. NGUYỄN ĐỨC HÀ
1. Thực tiễn cho thấy, lĩnh vực văn hóa, tư tưởng là “mũi tấn công” hiểm độc nhất của các thế lực thù địch nhằm tạo sự bất ổn trong nội bộ các quốc gia. Chiến tranh lạnh hay mới đây là “cách mạng màu”, “cách mạng nhung”, “cách mạng cam”, “cách mạng đường phố”… đều là những cuộc chiến không khói súng hướng đến thành trì văn hóa, tư tưởng của các nước, gây rối loạn, hoang mang trong dư luận, mục đích cuối là lật đổ chính quyền.
Một trong những cách thức chống phá văn hóa, tư tưởng của các thế lực thù địch nhằm vào các quốc gia đó là tài trợ, hỗ trợ xuất bản “chui” những cuốn sách có thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, đặc biệt là sách thuộc thể loại văn học, nghệ thuật. Họ tìm mọi cách để những sản phẩm này đi vào môi trường văn hóa đọc của các quốc gia, hòng xuyên tạc, bôi nhọ chế độ, làm thay đổi nếp nghĩ, nếp sống của người đọc. Tại Việt Nam, ngay từ năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu ý về cuộc “xâm lược văn hóa” dưới nhiều hình thức, trong đó có xuất bản. Người viết: “Bộ trưởng Tuyên truyền Mĩ nói: Mỗi năm, các báo chí nước ngoài đăng tài liệu tuyên truyền của Mĩ cộng lại hơn 4 vạn trang báo (bằng 16 vạn trang báo Cứu quốc). Mỗi năm ở các nước in hơn 200 quyển sách khen Mĩ và chống cộng, mỗi quyển ra từ 3 nghìn đến 10 vạn bản… Hiện nay, tại những vùng tạm bị chiếm ở nước ta, Mĩ đang ra sức xâm lược văn hóa để hủ hóa và gieo rắc bệnh phục Mĩ, thân Mĩ, sợ Mĩ vào nhân dân, nhất là vào thanh niên ở những vùng ấy. Đó là một điều mà cán bộ giáo dục và tuyên truyền ta phải đặc biệt chú ý và phải ra sức chống lại”(1).
Thời kì hòa bình, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tình hình an ninh chính trị nội bộ trong lĩnh vực xuất bản của Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp. Theo đánh giá của Bộ Công an: “Các thế lực thù địch hướng vào một số cơ quan xuất bản và cá nhân hoạt động trên lĩnh vực xuất bản với những thủ đoạn tinh vi để lôi kéo, hướng lái hoạt động theo ý đồ của chúng như: đào tạo, lôi kéo, chuyển hóa tư tưởng… phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, tuyên truyền quan điểm sai trái, tạo nghi ngờ, bức xúc trong quần chúng nhân dân”(2). Đề cập đến hoạt động xuất bản, tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đã nêu rõ định hướng: “Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa. Tăng cường quản lí và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mĩ tục”(3). Thông qua Văn kiện, Đảng ta đã thể hiện rõ sự nghiêm túc và quyết tâm đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động trong lĩnh vực xuất bản; thực hiện tốt việc bảo vệ mặt trận tư tưởng, lí luận quan trọng của Đảng.
Về mặt pháp lí, trong thế giới hiện đại ngày nay, bất cứ quốc gia, dân tộc nào cũng đều coi trọng quyền tự do, dân chủ của con người. Điều đó đã được quy định cụ thể trong hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, cũng cần khẳng định một chân lí lớn, quan trọng của thời đại, đó là nghĩa vụ thiêng liêng của mọi công dân với Tổ quốc mình.
Ở các nước phương Tây, việc tự do ngôn luận, hội họp, xuất bản, lập hội đều bị ràng buộc bởi các điều kiện về thời gian, địa điểm, phạm vi. Như ở nước Mĩ, hoàn toàn không có khái niệm tự do tuyệt đối. Quốc gia này quy định, không được tự do ngôn luận theo kiểu miệt thị quốc kì, xé thẻ quân dịch, không được tự do ngôn luận dẫn đến tổn hại trật tự công cộng, dẫn đến bạo loạn... Nghị viện Mĩ đưa ra “Luật Trấn áp bạo động phản loạn”, trong đó nêu rõ: “Những ngôn luận, sách báo lăng mạ, hoặc kích động nhân dân, khinh thường chính thể Mĩ, tình hình nước Mĩ, hải lục không quân Mĩ, đều bị nghiêm trị”(4).
Với Việt Nam, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, tại Điều 11 khẳng định: “1. Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. 2. Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị”. Đây là quan điểm cốt lõi, cơ sở pháp lí cao nhất để chúng ta nhận diện, đánh giá các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động trong lĩnh vực xuất bản sách văn học, nghệ thuật. Cùng với đó, những năm gần đây, Nhà nước ta đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều bộ luật gắn với công tác xuất bản như Luật Xuất bản năm 2012, Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019. Đây là hệ thống pháp lí chặt chẽ, tạo điều kiện cho công tác xuất bản phát triển lành mạnh, phong phú. Các luật trên cũng quy định một cách rõ ràng, cụ thể những “nội dung và hành vi bị cấm” là bảo chứng về mặt pháp lí đảm bảo các lĩnh vực hoạt động đúng quy định trong khuôn khổ pháp luật.
Xuất bản sách văn học, nghệ thuật có vai trò chủ đạo, nòng cốt đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc, luôn được quan tâm, theo dõi và tạo tiếng vang, sức ảnh hưởng lớn trong xã hội. Gần đây, sách văn học, nghệ thuật có sự phát triển mạnh về số lượng, chất lượng. Theo thống kê của cơ quan quản lí Nhà nước về xuất bản, năm 2022, các nhà xuất bản đã thực hiện gần 4.000 đầu sách văn học, nghệ thuật với khoảng 7,2 triệu bản in. Tuy nhiên, đây cũng là mảng nội dung thường xảy ra nhiều vi phạm trong công tác xuất bản khi chiếm tới 70% số lượng vi phạm về nội dung. Điều đó cho thấy, sách văn học, nghệ thuật vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao xuất hiện các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, cần được nhận diện, đấu tranh và loại bỏ.
2. Đặc trưng của văn học, nghệ thuật được khu biệt ở tư duy mang tính nghệ thuật. Và đặc biệt, phương tiện phản ánh hiện thực của văn học, nghệ thuật là thế giới hình tượng. Nghĩa là, tác giả không bộc lộ một cách trực tiếp tư tưởng, tình cảm, quan điểm, thái độ mà bao giờ cũng thể hiện thông qua “cầu nối” là hình tượng nghệ thuật. Thông qua quá trình sáng tạo ấy, người sáng tác để lại những hình tượng độc đáo, mới lạ. Và cũng chính những hình tượng với bản chất đa nghĩa, giàu sức liên tưởng, tưởng tượng sẽ tạo nên sức hút, sức sống trong lòng độc giả.
Với đặc trưng trên, sách văn học, nghệ thuật trở thành “mũi tấn công” của các đối tượng chống phá cực đoan, phản động, thiếu thiện chí. Họ lôi kéo các văn nghệ sĩ suy thoái về đạo đức chính trị dùng tác phẩm văn học, nghệ thuật để “cài cắm” những hình tượng nghệ thuật, biểu tượng mang tính đa nghĩa nhằm phê phán, bôi đen cuộc sống, bộc lộ thái độ chống đối, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Với bản chất không lành mạnh nhằm mục đích, ý đồ chính trị thâm độc, những sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động trong xuất bản sách văn học, nghệ thuật dù được che đậy, bao bọc bằng những hình tượng đa nghĩa, cài cắm chi tiết nhỏ đến đâu cũng sớm bị lôi ra ngoài ánh sáng. Bằng thái độ cẩn trọng, người đọc có thể nhận diện những sản phẩm, thông tin tiêu cực ấy thông qua những biểu hiện sau:
Một là, sách văn học, nghệ thuật có nội dung quan điểm thù địch, chống đối Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, dân tộc. Bằng thủ đoạn mượn danh “đổi mới”, họ tìm mọi cách truyền bá tư tưởng thoát li sự lãnh đạo của Đảng, phê phán học thuyết Mác - Lênin, phủ định hệ thống lí luận và thực tiễn chủ nghĩa xã hội. Thông qua các hình tượng văn học, tác giả đưa ra những nhận định, quan điểm cá nhân thiếu cơ sở khoa học để lên tiếng chống đối, phủ định sự đúng đắn của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Hai là, sách văn học, nghệ thuật đề cập đến những sự kiện, nhân vật lịch sử nhưng không phân tích đầy đủ khách quan, không đủ chiều sâu, tầm quan sát để giải thích các sự kiện. Tác giả đưa ra những lí giải mang tính chủ quan, phiến diện, thậm chí xuyên tạc lịch sử, xúc phạm dân tộc, gây định kiến, hiểu nhầm cho độc giả về một sự kiện lịch sử.
Ba là, sách văn học, nghệ thuật viết về anh hùng dân tộc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước chưa đúng quy định hoặc đưa những thông tin, chi tiết chưa được xác minh, gây hoang mang cho bạn đọc, thậm chí mượn cớ sáng tạo hình tượng nghệ thuật nhằm hạ bệ thần tượng, danh nhân, anh hùng dân tộc.
Bốn là, sách kí, hồi kí, tự truyện có những chi tiết không được kiểm chứng, sai lệch thông tin, cài cắm nội dung phản cách mạng hoặc ám chỉ một cách lộ liễu.
Năm là, sách văn học, nghệ thuật dịch từ nước ngoài có nội dung sai sự thật, vô bổ, dung tục, không phù hợp với thuần phong mĩ tục Việt Nam. Có thể kể đến những cuốn sách văn học thuộc thể loại ngôn tình, đam mĩ đã tiếp tay cho sự xâm nhập văn hóa “rẻ tiền” vào đất nước ta, gây lệch lạc trong nhận thức của người đọc, đặc biệt là giới trẻ.
Sáu là, sách tái bản của một số tác giả thời tiền chiến hoặc trong vùng Mĩ - ngụy chiếm đóng có nội dung, thông tin xấu, độc, “chống cộng”.
Những biểu hiện tiêu cực, vi phạm trong xuất bản sách văn học, nghệ thuật được nêu ra trên đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận độc giả, gây bức xúc trong dư luận. Đó là những nhân tố vi phạm bên trong, tạo điều kiện thuận lợi cho các thế lực thù địch bên ngoài lợi dụng chống phá, xâm phạm an ninh quốc gia.
3. Để đấu tranh, loại bỏ sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động trong xuất bản sách văn học, nghệ thuật, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện quyết liệt và có hiệu quả một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lí Nhà nước với công tác xuất bản sách văn học, nghệ thuật. Cùng với các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị của Đảng như Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25 tháng 8 năm 2004 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, Thông báo kết luận số 19-TB/TW ngày 29 tháng 12 năm 2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW..., Quốc hội và Chính phủ cũng đã ban hành Luật Xuất bản 2012, Nghị định số 195/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản và nhiều văn bản khác.
Xuất bản nói chung và xuất bản sách văn học, nghệ thuật nói riêng phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, do Nhà nước thống nhất quản lí. Nội dung chính trị tư tưởng của các tác phẩm văn học, nghệ thuật phải đảm bảo đúng định hướng tuyên truyền của Đảng. Ý thức trách nhiệm, năng lực và phẩm chất chính trị của cán bộ chủ chốt các cơ quan xuất bản tác phẩm văn học, nghệ thuật cần được nâng cao.
Có thể thấy, các vi phạm trong xuất bản sách văn học, nghệ thuật thời gian gần đây phần lớn đều liên quan đến hoạt động liên kết của các nhà xuất bản, trong khi các quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động này còn chung chung, chưa quy định trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu các đơn vị, tổ chức khi tham gia liên kết. Đặc biệt, các quy định hiện hành về xử phạt vi phạm pháp luật trong xuất bản tuy đã được sửa đổi, song vẫn còn tương đối nhẹ. Một số ít chủ thể tham gia xuất bản tác phẩm văn học, nghệ thuật “sẵn sàng vi phạm” và nộp phạt vì cho dù bị phạt vẫn có lãi do bán được nhiều sách. Thời gian tới, các cơ quan quản lí, chuyên gia cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để tăng cường hiệu quả quản lí Nhà nước trong lĩnh vực xuất bản nói chung, sách văn học, nghệ thuật nói riêng.
Thứ hai, tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng các nhà xuất bản thực hiện xuất bản đúng tôn chỉ, mục đích, thực hiện chặt chẽ các khâu, các bước trong quy trình xuất bản sách văn học, nghệ thuật. Từ đó, xuất bản được nhiều sách có giá trị, có sức lan tỏa, tác động tích cực vào nhận thức xã hội. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chủ quản; kịp thời uốn nắn, xử lí các sai sót, vi phạm của nhà xuất bản, đặc biệt là sai phạm về nội dung tư tưởng.
Trong công tác xuất bản, việc thực hiện chặt chẽ quy trình xuất bản sẽ tạo nên “bộ lọc” tốt, loại bỏ được những sản phẩm độc hại ngay từ khi còn là bản thảo. Thực tế, có những bản thảo sách văn học, nghệ thuật chỉ cần đọc qua một vài trang cơ bản đã có thể nhận thấy nội dung không phù hợp để cấp phép. Chỉ cần các nhà xuất bản làm đúng quy trình xuất bản thì những cuốn sách văn học, nghệ thuật có nội dung sai phạm, độc hại khó lòng trót lọt.
Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lí vi phạm, tránh tối đa việc xuất bản phẩm có nội dung sai lệch phát tán rộng rãi trên thị trường, gây dư luận tiêu cực trong xã hội. Thời gian qua, một số cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí thường tập trung vào những cuốn sách văn học, nghệ thuật vi phạm để tuyên truyền, phát tán “chui” trên thị trường. Thậm chí, một số hội nhóm ở nước ngoài còn thành lập “nhà xuất bản tự do” in ấn, phát hành những cuốn sách văn học, nghệ thuật có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Chính vì vậy, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần hoạt động tích cực nhằm ngăn chặn có hiệu quả những vi phạm nghiêm trọng này.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác cán bộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kĩ năng, nhận thức của đội ngũ biên tập viên, lãnh đạo nhà xuất bản với công tác xuất bản sách văn học, nghệ thuật. Cơ quan quản lí, cơ quan chủ quản cần tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ biên tập viên. Cùng với đó, người làm công tác biên tập phải thường xuyên, tích cực, tự giác rèn giũa kiến thức văn học, nghệ thuật cũng như kĩ năng, nghiệp vụ xuất bản; chủ động trao đổi với tác giả về những nội dung khúc mắc, sai sót hoặc nhầm lẫn trong bản thảo; xác định trách nhiệm là “người gác cổng” cẩn trọng, tỉ mỉ và nhạy bén trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khóa V diễn ra ngày 12 tháng 7 năm 2023, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Đội ngũ những người làm xuất bản đã và đang phát huy vai trò tiên phong, không quản khó khăn, gian khó, đổi mới, sáng tạo thực hiện tốt trách nhiệm, sứ mệnh của của mình; tích cực, chủ động trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch”(5). Qua đó, mỗi cán bộ, biên tập viên, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực xuất bản phải chọn lọc được những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị, dũng cảm từ chối những bản thảo có chất lượng kém hay nghiêm trọng hơn là độc hại, xuyên tạc, phản động.
Thứ năm, nâng cao chất lượng đội ngũ cộng tác viên và chất lượng bản thảo sách văn học, nghệ thuật. Định hướng, kích thích người nghệ sĩ chú trọng sáng tác những đề tài lớn của đất nước, dân tộc, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; dành thêm nhiều tâm huyết với đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng. Cộng tác viên sách văn học, nghệ thuật là những nghệ sĩ với tài năng nghệ thuật và cá tính sáng tạo riêng biệt. Trong quá trình sáng tạo, người nghệ sĩ luôn ý thức về những giá trị lớn lao mà tác phẩm văn học, nghệ thuật đem đến cho xã hội, con người. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, người viết đôi khi quá nhiệt tình tiếp cận những vấn đề “nóng” mà xao nhãng trách nhiệm của công dân, hay thậm chí một bộ phận nhỏ có ý đồ chính trị không tốt đã chủ đích xây dựng những hình tượng phản cảm, chạy theo thị hiếu tầm thường, phản động, gây hoang mang, bức xúc cho người đọc. Bản thảo văn học, nghệ thuật thật sự chất lượng phải viết bằng trái tim ấm nóng, nhiệt huyết tràn đầy và một khối óc tỉnh táo, khách quan, mang tính xây dựng, thượng tôn pháp luật của người nghệ sĩ. Nếu làm được như thế, dù viết về vấn đề nào, những sự kiện gai góc đến đâu, người nghệ sĩ hoàn toàn có cách để xử lí phù hợp, đảm bảo hấp dẫn, cuốn hút người đọc.
Trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, việc nhận diện, đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động trong xuất bản sách văn học, nghệ thuật có vai trò quan trọng. Qua đó, góp phần giúp công tác xuất bản nói chung và xuất bản sách văn học, nghệ thuật nói riêng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của độc giả, có khả năng “miễn dịch” trước những hành động chống phá của thế lực thù địch, tác động tích cực vào nhận thức của xã hội, tạo động lực phát triển sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định về vai trò của công tác xuất bản “là một trong những hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân; là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”(6)
N.Đ.H
------------------
1.Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.454.
2.Ban Tuyên giáo Trung ương, Xuất bản Việt Nam - 70 năm xây dựng và phát triển (1952 - 2022), Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.75.
3.Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.146.
4.Cục Xuất bản, Những vấn đề cần chú ý trong công tác biên tập xuất bản, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2010, tr.583.
5.Toàn văn phát biểu của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa tại Đại hội đại biểu Hội Xuất bản,
https://vietnamnet.vn/toan-van-phat-bieu-cua-ong-nguyen-trong-nghia-tai-dai-hoi-dai-bieu-hoi-xuat-ban-2164643.html.
6.Ban Tuyên giáo Trung ương, Xuất bản Việt Nam - 70 năm xây dựng và phát triển (1952 - 2022), sđd, tr.8.
VNQD