Với nhà thơ Anh Ngọc - thế gian đẹp và buồn

Thứ Hai, 09/12/2024 06:47

. NGUYỄN HỮU QUÝ
 

Anh Ngọc đã từng thổ lộ rằng: có hai câu thơ phác thảo gần đúng chân dung tinh thần và tâm hồn mình. Một câu là của chính anh: Điều không thể nói lại là điều không thể giấu. Một là của nhà thơ nổi tiếng Xuân Diệu: Làm sao sống được mà không yêu. Nói ra điều ấy, có lẽ nhà thơ Anh Ngọc không muốn giấu mình và hình như ở một cấp độ cao hơn anh đã bày tỏ quan niệm sống.

Trong quan niệm của anh:

Cuộc sống đơn giản hơn ta tưởng rất nhiều

Và phức tạp hơn ta hằng nghĩ

Rõ ràng, những câu thơ mang chất triết luận này, người ta khó có thể viết được khi còn trẻ; lúc anh chưa bị va đập nhiều với cuộc đời, còn ít từng trải, chưa chứng kiến nhiều nỗi bi thương nỗi tầm thường của thế gian. Trước khi viết câu thơ ấy, Anh Ngọc đã có gần 60 năm sống ở đời và hơn 40 năm làm thơ. Phía trước, đã có chùm thơ viết về Quảng Trị được giải Nhì cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ năm 1973 (lúc ấy anh tròn 30 tuổi) và hai năm sau, 1975, trường ca Sóng Côn Đảo của anh lại giành giải Nhất cuộc thi thơ của báo này. Thời ấy, Xuân Diệu đã khen anh: “Anh Ngọc đã để lại ấn tượng. Anh là một thi sĩ”.

Thời chiến tranh, Anh Ngọc là một chiến sĩ thông tin cũng là một nhà thơ được bạn đọc biết đến bởi từ “những lượng thông tin của sự vật mà phát hiện những phản ánh và sáng tạo kì diệu trong tâm hồn người”(Xuân Diệu). Đấy là cái thời trong trẻo, lành lặn, đẹp đẽ của những câu thơ lãng mạn:

Người qua rồi bóng dáng cứ theo sau

Anh lính trẻ bỗng quay đầu tủm tỉm

Cây đã hé những mắt tròn chúm chím

Đang thập thò nghịch ngợm nhìn theo

(Cây xấu hổ)

Chiến tranh. Bom đạn đầy trời. Thơ tụng xưng vẻ đẹp, sức sống của cỏ cây hoa lá. Trong thơ Anh Ngọc, hình ảnh cỏ cây hoa lá xuất hiện khá nhiều và mang nét đẹp tươi non, thuần khiết của thiên nhiên. Theo tôi, đó cũng là nét đặc sắc của thơ chống Mỹ. Phản ánh cái đối lập với sự tàn phá của bom đạn giặc là khẳng định sức sống mãnh liệt không gì vùi dập được của thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam. Trong thơ của Anh Ngọc có hình ảnh cây mía đưa nôi, nhành phong lan tặng bạn, lá dong bờ suối xanh màu Tết, những bông hoa trứng gà rơi hay ngọn lang rừng leo quanh cọc phụ... Tâm hồn anh đón nhạn, hoà đồng vào cuộc sống chiến đấu của nhân dân, của đồng đội, đầy thơ mộng, tin cậy. Người lính thông tin nhìn đường dây điện thoại bằng con mắt của thi sĩ: Mỗi bước dây lên phía trước/ lát đầy những cánh hoa rơi. Một cách nhìn thật trẻ và đẹp, đầy sự mẫn cảm, yêu dấu cuộc sống quanh mình. Âm hưởng thời đại, âm hưởng thi ca rõ ràng đã tác động vào anh tạo nên giọng thơ hăm hở, say mê và có phần hào sảng. Đọc Sài Gòn đêm giao hưởng trước mắt tôi hiện lên một Anh Ngọc sáng láng, bay bổng và cũng rất thiết tha:

Phút này đây ta dành trọn cho nhau

Anh trọn của em đến tận cùng ý nghĩ

Giai điệu đẹp như hồn em cao quý

Anh nhắm mắt vào uống cạn suối âm thanh.

Không khí xã hội và tâm thế trong giai đoạn lịch sử chuyển trang ấy dội vào anh sự hào sảng. Sau cuộc chiến, cái phần hào sảng trong các anh dần ít đi và thay vào đó là sự lắng sâu, xoáy xiết:

Những bước chân xin hãy nhẹ nhàng hơn

bài điếu văn cũng đừng sang sảng quá

rừng thổn thức để rơi vài chiếc lá

lá thì vàng mà tóc họ đang xanh

(Điệp khúc vô danh)

Điệp khúc vô danh, anh viết năm 1983. Cái ngây ngất của Sài Gòn đêm giao hưởng (viết năm 1975) đã được thay bằng nỗi thổn thức của người cầm bút. Chiến tranh được phản ánh sâu hơn ở một góc độ khác: nỗi mất mát đau thương vô cùng to lớn mà dân tộc này, đất nước này gánh chịu. Những câu thơ như thế rất dễ bị suy diễn, quy chụp, nhưng Anh Ngọc không thể viết khác đi cảm xúc và suy nghĩ của mình. Anh Ngọc chỉ muốn viết đúng lòng mình và hình như cũng muốn bù lại cái phần khiếm khuyết, thiếu hụt của thơ trong chiến tranh.

Thành thực, thẳng thắn trong trao đổi, chuyện trò cũng là một nét tính cách của Anh Ngọc. Khi nhắc tới một nhà thơ rất nổi tiếng thời chống Mỹ, anh nói: đó là người đeo hoa tai cho chiến trường; thơ anh ta chỉ đẹp chứ chưa sâu; chiến tranh không phải chỉ có thế... Nói người tất phải nghĩ tới mình. Có lẽ vì vậy mà Anh Ngọc đã thật thà bộc bạch:

Tôi đi qua tuổi học trò

Nói năng khuôn phép câu thơ sáo mòn

Cười mình quen thói đại ngôn

Thương vay, khóc mướn véo von một thời

Câu thơ dẫu viết xong rồi

Vẫn như thấy thiếu... một lời ở trong

Một lời thốt tự đáy lòng

Một lời vẽ được chân dung của mình.

Thế là đã rõ! Anh Ngọc muốn trung thực đến đáy lòng mình. Phải chăng, vì mong muốn đạt tới điều đó, nên không phải ai khác, mà chính anh dường như.. lại bất mãn với thơ mình như nhận xét của nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn? Thực ra, Anh Ngọc không bất mãn với mình và ai cả mà anh chỉ muốn trở về với thơ muôn đời. Đó là sự trở về cần thiết để hoà vào dòng chảy có thể đi tới vĩnh cửu. (Tự bạch của nhà thơ).

Không phải đến năm 2001, khi tập thơ Mạnh hơn tuyệt vọng xuất bản Anh Ngọc mới thể hiện sự trở về mà theo tôi từ trường ca Sông Mê Kông bốn mặt (năm 1981) nhà thơ đã có ý thức hướng thơ mình vào những vấn đề muôn thuở của con người. Đó là sự sống và cái chết, chiến tranh và hoà bình, cái ác và cái thiện...

Trường ca Sông Mê Kông bốn mặt nói được nhiều điều lớn lao hơn ngoài việc dựng lại một giai đoạn lịch sử đen tối thảm khốc nhất của đất nước Campuchia dưới thời Pôn Pốt. Số phận của con người sẽ ra sao trước sự hoành hành của cái ác? Nó đây:

Những chiếc đầu lâu thành tín hiệu mất an toàn

trên khúc quanh của lịch sử loài người đầy bất trắc

Lịch sử loài người đã, đang và sẽ còn những khúc quanh co. Tai hoạ trút xuống con người trước hết là do con người gây ra. Anh Ngọc nói: những chiếc đầu lâu người lồi lõm, hốc hác; những xác chết trương phềnh, rữa nát dần dà, mùi thịt thối nồng nặc ở Tunxleng năm 1979 ám ảnh anh mãi. Con người có thể ác với nhau đến tận cùng và nguy hại hơn kẻ gây ra cái chết cho đồng loại lại có nụ cười vô vị thường trực trên mặt. Mọi điều đều có thể xảy ra, không loại trừ sự bội tín, phản trắc và thoái hoá. Bởi vì thế, mà con người không thể không cảnh giác:

Từ người anh hùng đến tên đao phủ

có khi chỉ là cái khoảng cách mong manh

(Sông Mê Kông bốn mặt)

Anh Ngọc hướng thơ tới sự khái quát và triết lý. Bên cạnh những câu thơ tài hoa thi sĩ: Đêm như pho kinh dày cộp/ tiếng tắc kè gõ mõ lật từng trang là những câu thơ có chất chiêm nghiệm minh triết: Chết vu vơ chết không để làm gì. Với tình yêu, bên cạnh những thổn thức hoài niệm Anh lục tìm trong tận đáy hành trang/ Gặp giấc mơ cuối cùng còn sót lại/ Cơn mưa bụi trắng trời hôm ấy/ Mắt em buồn như một buổi chiều đông là kết luận, khẳng định Sau tất cả, chỉ tình yêu không mất.

Anh chọn Thị Mầu, một nhân vật nhiều tai tiếng trong kho tàng văn nghệ dân gian Việt Nam làm người phát ngôn về quan niệm sống và tình yêu. Rút cuộc lại, là con người phải sống đúng mình, không giấu diếm, không che đậy, không giả trá. Anh bênh vực, chở che Thị Mầu cũng có nghĩa là anh lên án, ghê tởm, khinh bỉ thói đạo đức giả. Anh khao khát được tôn trọng, được tự do đúng với nghĩa của nó. Và anh tin tình yêu là giá trị nhân phẩm muôn đời, là cái đẹp vĩnh hằng của con người:

Những khát vọng nằm sâu trong mỗi trái tim người

được sống đúng với lòng mình thực chất

những xiềng xích phết màu sơn đạo đức

mấy trăm năm không khoá nổi một Thị Mầu

(Thị Mầu)

Nhà thơ Anh Ngọc tự nhận mình là một người cũ kĩ, bởi thế anh thảng thốt băn khoăn: Sống sao đây giữa cái thời này. Tiếng kêu ấy là của riêng anh, một người đang yêu và đang đau trong những nhận thức trái chiều nhau. Có vẻ như anh thấy cái thế gian này, cuộc sống này ngày càng thêm đẹp đẽ và ngày càng thêm xấu xa. Cái đẹp không bị suy vong cũng như cái xấu không hề lùi bước. Cái đẹp và cái xấu song tồn như nghìn vạn năm nay nó vẫn song tồn không có gì thay đổi, cải biến được. Và những nguy cơ, tai ương, thảm hoạ đang rình rập, đang lơ lửng đâu đó, vừa gần vừa xa. Anh tự so sánh cuộc sống của mình với nàng chinh phụ, người sắp chết, kẻ tù nhân tự nguyện, người tu sĩ, con đà điểu, người mất trí. Hệ quả của sự so sánh ảm đạm đó là một cuộc chạy trốn triền miên.

Tôi chạy chốn dưới gầm trời, chạy mãi

Tôi chạy hoài

Không trốn được chính tôi

(Chạy trốn dưới gầm trời)

Anh đã từng không ngần ngại nói với tôi rằng: anh là một người đầy mâu thuẫn. Đặc điểm chính của tính cách con người anh là mâu thuẫn. Những mâu thuẫn, theo anh, chỉ biết gọi tên ra chứ không giải quyết nổi. Anh cho cô đơn là không thể tránh khỏi và tuyệt vọng cũng thế. Anh lập luận rằng: thân phận con người bé nhỏ, mong manh, tủi hờn lắm. Không ai thoát khỏi và cũng không ai cứu nổi mình ra khỏi bi kịch đó nên đành phải chấp nhận nó. Anh Ngọc thừa nhận sự cô đơn, tuyệt vọng và chịu sống chung với nó trong sự lặng lẽ, ẩn mình đôi khi đến khó hiểu. Anh cho rằng mình chịu đựng được nó tức là mình đã chiến thắng.

Có lẽ vì thế mà nhà thơ Anh Ngọc tự cho rằng tập thơ Mạnh hơn tuyệt vọng là viết đúng mình nhất. Đúng thân phận, đúng tính cách, đúng tâm trạng của anh. Đây là tập thơ anh dành tặng cho anh hồn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và tặng cho chính mình. Một người đã thành cát bụi tuyệt vời và một người đang sống được “nhờ thơ và nhạc Trịnh”. Anh tìm gặp được ở Trịnh Công Sơn những sự tương đồng, tương cảm. Anh Ngọc nói say sưa về Trịnh Công Sơn và có thể cầm đàn ghi ta hát về nhạc Trịnh bất cứ lúc nào. Trịnh Công Sơn là điểm tựa tinh thần của anh bởi theo anh nhạc sĩ tài năng này là Người an ủi những linh hồn đau khổ/ Bằng nỗi buồn tên gọi Trịnh Công Sơn...

Sâu sắc và chân thực cho thơ, đó là tâm niệm và định hướng của Anh Ngọc. Thơ ca cần phải đổi mới nhưng đổi mới phải nương tựa vào đâu? Anh Ngọc cho rằng chỉ có ba chữ thôi: Yêu thật, Đau thật và Viết thật. Chung nhau một chữ Thật. Nằm ngoài cái ấy là sự giả. Nhưng cái giả trong văn chương nghệ thuật thường thường nhận ra khó hơn cái giả trên sân đấu, sân cỏ của thể thao.

Nhà thơ Anh Ngọc cho rằng viết ra nỗi cô đơn, sự tuyệt vọng của mình cũng chính là cuộc hành hương trở về với thơ chân thực. Sao có thể viết khác đi tâm trạng, cảm xúc và lý trí của mình được. Xã hội và cá tính tạo nên phong cách thơ cho từng thi sĩ. Thơ Anh Ngọc mấy năm gần đây thiên về hướng nội và từ trái tim yêu và đau của thi sĩ, thơ xót xa, ngậm ngùi, nhức nhối hơn trong một “Thế gian đẹp và buồn” như cảm nhận của anh.

N.H.Q

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)