. NGUYÊN TÔ
Là con trai của nghệ sĩ điện ảnh, Nghệ sĩ Nhân dân Đào Đức - học trò của thầy Tô Ngọc Vân khóa Mĩ thuật kháng chiến, giám đốc hình ảnh nghệ thuật bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh Việt Nam Chung một dòng sông, với họa sĩ Đào Hải Phong, những giá trị cốt lõi được thừa hưởng cũng tương đương như áp lực từ gia đình nghệ thuật kiểu mẫu đè nặng lên giấc mộng về một con đường nghệ thuật không sao chép bóng dáng người cha. Lên sáu tuổi, bàn tay đã biết vẽ những nét thơ ngây, và vừa đủ vấn vương buồn khi anh bước vào tuổi trẻ. Đó là một trong những động lực đưa Đào Hải Phong đến với hội họa. Vì với anh, buồn cũng là một chất liệu của hội họa, tựa như màu và bút vẽ. Anh đã có một lối Phong. Hơn thế, nỗi mang mang cô lẻ mà anh phả vào toan, khiến người yêu tranh anh có cơ hội trò chuyện với bản thể. Khóe buồn anh sâu, đẹp và đầy dậy cảm.
Vẽ là tâm sự với chính mình, một trò chơi rất vị kỉ. Đào Hải Phong đã trao nỗi buồn cho cây cọ và nó khiến hội họa của anh có sinh mệnh. Nghệ thuật của anh tạo ra những ấn tượng thị giác bằng hấp lực từ trái tim, buồn sống động như linh hồn tranh, thắp sáng sắc màu tâm trạng. Vẽ như một dạng thức sống khác của người nghệ sĩ. Màu sắc trên toan không hẳn pha từ bảng màu thực tế mà được ánh xạ qua những rung chuyển cuộc đời và trí tưởng tượng phong phú. Đào Hải Phong họa hình khát vọng về vẻ đẹp vượt lên hiện thực.
Có những buổi chiều thu, Đào Hải Phong đạp xe lang thang khắp những con phố nhỏ của Hà Nội, thấy gió đuổi lá khô xào xạc trên viên ngói thời gian hay những tàng cây u sầm khi tà dương đã lẩn vào sương. Anh ra sông, chạm vào mặt nước răn reo màu cũ, mạn thuyền luênh loang thương nhớ người, thảng thốt tiếng chim lạc bạn. Tranh anh có sự hiện diện của mái nhà, cây, con thuyền chờ trăng, góc phố lẻ, qua cách tán sắc của ba tone xanh, vàng, đỏ. Thế giới huyền mơ vừa gần gụi lại xa xôi, nhập vào hồn người đọc tranh.
Đào Hải Phong không có nhu cầu ồn ào đám đông, chẳng biết vì đã đủ náo nhiệt hay bởi anh tìm thấy lễ hội đời mình dưới bóng thinh lặng. Anh tán tâm trạng, ngào với thứ sắc màu pha bằng trí tưởng tượng bay bổng, nên ở tranh anh tôi thấy lấp lánh nỗi buồn. Anh đặc biệt rất thích mùa: mùa yêu, mùa xuân, mùa mưa, mùa thu, mùa xanh… Phải vậy chăng mà tên anh đã phong kín nhịp hải hà. Anh đang ở tuổi thu chín đã đầy. Khi thị giác chạm vào tranh anh, tôi thấy thú vị và bị mê hoặc, cùng lúc khởi lên vô vàn cảm xúc. Như thể nham thạch sắc màu đang thấm vào tim tôi, choán đầy trống rỗng, lại tựa hồ hụt bước hay cất cánh, cảm giác lạ lẫm. Khó có thể diễn tả chính xác, linh hồn tranh anh nhập vào hay chính tim tôi ùa vào thế giới sắc màu của anh. Thì ra hội họa anh, sắc màu là của tâm hồn, còn hình nét là của lí trí. Không chỉ giỏi màu, anh còn thành thạo hình họa, đó là phương tiện để đưa anh đến nơi anh muốn.
Tranh Đào Hải Phong bề mặt thì bình đạm, nhưng sau tấm gương màu sắc là những vang động sâu xa, bởi nghệ thuật của anh ám thị. Anh từng dày công vẽ chuỗi tranh Mùa đỏ, gồm ba bức, một cách lớp lang, tăng sắc theo từng cấp độ, dày đặc cảm xúc và nhân lên cảnh vật cũng như chiều kích. Tựa hồ ngọn lửa liếm, đốt cháy, bừng bừng. Mùa rất nhiều khát khao và dậy mật, một thao thức căng ra mà anh đã vắt kiệt mình để ca hát nỗi buồn tháng năm. Phơi trải phong cảnh tâm hồn mình, anh kiệm lời với người, để dốc cạn vào hội họa. Tranh chính là một dạng thức ngôn từ đa sắc của anh. Mùa là cách anh ra khỏi mình: trải nghiệm để chín, tự vỡ và phục sinh.
Trên nền toan với ba tone màu đỏ, vàng, xanh, là nỗi niềm cá nhân, nới rộng bao la tâm hồn sầu thương từ vạn kỉ, nén trong file buồn Đào Hải Phong, theo từng cấp độ. Có khi là cả một vòm trời đỏ đổ ập xuống, đỏ phi thường. Trong Mắt sen, đỏ hết, điểm nhãn mái nhà xanh, bức tường thao thức trắng và những đóa sen trỗi dậy từ mặt lá xanh màu ngọc lam. Sen mở mắt, đối thoại với đêm thâu. Từ những bóng cây tròn, màu trò chuyện với sắc độ đậm nhạt tùy hứng, huyền bí. Bức tranh có sự vọng âm của tán sắc, đường nét, hình khối và làn thơm tâm hồn. Có khi lại là một triền Sông thức, bóng cây ken dày như che chở cho những mái nhà đang chong giấc chờ một con thuyền về, để sông thôi thao thức. Thuyền cong như mắt thời gian. Đào Hải Phong vẽ một nét chờ, tìm, đẹp khắc khoải. Nhưng ở Thành phố chiêm bao, là mái phố lô xô dưới tán cây cô quạnh. Nó chính là bản thể của thiên nhiên vĩ đại hay con người nhỏ bé. Phải chăng anh đã họa một giấc chiêm bao thành thị, mong mỏi một hệ sinh thái mà thiên nhiên và con người sống trong nhau bằng bao dung và biết ơn. Thông điệp của anh đôi khi nằm ngoài bức vẽ, vì thế trên phông nền còn lại một đối lập trong chỉnh thể. Thiên nhiên cô độc giữa con người đông đúc.
Màu đỏ họa tâm trạng dữ dội, là cơn điên nghệ sĩ, đặc tả buồn lan thì vàng lại là Mùa nối, khoảng chờ, buồn tựa như một tấm voan choàng lên Mùa tàn phai. Nảy vàng tự bao la, để chưng cất thành màu của riêng Đào Hải Phong. Trong Khóe trời, anh nghiêng nét cọ, thả vào cơn heo may con mắt thu bàng bạc. Vàng dãi thành đường trăng, choàng bóng cây, nét cọ đậm nhạt, ẩn hiện trên bức tường năm tháng, bầu trời in đáy nước, ngấn lệ, thấm sâu vào nhân gian. Khóe trời dù khép hay mở, đều để thả những mặn mòi. Giọt buồn vạn kỉ chưa từng một lần khô, cũng như nỗi buồn trên thế gian này không bao giờ mất đi.
Bến mơ là một sự tĩnh tại. Giấc mơ thường gắn với vẻ đẹp vô thực, nhưng Đào Hải Phong lại vẽ được cả giấc mơ. Một tán cây trắng kết từ giọt sương khổng lồ, những mái nhà thấp thoáng vệt sáng lạ lùng, bức tường là phiến màu biến ảo lên tiếng cho câu chuyện mỗi nếp nhà, thuyền gầy như nét mi thiếu phụ. Sự hững hờ buông lơi trong tịch mịch khuya sâu, nhen thao thiết niềm mơ từ một hiện thực vô vọng. Mùa vàng bị tàn phai xâm lấn để ước mong hừng xanh sự sống. Tranh anh có những đụn rơm vàng bị Mùa thu làm cho phôi phai, hay những ánh trăng vỡ vụn từ con sóng đêm, đủ đầy thức dâng cơn say sắc màu. Tone vàng của anh đã dẫn dụ và nới rộng trí tưởng tượng. Anh vẽ nên một đời sống mới đang đi vào sự héo úa, hoai mục, để tôi nhận ra tàn phai mang vẻ đẹp của sự dâng hiến, hi sinh. Những cội già tạ từ sự sống để nhường chỗ cho một sự khởi đầu.
Và xanh là màu của sự sống, Mùa sinh sôi, nhưng tàng ẩn dòng chảy tâm trạng, nó thúc đẩy thế giới tinh thần đi xa hơn khả năng hiện thực. Đào Hải Phong làm cho thế giới đẹp hơn bằng khát vọng. Công chúng đã mặc định: xanh là màu nhận diện của triết lí hội họa Đào Hải Phong. Nó làm dịu thị giác bằng những tán cây tròn quen thuộc. Trong cơn Mộng lành vẫn ánh lên những giọt màu tương phản vàng, cam, đó là linh hồn của sự sống. Khi tất cả sâu giấc, nghệ thuật của anh vẫn thao thức. Nó tựa như một dòng Sông trôi ra biển. Có lẽ anh muốn vượt lên cái quen thuộc cũ kĩ để cây cọ được thỏa sức ở miền sáng tạo mới. Vì thế anh đã tặng cho mình món quà cô đơn, bằng cách đến với miền hoang vắng, nghe thiên nhiên rót nỗi lẻ loi vào mình.
Với Đào Hải Phong, ngôi nhà trong tranh là một cái cớ và motif để thực hiện cảm xúc. Anh thường bị quyến luyến với cái gì đẹp buồn. Tranh anh là biến ảnh của thế giới thực và sự diễn tả con người nội tâm bằng sắc màu. Ví như ngôi nhà, khi ở bờ sông, chơi cùng gió trăng, nhưng trên phố cũ lại khóc mùa đi. Giá trị ngôi nhà của anh không nằm ở hình khối, mà thuộc về câu chuyện nó kể. Anh thú nhận, cây hay nhà chính là anh vẽ mình trong các hình thức đời sống, vì không muốn lộ diện. Sự cô độc của anh, khi muốn tan vào nước, lúc ẩn trong tàng cây, khi le lói ánh sáng từ mái nhà. Và trong tranh, cái cây tâm tưởng của anh mọc ra với khối mọng, tròn đầy, như hình vóc giấc chiêm bao, cho anh tìm thấy sự nhiệm màu của cuộc đời. Có những điều, hiện thực đành bất lực thì anh nhờ tranh lên tiếng.
Đào Hải Phong đã xếp nếp thời gian qua ngót nghét sáu mươi mùa, ở độ mà nghệ thuât của anh đã đủ thăng trầm. Nỗi buồn anh cũng theo tuổi mà đầy dần. Hội họa chính là cách anh vẽ đời sống của mình. Với anh, vui là bóng đêm tăm tối vùi lấp những khát vọng sáng tạo, buồn lại là ánh sáng thắp lên cảm hứng hội họa, đôi khi lại là cái cớ để anh đưa nét cọ trong mê sảng. Khoảng cách giữa thực tại với mơ ước, anh coi đó là thất bát của mình và anh lấp đầy trống trải ấy bằng nỗi buồn trong tranh. Mà vẻ đẹp nào chẳng quyến luyến và luôn khiến con người day dứt. Hội họa Đào Hải Phong cũng vậy.
N.T
VNQD