Dòng chảy

Cùng hoài niệm tuổi thơ qua các bài hát của Phạm Tuyên

Chủ Nhật, 19/02/2023 11:26

 Sáng 19/2/2023, nhân dịp sinh nhật lần thứ 94 của nhạc sĩ Phạm Tuyên, Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt cuốn sách Bài hát lớn lên cùng con do nhà báo Phạm Hồng Tuyến, con gái của nhạc sĩ Phạm Tuyên viết.

Với công chúng yêu nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Tuyên là một tên tuổi lớn, vô cùng quen thuộc với những ca khúc bất hủ như: Đảng đã cho ta cả mùa xuân, Chiếc gậy Trường Sơn, Gửi nắng cho em, Như có Bác trong ngày vui đại thắng, Từ một ngã tư đường phố… Nhưng cũng không thể nhắc đến nhạc sĩ Phạm Tuyên với những ca khúc viết cho thiếu nhi, ở thể loại này, ông đã giữ một vị trí quan trọng. Rất nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam đã lớn lên cũng những ca khúc như: Cánh én tuổi thơ, Trường của cháu là trường mầm non, Cô và mẹ, Chiếc đèn ông sao, Tiễn thầy giáo đi bộ đội, Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Tiến lên đoàn viên, Chú voi con ở bản Đôn

Buổi giới thiệu sách thu hút công chúng thuộc mọi lứa tuổi đến tham dự.

Cuốn sách Bài hát lớn lên cùng con là những mẩu chuyện kể về hoàn cảnh sáng tác và những điều thú vị xung quanh hơn 20 ca khúc thiếu nhi nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Có thể nói, mỗi bài hát thiếu nhi của Phạm Tuyên giống như một món quà thuần khiết, hồn hậu của người bố dành tặng con gái và bạn bè của con để rồi với tình thương yêu trong trẻo, tất cả đã lan tỏa, trở thành bài ca của các thế hệ thiếu nhi.

Chia sẻ về cuốn sách, tác giả Hồng Tuyến xúc động nói: “Mỗi bài hát của bố tôi mang theo một câu chuyện phía sau, mang theo những kỉ niệm khó quên, là nỗi nhớ, tình thương, niềm vui, niềm tự hào. Đó chính là hồi ức tuổi thơ, những mảnh ghép quý giá trong quá khứ đã theo tôi suốt cuộc đời. Tôi muốn viết những câu chuyện giản dị, nho nhỏ về những kỉ niệm, cảm xúc gắn bó với những bài hát ấy.

Kí ức của cô bé Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Năm 5 tuổi, Hồng Tuyến thu thanh bài Đêm pháo hoa mừng cái tết thanh bình đầu tiên sau bao năm chiến tranh. Trường cháu là trường mầm non là bài hát Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học, cùng với Cả tuần đều ngoan bé nào cũng hát và người lớn đều thuộc. Khi Hồng Tuyến vào lớp một và lớn dần lên, Phạm Tuyên lại viết Chúng em là học sinh lớp một, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay

Phải kể đến bài hát Tiễn thầy giáo đi bộ đội được nhạc sĩ Phạm Tuyên viết để con gái và các bạn tặng thầy giáo lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc. Trước đó, câu hát Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới trong ca khúc Chiến đấu vì độc lập tự do của ông đã bay đi khắp nơi từ Đài Tiếng nói Việt Nam, thôi thúc biết bao trái tim yêu nước. Khi nghe con gái Hồng Tuyến đi học về kể thầy giáo dạy văn sắp lên biên giới chiến đấu, nhạc sĩ đã âm thầm viết bài ca này. Với giai điệu trong trẻo, thiết tha: Ngày mai thầy lên đường, đi làm anh bộ đội/ Tạm biệt mái trường xinh để lên miền biên giới/ Em biết nói gì hơn khi lòng em nhớ nhiều… Lời ca như tấm lòng của các em học sinh gửi đến thầy giáo của mình cũng như những anh bộ đội rời xa trang giáo án cầm súng bảo vệ Tổ quốc.

Nhà thơ Nguyễn Thuỵ Anh đã rất xúc động khi được nghe lại bài hát này, chị chia sẻ: “Chúng tôi lớn lên với những bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Những bài hát đã nuôi chúng tôi lớn. Bài hát làm tôi nhớ lại không khí của những năm tháng ấy. Tôi đã thấy mình trong từng câu hát. Cho đến hôm nay, những bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên viết cho thiếu nhi vẫn giúp cho tôi có được sự cân bằng trong cuộc sống…”

Đến với Bài hát lớn lên cùng con, bạn đọc sẽ gặp một rất nhiều hoài niệm về các bài hát như những lát cắt sinh động về cuộc sống sinh hoạt, chuyện trường lớp, chuyện sơ tán, chuyện ở khu tập thể… của người Hà Nội những năm 70, 80 của thế kỉ trước. Với những “khuôn hình” hồi ức, chúng ta có thể hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử của đất nước. Đó không chỉ là câu chuyện của một cô bé Hà Nội lớn lên trong thời bao cấp, đó còn là câu chuyện của một thế hệ và đặc biệt đó là những nốt nhạc nhỏ xinh trên khuôn nhạc lớn rộng của tâm hồn người Việt Nam. Tác giả Phạm Hồng Tuyến đã kể lại những câu chuyện ấy với ngôn ngữ hiện đại, lôi cuốn, hóm hỉnh. Đọc sách, người đọc thấy một nhạc sĩ Phạm Tuyên gần gũi, thân thương hơn, luôn yêu chiều cô con gái nhỏ thích hát ca, thích bày tỏ, chia sẻ… để rồi từ đó sáng tác cho con và tuổi thơ trang lứa của con…

Nhạc sĩ Phạm Tuyên (ôm hoa ngồi giữa), tại buổi ra mắt sách của con gái, ông chỉ chia sẻ ngắn gọn cảm xúc của mình: "Tôi rất cảm động thấy những đóng góp của mình có ích cho đời sống, nhất là được các em nhỏ truyền đạt lại, đó là phần thưởng lớn nhất với tôi".

Nhà văn Trần Thị Trường đã có những dòng chia sẻ: Mặc dầu cảm hứng được bắt đầu từ tình cảm riêng tư, viết cho con gái út nhỏ, theo tháng năm lớn lên nhưng nhờ sự tài hoa của người nhạc sĩ bậc thầy nên tác phẩm lại trở thành bài ca của tất cả bạn bè cùng trang lứa, có sức sống mãnh liệt, có tính phổ quát, được đông đảo người yêu nhạc từ trẻ em đến người lớn yêu thích và sẽ còn mãi theo thời gian với thiếu nhi Việt Nam.

Âm nhạc luôn góp phần rất lớn vào việc nuôi dưỡng đời sống tâm hồn của con người, đặc biệt là đối với lứa tuổi thiếu nhi. Qua cuốn sách, bạn đọc thêm hiểu, thêm yêu những ca khúc dành cho thiếu nhi của nhạc sĩ Phạm Tuyên, dù bài hát đó được sáng tác trong những hoàn cảnh giản dị hay lớn lao… Có thể nói những bài hát của ông đã gói ghém tâm hồn trẻ thơ của một thế hệ và luôn nằm trong vùng hoài niệm của họ, trong đó có cô gái Phạm Hồng Tuyến, cô con gái nhỏ của ông năm nào. 

HOÀI PHƯƠNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)