Dòng chảy

Chữ tình trong từng nét vẽ (1)

Thứ Tư, 01/02/2023 14:17

Mĩ thuật trên Văn nghệ Quân đội là một phần không thể thiếu để góp phần làm nên diện mạo, phong cách của Tạp chí trong suốt 65 năm qua. Ở mỗi giai đoạn, Văn nghệ Quân đội đều may mắn có được sự cộng tác đầy thân tình của các họa sĩ, mà tên tuổi của họ gắn với nhịp bước của mĩ thuật đương thời.

 

Họa sĩ Nguyễn Đăng Phú:

Chầm chậm Nhà số 4

Tôi đã có đến hơn 20 năm thường xuyên vẽ minh hoạ cho Văn nghệ Quân đội. Cũng theo năm tháng, tình cảm chân tình, gắn bó với anh em phóng viên, hoạ sĩ thêm nồng ấm, như người trong một nhà. Kể cũng nhanh thật, thế mà tôi cũng cộng tác qua bốn tổng biên tập rồi đấy: anh Nguyễn Trí Huân, anh Nguyễn Bảo, anh Ngô Vĩnh Bình và hiện nay là anh Nguyễn Bình Phương.

Phải nói là, tôi đã cộng tác với hơn 30 tờ báo và tạp chí trong cả nước, nhưng chẳng ở đâu có nhiều kỉ niệm sâu sắc và đẹp như khi cộng tác với Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Mỗi khi bước chân vào ngôi nhà số 4 - Lý Nam Đế, tự nhiên thấy trong người như tĩnh lại, bình yên và thân quen, bởi bên gốc cây hoa đại già ngay cổng ra vào là mái nhà cong cong rất xưa, rất cổ kính; là bước chân chầm chậm trải đều trên hành lang thiếu sáng nhưng yên tĩnh và lắng đọng, thảng những làn gió nhẹ lùa. Rồi khu sân trong, cây chen cây tràn đầy bóng mát, những chiếc lá vô tình nhưng như đã hẹn chao nghiêng đùa nghịch cùng gió rồi nhẹ nhàng nằm lại dưới góc sân. Tuyệt vời, thật lãng mạn và rất văn - chẳng thế mà chính ngôi nhà này đã sinh ra, nuôi dưỡng, trưởng thành bao nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ nổi tiếng cho nền văn học nước nhà. Có thể họ còn và cũng có thể họ đã đi xa mãi mãi, nhưng tên tuổi họ, hình ảnh họ vẫn như đâu đây, ngay tại Nhà số 4 này.

Vẽ minh hoạ cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội tôi thấy rất thoải mái. Tuy rằng mỗi tổng biên tập một gu khác nhau, một cách nhìn thẩm mĩ khác nhau và một thẩm định riêng. Nhưng theo tôi, hiện nay, minh hoạ thì Văn nghệ Quân đội là sáng nhất trong làng văn nghệ. Bởi tổng biên tập còn trẻ, có sự tiếp thu những cái mới và dám đổi mới. Điều đó minh chứng rằng: Nếu báo, tạp chí, hoặc truyền thông đại chúng không tự thay đổi nhanh để kịp với trình độ của quần chúng, với thế giới mở thì đã tự mình đứng lại, đứng lại có nghĩa là thụt lùi, là lạc hậu và hậu quả là tự diệt. Qua đó để thấy, trong nghệ thuật không nên tự trói mình, làm cái gì cũng sợ sai, sợ khuyết điểm và sợ mất ghế thì khó để có được những sự đột phá.

Tôi mong rằng, Văn nghệ Quân đội luôn giữ vững vị thế của mình, luôn có sự chất lượng trong cả thơ, văn, mĩ thuật. Tôi nghĩ đây cũng là niềm ước mơ chân chính và nhân văn nhất của anh em ở Nhà số 4 cũng như các cộng tác viên và bạn đọc.

 

Họa sĩ Tào Linh:

Ngày nhỏ từng chép lại các minh họa trên Văn nghệ Quân đội

Tôi là bạn đọc của Tạp chí Văn nghệ Quân đội kể từ khi mới học cấp 2, tức là từ những năm 70 của thế kỉ trước, vì tạp chí có trong danh mục báo chí mà cha tôi đặt cho gia đình. Ấn tượng của tôi về Văn nghệ Quân đội là tạp chí luôn có những tác giả, tác phẩm hay và đặc biệt là các minh hoạ của các hoạ sĩ gạo cội như Huy Toàn, Văn Đa. Tôi vẫn nhớ là đã chép lại các hình vẽ ô tô, xe tăng, súng ống trong các minh hoạ trên tạp chí. Cơ duyên thế nào mà năm 2017, tôi lại được mời làm cộng tác viên, minh hoạ cho tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Phải thú thực là kể từ khi chuyển sang hoạt động hội hoạ chuyên nghiệp, tôi chưa từng thử sức mình với công tác minh hoạ. Nhưng cũng kể từ đó, tôi nhận thấy Văn nghệ Quân đội đã có sự thay đổi đáng kể trong công tác mĩ thuật, kể cả việc thiết kế, trình bày cũng như minh hoạ truyện ngắn theo hướng đương đại hơn, gần gũi với đời sống. Việc mời nhiều hoạ sĩ, trong đó có nhiều hoạ sĩ trẻ tham gia công tác minh hoạ cũng như chấp nhận nhiều hình thức, quan điểm khác nhau về minh hoạ cũng tạo cho Văn nghệ Quân đội có một phong cách mới, đa dạng hơn.

 

Hoạ sĩ Đỗ Phấn:

Như thể người nhà

Trong lứa sinh viên Trường Mĩ thuật tốt nghiệp những năm cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 chúng tôi có họa sĩ Trương Hạnh may mắn được về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Cũng từ đó, một thế hệ họa sĩ minh họa mới cho Tạp chí ra đời. Một mặt, anh Trương Hạnh vẫn giữ lại những họa sĩ cao niên vẽ minh họa như các ông Văn Đa, Quang Thọ, Nguyễn Thụ, Huy Oánh, Huy Toàn… Mặt khác, những họa sĩ trẻ như các anh Học Hải, Phạm Ngọc Sĩ, Nguyễn Lương Tiểu Bạch, Lê Trí Dũng, Đỗ Dũng, Đỗ Phấn… cũng bắt đầu được anh mời tham gia vào việc vẽ minh họa.

Lúc ấy do kĩ thuật nhà in trên toàn quốc vẫn còn rất lạc hậu, bức vẽ minh họa được họa sĩ của Tạp chí trình bày ra phải đo chính xác kích thước để giao cho họa sĩ vẽ. Người vẽ cũng phải tuân thủ yếu tố kĩ thuật, vẽ bằng mực nho mài thật đặc thì khi làm kẽm mới khỏi bị mất nét. Chính vì thế nên nét vẽ khó lòng còn giữ được sự bay bổng khoáng hoạt. Có lẽ cũng vì lí do này mà họa sĩ vẽ minh họa ngày ấy khá ít.

Cộng với những yêu cầu kĩ thuật ngặt nghèo như thế lại còn việc buộc phải trực tiếp đến tòa soạn lấy bản thảo văn học và đưa minh họa vẽ tay. Không có bất kì phương tiện nào thay thế. Thậm chí chiếc điện thoại để bàn cũng không phải ai cũng có. Nhưng cũng chính vì thế mà việc tiếp xúc giữa các văn nghệ sĩ ấm cúng hẳn lên. Lớp họa sĩ trẻ chúng tôi vô cùng xúc động khi được gặp gỡ những nhà văn, nhà thơ vào hạng cây đa cây đề của đất nước ngay tại ngôi Nhà số 4 này.

Họa sĩ Trương Hạnh có căn phòng làm việc trong ngôi nhà cấp 4 phía sân sau chỉ rộng chừng 6 mét vuông nhưng đó là nơi tụ họp của hầu hết những văn nghệ sĩ lừng danh của cả nước. Với chúng tôi thì đến đấy coi như về nhà. Chiếc điếu cày của họa sĩ không ngừng phun khói. Thỉnh thoảng có chai rượu trắng nữa thì vô cùng rôm rả. Sở dĩ “như về nhà” còn bởi có những công việc của Tạp chí như vẽ vài tờ báo tường, đi tỉnh mua thịt lợn tết cho cơ quan chúng tôi cũng tham gia như người “Nhà số 4” vậy.

Gắn bó với Nhà số 4 trong cương vị cộng tác viên của chúng tôi vậy là đã bốn mươi năm có lẻ. Và có lẽ tôi cũng là cộng tác viên lâu năm nhất vẫn đang hoạt động. Nhiều năm nay tôi còn cộng tác với Nhà số 4 cả trong lĩnh vực viết lách. Và vẫn luôn nhận được những tình cảm rất ấm áp chân thành của lớp cán bộ kế cận. Đó là một vinh dự không dễ gì có được của những người cầm bút.

 

Họa sĩ Tô Chiêm:

Tôi đã tiếp tục bút danh của cha

Dù sinh năm 1965, và những năm 1990 mới cộng tác mĩ thuật với Văn nghệ Quân đội nhưng cái tên Tô Chiêm đã xuất hiện trên Tạp chí từ những năm… 1960. Nguyên do là bởi Tô Chiêm là bút danh của hoạ sĩ Phạm Văn Tự, ông cụ thân sinh của Tô Chiêm, cũng là một cộng tác viên mĩ thuật của Văn nghệ Quân đội. Như nhiều văn nghệ sĩ khác, ông đã lấy tên con làm bút danh mà không nghĩ rằng, sau này con trai mình cũng học mĩ thuật và cũng… cộng tác với tờ tạp chí năm xưa thân thiết với mình.

Bố tôi tên Phạm Văn Tự - bút danh Tô Chiêm, học trung cấp khóa 2 của Trường Mĩ Thuật Việt Nam, ông tham gia cộng tác với Văn nghệ Quân đội ngay từ những năm đầu với các tranh đả kích, sau dần mới tham gia minh họa truyện ngắn. Có thể nói, ở giai đoạn này, được cộng tác với các báo là một sự may mắn và vinh dự. Vinh dự bởi có tên trên báo chí và may mắn bởi đó là một công việc kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Một minh họa cũng được toà soạn trả 3- 5 đồng, khoảng 1/6 tháng lương cán bộ thời đó. Người nghiện thuốc lá như bố tôi là tạm đủ tiền thuốc lá cho một tháng. Lâu dần, bố tôi với họa sĩ Trương Hạnh làm tại Tạp chí đã trở thành những người bạn thân thiết.

Họa sĩ Phạm Văn Tự, bố của họa sĩ Tô Chiêm. 

Tôi tốt nghiệp Đại Học Mĩ thuật Hà Nội năm 1991, ngành Đồ họa. Với thế hệ 6X như chúng tôi lúc đó, được góp mặt trên tờ Văn nghệ và tạp chí Văn nghệ Quân đội là niềm vui, niềm hạnh phúc của người làm nghề. Khoảng những năm cuối của thế kỉ 20 tôi được vẽ minh họa cho Văn nghệ Quân đội cho tới nay.

Thế hệ của tôi lúc đó có một vài người làm công việc minh họa sách báo như Lê Tiến Vượng, Ngô Xuân Khôi, trẻ hơn chút có Đào Vũ, Lê Tâm… nay cũng đã mỗi người một việc, có người đã cầm sổ hưu. Mới có vài chục năm, mà công nghệ cũng đã thay đổi nhiều, giờ thì họa sĩ minh họa chỉ cần vẽ xong, scane rồi chuyển qua email tới họa sĩ trình bày là xong, không còn phải đưa bản gốc lên tòa soạn như trước nữa.

Hơn 60 năm hoạt động, Tạp chí Văn nghệ Quân đội giờ đã có một đội ngũ đông đảo các họa sĩ cộng tác viên trẻ, chuyên môn rất tốt, và quan trọng nhất là nhiệt tình trách nhiệm, vẽ đẹp như Đào Quốc Huy, Phạm Hà Hải, Vũ Đình Tuấn, v.v.. nên những trang tạp chí ngày càng đẹp, ngày càng nở hoa và chắc sẽ còn nở hoa lâu dài.

(Còn nữa)

HOÀI PHƯƠNG - THIỆN NGUYỄN - PV thực hiện

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)