Dòng chảy

Kí ức chiến khu kể từ nước Pháp

Thứ Tư, 13/03/2024 07:30

 Sống là cuốn sách đặc biệt kể về những kí ức ở chiến khu của tác giả Hải Anh và họa sĩ Pauline Guitton. Sự đặc biệt ấy đến từ những yếu tố như: được kể dưới hình thức truyện tranh do tác giả người Việt Nam viết, họa sĩ người Pháp minh hoạ; dấu ấn hồi kí, tự truyện được thể hiện rất rõ và chân thực; sách do người con gái viết về chính người mẹ của mình - nữ đạo diễn Việt Linh. Sáng 12/3/2024 tại Nhà xuất bản Kim Đồng (Hà Nội) đã diễn ra buổi giao lưu giới thiệu cuốn sách.

Các khách mời: tác giả Hải Anh, họa sĩ Pauline Guitton, đạo diễn Việt Linh, nhà văn Đỗ Bích Thúy, tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ điều phối chương trình.

Kí ức về chiến khu

Tác phẩm bắt đầu từ câu chuyện người mẹ kể cho con gái về những kí ức xuyên suốt khoảng thời gian bà sống và làm việc trong chiến khu khi bà còn là thiếu nữ. Lấy bối cảnh là cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc từ năm 1969 tới năm 1975. Những câu chuyện quá khứ trong Sống không thiên về việc kể những đối đầu gay cấn ác liệt mà là những khoảnh khắc ngày thường nơi chiến khu. Đây là một góc nhìn mà chưa nhiều người viết khai thác. Trong bảy năm sống tại chiến khu, cô thiếu nữ tên Linh đã làm quen với các chiến sĩ cách mạng, những người đưa cô đến với kháng chiến giải phóng dân tộc cũng như đến với điện ảnh. Linh cùng cha mình và những người đồng đội của ông sống, làm việc, làm phim đầy đam mê, tâm huyết trong sự thiếu thốn đủ bề, trong làn bom rơi đạn nổ và trong tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời.

Đạo diễn Việt Linh được biết đến là đạo diễn của những bộ phim đã đoạt nhiều giải thưởng lớn như: Gánh xiếc rong (1988), Chung cư (1999), Mê Thảo, thời vang bóng (2002). Bà cũng chính là nguyên mẫu người mẹ trong tác phẩm Sống, và là mẹ của tác giả Hải Anh. Tại buổi giao lưu ra mắt sách, bà chia sẻ: Cuốn sách là chuyện kể của ba người, tôi, con gái tôi và họa sĩ, nên tôi bằng lòng với những gì cuốn sách đã kể, dù còn có điều này điều kia. Hải Anh đã không đưa cho tôi đọc bản thảo trước, điều tôi không ngờ là cô bé đã góp nhặt những câu chuyện nhỏ nghe được từ hồi 5 tuổi cho đến mãi sau này để viết lại. Qua cuốn sách của con, tôi đã có những bài học cho riêng mình. Tôi rất thích tên Sống do con gái nghĩ ra, nó gọi đúng tên bản chất mà chúng tôi đã sống đã cảm nhận trong cả quá khứ và sau này. Sống là tồn tại có ý nghĩa. Cuốn sách rất chân thực. Tôi vào chiến khu không vì lí tưởng mà vì giận mẹ và vì thần tượng ba. Vào chiến khu rồi tôi mới hiểu được hết ý nghĩa của sự sống chết, mới suy nghĩ về đời sống với sự bao dung hơn, sâu sắc hơn, phản tư hơn. Tôi cũng nhận ra, cuộc chiến tranh không phải thù hận mà rất con người.

Cuốn sách đã chạm đến rất nhiều vấn đề của đời sống gia đình, lịch sử và xã hội. Nhưng có một điều chúng ta không thể không nhắc đến đó là những cảnh làm phim trong thời chiến. Chính từ việc chứng kiến ba mình và đồng đội làm phim trong chiến tranh như thế nào mà niềm đam mê làm phim đã lớn dần và trở nên cháy bỏng trong cô bé Linh.

Đạo diễn Việt Linh đã rất xúc động khi chia sẻ lại điều này. Bà đã đi theo đoàn làm phim cả tháng trong rừng. Bà nhận ra sự thiêng liêng của điện ảnh khi chứng kiến ba mình là nhà biên kịch điện ảnh Nguyễn Việt Tân và đạo diễn Hồng Sến quay phim giữa bom đạn vô cùng ác liệt. Cha chú và các bậc đàn anh đã dạy cho bà rằng, điện ảnh muốn nói điều gì cũng bắt nguồn từ con người, từ nhân văn. Và bằng trải nghiệm của chính cá nhân mình, bà nhận ra, làm phim về dư chấn nặng nề hơn làm phim về chiến tranh rất nhiều.

Đan xen với những kỉ niệm đầy rung động của người mẹ là cuộc sống hiện tại, được khắc họa dưới góc nhìn của người con gái. Cô thiếu nữ tên Linh ngày nào giờ đã trở thành một đạo diễn đương đại nổi tiếng của Việt Nam, nhưng đâu đó bên trong con người bà vẫn chịu ảnh hưởng của quá khứ. Những trải nghiệm ấy tác động lớn đến cuộc sống của bà và mối quan hệ giữa bà và con gái. Người con gái mang dòng máu Việt sinh ra và lớn lên tại Pháp gặp rất nhiều khó khăn để có thể kết nối với người mẹ sống trong thời chiến, kết nối với cội nguồn Việt Nam trong mình. Theo từng câu chuyện, người con dần hiểu rõ hơn về người mẹ, về quá khứ của dân tộc để từ đó thông cảm, sẻ chia, tạo dựng chiếc cầu nối rút ngắn khoảng cách thế hệ và văn hóa.

Nói về cuốn sách đầu tay của mình, tác giả Hải Anh bày tỏ: Tôi lớn lên ở Pháp nên ít biết về lịch sử Việt Nam, ở trường cũng ít học về đề tài này. Nhưng những câu chuyện mẹ tôi kể về chiến khu thì đã thu hút tôi, mẹ tôi luôn nhớ rừng, cứ thấy cây là nhớ. Mẹ kể đã ở bảy năm trong rừng cùng vô vàn những câu chuyện ở đó. Lớn lên tôi muốn kể lại câu chuyện này, câu chuyện mà ở Pháp không ai biết đến, nên tôi nghĩ mình cần phải kể cho mọi người ở đây biết về mẹ, biết về lịch sử Việt Nam như thế nào.

Người trẻ nhìn về lịch sử, cội nguồn

Với hai tuyến thời gian quá khứ - hiện tại cùng các nhân vật đan cài, cuốn sách song song khắc họa hình ảnh của hai người phụ nữ: Một là cô thiếu nữ trong kí ức người mẹ, cô gái trẻ ấy cố gắng thích nghi và hoà mình vào cuộc sống tại chiến khu; hai là một thiếu nữ trẻ hiện đại đang cố gắng kết nối với mẹ và quá khứ, để hiểu thêm về mẹ mình và về cội nguồn.

Họa sĩ Pauline Guitton (trái) và tác giả Hải Anh tại buổi ra mắt sách.

Nói về việc tại sao lại chọn hình thức truyện tranh để kể lại câu chuyện này, tác giả Hải Anh cho rằng mình không thích xem phim về chiến tranh, truyện tranh sẽ thơ hơn. Hơn nữa, kí ức không theo thứ tự nên làm truyện tranh sẽ có lí hơn các hình thức khác. Cô cũng nhấn mạnh: Tôi là một Việt kiều may mắn, tuy sống ở Pháp nhưng tôi về Việt Nam nhiều từ nhỏ. Tôi cũng được nghe chuyện của ba mẹ rất nhiều và nhận ra Việt Nam là văn hoá của ba mẹ, cũng là văn hóa của mình. Tôi thấy tự hào về tuổi trẻ của mẹ mình ở chốn rừng xanh sống động.

Hải Anh viết cuốn sách như là việc tìm lại cội nguồn của mình. Cô lớn lên với một nhóm bạn Việt kiều, và mỗi người có cách riêng để tìm về nguồn gốc. Ba mẹ đã truyền lại nguồn cội cho cô qua những câu chuyện về Việt Nam được kể lại rất hay, ba mẹ cũng cũng luôn khuyến khích cô học văn hóa Việt Nam với câu nói “muốn làm thì làm được”.

Bên cạnh ngôn ngữ kể là phần tranh minh họa. Làm sao một họa sĩ trẻ thế hệ 9x là người Pháp lại có thể minh họa được cho một cuốn sách với nhiều cảnh là chiến khu cách mạng Việt Nam từ những năm 1969-1975? Câu trả lời được hé lộ một phần bởi tác giả Hải Anh và hoạ sĩ Pauline Guitton là hai người bạn hàng xóm, họ đã cùng lớn lên, cùng là người đam mê truyện tranh.

Họa sĩ Pauline Guitton chia sẻ: đây là câu chuyện của nhiều thế hệ. Tôi đã đến sống ở Việt Nam một thời gian để cảm nhận không khí, khung cảnh nơi đây, những khác biệt ở Việt Nam đã mang lại cảm hứng nghệ thuật lớn cho tôi. Tôi đã thực sự sống chứ không phải du lịch. Tôi đã đọc kĩ nhiều lần bản thảo và lên phác thảo, làm sao để chỉnh sửa hình ảnh cho chính xác. Câu chuyện mang tính lịch sử nhiều, chúng tôi cố gắng tránh lỗi, tra tìm thông tin để phác thảo chính xác cảnh ở chiến khu cho chân thực. Đọc đi đọc lại để có sự trùng khớp, nhuần nhuyễn.

Qua nét vẽ sinh động của một hoạ sĩ trẻ tài năng người Pháp, những trang truyện tranh đã phác ra một mảng kí ức lịch sử của dân tộc Việt Nam, phác ra hình ảnh về những người Việt thời kháng chiến và thời nay, cũng đồng thời phác ra những giao cảm tuổi trẻ của hai thế hệ.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy, vị khách mời tại buổi giao lưu bày tỏ: Đây là cuốn truyện tranh có tinh thần của một cuốn tiểu thuyết, đồng thời tính chất điện ảnh trong tác phẩm cũng rất rõ. Tác giả viết rất tiết chế về câu chữ nhưng dung lượng thông tin, thông điệp cảm xúc mang lại là rất lớn.

Sống lần đầu ra mắt tại Pháp vào đầu năm 2023. Cuốn sách đã nhanh chóng gây ấn tượng với một bộ phận độc giả tại đất nước này. Theo ngài Đại sứ Pháp tại Việt Nam, nhờ tác phẩm này mà bạn đọc Pháp biết thêm về lịch sử Việt Nam, hiểu thêm về quan hệ giữa những người Việt Nam với nhau; đặc biệt, chiến tranh được tả lại dưới cái nhìn cuộc sống hằng ngày, qua cái nhìn của người mẹ là điều rất đáng chú ý.

Đầu năm 2024, vượt qua rất nhiều tác phẩm sách minh hoạ Pháp ngữ, cuốn sách đoạt giải Prix du Jury oecuménique de la BD 2024, một giải thưởng văn học của Pháp.

HOÀI PHƯƠNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)