Đứa con đi hoang trở về

Tuổi trẻ, tại sao mình ra đi?

Thứ Bảy, 01/08/2020 08:00

Lấy ý tưởng từ dụ ngôn Đứa con hoang đàng trong Kinh Thánh, Andre Gide xây dựng nên một cấu trúc truyện kể đầy day dứt với bốn cuộc đối thoại: người con hoang đàng, đối thoại với người cha, đối thoại với người anh cả, đối thoại với mẹ, đối thoại với em trai. Có thể nói, chỉ với bốn đoạn thoại ngắn, cuốn sách của Gide đã thức tỉnh hàng triệu trái tim con người trên mỗi hành trình ra đi và trở về.

Tuổi trẻ với những đam mê, khát vọng, đáp lại lời vẫy gọi từ xa xôi, chúng ta cất bước ra đi như hành trình tìm kiếm chính mình. Nhưng, ngày kia, khi bước chân đã mỏi mệt, khi con người đã nếm trải gió bụi lầm lạc, chúng ta mới chợt nhận ra, về bên gia đình, mẹ cha, bên những người thân yêu, trong căn nhà nhỏ đầy yêu thương, thật khó lí giải tại sao ngày ấy chúng ta đã ra đi. Đứa con đi hoang trở về, cuốn sách mỏng của André Gide (Nxb Văn hóa – Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, quý IV, 2018) là một kiệt tác về sự thức nhận xa xót ấy.

Lấy ý tưởng từ dụ ngôn Đứa con hoang đàng trong Kinh Thánh, Andre Gide xây dựng nên một cấu trúc truyện kể đầy day dứt với bốn cuộc đối thoại: người con hoang đàng, đối thoại với người cha, đối thoại với người anh cả, đối thoại với mẹ, đối thoại với em trai. Có thể nói, chỉ với bốn đoạn thoại ngắn, cuốn sách của Gide đã thức tỉnh hàng triệu trái tim con người trên mỗi hành trình ra đi và trở về.

Thân phận của chúng ta phải chăng là một kẻ tha hương, một kẻ lưu đầy với giấc mơ hạnh phúc xa xôi. Ngày kia, trong hình hài xác xơ, kiệt quệ, khi những ráo riết kiếm tìm chỉ trả lại cho con người nỗi u buồn trống rỗng, chúng ta không thôi ăn năn và ngùi nhớ về vầng trán bao dung của cha, đôi mắt đẫm buồn của mẹ cùng những ký ức thân yêu đã từng có giữa tay mình. Đứa con hoang đàng là hình ảnh của một sự phá sản trên hành trình rời bỏ Ngôi nhà. Đói rét, rách rưới, sự bạc bẽo của đời cùng biết bao lâm lụy đã vùi hình hài thanh trẻ kia trong nỗi tiếc nuối day dứt mà chỉ ở cuối con đường chúng ta mới nhận ra: “… cái gì trong con ta biết. Cha biết cái gì thúc giục con lên đường, cha đã chờ con ở cuối con đường. Lẽ ra con cứ gọi cha… cha có mặt đấy” (tr.30). Trở về, lòng bao dung che chở của Ngôi nhà càng làm cho ngày tháng lưu lạc như một kí ức đầy ăn năn. Người cha vẫn dành cho đứa con đi hoang niềm yêu thương độ lượng, người anh cần mẫn nghiêm khắc vẫn cất giữ, chăm chút cho em khoản điền sản xứng đáng. Và hơn hết, mỗi sáng, mỗi tối, mẹ chờ ta trong dáng hình mòn mỏi: “Mẹ ơi! Con trở về với mẹ vô cùng bé mọn. Mẹ trông con đặt trán con dưới tim mẹ đây này! Không một ý tưởng nào của con ngày qua mà hôm nay khỏi trở thành phù ảo. Bên mẹ con khó lòng hiểu nổi tại sao mình đã bỏ nhà ra đi” (tr. 41).

Đãng tử quay về trong ngôi nhà của cha mẹ với niềm ăn năn vì sự ra đi và tìm kiếm bất thành. Cuốn sách của André Gide mang đầy ý niệm tượng trưng và kết nối sâu sắc với truyền thống văn hóa, tôn giáo châu Âu. Ra đi, lưu đầy, thất bại, trở về, Ngôi nhà, Cha Mẹ… là những biểu tượng cho hành trình sống, thân phận của mỗi con người. Sau cuộc nói chuyện với người cha, người anh, và mẹ, kẻ phóng đãng có cuộc trò chuyện với người em trạc tuổi mình ngày ra đi. Có lẽ, phần này mới chính là tâm điểm trong tư tưởng của Gide khi ông tái lập bóng hình của đãng tử ngày xưa thông qua hình ảnh đứa em trai bây giờ. Đó là đêm cuối cùng, khi da trời đã nhạt, đứa em kia lại sẽ ra đi, dấn thân vào hành trình kiếm tìm đầy hào hứng như người anh thuở nọ. Không ngăn cản dù đã thấm thía tận cùng những đầy đọa trên đường, người anh đãng tử cầu mong em sẽ không phải quay về như mình: “Da trời đã phai nhạt. Em hãy đi, đừng kinh động. Nào! Choàng lấy anh, em tôi, mang theo tất cả hi vọng của anh, của anh. Mạnh lên, em khá quên những người ở lại, quên anh. Mong sao em chớ quay về…” (tr. 64).

Người đọc sẽ không thấy mâu thuẫn hay phi lí, bởi lẽ trong ý niệm của Gide, ra đi là một cuộc tìm kiếm mà trải nghiệm chính là kết quả ở trên đường. Gide ảnh hưởng lớn đến các văn thi sĩ lãng mạn, đặc biệt là khuynh hướng xê dịch – ta thấy rất rõ trong văn học tiền chiến Việt Nam (1932 - 1945). Ra đi, như những lia lẽ đầy ăn năn của đãng tử, chúng ta sẽ tìm thấy trên đường những nguồn sống khác, những trải nghiệm mới, những đất trời và cảnh sắc khác với Ngôi nhà luôn che chở và bao bọc… Tư tưởng của Andre Gide xuất phát từ dụ ngôn tôn giáo nhưng đã khai triển một nhận thức khác cho những kẻ đam mê chân trời.

Đứa con đi hoang trở về là một diễn ngôn tượng trưng cho thân phận con người, kế thừa và khai triển trên nền tảng của dụ ngôn tôn giáo. Cuốn sách mỏng mà chất đầy suy tư, vừa nhắc nhở cảnh báo lại vừa vẫy gọi thúc giục. Chắc hẳn, tuổi trẻ ai cũng đầy khát vọng ra đi, ấy là khí chất, đam mê, nhưng, ngày kia, mọi nẻo đường dường như lại dẫn về Ngôi nhà của Mẹ Cha. Câu chuyện ấy như một tuần hoàn, như một quy luật, khiến chúng ta không khỏi thảng thốt hay ngậm ngùi khi đọc và tự soi mình trên từng trang sách.

NGUYỄN THANH TÂM

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)