Chuyện người lính binh nhất tên Hoài

Thứ Ba, 13/02/2024 06:08

. MAI NAM THẮNG
 

Trong đoàn cựu chiến binh trở về thăm lại Cánh Đồng Chum lần này, có Đại tá Hoàng Anh Phúc, nguyên Tiểu đoàn trưởng cao xạ của Binh trạm 11, hồi ấy đứng chân trên đường số 7, khu vực Nậm Cắn. Ông Phúc kể: Trong số những anh lính đồng hương Hà Nội ở đơn vị, ông khá ấn tượng với pháo thủ số 3 Lê Khánh Hoài ở Khẩu đội 1. Mẹ “thằng Hoài” là nghệ sĩ Tân Nhân - danh ca của Đoàn ca múa Trung ương. Nói theo kiểu bây giờ, thì Tân Nhân là thần tượng của công chúng, trong đó có ông Phúc.

Nhà văn Châu La Việt trong lần trở lại chiến trường xưa

Cái sự ấn tượng của Tiểu đoàn trưởng ban đầu chỉ là thế. Nhưng rồi đọc hồ sơ lí lịch thì biết Hoài đã có giấy gọi vào đại học, nhưng vẫn xung phong nhập ngũ, tình nguyện ra chiến trường nên ông càng quý hơn, nhất là từ hôm xảy ra việc một anh chàng “dinh tê” bị phát hiện. Chuyện là, cái hồi còn ở Binh trạm 11 bên kia Nậm Cắn, một cậu lính Hà Nội không chịu nổi gian khổ, rủ Lê Khánh Hoài cùng bỏ trốn. Cứ mò ra nấp bên đường số 7, đợi có xe vận tải từ Thượng Lào về, xin đi nhờ chỉ một đêm là sáng hôm sau đã có mặt ở Bờ Hồ. Không ngờ thằng Hoài trợn mắt gầm lên: “Ngày trước bố tao đào ngũ, khiến cuộc đời mẹ tao đắng cay khổ sở, nay tao không muốn làm mẹ tao phải khổ thêm nữa!” Không rủ được Hoài, một mình cậu lính kia vẫn bỏ trốn. Phát hiện ra sự vắng mặt của cậu ta đúng nửa ngày thì Lê Khánh Hoài lên báo cáo toàn bộ sự việc với Khẩu đội trưởng Công Chính, và xin nhận kỉ luật vì không giữ được bạn mình và để bạn có hành động tiêu cực. Cũng may, sau đó người lính ấy lại trở về đơn vị…

Câu chuyện “bố tao đào ngũ” là một vết thương âm ỉ trong cuộc đời Lê Khánh Hoài. Anh là kết quả mối tình của cô ca sĩ tài sắc Tân Nhân với một nhạc sĩ tài danh trong kháng chiến chống Pháp, trên Chiến khu Ba Lòng của Mặt trận Trị Thiên. Nhưng rồi do không chịu nổi cuộc sống gian khổ trên Chiến khu, người nhạc sĩ đã “dinh tê” về Huế và sau đó vào sống ở Sài Gòn. Tân Nhân được tổ chức cho ra miền Bắc sinh con, tiếp tục sự nghiệp văn nghệ kháng chiến. Rồi chị kết hôn với một cán bộ ở Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng. Ông ấy trở thành cha đẻ trên giấy khai sinh và hồ sơ lí lịch của Lê Khánh Hoài. Câu chuyện về người cha huyết thống của Hoài, ông Phúc biết rất rõ, nhưng vẫn làm ngơ vì ông sợ sự việc bị đẩy quá xa thì ông sẽ phải… xa nó (!)

Nhưng rồi ông Phúc vẫn không giữ nổi Lê Khánh Hoài cho Tiểu đoàn của mình, vì ông không thể giấu nổi những cái “tài vặt” của nó. Và câu chuyện Lê Khánh Hoài lên nhận nhiệm vụ mới ở Đội Tuyên văn của Binh trạm, được chính Chủ nhiệm Chính trị Binh trạm 13 Nguyễn Phú Nho kể lại, hết sức hào hứng. Ấy là ngay cái hôm đầu tiên khoác ba lô lên Binh trạm bộ, Hoài đã đề đạt nguyện vọng với Thượng sĩ Ngô Xuân Thông, lúc đó là nhân viên Ban Tuyên huấn, phụ trách Đội Tuyên văn của Binh trạm:

- Báo cáo anh, em xin đi bộ đội là để trực tiếp chiến đấu, chứ lên đây em chẳng biết làm việc gì...

Đội trưởng Ngô Xuân Thông ôn tồn:

- Yên chí, hát cũng là chiến đấu. Cậu sẽ là ca sĩ chính của Đội Tuyên văn nhé!

Lê Khánh Hoài giãy nảy lên:

- Ối, cả đời em chỉ hát được mỗi bài Quốc ca nhưng chỉ khi chào cờ hát theo tập thể, chứ hát một mình mà ông Văn Cao nghe được thì ăn roi là cái chắc...

Đội trưởng Thông vẫn ôn tồn:

- Không hát được thì đệm đàn. Con trai Hà Nội mà chơi đàn thì kiến trong lỗ cũng phải chui ra mà nghe...

Lê Khánh Hoài lại kêu hoảng hốt:

- Anh ơi là anh ơi, đàn thì em thề đụng vào là đứt dây, hỏng cần tức khắc. Anh xem cái bàn tay nải chuối của em đây thì biết!

Ngô Xuân Thông hơi nhíu đôi lông mày:

- Vậy thì trước mắt cậu cứ hát chèo cũng được. Tớ là dân Thái Bình rất mê chèo, mà hát chèo dễ lắm!

Lê Khánh Hoài khoác ba lô đứng phắt dậy:

- Báo cáo anh, từ bé tới giờ em chưa biết một câu chèo nào. Thôi anh cứ trả em về trận địa. Em chẳng thà bị kỉ luật chiến trường còn hơn là phải hát chèo...

Đội trưởng Thông cũng đứng phắt dậy:

- Ơ cái cậu này. Thế cậu có đúng là Lê Khánh Hoài, con trai cả của nghệ sĩ Tân Nhân hay không?

- Vâng, chính là em đây ạ!

- Kì lạ thật! Con trai nghệ sĩ nổi tiếng Tân Nhân mà không biết hát, không biết đàn, không hát chèo được?

- Báo cáo đồng chí, đúng là như thế ạ!

- Thế thì phải trả cậu về đơn vị thật rồi. Cơ mà cứ đặt ba lô xuống, cơm nước đã. Hôm nay Chủ nhiệm Chính trị Nguyễn Phú Nho chỉ thị cho bọn tớ phải làm bữa cơm tăng cường để đón tiếp con trai nghệ sĩ Tân Nhân đấy!

Bữa cơm “tăng cường” hôm đó còn được... tăng cường thêm hai em văn nghệ xung kích xinh như mộng. Từ ngày vào chiến trường, chàng trai Hà Nội Lê Khánh Hoài chưa một lần được nhìn thấy phụ nữ, nói gì đến được ngồi ăn cơm cùng người đẹp. Cái máu “giai phố cổ” ùn ùn bốc lên, Lê Khánh Hoài đề nghị với “trưởng mâm”:

- Thưa anh, đây là bữa cơm đón tiếp nhưng chắc cũng là bữa cơm chia tay để em trở về trận địa cao xạ. Em xin phép đọc tặng anh và hai đồng chí nữ đây bài thơ em viết trước ngày nhập ngũ?

Được “thủ trưởng” Ngô Xuân Thông gật đầu, Hoài ta “nổ” luôn: Mày lên đường hôm trước/ Tao nối bước hôm sau/ Trường Sơn gánh cả nước/ Hai đứa mình đuổi nhau.../ Hôm đi mày nhớ không/ Mừng mày nhưng tao ức/ Vật nhau tao khỏe hơn/ Mà nay mày đi trước/ Thôi bây giờ như nhau/ Đường Trường Sơn chung bước/ Đường dài như mơ ước/ Sao chẳng thấy mày đâu?...

Lê Khánh Hoài đọc đến đâu, hai người đẹp vỗ tay tán thưởng đến đó, nhưng đôi lông mày của Đội trưởng Thông thì mỗi lúc mỗi dựng ngược lên:

- Này Hoài, cậu xạo vừa vừa thôi. Đây là bài thơ đăng báo Văn nghệ hồi tháng sáu năm sáu tám, tớ còn chép trong sổ tay nhé!

- Dạ đúng rồi. Bài thơ em được đăng báo trước khi đi bộ đội 2 tháng. Chuyện Trường Sơn trong thơ là em tưởng tượng ra đấy ạ!

- Nhưng tác giả bài thơ là Châu La Việt. Giấy trắng mực đen hẳn hoi chứ đâu phải tên cậu!

- Thưa anh, Châu La Việt là bút danh của em! Châu tức là thôn Châu Phong ở huyện Đức Thọ của tỉnh Hà Tĩnh, bên dòng sông La đẹp nổi tiếng, là nơi em được sinh ra trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Quê mẹ em ở Cửa Việt của tỉnh Quảng Trị. Châu - La - Việt là những địa danh thiêng liêng thân yêu nhất của cuộc đời em...

Đôi lông mày của Đội trưởng Thông đã hơi cụp xuống, nhưng giọng nói của anh thì vẫn chưa hết nghi hoặc:

- Nếu đúng thế, thì hãy đọc lại một lần nữa để mọi người cùng nghe!

Hai người đẹp ngước nhìn thi nhân đầy khích lệ, khiến tâm hồn chàng trai Hà Nội càng rạo rực xao xuyến. Chàng đọc say sưa diễn cảm như đang đứng trên sân khấu của Nhà hát Lớn Hà Nội. Đọc chưa hết bài thơ thì Đội trưởng Ngô Xuân Thông đã nhào tới ôm chầm lấy chàng trai:

- Thôi thôi... mày mà đọc nữa là tao khóc đấy! Đích thị hạt nhân nòng cốt của Đội Tuyên văn Binh trạm đây rồi! Bố Nho thánh thật, chọn người cấm có sai! Từ nay mày cứ làm thơ cho hai em đây ngâm nhé!

Cái tên Châu La Việt trở thành bút danh chính thức của Lê Khánh Hoài từ đấy, hiện nay được ghi vào Kỉ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại. Châu La Việt là tác giả của những tác phẩm văn học ngồn ngộn đời sống chiến trường, được anh viết miệt mài hào hứng từ những ngày làm “lính Đường 7” cho đến nay là nhà văn chuyên nghiệp, chuyên tâm đề tài chiến tranh và người lính.

Lần này trở lại Cánh Đồng Chum, Châu La Việt mang theo bản thảo cuốn tiểu thuyết Lửa sáng phía chân trời, viết riêng về Binh trạm 13 của các anh ngày ấy. Tác phẩm đã được Bộ Quốc phòng đưa vào chương trình đầu tư sáng tác và được Nxb Văn học ấn hành đầu năm 2020. Hôm ấy, trên đỉnh đèo Phunukốc, trước sự chứng kiến của các đồng đội và đồng nghiệp, Châu La Viêt đã trang nghiêm xúc động đọc một trang bản thảo viết tay, đoạn kể về Binh trạm trưởng Lê Thiệp vì mải lo lắng cho chiến dịch đến quên ăn quên ngủ hàng tuần liền, khiến căn bệnh xuất huyết dạ dày tái phát, suýt nữa thì vô phương cứu chữa… Rồi anh tung từng nắm bản thảo lên trời. Gió vặn rừng nghiêng ngả. Từng tờ bản thảo chấp chới chao liệng rồi mất hút dưới vực sâu. Nhà văn Binh trạm thẫn thờ nhìn theo, đôi mắt đỏ hoe…

M.N.T

VNQD
Thống kê