Dòng chảy

Hành trình của trang văn - hành trình của đời người

Thứ Hai, 03/07/2023 09:25

ĐỖ ANH VŨ
 

Những ngày đầu tháng 2 vừa qua, tiểu thuyết Lênh đênh bốn biển (tập 2 trong bộ tiểu thuyết 3 tập Nước non vạn dặm) của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã kịp thời ra mắt bạn đọc đúng vào dịp kỉ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Kế hoạch hoàn thành và ra mắt tập 2 đúng như dự kiến của tác giả, bởi cách đây 1 năm, tập 1 của bộ tiểu thuyết Nước non vạn dặm mang tên Nợ nước non cũng được ra mắt trang trọng đúng dịp kỉ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nguyễn Thế Kỷ không phải là người đầu tiên viết tiểu thuyết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đi trước ông đã có Sơn Tùng với Búp sen xanh, cuốn tiểu thuyết được tái bản hơn 30 lần và dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Lại còn phải kể tới Hồ Phương với Cha và con và Hoàng Quảng Uyên với bộ tiểu thuyết 3 tập: Trông vời cố quốc, Mặt trời Pác Bó, Giải phóng. Nhưng chỉ tới Nguyễn Thế Kỷ thì lần đầu tiên mới có một nhà văn đặt ra tham vọng gói trọn cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh vào một bộ tiểu thuyết 3 tập, được cấu trúc một cách chặt chẽ: tập 1 nói về thời thơ ấu của Bác, tập 2 nói về thời kì hoạt động của Bác ở nước ngoài, tập 3 là thời kì từ khi Bác về nước cho tới lúc Người qua đời. Các tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh không thiếu, cái chính là nhà văn tổ chức sắp xếp ra sao, dùng và phát triển những phần tư liệu nào, đóng góp sáng tạo thêm những gì vào từng trang văn...

Buổi ra mắt tập 2 bộ tiểu thuyết Nước non vạn dặm. Ảnh: PV

1. Tập 1 Nợ nước non với hơn 200 trang sách đã tái hiện thành công thời thơ ấu và trưởng thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những câu chuyện đầy cảm động, từ lúc là cậu bé Nguyễn Sinh Cung ở Nam Đàn, Nghệ An cho tới khi bước lên con tàu Amiral Latouche-Tréville ở bến Nhà Rồng với cái tên Nguyễn Tất Thành, tạm biệt quê hương đi tìm đường cứu nước. Nhưng khác với Búp sen xanh, Nguyễn Thế Kỷ đã dành nhiều thời gian hơn cho việc tập trung miêu tả các diễn biến tâm lí nhân vật, những đoạn đối thoại tâm tình, dựng lên một không khí vừa thân mật vừa xúc động. Đó là những đoạn trò chuyện giữa Cung và bà ngoại, giữa Cung và chị Thanh, giữa chị Thanh và bà. Trong hành trình từ Nghệ An vào Huế cho đến khi bà Loan qua đời ở Huế, người đọc được cảm nhận rõ hơn về tình cảm, tâm tư các nhân vật qua những trò chuyện tâm tình của các thành viên trong gia đình: ông Sắc, bà Loan, hai anh em Khiêm và Cung. Tính cách các nhân vật hiện lên sống động. Cung thì ngây thơ, ham học hỏi, yêu thích chữ nghĩa từ nhỏ. Cha Cung (ông Sắc) thì kiên nhẫn, nho nhã. Mẹ Cung (bà Loan) thì trầm tư nghĩ ngợi. Anh Khiêm thì ra dáng một người anh trong gia đình. Nhiều đoạn văn của tác giả khiến người đọc không thể quên: “Bà ngoại nằm lặng im, thao thức. Đêm dần khuya mà bà không thể chợp mắt. Cu Cung gác chân lên người bà, thỉnh thoảng vô thức quờ tay lên mặt bà, giấc ngủ đã sâu nhưng mặt thì lúc như cười, lúc như mếu. Chị Thanh tay ôm em không rời, thỉnh thoảng hôn lên mái tóc tơ mềm của em.” “Mẹ cậu im lìm. Nước mắt vẫn chưa khô trên hai khóe mắt. Những sợi tóc lòa xòa trên vầng trán gầy guộc nhưng vẫn còn nguyên nét thanh tú một thời xuân sắc của mẹ. Cung gọi mỗi lúc một to hơn. Cậu lay mẹ, ôm lấy mẹ.”

So với Búp sen xanh, Nguyễn Thế Kỷ có nhiều dụng công trong việc xây dựng một quá trình phát triển và chuyển biến nhận thức của nhân vật chính, từ lúc mang tên Nguyễn Sinh Cung cho tới khi dùng tên Nguyễn Tất Thành. Mỗi bước đường dịch chuyển của nhân vật kéo theo bao thay đổi về nhân sinh quan, thế giới quan: từ quê nhà vô Huế rồi lại trở về quê, rồi lại vô Huế; học ở Vinh, học Quốc học Huế rồi lại theo cha vô Bình Định. Những cuộc trò chuyện của Cung với cha, những lần được hầu rượu cho cha và cụ Phan Bội Châu, những thời gian được thụ giáo, học hỏi các nhân sĩ trí thức như Vương Thúc Quý, Lê Văn Miến... đã ngày càng hun đúc tinh thần, tư tưởng, ý chí cho người thanh niên Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành. Đó là nhận thức về con đường giải phóng dân tộc: không thể dựa vào sức người ngoài, cũng không thể dùng biện pháp ôn hòa cải lương; phải hiểu người Pháp thì mới thắng được người Pháp.

Tập 2 Lênh đênh bốn biển tiếp tục ghi lại hành trình của người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc trong một cuộc ra đi chưa hẹn ngày trở lại quê nhà. 30 năm đi khắp các phương trời Âu, Á, Mĩ, Phi cũng là 30 năm đi tìm một con đường giải phóng cho dân tộc. Để thuận lợi cho quá trình hoạt động cách mạng, người thanh niên yêu nước ấy đã phải thay đổi rất nhiều tên gọi như Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Ái Quốc, Tống Văn Sơ, Thầu Chín, Lý Thụy, ông Vương, Hồ Quang… nhưng có một thứ không bao giờ thay đổi, đó là ngọn lửa yêu nước nồng nàn, là tấm lòng với Tổ quốc, với nhân dân, là khát vọng mãnh liệt giải phóng dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ của ngoại bang. Nhân vật chính của tác phẩm, hiện lên qua hai tập tiểu thuyết, có một quá trình phát triển và vận động không ngừng về tính cách, nhận thức, nhân sinh quan và thế giới quan, cho ta thêm kính yêu và cảm phục về sự hi sinh gian khổ, cho ta thấy một nhân vật lịch sử có tầm vóc vĩ đại nhưng cũng thật gần gũi, giản dị, đời thường như nhà thơ Tố Hữu từng viết: Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ (Sáng tháng Năm). Một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử dân tộc thế kỉ XX hiện ra qua những trang văn như một con người bằng xương bằng thịt, đầy đủ những cảm xúc yêu thương và giận dữ, hạnh phúc và khổ đau.

2. Nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử không phải là chép lại nguyên xi những tư liệu, dữ kiện lịch sử. Ai đó đã từng nói: Lịch sử nhiều khi chỉ là cái đinh để mỗi tác giả treo tư tưởng của mình lên đó. Với mỗi cuốn tiểu thuyết lịch sử cần cân đo đong đếm xem phần sáng tạo của nhà văn là bao nhiêu. Thì đây, Nguyễn Thế Kỷ đã dụng công xây dựng thêm nhiều nhân vật mới - những nhân vật không có trong chính sử. Dụng công này làm cho mạch truyện kể trở nên phong phú sống động hơn, đồng thời góp phần làm nổi bật hình ảnh nhân vật chính. Trong tập 1 Nợ nước non, một trong những nhân vật được sáng tạo như thế là Phúc, bạn thuở nhỏ của Cung ở Huế. Cung đã xin cha dạy chữ cho Phúc không lấy tiền vì Phúc nhà nghèo. Cung có những kỉ niệm thật đẹp với Phúc, khi cùng nhau mê thả diều quên buổi học rồi Phúc bị ngã xuống sông, may được Cung biết bơi cứu. Sau nhiều năm bặt tin nhau, bất ngờ một ngày Cung (lúc đó đã mang tên Nguyễn Tất Thành) gặp lại Phúc ở Phan Thiết. Những câu chuyện và kỉ niệm đẹp đẽ giữa Cung và Phúc góp phần dựng lên hình ảnh của một con người giàu tình cảm, sống ân nghĩa thủy chung, sau này sẽ là vị lãnh tụ đưa đất nước Việt Nam bước sang một trang sử mới. Nhân vật Huệ, người bạn gái của Cung thuở thiếu thời cho đến khi gặp lại trước lúc Nguyễn Tất Thành lên tàu cũng được tô đậm hơn qua những miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật. Sang đến tập 2 Lênh đênh bốn biển, những nhân vật như cô thủ thư Kaytlin ở thư viện London, hai vợ chồng Phililipe - Marie, Annette (em gái của Phillipe) là những nhân vật không hề xuất hiện trong bất cứ một ghi chép nào về những năm tháng hoạt động của Nguyễn Ái Quốc. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã sáng tạo ra những nhân vật ấy một cách rất tự nhiên, như thể logic của đời sống, của tâm lí con người phải có những câu chuyện như vậy. Và rồi từ những nhân vật như thế, người thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Ba trong tiểu thuyết mới càng bộc lộ rõ những phẩm chất tốt đẹp của mình, tâm tư tình cảm của mình. Có những câu chuyện từng được ghi chép trong nhiều tài liệu đã được nhà văn Nguyễn Thế Kỷ một lần nữa tái sử dụng một cách nhuần nhị và hợp lí để làm nổi bật chân dung một người yêu nước trẻ tuổi. Chúng ta hãy xem thử một đoạn đối thoại ngắn giữa Văn Ba và ông già Escoffier:

“ - Tại sao anh không bỏ thức ăn vào thùng rác như những người khác mà giữ lại để làm gì?

Văn Ba từ tốn:

Thật là phí phạm khi chúng ta vứt đi cả một nửa con gà, thưa ông. Chúng ta có thể giữ lại cho người nghèo. Ngoài kia có biết bao người nghèo đói đang ước ao, thèm khát dù chỉ một mẩu bánh mì.”

Hay như tác giả để cho Văn Ba và Annette có những rung động, rung cảm xao xuyến của tình yêu tuổi trẻ, nhưng Văn Ba vẫn phải dứt áo ra đi, tiếp tục theo đuổi sứ mệnh cao cả mà anh đang ấp ủ: “Đêm ấy Văn Ba gần như không ngủ nổi. Nhớ cảnh Annette cố ghìm tiếng khóc nhưng đôi vai thì rung lên. Anh biết em ấy, đúng hơn là đôi mắt ấy, nhiều lần đã nói với anh nhiều điều. Tha thiết và hàm ngôn hơn mọi lời nói. Nhưng anh vờ như không nhận ra, thậm chí còn né tránh một cách khéo léo. Vì anh, cô ấy yêu hơn, thương hơn đất nước An Nam đau khổ xa xôi mà cô ấy chỉ nghe kể và đọc một ít trên sách báo.”

 

3. Phong vị quê hương thấm nhuần trong từng trang văn của Nguyễn Thế Kỷ. Ngay từ tập 1 Nợ nước non, lời ăn tiếng nói của người Nghệ đi vào tiểu thuyết một cách tự nhiên, không gượng ép mà chỉ làm tăng thêm nét thân thương. Các đơn vị từ ngữ như răng, rứa, mô, ni, nỏ… có thể nói đã trở thành quen thuộc với ngôn ngữ toàn dân nên không gây khó khăn trong sự tiếp nhận của người đọc. Những câu tục ngữ, ca dao, thơ cổ, câu đối, thư tịch… được dùng với liều lượng phù hợp, nhằm tạo ra không khí tương thích đối với từng phần của tiểu thuyết. Công tác tư liệu và kiến thức lịch sử được tác giả chuẩn bị kĩ lưỡng, công phu, chọn lọc nên tránh được những rườm rà và kể lể, sao chép không cần thiết. Sang đến tập 2 Lênh đênh bốn biển, một bầu không khí khác biệt hẳn được tác giả dựng nên, không còn là không khí của đất và người xứ Nghệ nữa mà là một con người xứ Nghệ đi tới khắp các quốc gia trên thế giới, nhưng dù ở bất cứ nơi đâu thì cái cốt cách Việt, cái lối sống nghĩa tình sâu nặng vẫn không hề đổi thay. Người thanh niên yêu nước ấy đã thuyết phục được bạn bè thế giới bằng nhân cách và tâm hồn Việt của mình.

Tôi nghĩ, tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã có một thời gian dài thai nghén và chuẩn bị đầy đủ khi bắt tay vào viết bộ tiểu thuyết này. Và một điều quan trọng nữa là, ông đã viết một bộ tiểu thuyết lịch sử về Bác Hồ bằng tấm lòng một người con được sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất Nghệ An. Lịch sử và quê hương đã hòa quyện làm một trong những trang viết của Nguyễn Thế Kỷ. Viết về những câu chuyện đã qua nhưng đưa được hơi thở mới bởi cảm xúc chân thành, cháy bỏng, trân trọng quá khứ và nâng niu những điều đẹp đẽ mà cha ông đã gây dựng qua bao đời. Hai phần ba chặng đường của bộ tiểu thuyết đã hoàn thành. Chúng ta cùng mong chờ tập thứ ba của bộ tiểu thuyết sẽ được công bố vào một ngày không xa, dựng lên một bức chân dung hoàn chỉnh, thật đời thường mà cũng thật vĩ đại về một người con ưu tú của dân tộc: Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đ.A.V

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)