Dòng chảy

Đại tướng Nguyễn Quyết - vị tướng kiên trung, gương mẫu, tận tụy và sáng tạo

Thứ Hai, 01/01/2024 09:23

. PHÙNG VĂN KHAI
 

Đại tướng Nguyễn Quyết

Đại tướng Nguyễn Quyết là vị tướng luôn được phân công đảm đương những vị trí công tác chiến lược ở những giai đoạn bước ngoặt của cách mạng. Năm 1945, khi mới 23 tuổi, ông đã đảm đương cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, cùng tập thể lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám. Tiếp đó, năm 1947, ông được phân công Nam tiến, đảm đương các chức vụ quan trọng trong Quân khu ủy Quân khu 5, Chính ủy Mặt trận Quảng Đà. Năm 1955, Nguyễn Quyết được điều về làm quyền Chính ủy rồi Chính ủy Quân khu Tả Ngạn. Từ năm 1977 đến năm 1986, Nguyễn Quyết giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Quân khu ủy Quân khu 3. Đặc biệt, trong dấu mốc Đổi mới 1986, Thượng tướng Nguyễn Quyết được điều về đảm đương cương vị Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trong bối cảnh Nghị quyết số 27 của Bộ Chính trị bắt đầu được thực hiện nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Ông được chỉ định làm trưởng đoàn đại biểu Đảng bộ Quân đội dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 từ ngày 15 đến 18/12/1986. Sau Đại hội, trên cương vị mới là Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, ông đã có những đóng góp xuất sắc với những dấu ấn đặc biệt, những ý kiến quan trọng giúp Đảng ủy Quân sự Trung ương đề xuất với Bộ Chính trị ra những Nghị quyết về nhiệm vụ quân sự - quốc phòng trong tình hình mới. Đại tướng Nguyễn Quyết là vị Thủ trưởng Tổng cục Chính trị có nhiều đóng góp lớn trong giai đoạn bước ngoặt từ dấu mốc Đổi mới 1986 khi thực hiện trở lại cơ chế Đảng ủy lãnh đạo, thực hiện sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang. Đây cũng là dấu ấn đặc biệt của vị Đại tướng năm nay đã bước sang tuổi 102, vị tướng trường thọ nhất của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Đại tướng Nguyễn Quyết tên khai sinh là Nguyễn Tiến Văn. Ông sinh ngày 20/8/1922 tại xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Hưng Yên cũng là mảnh đất sinh ra nhiều vị tướng lĩnh tài ba, kiên trung sớm theo Đảng, theo Bác Hồ từ những ngày đầu lập nước và trưởng thành trong các cuộc chiến tranh vệ quốc như: Trung tướng Nguyễn Bình, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, Thượng tướng Lê Quang Hòa, Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên và đặc biệt là Đại tướng Nguyễn Quyết.

Đại tướng Nguyễn Quyết, trong cuộc đời hoạt động và cống hiến của mình, có thể nói, ở ông chính là sự hội tụ nhiều phẩm chất cao quý của một cán bộ, đảng viên cộng sản: kiên trung, gương mẫu, tận tụy, sáng tạo và nhất là tinh thần đoàn kết máu thịt với nhân dân. Thế hệ ông, trong đó có ông, trong mọi hoàn cảnh, nhất là trên cương vị chủ trì cơ quan hay đơn vị đều luôn tiên phong, gương mẫu, thực hiện đúng nguyên tắc của Đảng, luôn đặt lợi ích chung của Đảng, của dân tộc và quân đội lên trên hết, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn linh hoạt và sáng tạo, đi đầu giải quyết khó khăn thử thách và rất quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Đây chính là phẩm chất nổi trội nhất của Đại tướng Nguyễn Quyết - vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trong giai đoạn Đổi mới sôi động và quyết liệt của đất nước cuối thập niên tám mươi, đầu chín mươi thế kỉ trước.

Gặp gỡ thân mật các cán bộ, đội viên tự vệ chiến đấu đã tham gia Khởi nghĩa Tháng Tám ở Hà Nội
(đồng chí Nguyễn Quyết - hàng trước, thứ ba từ trái sang)

Trước khi giữ cương vị trọng yếu trong Tổng cục Chính trị, ở Quân khu 3, những năm cuối thập niên bảy mươi đầu thập niên tám mươi của thế kỉ trước, Tư lệnh kiêm Chính ủy - Thượng tướng Nguyễn Quyết đã để lại một dấu ấn khá sâu đậm về vai trò “chủ soái” của ông trong phong trào “Làm giàu, đánh thắng”, “Vươn ra Biển Đông làm giàu, đánh thắng” ở Quân khu 3. Phong trào này thể hiện rõ sự táo bạo và đổi mới trong cách nghĩ của một cán bộ có tầm chiến lược. Phong trào phát triển nhanh chóng, sâu rộng và có hiệu quả thiết thực, tạo nên một “hiện tượng” đối với toàn quân và cả nước thời gian đó. Nhiều chủ trương, nhiều kinh nghiệm mà quân và dân Quân khu 3 tiên phong thực hiện đã tạo tiền đề cho sự nghiệp đổi mới sau này.

Nhắc đến dấu mốc Đổi mới 1986, không thể không nhắc đến Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, một người con quê ở Hưng Yên khi đó đã rất kiên quyết, đi đầu, khởi xướng các phong trào “Những việc cần làm ngay”, “Nói đi đôi với làm”... mà chắc chắn người đứng đầu của Đảng đã cảm nhận rất sâu sắc từ thực tiễn các thành quả của Quân khu 3 - hậu phương lớn trong chiến tranh cũng là vựa người, vựa của, nơi cung cấp nhân tài vật lực, trí tuệ và cả những đột phá về cách nghĩ, cách làm để làm tiền đề cho công cuộc Đổi mới của đất nước.

Khi đảm đương cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Đại tướng Nguyễn Quyết cùng tập thể đã có những tham mưu sâu rộng trong thực hiện điều chỉnh chiến lược lớn trong quân đội, chuyển trạng thái từ thời chiến sang thời bình khi hai đầu đất nước vừa im tiếng súng. Việc điều chỉnh, bố trí lại lực lượng thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là một việc rất lớn và rất khó. Đặc biệt, việc tham mưu và quyết sách giảm số quân thường trực, coi trọng việc huấn luyện và tổ chức quản lí lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên trên cả nước để tạo sức mạnh khơi thông các nguồn lực là những bước đi đúng đắn, phương lược lâu dài để tập trung huấn luyện và rèn luyện bộ đội, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng tiến thẳng lên hiện đại như hôm nay.

Có thể khẳng định, trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Đại tướng Nguyễn Quyết đã cùng với các đồng chí Phó Chủ nhiệm đều là những người dày dạn kinh nghiệm trong chiến đấu và công tác, là những tướng lĩnh tiêu biểu của quân đội ta như Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu, Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Trung tướng Phạm Hồng Cư, Trung tướng Lê Hai, Trung tướng Lê Khả Phiêu thời gian đó đã có những quyết sách rất sáng suốt về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI và Nghị quyết của Bộ Chính trị về quân sự - quốc phòng trong thời kì mới. Vị thế của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam sau dấu mốc Đổi mới 1986 được nâng lên một tầm vóc mới. Các mảng công tác lớn như công tác tư tưởng chính trị, công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ trong toàn quân, công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội… đều được chú trọng và nâng cao một cách toàn diện.

Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cùng các đồng chí lãnh đạo TCCT chúc mừng sinh nhật lần thứ 100 của Đại tướng Nguyễn Quyết

Từng trải qua nhiều cương vị trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, từ thực tiễn 30 năm gắn bó với Quân khu 3 - một vùng hậu phương lớn miền Bắc của tiền tuyến lớn miền Nam, Đại tướng Nguyễn Quyết hiểu rất sâu sắc rằng, công cuộc Đổi mới của Đảng ta, nhân dân ta chỉ có thể thắng lợi và phát triển bền vững, từng bước tạo ra những thành tựu về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh khi lực lượng quân đội, tiêu biểu và nòng cốt là Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phải gương mẫu đi đầu và có những tham mưu đề xuất chiến lược, lâu dài, phục vụ mục tiêu lớn nhất là phát triển đất nước, thực hiện dân chủ, công bằng, văn minh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đại tướng Nguyễn Quyết cùng các đồng chí lãnh đạo trong Tổng cục Chính trị chỉ đạo sâu sát các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội, xác định then chốt của công tác chính trị là phải giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững và kiên định đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung, đường lối quân sự - quốc phòng nói riêng, kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Từ thực tiễn đã chứng minh, thành tích lớn nhất của công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội những năm dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Nguyễn Quyết và các đồng chí trong Ban Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị là đã góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, bảo vệ thành công vai trò lãnh đạo của Đảng trước sự chống phá của mọi loại kẻ thù. Trong các báo cáo, đánh giá, tổng kết, sách truyền thống của Quân đội, của Tổng cục Chính trị đều đã chỉ rõ những đóng góp lớn của Đại tướng Nguyễn Quyết và các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Chính trị trong khoảng thời gian ông đảm đương cương vị Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Khoảng thời gian những năm tám mươi, chín mươi thế kỉ hai mươi, kinh tế đất nước vô cùng khó khăn, có những thời điểm là ngặt nghèo từ miếng cơm, manh áo sát sườn với đời sống của quân và dân ta. Có lẽ nào một đất nước đã chiến thắng những kẻ thù hùng mạnh nhất lại không thể, không có cách gì thoát ra khỏi đói nghèo? Khi ở cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 3, Nguyễn Quyết đã cùng với tập thể lãnh đạo Quân khu có những quyết sách linh hoạt và sáng tạo trong các phong trào mà tiêu biểu phải kể đến “Làm giàu, đánh thắng” nổi tiếng một thời. Có thực mới vực được đạo. Người chiến sĩ không thể nào yên tâm công tác, vững chắc tay súng nơi biên giới, hải đảo khi vợ con ở nhà nheo nhóc, cơ hàn. Có hòa bình mà không có ấm no, hạnh phúc tức là chưa làm tròn lời Bác Hồ dạy. Những suy nghĩ, trăn trở của người từng vào sinh ra tử trong các cuộc chiến tranh đã thôi thúc và trở thành hành động cách mạng một cách quyết liệt trong vị tướng luôn hiền hậu từ nụ cười, câu nói. Đã có không ít thị phi, xét nét về phong trào “Làm giàu, đánh thắng” ở các đơn vị Quân khu 3 “dưới thời Nguyễn Quyết”. Song, với bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và nhất là sự trong sáng như gương không mảy may hạt bụi đã cho ông cùng các đồng chí vững bước, vững chí bền gan thực hiện thắng lợi các công việc ích nước, lợi dân, mạnh quân, ấm no hạnh phúc. Đến bây giờ, vẫn còn rất nhiều câu chuyện như là huyền thoại về Đại tướng Nguyễn Quyết khi ông kiên quyết cho thực hiện phong trào “Làm giàu, đánh thắng” ở Quân khu 3.

Từ tiền đề ấy, khi làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Đại tướng Nguyễn Quyết, bên cạnh các chính sách của Đảng và Nhà nước, trước thực tiễn khó khăn của cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân, đã cùng tập thể lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, cơ quan chức năng của quân đội phải tự thân trực tiếp tháo gỡ khó khăn trong đời sống cho bộ đội. Với phương châm “trên dưới cùng lo, tổ chức và cá nhân cùng làm”, vẫn với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, trong khoảng thời gian ông làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đã có hàng chục vạn sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng đã có nhà ở, dù nhỏ thôi nhưng ấm áp vô cùng mà kinh phí của Bộ Quốc phòng chỉ chiếm 20%, còn lại đều do địa phương, đơn vị và cá nhân giúp đỡ và lo liệu. Một con số đã nói lên rất nhiều điều. Hàng chục vạn mái ấm gia đình hạnh phúc chính là thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, nền tảng để chúng ta thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lâu dài, bền vững.

Hôm nay, trong vị thế đường hoàng, vững chắc của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế, mỗi người chiến sĩ chúng ta ai cũng rất tự hào được đứng trong đội ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam, bằng trí tuệ và niềm tin cống hiến cho đất nước. Chúng ta càng tự hào và vinh dự khi ở trong đội ngũ trùng điệp ấy, có những vị tướng tài ba, trí tuệ, đã cống hiến toàn bộ cuộc đời mình cho cách mạng, Tổ quốc và nhân dân. Đại tướng Nguyễn Quyết, vị tướng trường thọ và tiêu biểu của Quân đội ta, vị Thủ trưởng Tổng cục Chính trị đáng kính với những cống hiến xuất sắc của mình, luôn là tấm gương lớn để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ chúng ta noi theo và học tập.

P.V.K

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)