Dòng chảy

Giới thiệu bộ truyện tranh khoa học cho thiếu nhi của tác giả Việt Nam

Thứ Sáu, 22/04/2022 14:06

 Kể chuyện khoa học (Sci-Tales) là bộ truyện tranh khoa học dành cho thiếu nhi ở độ tuổi từ 3 đến 10. Đây là bộ sách của một nhà nghiên cứu giáo dục, đồng thời là một người cha viết dành tặng con gái trong suốt quãng thời gian hai năm dịch bệnh Covid 2020-2021, đây cũng là những trải nghiệm trong cả một chặng đường dài anh cùng chơi, cùng học và cùng đọc sách với con.

Sáng 22/4/2022 Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức họp báo ra mắt bộ sách Kể chuyện khoa học với mong muốn gieo vào lòng các em nhỏ tình yêu khoa học; kích hoạt những khám phá và sáng tạo của các em về thế giới; thúc đẩy quan điểm đọc cùng con chứ không phải đọc cho con đối với các bậc làm cha mẹ.

Các diễn giả tại buổi họp báo: họa sĩ Lộc Linh, bà Khúc Thị Hoa Phượng, tác giả Hoàng Anh Đức (từ trái qua phải).

Tại buổi họp báo, bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: Bộ sách là những kiến thức khoa học được diễn giải dí dỏm, dễ hiểu, cuốn hút. Trong đó là những câu hỏi thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng nhiều khi chúng ta chưa biết trả lời cho thật thấu đáo, phù hợp. Bộ sách đã đem đến kiến thức một cách khoa học và vui vẻ. 

Quan sát dòng Ehon lừng danh của Nhật Bản cũng như những bộ sách STEM thú vị từ Âu, Mĩ, tác giả Hoàng Anh Đức đã ấp ủ ý tưởng về một bộ truyện khoa học dành cho trẻ em Việt Nam. Theo tác giả, trẻ em từ 3 đến 10 tuổi là độ tuổi ham tò mò, khám phá, thường xuyên đặt các câu hỏi bất tận về các sự vật, sự việc xung quanh và về các kiến thức khoa học các em bắt đầu được học trong nhà trường. Ở độ tuổi này nếu các phụ huynh kiên trì trả lời, giải thích các thắc mắc của trẻ, sẽ rất tốt cho não bộ của trẻ phát triển. Đồng thời đây cũng là quãng thời gian hạnh phúc nhất của bố mẹ khi con cái còn gần gũi và luôn coi bố mẹ là người có thể giúp con giải thích “một vạn câu hỏi vì sao”.

Tác giả Hoàng Anh Đức chia sẻ: Với ý tưởng viết một bộ sách giải thích các hiện tượng khoa học cho trẻ thật dễ hiểu, tác giả và các cộng sự đã chọn hình thức kể chuyện với tranh minh họa, để bố mẹ đọc cùng con và giải thích cho con, đồng thời con cũng có thể đọc cho bố mẹ nghe. Chúng ta cần lắng nghe và phản hồi lại trẻ nhỏ, cho trẻ cảm giác chúng được lắng nghe được chia sẻ. Qua đây anh cũng mong muốn khuyến khích tác giả Việt truyền tải văn hoá Việt đến cho các em một cách gần gũi và khoa học nhất.

Có thể nói đây chính là bộ sách truyện tranh khoa học cho thiếu nhi thú vị và gần gũi vì do người Việt Nam viết và vẽ tranh minh họa (ở thế loại Picture book/Ehon). Bộ truyện Kể chuyện khoa học ra mắt lần đầu với 6 cuốn, gọi chung là Tủ sách Tò mò: Tại sao phải rửa tay?; Tại sao nước biển mặn?; Lửa đến từ đâu?; Máu chảy thế nào?; Cá có ngủ không?; Cầu vồng đi đâu?

Trước những kiến thức khoa học lí giải hiện tượng tự nhiên, thế giới vi khuẩn… thì trẻ em luôn tò mò với những câu hỏi “vì sao”, “tại sao”. Không phải câu hỏi nào chúng ta cũng có thể trả lời dễ dàng. Bộ sách đề cập nhiều vấn đề khoa học rắc rối được tác giả nhìn nhận qua lăng kính trẻ thơ tưởng vu vơ song rất tuần tự, thú vị giúp các con dễ hiểu, dễ nhớ.

Các kiến thức khoa học được tác giả dẫn dắt nhẹ nhàng như câu chuyện kể mỗi tối cho con trước giờ đi ngủ. Nét vẽ tinh nghịch, trong trẻo của hai họa sĩ Lộc Linh, Hồng An là điểm cộng giúp giải tỏa trí tò mò và ưa thắc mắc của các bạn nhỏ. Cách lồng ghép minh họa cụ thể, mang màu sắc tươi sáng, cùng biểu cảm hài hước của nhân vật khiến từng dòng nội dung đều trở nên sinh động.

Bộ sách Kể chuyện khoa học còn bổ ích ở chỗ nội dung được trình bày song ngữ Việt - Anh, giúp các bé mở rộng cả vốn ngoại ngữ của mình. Bộ sách sẽ còn được tác giả phát triển tiếp trong tương lai để trả lời muôn vàn câu hỏi “tại sao” đầy tò mò của các em nhỏ yêu thích khám phá.

Buổi họp báo ra mắt sách thu hút nhiều các bạn nhỏ yêu thích sách.

Với hình thức song ngữ Việt - Anh, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cũng hi vọng sẽ sớm chào bán được bộ sách ra thị trường nước ngoài. Về điều này bà Khúc Thị Hoa Phượng chia sẻ thêm: Ngân sách của ngành xuất bản dành đến 80% nhập sách nước ngoài. Mặc dù như vậy chúng ta học hỏi được nhiều từ thế giới, tuy nhiên cũng là một nỗi buồn đối với ngành xuất bản trong nước. Chúng ta nhập siêu văn hoá mà chưa biết xuất siêu văn hoá. Một số tác phẩm đã được xuất bản ra nước ngoài nhưng vẫn còn ít ỏi so với những gì chúng ta có thể làm được. Hi vọng bộ sách sẽ được giới thiệu đến trẻ em các nước không chỉ Việt Nam, trước hết là các nước Đông Nam Á. 

HOÀI PHƯƠNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)