự chủ cao vời vợi của dân tộc cùng niềm tự hào dân tộc của Lý Thường Kiệt. Khi dạy bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu, đoạn thơ viết về bốn mùa của Việt Bắc, thầy đặt ra vấn đề thứ tự của bộ tranh tứ bình bằng thơ khác với thứ tự bộ tranh tứ quý thông thường. Tranh tứ quý thường xếp theo thứ tự Xuân - Hạ - Thu - Đông. Còn trong thơ của Tố Hữu lại xếp Đông - Xuân - Hạ - Thu. Kết cấu như vậy đã biểu hiện sự tinh tế trong cảm nhận của nhà thơ về quá trình kháng chiến chống Pháp: Rời Hà Nội ra đi kháng chiến vào mùa đông, kết thúc kháng chiến, chia tay với Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô Hà Nội cũng vào mùa đông.

Thực tế những năm đầu thập niên 1960, dạy văn theo hướng đọc chép, học sinh bị động. Thầy đã hướng dẫn học sinh cảm thụ văn học qua hệ thống câu hỏi đàm thoại, câu hỏi phát hiện, câu hỏi giảng giải, câu hỏi đánh giá. Như vậy, học sinh chủ động tiếp thu kiến thức, trở thành người đồng sáng tạo, còn vấn đề trực quan sinh động là sự đóng góp sáng tạo của người dạy. Thời kì những năm 60, giáo viên dạy theo kiểu đọc chép, ghi bảng theo từng dòng. Thầy đã ghi bảng theo sơ đồ cành cây mà mãi đến 2017, Bộ Giáo dục mới phát động phong trào dạy học bằng bản đồ tư duy (mind map). Trong lần khảo sát chất lượng dạy - học năm 1969, chuyên gia cao cấp Bộ Giáo dục Trương Dĩnh nhận xét về thầy Đỗ Minh Thiêm trước cán bộ Ti Giáo dục Thái Bình như sau: “Đây là một giáo viên giỏi mà chúng tôi cần tìm”.

Hơn 40 năm dạy học, thầy Thiêm đã có 35 năm được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Cùng với đồng nghiệp, thầy đã đưa phong trào học sinh giỏi của huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình lên thời hoàng kim. Lớp lớp học sinh giỏi đã trưởng thành: có người đã anh dũng hi sinh trong công cuộc giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; có người làm lãnh đạo, quản lí; có người ở viện nghiên cứu; có người là nhà báo, nhà giáo và không ít người trở thành những chủ doanh nghiệp giỏi... góp phần xây dựng quê hương đất nước.

Tiếp xúc với thầy Thiêm, chúng tôi rất phấn khởi và khám phá thêm ở thầy một kho tàng tri thức phong phú nhờ vào sự tự học không ngừng nghỉ. Thầy theo học hàm thụ đại học, có bằng cử nhân do Bộ Giáo dục mở tại tỉnh Thái Bình. Thầy đã từng học Hán văn, Pháp văn (1970 - 1972), có bằng trung cấp ở trường bổ túc văn hóa của tỉnh Thái Bình. Nay đã 85 tuổi, thầy tự học xong Tam thiên tự, Ngũ thiên tự và hàng ngày vẫn học tiếp qua các câu đối, qua các bài thơ chữ Hán... Thầy Thiêm là thế hệ thầy giáo vàng còn lại của làng tôi mang kiến thức tự học phục vụ cho việc khôi phục các công trình kiến trúc tâm linh như đình làng, miếu làng, cổng làng. Thầy cẩn trọng vô tư cho chữ hoành phi, câu đối, viết chữ trên long cốt một cách chu đáo đảm bảo tính cổ điển của văn hóa truyền thống. Thầy luôn tự hào về họ Đỗ, một dòng họ tiêu biểu cho phong trào khuyến học của tỉnh Thái Bình. Thầy cũng tự hào về dòng dõi gia phong “Thi, Lễ, Truyền Gia”.

Xuất thân từ dòng Nho bảng nội ngoại đều là các bậc thầy, nhà giáo Đỗ Minh Thiêm dáng nho nhã thư sinh và cô giáo Trần Lệ Hằng vốn có tiếng là đôi vợ chồng trai tài gái sắc cùng là giáo viên dạy văn được các thế hệ học sinh và phụ huynh quý mến. Gia đình thầy sống có đạo lí kính trên nhường dưới. Người vợ xinh đẹp, đức hạnh, đảm đang, cả đời hi sinh cho chồng con, bị bệnh hiểm nghèo mất đã mấy chục năm. Thầy Thiêm bùi ngùi nhớ những ngày thầy đi dạy phụ đạo cho hàng trăm học sinh dự thi vào đại học, những tháng hè chi “lẹm” cả tiền lương nhưng cô vẫn nhẫn nhịn, cam chịu, hiểu công việc của thầy nên không bao giờ ta thán. Nay thầy sống một mình sinh hoạt đạm bạc ở căn nhà nhỏ thân quen trên đất ông cha, luôn sạch sẽ ngăn nắp như khi cô còn sống.

Ngồi uống nước với thầy, ngắm đồ cổ gia tiên để lại, nghe thầy say sưa thuyết minh như một nhà sưu tầm đồ cổ, có tri thức khảo cổ học. Chiếc nậm rượu đời Lý, bình cổ Nhị Tiên Khánh Thọ đời nhà Thanh, rồi bộ vị thủy các đĩa Thọ Lồng Sen Le, Ngọc Thỏ Cung Trăng đã được thầy giảng giải thổi hồn văn hóa vào với những câu chữ uyên thâm, như: “Sự phùng đắc ý tuyên hưu tức” hoặc “Bán dạ tam bôi tửu, bình minh nhất trản trà, mỗi nhật cứ như thử, lương y bất đáo gia”...

Có phải từ chữ Nhẫn ở chiếc đĩa cổ treo sang trọng trên tường hàng ngày thầy chiêm nghiệm mà cả cuộc đời thầy có đức tính nhẫn nhịn. Từ khi vào trường Đại học Bách khoa, có người chú ruột là liệt sĩ Đỗ Đức Nhuận anh dũng hi sinh trong kháng chiến chống Pháp (1952) mà thầy không được ghi trong hồ sơ lí lịch sinh viên, thầy phải cam chịu thiệt thòi và nhẫn nhịn để học tập vươn lên, nhẫn nhịn vì học sinh thân yêu, bỏ qua ham muốn danh vọng, sự cám dỗ đời thường. Đấy cũng là tâm đức của người thầy như thầy đã giảng giải cho Hội Người cao tuổi ở đình làng về “Ánh sáng văn hóa Phật pháp thể hiện trong từng nét của chữ PHẬT”.

Ngày Nhà giáo Việt Nam, Trung tướng Đỗ Phúc Hưng và tôi đón mời các thầy, cô giáo cũ từ thời cấp I, cấp II đến nhà hàn huyên. Thầy Thiêm và thầy Bang, thầy Nhâm, thầy Khoa, thầy Ruyến, thầy Nam, cô Tích rất vui, chuyện trò hoan hỉ. Có thầy hóm hỉnh nói vui: “Ngành giáo dục của Thái Bình còn nợ hai thầy giáo dạy văn giỏi là Nguyễn Hải Đạm và Đỗ Minh Thiêm danh hiệu Nhà giáo Ưu tú”. Thầy Thiêm trầm ngâm suy nghĩ, mong cho nền giáo dục Việt Nam sớm có một chương trình có tính hệ thống, cân đối giữa lí thuyết với thực hành... để đào tạo ra được lớp người chuyên sâu về lí luận, giỏi về thực hành.

Bất chợt ánh mắt thầy Thiêm như sáng bừng sinh động, chia sẻ với chúng tôi và các bạn đồng nghiệp của thầy cùng các học sinh là phó giáo sư, tiến sĩ được phong quân hàm cấp tướng. Giọng thầy truyền cảm ấm áp: “Tôi thiết nghĩ mọi người khi về hưu cũng không nên dừng việc học, mà nên coi việc học và việc đọc là việc làm suốt đời”. Thầy như đang nhắc lại câu nói nổi tiếng “Học, học nữa, học mãi” của Lênin và mục đích học tập mà UNESCO đề ra: “Học để biết, học để làm, học để hòa nhập, học để khẳng định mình”.

Thầy Thiêm là người thầy suốt đời gắn liền với sự học và sáng tạo.

P.T.L
Thái Bình, 1/10/2023

VNQD
Thống kê