Ninh Bình hội tụ là tên gọi của trại sáng tác văn học do Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp cùng Sở Văn hoá và Thể thao Ninh Bình tổ chức. Trại viết vừa khai mạc sáng 8/8 tại TP. Ninh Bình.
Dự khai mạc trại viết, đại diện cho lãnh đạo Tổng Cục Chính trị có Thiếu tướng Lê Xuân Sang, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn; Cùng dự còn có Thiếu tướng Tạ Quang Chuyên, Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân; Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín, Thiếu tướng Nguyễn Bá Dương, cùng lãnh đạo một số cơ quan Tổng cục Chính trị. Đại diện tỉnh Ninh Bình có đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; đồng chí Nguyễn Đăng Hào, Chủ tịch Hội VHNT cùng lãnh đạo một số cơ quan ban ngành tỉnh Ninh Bình. Về phía Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã tới dự lễ khai mạc. Bên cạnh đó là Giáo sư Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, cùng toàn thể các nhà văn, nhà thơ dự trại viết, các nhà văn, nhà thơ khách mời và đại diện Hội VHNT một số tỉnh giáp ranh Ninh Bình cũng về dự buổi lễ.
Đại diện lãnh đạo Tổng cục Chính trị cùng các vị khách mời dự Lễ khai mạc trại viết.
Đây là năm thứ hai liên tiếp Ninh Bình được lựa chọn là điểm đến của các nhà văn, cộng tác viên của Văn nghệ Quân đội. “Lần thứ hai nghĩa là bắt đầu xuất hiện mối lương duyên. Mối duyên này hình thành từ sự quan tâm của lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban ngành, cụ thể là Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình trong việc tạo điều kiện để các nhà văn, nhà thơ khắp mọi miền tổ quốc có thêm chất liệu sáng tác về miền đất có chiều sâu văn hóa, bề dày lịch sử và bề rộng của sự phát triển” - Mở đầu bài phát biểu khai mạc, Đại tá Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nói.
Đồng chí Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội cũng cho rằng, đây là mối duyên kì lạ và thú vị giữa các nhà văn và Ninh Bình. Bởi mọi người tề tựu về đây để tìm hiểu, khám phá và cắt nghĩa về Ninh Bình qua các sáng tác văn học ngay trong trại viết và sau khi trại viết kết thúc. Với mỗi cây bút khi đến đây đều có những cách tiếp cận riêng, góc nhìn riêng, tựu chung lại, trại viết sẽ là tổng hoà của một bức tranh sinh động miêu tả đậm nét đất và người Ninh Bình. Ninh Bình sẽ được nhìn nhận, đánh giá qua con mắt của những người đến từ An Giang, Tiền Giang, Ninh Thuận, Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, Gia Lai, Bình Định, Hải Phòng, Hưng Yên,…, như vậy, chắc chắn các tác phẩm sẽ rất phong phú, sinh động.
Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương phát biểu tại Lễ khai mạc trại viết.
Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương cũng chỉ rõ về mục đích sự có mặt của các nhà văn tại Ninh Bình, rằng, nếu để nói về vùng đất này, không thiếu những tác phẩm hay, những bài viết giàu cảm xúc, nhưng trong bối cảnh phát triển nhanh và mạnh của Ninh Bình, các chuyến đi thực tế, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn sẽ góp phần tạo nên cái nhìn toàn cảnh, đương đại về Ninh Bình trong kỉ nguyên mới. Đồng cảm với nhận định này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình, ông Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ, sự có mặt của các nhà văn hôm nay như truyền lửa cho những người con vùng đất Ninh Bình trong quá trình xây dựng, phát triển. "Chúng tôi hi vọng trại viết sẽ diễn ra thành công để tạo nền móng cho các thế hệ tiếp theo nối tiếp truyền thống, thành quả và viết thêm vào bề dày trang sử của quê hương", Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao nói. Ông Cường cũng chia sẻ thêm, các tác phẩm thu được từ trại viết năm 2022 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với Sở Văn hoá và Thể thao Ninh Bình tổ chức đã góp phần quảng bá hình ảnh Ninh Bình với đông đảo người dân muốn tìm hiểu về quê hương Ninh Bình, trại viết năm nay, với những đổi mới và những trại viên mới, rất mong sẽ có thêm nhiều tác phẩm có giá trị góp thêm vào trang sử của tỉnh nhà.
Thay mặt các nhà văn, các tác giả tham dự Trại sáng tác văn học 2023 tại Ninh Bình, tác giả Bùi Tuấn Minh đến từ Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân 1 đã tâm sự trong phần phát biểu tại Lễ khai mạc, anh nói rằng, cách đây hơn 20 năm, khi mới bước chân vào quân ngũ, lần đầu tiên anh được cầm trên tay cuốn tạp chí Văn nghệ Quân đội. Hồi đó, anh ước mơ giá như mình có thể viết, giá như một ngày tác phẩm của mình được đăng trên tạp chí... "Và phải đợi đến hơn 20 năm, 1/4 đời người, tôi mới được toại nguyện, khi truyện ngắn Trở lại Nong Chan mới đây được in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng 7/2023. Cho đến giờ cảm xúc của tôi vẫn còn nguyên sự bồi hồi khó tả. Tôi xin bày tỏ niềm vinh dự khi lần đầu tiên được tham gia trại viết của Văn nghệ Quân đội, đặc biệt khi địa điểm tổ chức lại là Ninh Bình, vùng đất địa linh, nhân kiệt, nơi mà mỗi ngọn núi, con sông đều lưu lại những dấu tích về lịch sử, văn hóa của dân tộc hàng nghìn năm qua. Chúng tôi thấy phải có trách nhiệm với con chữ, sáng tác các tác phẩm chất lượng để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc", Bùi Tuấn Minh nói.
Tác giả Bùi Tuấn Minh phát biểu chia sẻ những suy nghĩ của bản thân.
Nữ tác giả Lệ Hằng, một gương mặt văn chương đến từ Đà Nẵng, thời gian gần đây đã có nhiều tác phẩm được ghi nhận và là một cộng tác viên mới nhiều tiềm năng của Văn nghệ Quân đội. Lần đầu tiên dự trại sáng tác, cũng là lần đầu tiên ra Bắc, tâm trạng chị có nhiều háo hức. Chị nói rằng, tham dự trại viết là khoảng thời gian quý giá để chị học hỏi. Lệ Hằng cho biết: "Tôi ý thức rằng, viết lách là một công việc để bắt đầu thì dễ nhưng để gắn bó với nó, sống với nó thì không dễ chút nào vì mọi hào hứng hay khích lệ ban đầu thường qua đi chóng vánh, cái còn lại sau đó là khổ luyện âm thầm. Nhưng những dịp như thế này giúp tôi có thể tiếp xúc và lắng nghe câu chuyện của những người đã gắn bó lâu dài với việc viết lách, điều đó thật đáng quý, đáng trân trọng. Tôi sẽ mở rộng các giác quan, lắng nghe nhiều hơn, ngắm nhìn nhiều hơn và sống nhiều hơn để thu nhận được nhiều hơn trong thời gian tham dự trại viết".
Lệ Hằng (áo trắng) cùng các tác giả tham dự trại viết VNQĐ 2023 tại Ninh Bình.
Cũng theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, văn học ra đời xét cho cùng là để tìm cách cố định con người không bị trôi tuột đi khỏi dòng thời gian vô định bằng cách khắc họa con người ở những gì đẹp nhất, kiêu hãnh nhất đối với thế giới xung quanh. Vì thế sự khắc họa văn học của con người chính là ở giá trị lao động, sản xuất, giành độc lập, bảo vệ trọn vẹn giang sơn đất nước, nằm trong quá trình sống, đúc rút, chiêm nghiệm và tạo ra văn hóa, đạo đức, truyền thống dân tộc. Như thế, dù văn học có đào sâu, bay cao đến đâu thì cái gốc, cái đích của nó vẫn là đời sống xã hội. Những gì trong văn học nghệ thuật phải là cái nhìn tổng thể về diện mạo của con người, vùng đất, bao gồm cả những gì chúng ta cảm nhận, chiêm nghiệm thấy để mô tả trong tác phẩm, vì học không phải bê nguyên thực tế vào tác phẩm. Nhận định của Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam được đông đảo các trại viên cũng như quan khách tham dự đồng tình, chia sẻ.
25 trại viên tham dự lần này có cả những người lần đầu tiên tham gia trại viết văn học và những nhà văn quen thuộc. Mỗi người sẽ có những cảm nhận riêng và mong muốn được khám phá, tìm hiểu vùng đất đặc biệt hấp dẫn này. Mỗi người sẽ "chạm" vào Ninh Bình theo một cách và hi vọng đó sẽ là những cái "chạm" mới mẻ. Kéo dài trong 7 ngày, Ban tổ chức mong muốn các trại viên sẽ có nhiều trải nghiệm thấm đẫm đặc trưng của vùng đất, con người Ninh Bình để có thể truyền tải những gì tinh túy, đặc sắc, cuốn hút nhất qua những tác phẩm của mình.
Một số hình ảnh tại Lễ khai mạc trại sáng tác văn học 2023 của Văn nghệ Quân đội tại Ninh Bình:
Văn nghệ chào mừng trại viết.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Ninh Bình tại Lễ khai mạc trại viết.
Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương cùng các khách mời.
Các tác giả khắp mọi miền đất nước hội tụ tại Ninh Bình.
Các trại viên dự trại viết chụp ảnh cùng các đại biểu sau lễ khai mạc.
Bài: THU OANH; Ảnh: VŨ THÀNH DUY
VNQD