Dòng chảy
Trung tướng Trần Duy Hưng, Chính ủy Tổng cục Kĩ thuật

Người lính kĩ thuật tỉ mỉ, nguyên tắc nhưng luôn tìm tòi, sáng tạo

Thứ Ba, 11/07/2023 15:11

Trong lịch sử dân tộc ta, việc chế tạo, cải tiến, bảo quản vũ khí chống giặc ngoại xâm là một phần làm nên những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn non sông, đất nước. Thời Hùng Vương là nỏ Liên Châu, mũi tên đồng; nhà nước Đại Việt có máy bắn đá, hỏa tiễn; Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo sáng tạo ra cọc nhọn cắm xuống lòng sông; nhà Hồ là các loại súng pháo đúc bằng đồng hoặc gang; nhà Nguyễn lập “Cục thợ khéo”, “Sở đốc công” sản xuất vũ khí ở kinh đô… Và trong cuộc trường chinh giành độc lập dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, từ rất sớm, ngày 15/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí sắc lệnh thành lập Phòng Quân giới. Theo thời gian, lực lượng đảm bảo công tác kĩ thuật của Quân đội đã không ngừng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của các cuộc kháng chiến. Cho đến cuối cuộc kháng chiến chống Mĩ, ngày 10/9/1974, theo nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Chính phủ đã ra Nghị định 211/CP về việc thành lập Tổng cục Kĩ thuật thuộc Bộ Quốc phòng với nhiệm vụ giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các công tác quản lí bảo đảm trang bị, bảo đảm kĩ thuật cho các lực lượng vũ trang, nghiên cứu khoa học kĩ thuật quân sự và trực tiếp quản lí các xí nghiệp quốc phòng. Trải qua mấy chục năm, kể từ khi đất nước thống nhất, ngành Kĩ thuật Quân đội ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội chính quy, hiện đại.

Các nhà văn Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện về công việc của những người lính kĩ thuật với Trung tướng Trần Duy Hưng, Chính ủy Tổng cục Kĩ thuật.

PV: Trong các “sắc lính” của Quân đội nhân dân Việt Nam, có lẽ lính kĩ thuật là lặng thầm, nhưng lại cực kì quan trọng trong việc bảo đảm thắng lợi cho những người lính trực tiếp đối mặt với kẻ thù trên chiến trường. Đồng chí Chính ủy có thể chia sẻ một chút về vấn đề này?

Trung tướng Trần Duy Hưng: Con người và vũ khí trang bị là hai nhân tố trọng yếu tạo nên sức mạnh chiến đấu của mọi đội quân trên thế giới, trong đó vũ khí trang bị giữ vai trò vô cùng quan trọng. Với Việt Nam, một đất nước nhỏ bé, nhưng trong suốt chiều dài lịch sử chiến tranh vệ quốc của mình, phải đương đầu với rất nhiều đế quốc hùng mạnh trên thế giới có tiềm lực quân sự mạnh hơn rất nhiều, vũ khí trang bị hiện đại hơn rất nhiều; thì việc tìm tòi chế tạo, cải tiến sử dụng vũ khí trang bị phù hợp với điều kiện thực tế đất nước mình nhưng vẫn đạt hiệu quả cao nhất trong các trận đánh là điều hết sức hiển nhiên. Trong thời kì đầu cuộc chiến tranh chống Pháp, vũ khí trang bị của chúng ta chỉ là “có gì dùng nấy” như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”. Nói như vậy không có nghĩa chúng ta tay không, có gì dùng nấy mà có thể đi đến thắng lợi cuối cùng. Để có vũ khí bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, ngày 15/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh thành lập Phòng Quân giới thuộc Bộ Quốc phòng. Người chỉ thị: “Thứ nhất, mua sắm, tước đoạt vũ khí của quân Tàu, Nhật. Thứ hai, gấp rút mở nhà máy chế tạo vũ khí”. Trải qua các cuộc trường chinh chống Pháp, chống Mĩ, Quân đội ta ngày càng lớn mạnh, nhiều đơn vị chủ lực được thành lập. Đi đôi với nó là việc bảo đảm vũ khí trang bị kĩ thuật (VKTBKT) cho các đơn vị đó. Từ thực tế ấy, trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mĩ, để đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, bảo đảm kĩ thuật cho các đơn vị, ngày 10/9/1974, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã kí Nghị định số 211/CP thành lập Tổng cục Kĩ thuật và ngày đó trở thành ngày truyền thống của Tổng cục. Ngay sau khi ra đời, Tổng cục đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong toàn quân bảo đảm kịp thời cho chiến trường miền Nam trên 27 ngàn tấn vũ khí, đạn dược và tạo nguồn dự trữ trên tuyến vận tải chiến lược hàng vạn tấn; bổ sung hàng nghìn xe các loại, hàng nghìn tấn phụ tùng xe máy, hàng chục tấn phụ tùng để sửa chữa vũ khí, khí tài, đạn dược. Các tổ bảo dưỡng, trạm tiểu tu xe, trạm sửa chữa súng, pháo... được thành lập và đưa vào các đơn vị chiến đấu, bố trí cán bộ nhân viên kĩ thuật có năng lực vào giúp các đơn vị lắp đặt máy và trực tiếp bảo dưỡng sửa chữa các loại VKTBKT. Ngoài việc vận chuyển bảo đảm vũ khí trang bị và bảo đảm kĩ thuật cho các đơn vị trên chiến trường miền Nam, Tổng cục còn chỉ đạo và thực hiện tốt việc thiết kế, xây dựng xưởng sản xuất lựu đạn, mìn (sản xuất được hàng chục vạn lựu đạn cầu vỏ nhựa, hàng nghìn mìn định hướng), xưởng quân cụ, xưởng đại tu xe (sửa chữa được hàng trăm xe mỗi năm ở chiến trường Nam Bộ); sản xuất, cải biên vũ khí hỏa lực, phụ tùng xe máy, sửa chữa phục hồi các cụm máy, súng, pháo; sản xuất ngòi đạn B40, B41, ngòi đạn pháo...

Đến trước khi mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Tổng cục Kĩ thuật đã điều động 811 cán bộ đi chiến trường. Đồng thời chỉ đạo, bảo đảm trang bị, bảo đảm kĩ thuật cho 5 cánh quân chủ lực, với khối lượng VKTBKT rất lớn, gồm: 516 khẩu pháo mặt đất, 550 tên lửa phòng không và 1 trung đoàn pháo phòng không, 1 phi đội máy bay A37; 320 xe tăng và xe thiết giáp, 1.600 xe công trình, hơn 10.000 xe vận tải 15.000 tấn đạn, góp phần rất quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

“Kĩ thuật phục vụ chiến thuật”, những người lính kĩ thuật chúng tôi là những người đi trước về sau. Đi trước để chuẩn bị nơi tập kết bảo đảm vũ khí đạn dược cho bộ đội chiến đấu, về sau để thực hiện nhiệm vụ thu gom, sửa chữa VKTB và khắc phục hậu quả để phục vụ cho các trận chiến đấu tiếp theo của các đơn vị. Có thể không phải trực tiếp đối mặt với kẻ thù trên trận tuyến nhưng sự chuẩn bị âm thầm lặng lẽ ấy là vô cùng quan trọng.

PV: Việc tổ chức bảo đảm VKTBKT cho các đơn vị trong thời bình khác thời chiến thế nào, thưa đồng chí Chính ủy?

Trung tướng Trần Duy Hưng: Đặc thù vũ khí trang bị thường phải cất giữ, bảo quản ở những nơi an toàn, bảo đảm yếu tố bí mật cao nên thường ở những vùng sâu vùng xa, vùng núi hẻo lánh. Công việc thì rất thầm lặng đòi hỏi bền bỉ, kiên trì, chịu đựng gian khổ khó khăn. Hiện tại, địa bàn đứng chân của chúng tôi ở 22 tỉnh thành, trong đó có đến 85% là vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn gian khổ; quản lí, cất giữ một lượng lớn VKTB của Quân đội. Hàng ngày, chúng tôi có trách nhiệm bảo quản bảo dưỡng đồng bộ lại các VKTB. Có nhiều loại đã lâu năm, thậm chí có loại sản xuất cách đây 70, 80 năm nhưng chúng ta vẫn bảo quản, sửa chữa, đồng bộ để duy trì tiềm lực quân sự, để nghiên cứu, cải tiến, sử dụng lại nhằm phục vụ cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Chiến tranh của chúng ta là chiến tranh nhân dân, nên có thể trong một tình huống cụ thể, chúng vẫn hết sức đắc dụng. Đã là người lính thì luôn sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong thời bình, ngoài nhiệm vụ chính như tôi đã nói ở trên, chúng tôi còn thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, như phục vụ tang lễ nguyên thủ quốc gia, các cuộc thi quân sự quốc tế như Army Games thời gian vừa rồi, các sự kiện trọng đại của đất nước, các cuộc diễn tập lớn... Các cuộc diễn tập quân, binh chủng đòi hỏi vũ khí trang bị phải được chuẩn bị kĩ lưỡng, chu đáo, kịp thời gian, số lượng, chất lượng phải đồng bộ. Bắn súng phải nổ, đạn phải kêu; bảo đảm an toàn tuyệt đối, sai số nhỏ nhất, thậm chí không được phép có sai số. Vì liên quan đến vũ khí, chất nổ nên chỉ cần một chút sơ sểnh, cẩu thả có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, cho nên đòi hỏi người lính kĩ thuật phải có tính kỉ luật cao, cẩn thận, tỉ mỉ, quy trình làm việc nghiêm túc, tính nguyên tắc cao. Phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự an toàn. Anh làm tốt bao nhiêu, nhưng chỉ một lỗi kĩ thuật dẫn đến mất an toàn là không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí phải trả giá bằng sinh tử của đồng đội, của mình. Bên cạnh đó, không chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo đảm VKTB, ngành Kĩ thuật còn bao hàm nhiều nội dung mới như chỉ đạo an toàn giao thông. Tổng cục Kĩ thuật là một trong những cơ quan thường trực thực hiện cuộc vận động 50 “Quản lí, khai thác vũ khí trang bị kĩ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” để bảo đảm an toàn cho Quân đội nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Thiếu tướng Trần Duy Hưng (nay là Trung tướng) Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục Kĩ thuật thăm và kiểm tra K850, Cục Quân khí. Ảnh: TL

PV: Sau khi giải phóng miền Nam, một lượng lớn vũ khí trang bị bỏ lại của Mĩ, ngụy được ta thu hồi trong đó có tổng kho Long Bình. Có một thời gian trước đây, nói đến Tổng kho Long Bình là nói đến một điều gì đó khá bí ẩn với những câu chuyện thực thực, hư hư lan truyền trong dân gian như: Số vũ khí còn nguyên niêm cất rất nhiều và hiện đại nằm ở hệ thống hầm ngầm rộng đến mấy trăm km2 với nhiều lớp cửa kiên cố, khóa bằng mã bí mật, nếu mở nó sẽ tự hủy, lượng chất nổ ở trong sức công phá ngang với quả bom nguyên tử ném xuống Hirosima, ta đã nhờ cả Liên Xô cũng không mở được. Rồi sau khi ta và Mĩ bình thường hóa quan hệ, phía Mĩ đã đề nghị Việt Nam cho họ mở khóa và chia đôi số vũ khí đó nhưng ta không chấp nhận…

Trung tướng Trần Duy Hưng: Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tổng cục Kĩ thuật được giao nhiệm vụ khẩn trương thu hồi, quản lí, bảo quản, sửa chữa và có kế hoạch sử dụng các cơ sở vật chất kĩ thuật thu được của địch; nhanh chóng thu gom các loại vũ khí, trang bị kĩ thuật, vật tư của ta còn trên các tuyến vận tải quân sự, các địa phương để bảo quản tốt hơn, kiện toàn hệ thống kho tàng; đi đôi với việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, ta cần kết hợp tích cực xây dựng nền công nghiệp quốc phòng có sửa chữa, có sản xuất, từng bước sản xuất các vũ khí hiện đại cần thiết, tiến đến tự trang bị vũ khí, kĩ thuật hiện đại cho lực lượng vũ trang.

Tháng 8/1975, Tổng cục Kĩ thuật thành lập Cơ quan đại diện phía Nam và Ban Thu hồi. Sau một năm đã tiếp quản, thu hồi hàng chục vạn tấn vũ khí, đạn dược; 400 xe tăng, xe thiết giáp; gần 600 xe xích kéo pháo; 8.000 xe ôtô cấp 4, cấp 5; hàng trăm sân bay, quân cảng, kho tàng; hàng chục trạm viễn thông, trạm ra đa, công xưởng lớn… đưa vào kho, trạm bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, cải biên, cải tiến một số bộ phận linh kiện, nâng cấp VKTB phục vụ cho huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Trong số đó, có nhiều VKTB hiện đại. Tổng cục đề xuất với Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng nghiên cứu, cải tiến, trang bị cho lực lượng vũ trang. Về Tổng kho Long Bình, sau ngày 30/4/1975, một số đơn vị sau khi tiếp quản Sài Gòn đóng quân ở đó. Tổng kho được bàn giao cho Tổng cục Kĩ thuật quản lí. Đúng là Tổng kho Long Bình được xây dựng kiên cố, được mã hóa và quản lí bằng hệ thống máy tính IBM. Sau một thời gian chúng ta tiếp quản, đã giải mã được. Tổng cục Kĩ thuật đã làm chủ, và khai thác thành công. Cái nào còn sử dụng được đưa về phía sau, còn không, tiến hành thanh lí sử dụng vào mục đích dân dụng. Các kho đó sau này, chúng ta cũng tận dụng một số để sử dụng đúng chức năng theo nhu cầu của chúng ta...

PV: Cách đây khoảng chục năm, tôi may mắn được đi thăm nhiều kho của Tổng cục Kĩ thuật như: K802, K850, KT789, KT788… Hầu hết các kho ấy đều ở những nơi “đèn đường thì ít, giăng sao thì nhiều”, trùng núi, điệp mây với muôn vàn nỗi vất vả thiệt thòi của những người lính giữ kho, nhất là các chị em. Chẳng thế mà nhà thơ Nguyễn Hữu Quý của Văn nghệ Quân đội đã xúc cảm viết những câu thơ: Em ở giữa những cánh rừng già cỗi/ với những lô đạn pháo xếp thẳng hàng/ nghề giữ lửa, mười bảy năm thầm lặng/ mười bảy năm vơi nửa mái tóc dài…

Trung tướng Trần Duy Hưng: Do tính chất công việc, rất nhiều kho của Tổng cục Kĩ thuật nằm ở vùng sâu vùng xa, kinh tế chậm phát triển. Hiện tại Tổng cục chúng tôi, có trên dưới 3000 chị em làm việc ở các kho tàng, nhà máy. Họ là hiện thân của người phụ nữ trung hậu đảm đang, ngoài công việc hàng ngày gắn với đạn dược, vũ khí độc hại, nguy hiểm, họ còn phải lo trăm thứ bà rằn ở gia đình theo thiên chức người vợ, người mẹ. Những lần tôi đi kiểm tra ở các kho, đa số chị em da như bị sạm lại, mai mái đi bởi thời tiết nơi rừng rú, thấy xót xa và thương họ vô cùng. Dù thế, nhưng ánh mắt, nụ cười từ họ vẫn toát ra sự tự tin, yêu đời, yêu nghề, nỗ lực vượt bậc vượt lên chính mình. Tôi dám khẳng định, về thực hiện nền nếp quản lí kho tàng, nhất là điều lệnh đội ngũ, đội nữ thực hiện đẹp, chuẩn… tốt hơn các nam quân nhân. Trước đây, một số gia đình quân nhân đóng quân nơi xa xôi hẻo lánh, nhiều khi không có chỗ cho các cháu đến trường, hoặc điểm trường ở quá xa, phải khắc phục bằng cách gửi con về cho ông bà đi học ở quê, hàng năm đôi lần cắt phép về thăm con. Tất nhiên bây giờ xã hội phát triển, cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm cơ bản đáp ứng được nên đã hạn chế đi nhiều. Những yếu tố đó góp phần giúp họ yên tâm gắn bó với đơn vị, xác định địa bàn đóng quân là quê hương thứ hai. Nó là động lực để bảo đảm chất lượng hoàn thành nhiệm vụ. Về việc lập gia đình, các chị em có nỗi niềm riêng của chị em, nhưng anh em cũng có nỗi niềm riêng của mình. Riêng nam giới, trong Tổng cục chúng tôi còn gần 300 chàng trai chưa lập gia đình, có rất nhiều lí do, trong đó không thể không kể đến điều kiện để giao lưu, tìm hiểu nửa kia của mình khó. Số lượng nữ ở các kho tỉ lệ so với nam rất ít, địa bàn dân cư heo hút, thưa thớt, công việc bận rộn. Về quê lấy vợ cũng không dễ vì ở quá xa, thu nhập cũng vừa phải, trong khi con gái ở quê họ có nhiều lựa chọn, khác so với trước đây lựa chọn vợ chồng gần gũi luôn được ưu tiên hàng đầu. Để tạo điều kiện cho anh em, Tổng cục có chủ trương luân chuyển nhân viên ra Bắc để tạo điều kiện lập gia đình.

PV: Cứ thử tưởng tượng, nếu như chiến tranh xảy ra, chắc chắn, các kho vũ khí, khí tài sẽ được bố trí ở một nơi nào đó sâu hút giữa những cánh rừng hoặc trập trùng đồi núi. Giữ kho sẽ là những người lính của Tổng cục. Trong chiến tranh chống Mĩ, có trường hợp bộ đội giữ kho đạn ở rừng sâu mấy năm sau vẫn chưa biết chiến tranh đã kết thúc nên vẫn ở lại hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với đặc thù công việc nhiều khi phải “độc lập tác chiến”, thì yếu tố tư tưởng, tinh thần là hết sức quan trọng.

Trung tướng Trần Duy Hưng: Để bộ đội luôn thông suốt, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ, ngoài thường xuyên giáo dục động viên truyền lửa cho anh em qua giáo dục tại chức, truyền lửa chất lính kĩ thuật, chúng tôi cũng rất quan tâm đầu tư xây dựng môi trường làm việc, bảo đảm chế độ chính sách. Các kho vùng sâu, vùng xa thì xây dựng làng quân nhân, xin đầu tư xây dựng các nhà công vụ cho các gia đình chưa có điều kiện xây nhà để họ yên tâm gắn bó với công việc. Quan tâm đầu tư nuôi dạy con cái, tạo môi trường cảnh quan, điều kiện sinh hoạt. Ngoài ra, chúng tôi cũng cố gắng nâng cao đời sống tinh thần cho anh em như đẩy mạnh giao lưu văn hóa, thể thao với địa phương thông qua hoạt động kết nghĩa. Luân phiên tổ chức các sự kiện để tạo điểm nhấn tại địa bàn như các hội thi, hội thao, hội diễn, tổ chức giao ban ở các cụm khu vực để trao đổi kinh nghiệm và học tập giữa các đơn vị... Tổ chức tốt công tác dân vận, tặng các nhà cộng đồng cho đồng bào khu vực đó, tạo mối đoàn kết gắn bó quân dân, xóa dần khoảng cách, chia sẻ đồng thuận giúp đỡ nhau.

PV: Đồng chí Chính ủy có thể chia sẻ những giá trị cốt lõi của người lính Tổng cục Kĩ thuật? Tâm huyết của lãnh đạo Tổng cục trong xây dựng Tổng cục hiện nay cũng như trong tương lai?

Trung tướng Trần Duy Hưng: Là binh chủng kĩ thuật được coi như binh chủng đặc thù trong Quân đội nhân dân Việt Nam, phẩm chất xuyên suốt của những người lính kĩ thuật chúng tôi là luôn trung thành, tận tụy, dũng cảm, sáng tạo khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong những năm tới, với lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục, chúng tôi luôn quán triệt tới cán bộ, chiến sĩ, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” và truyền thống “Chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường” của Tổng cục Kĩ thuật trong gần 50 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành; không ngừng phấn đấu vươn lên làm chủ và khai thác có hiệu quả vũ khí trang bị kĩ thuật; cần cù, tiết kiệm, giữ gìn, cải tiến, hiện đại hóa TBKT, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, hiện đại đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

PV

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)