Chúng tôi hát, làm thơ trên đường Trường Sơn

Chủ Nhật, 18/02/2024 08:18

. VŨ ĐÌNH KHANG
 

Khi nhập ngũ tôi đã học gần hết kì 2 năm thứ 4 Đại học Cơ điện. Hơn 50 sinh viên trường tôi biên chế vào hai đại đội là c2 và c3 của d76 f304B Quân khu Việt Bắc. Tròn 4 tháng huấn luyện quân chiến đấu ở xã Thượng Đình, huyện Phú Bình, tỉnh Bắc Thái đã có bao nhiêu là kỉ niệm nhưng tôi muốn lưu lại những buổi biểu diễn văn nghệ đáng nhớ ở nơi đóng quân và những bài thơ trên đường hành quân.

Những đêm văn nghệ đại đội, những đêm văn nghệ tiểu đoàn là những đêm hội làng với bà con nơi đóng quân. Lúc ấy tôi là uỷ viên ban chấp hành Đoàn và anh Diệu chính trị viên phó đại đội 2 làm bí thư. Ở đại đội tôi có anh Vũ Đình Thiệp sinh viên năm thứ 4 chế tạo máy, cán bộ đi học của thành phố Hải Phòng là người chơi accordion rất cừ, có bạn Nguyễn Trọng Luân sinh viên năm thứ 3 hát rất tốt. Ngoài ra nhiều chiến sĩ ở trường Địa chất, ở các trường cao đẳng khác cũng hát rất hay như Khuất Duy Hoan, Nguyễn Duy Tác, Vũ Mạnh Tiêu…

Tiếng đàn, tiếng hát át tiếng bom. Ảnh: TL

Mùa thu năm 1972, chiến trường đang hừng hực nóng bỏng và chúng tôi cũng phấp phỏng ngày đêm lên đường đi chiến đấu. Hầu như chúng tôi đã quên mất những ngày mộng mơ trên giảng đường mà chỉ nghĩ đến nơi mình sẽ đi đến nay mai. Đeo gạch, hành quân đêm, đánh xe tăng, rồi dã ngoại 10 ngày đêm trên núi rừng Yên Thế, Võ Nhai, Đồng Hỷ. Cuộc sống bộn bề gấp gáp là thế mà chúng tôi vẫn hát vẫn tổ chức những đêm liên hoan văn nghệ. Ở c2 d76 chúng tôi tổ chức văn nghệ từ cấp trung đội trở lên. Văn nghệ trung đội chỉ chừng ngót 1 giờ đồng hồ là hết vốn nhưng văn nghệ đại đội thì kéo dài đến 2 giờ vẫn còn người đăng kí. Ở c2 nổi lên những cây đơn ca Nguyễn Trọng Luân sinh viên Cơ điện, Khuất Duy Hoan sinh viên Cao đẳng Hoàng Văn Thụ , Nguyễn Duy Tác Địa chất 29, Nguyễn Tất Đạt Địa chất 12, Đặng Văn Trung Địa chất 12… Tôi rất nhớ những đêm liên hoan văn nghệ ở Thượng Đình và đặc biệt đêm văn nghệ trên đường dã ngoại ở rừng Trại Cau, tháng 12 năm 1972. Đêm hôm đó c2 d76 đã có một đêm văn nghệ ngay trong tiếng bom B52 của giặc Mĩ. Giữa tiếng bom rung đạn nổ những lời ca tiếng hát vẫn được cất lên, thấm đẫm cảm xúc với những Đường Trường Sơn xe anh qua do Nguyễn Tất Đạt thể hiện, Khuất Duy Hoan thì hát bài Bài ca bên cánh võng, Nguyễn Trọng Luân sau khi thể hiện Hát mừng các cụ già bắn rơi máy bay rất hợp tình hợp cảnh còn hát thêm bài Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, hát xong anh tâm sự là bài hát này vừa mới in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng 9 năm 1972, tờ tạp chí mà anh đã mang theo bên ba lô.

Chúng tôi lên đường đi chiến đấu vào ngày 14/1/1973. Đêm ấy sương buông trắng mờ rừng thông ga Lương Sơn. Hơn 500 chiến sĩ d76 ngồi trong đêm sương nghe đội tuyên văn Sư đoàn 304B biểu diễn chia tay. Chúng tôi nhớ đêm ấy ca sĩ Văn Học hát bài Anh quân bưu vui tính và bài Tôi là Lê Anh Nuôi rất hay. Cũng từ hôm đó d76 để lại hai chiến sĩ bổ sung về đội tuyên văn f304 đó là anh Vũ Đình Thiệp chơi đàn accordion và một bạn sinh viên sư phạm người Quảng Ninh ở c1 về hát đơn ca.

Trên đường Trường Sơn chúng tôi vẫn tổ chức văn nghệ đại đội và làm báo tường. Hát hò thì dễ rồi, nhưng còn làm báo tường thì thật khó. Đại đội là một liên chi đoàn, mỗi trung đội là một chi đoàn. Tôi là uỷ viên ban chấp hành liên chi nên bàn với các bạn ở các chi đoàn phát động phong trào làm thơ trên đường hành quân. Anh em đã hưởng ứng rất nhiệt tình viết vào những vỏ bao thuốc, giấy vụn rồi đưa cho bí thư chi đoàn. Tối tối chúng tôi ngồi chép lại, biên tập lại với nhau để sau 10 ngày hành quân, khi được nghỉ một ngày là tổ chức đêm văn nghệ. Đêm ấy chúng tôi đọc thơ và bầu thi đua các chi đoàn. Cuộc đời thật bộn bề và dâu bể nhưng sao mà tôi vẫn nhớ những ngày tháng trên Trường Sơn đến thế.

Có một đêm ở trạm 45 bạn Bùi Sỹ Tiến người Hà Tĩnh học sinh trường Trung cấp Kiến thiết cơ bản đưa cho tôi bài thơ:

Đã hai tháng núi với rừng
Bao nhiêu khe suối bao từng mây cao
Mặt người in dấu gian lao
Nụ cười làm cả xôn xao rừng già
Ngày leo dốc đêm thơ ca
Lá thư bạn gái giở ra gấp vào…

Có một bài thơ của Nguyễn Trọng Luân mà khi hết chiến tranh, trở về trường cũ chúng tôi vẫn hay nhắc lại với nhau:

Đỉnh đèo trời hóa mông mênh
Chùm phong lan tỏa hương lành
trong mây
Hành quân chiến dịch qua đây
Giải lao mươi phút cũng say
thuốc lào
Thấy rừng cây đổ lao đao
Chuỗi cười đồng đội bay vào trời xanh

Sau này tôi bảo Nguyễn Trọng Luân: “Mày nói phét chứ hoa phong lan làm gì có hương thơm mà tỏa vào mây?” Luân cười, nói: “Thì tao cứ thấy hoa là nghĩ nó thơm!” Những người lính đi trên Trường Sơn sao mà đáng yêu đến thế, đáng yêu ngay cả những lúc nhìn thấy họ chống gậy lê lết trên đường rừng. Hình ảnh đồng đội tôi đứng trên đỉnh dốc hát Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn và hình ảnh đồng đội tôi chống gậy hành quân như khắc vào tim tôi làm dấu đăng kiểm cho cuộc đời tôi.

100 ngày đi trên Trường Sơn tôi cùng các bí thư chi đoàn viết tay một tập thơ 80 bài lấy tên là Thơ trên đường hành quân trong cuốn vở 100 trang và đồng chí chính trị viên Vũ Xuân Diệu mang về Sư đoàn 304B. Tôi không biết tập thơ viết tay ấy có được ai xem đến hay không. Dẫu không có ai xem cũng không sao vì nó đã là máu và biến thành những chiến công và cả những hương hồn đồng đội tôi hi sinh ở chiến trường. Trong những người tham gia vào những đêm văn nghệ, tham gia viết, vẽ làm nên tập Thơ trên đường hành quân năm ấy đã có người hi sinh ở chiến trường Tây Nguyên là Lương Văn Lợi bí thư chi đoàn 3 sinh viên năm 3 DĐại học Cơ điện và Nguyễn Văn Vượng chi đoàn 4, sinh viên năm 4 Đại học Cơ điện. Nhiều bạn từng làm “ca sĩ” dọc đường sau này trưởng thành trên nhiều lĩnh vực công tác hoặc trở về làng quê cày cấy. Hình ảnh các bạn tôi trên Trường Sơn thật đẹp biết bao.

V.Đ.K

VNQD
Thống kê