Dòng chảy

Sách mới của nhà văn Trình Quang Phú: Chữ tình trên nét thời gian

Thứ Sáu, 22/07/2022 13:12

 Sáng 22/7/2022, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ra mắt tác phẩm Nhà văn và chữ tình gởi lại (Nxb Hội Nhà văn) của GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú. Buổi ra mắt sách có sự tham dự của đông đảo các nhà văn, nhà khoa học, người thân và bạn đọc yêu quý của tác giả.

Nhà văn và chữ tình gởi lại là tập kí ức văn học ghi lại những kỉ niệm không quên của Trình Quang Phú với các văn nghệ sĩ mà tên tuổi của họ đã gắn bó với nền văn học nghệ thuật Việt Nam. Nhà văn Trình Quang Phú đã ghi lại những tình cảm, những khoảnh khắc gặp gỡ đáng quý ấy qua những câu chuyện, những bức ảnh chứa đựng sự mến yêu, chân thực mà dẫu qua thời gian mọi thứ đều không phai mờ.

Nhà văn Trình Quang Phú tại buổi ra mắt sách.

25 bài viết trong cuốn sách thể hiện góc nhìn dung dị, tỉ mỉ và sâu sắc của nhà văn về các văn nghệ sĩ nổi tiếng: Bảo Định Giang, Võ An Ninh, Văn Cao, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Anh Thơ, Lưu Trọng Lư, Lê Anh Xuân, Quang Dũng, Thanh Hải, Thu Bồn, Nguyễn Mỹ… Ngoài những bài viết công phu, cuốn sách còn giới thiệu chân dung một số nhà văn và nghệ sĩ với nguồn tư liệu quý về ảnh, ảnh bút tích, thông tin cá nhân, tác phẩm…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát biểu: đây vừa là cuốn sách văn chương vừa là cuốn sách lịch sử vì nhà văn là người đã đi qua chiến tranh đến hòa bình và ghi chép lại những con người đáng quý ông đã gặp, những sự kiện ông đã trải qua. Những nhân vật trong này chúng ta đều đã biết nhưng nhà văn đã tiếp xúc và phát hiện ra những vẻ đẹp khác trong con người họ, nhìn thấy một không gian khác để tạo nên họ và những tác phẩm của họ. Bằng giọng kể chân thực, chính xác ông đã tôn vinh và dâng lên chân dung họ bằng kí ức của mình. Cũng qua đây hiện lên một chân dung ông không muốn viết không muốn xuất hiện nhưng nhân vật đó lại hiện diện rất rõ ràng. Đó chính là chân dung của ông. Chúng ta biết ơn Trình Quang Phú vì những gì ông giữ lại cho chúng ta. Qua trang văn của ông, cuộc đời của các nhà văn dài rộng hơn, sâu sắc hơn, dâng hiến hơn.

Thấm đẫm trong mỗi trang văn Trình Quang Phú là nhân tính đẹp đẽ và kiêu hãnh của con người, góp phần tạo nên những “hồ sơ mới” về những văn nghệ sĩ đã từng được tôn vinh, kính trọng. Đây được xem là cuốn sách đặc biệt bởi những nhân vật, những nhà văn không chỉ có đóng góp cho nền văn học nước nhà mà họ còn đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đặc biệt vì người viết đã đồng hành với các nhân vật trong đời sống và trong tâm tư nên đã tạo nên những trang viết đầy sức lay động. Qua sự nâng niu, yêu mến trong cách nhìn nhận của người viết, bạn đọc sẽ thấy được những đóng góp của mỗi nhân vật cụ thể.

Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định: cuốn sách đã làm sống lại cả một thời kì rất đẹp của văn học Việt Nam trong chiến tranh. Đất nước ta xẻ mình ra cho cuộc chiến tranh và các nhà văn bị cuốn vào đó. Mỗi trang viết trút hết được tình cảm của tác giả với những nỗi niềm về những thời khắc đã trải qua cùng với các nhân vật. Trình Quang Phú viết rất kĩ, sinh động, chân thực trong chi tiết, bối cảnh, mối quan hệ. Đó là tư liệu quý với chúng ta, với thế hệ sau.

"Cuốn sách đã cho tôi mảnh ghép để hoàn thiện ý nghĩ về các nhà văn và cũng là mảnh ghép hoàn thiện sự nghiệp sáng tác của Trình Quang Phú." - nhà văn Nguyễn Bình Phương chia sẻ.

Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì, viết về nhà văn có hai điểm rất đáng lưu ý vì vừa dễ vừa khó. Dễ vì các nhà văn danh tiếng có những câu chuyện rất sinh động, nhưng bên cạnh đó cũng rất khó vì trong biển mênh mông ấy chọn được cái gì ra rất khó, bắt lấy được thần thái của họ cũng là rất khó. Thứ hai là, nhà văn đứng ở giữa, trên họ là thánh dưới họ là phàm. Viết sao để họ không quá xa lạ để biến họ thành thánh mà không thấy được cái khổ của nhân sinh, nhưng cũng phải viết làm sao để họ không suồng sã. Anh Phú viết cân bằng, đó là bản lĩnh và văn hoá của tác giả. Chúng ta cảm phục những chi tiết rất hay của Trần Quang Phú trong cuốn sách, đó là những chi tiết sinh động hơn cả tưởng tượng của các nhà văn. 

Nhà văn Trình Quang Phú sinh năm 1940 tại An Chấn, Tuy An, Phú Yên. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ kinh tế, Viện sĩ Viện Hàn lâm các vấn đề xã hội Cộng hòa Liên bang Nga; Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông…

Thời chiến tranh, năm 1966-1967 Trình Quang Phú là nhà báo, phóng viên quân sự trực chiến trên Mặt trận đường 5 (Hà Nội-Hải Phòng). Nơi nào chiến đấu dữ dội nhất là ông có mặt. Những kỉ niệm trực tiếp chiến đấu, bảo vệ người dân được nhà báo - người lính trẻ Trình Quang Phú phản ánh kịp thời trên Báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân… Đến nay, ông đã xuất bản trên 20 đầu sách đa dạng về thể loại, chủ đề…

Nhà văn Trình Quang Phú và phu nhân chụp ảnh kỉ niệm với các văn nghệ sĩ tại buổi ra mắt sách.

Tại buổi ra mắt sách, nhà văn Trình Quang Phú xúc động chia sẻ: “Tôi có 70 năm theo Đảng và cách mạng. Trang viết đầu tiên in báo từ năm 1959. Nhưng đây là lần đầu tôi có buổi ra mắt trang trọng và tình cảm như thế này. Tập kí ức văn học này tôi ghi lại những kỉ niệm đời thường của các văn nghệ sĩ mà tôi đã gặp, đã thân. Tôi nghĩ cuốn sách là nét thời gian được giữ lại, đúng hơn là chữ tình mến yêu của họ gởi lại cho hôm nay và mai sau”.

KIM OANH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)