Tốt bụng hay “tốt mồm”?

Thứ Năm, 16/02/2023 00:40

. LÊ PHONG

Đạo đức có thể hiểu là những điều tốt đẹp mà con người nên theo, khác với luân lí là những điều được cho là đúng cần phải theo. Xét từ góc độ này, đạo đức duy trì trong nó tính thiện vượt qua những ràng buộc hay quy ước về mặt lợi ích. Thấy cái tốt, cái đẹp thì nên hướng đến, làm theo, cố gắng làm, xây đắp hoặc bảo vệ.

Hiện nay, mạng xã hội có thể được xem là môi trường sống mới của con người thời công nghệ. Do đặc tính liên kết và giao tiếp bằng công nghệ, nên con người không cần phải xuất hiện trực tiếp, mà thông qua các giao thức được lập trình. Việc che giấu được con người “thật” của mình là cơ hội cho những tạo dựng “ảo”, vừa mâu thuẫn lại vừa rất khó kiểm nghiệm. Từ môi trường mạng xã hội, nảy sinh nhiều vấn đề mới, phức tạp, trong đó hình thành một kiểu người luôn trưng ra bộ mặt đạo đức nhưng lại rất mâu thuẫn với con người đời thực của họ. Chỉ xét riêng trong giới văn nghệ sĩ, trí thức ở Việt Nam, chúng ta cũng thấy nhiều câu chuyện vừa hài hước, vừa đáng thương, đáng trách của lối sống đạo đức “mạng” này. Một ông nhà văn nọ, vì có chút tiếng tăm, trên mạng xã hội cũng có ít nhiều ảnh hưởng, thu hút được khá đông đảo người xem, đọc, like và comment. Điều đó xem ra cũng là bình thường, thậm chí rất tốt. Khi trở thành người nổi tiếng thì sức ảnh hưởng của ông càng lớn. Những câu chuyện đạo đức được ông đề cao, phân tích, đánh giá, thậm chí là dùng để phê phán những kẻ thiếu đạo đức, tha hóa, biến chất. Điều này cũng tốt, khi từ đó lan tỏa được tinh thần liêm chính, công chính. Tuy vậy, ít ai biết rằng, đằng sau những tạo dựng ảo đó, lại là một người từng ve vuốt chính những kẻ mà ông phê phán, ông từng nhận không ít ân huệ, mưa móc từ những kẻ tha hóa, biến chất. Thậm chí, những kẻ tha hóa mà ông phê phán kia chính là người chu cấp kinh phí cho ông ngao du dưới mĩ từ “thực tế sáng tác”. Trắng ra, những điều vừa nói vốn là lẽ thường của cuộc mưu sinh, cộng sinh. Giá ông ta cứ im lặng, đừng lên giọng đạo đức, như thể là mình chưa hề nhiễm bẩn, như thể tay mình chưa hề nhúng chàm và mình cũng liêm khiết từ chối những mưa móc từ bọn vô đạo, thì đã không sao. Đằng này, ông muốn dư luận thấy ông là người công chính, trong khi, bản thân ông trong thực tế cũng là kẻ tha hóa, thậm chí là vô đạo khi “qua cầu rút ván”, “ăn cháo đá bát”. Ông có dám phê phán mình không? Ông có dám thừa nhận những lần bán mình cho quỷ dữ của ông không? Ông không dám, ông giấu đi, để trưng ra khuôn mặt đạo đức của mình trên mạng. Như thế, cái đạo đức của ông có đáng tin, có thuyết phục không? Kẻ tha hóa, biến chất đã bị trừng trị. Còn ông? Lương tâm và đạo đức thực sự sẽ luôn chất vấn những gì ông đã làm. Nghĩ về những “người tốt”, “những nhà đạo đức” trên mạng, tôi khá thích thú với một quan điểm của nghệ sĩ Xuân Bắc trên kênh truyền hình Thông tấn xã Việt Nam rằng, đó là những kẻ “tốt mồm”.

Vẫn là chuyện đạo đức mạng, lắm khi tôi không thể hiểu nổi, tại sao có những người mà cái gì cũng chê. Chợt nhớ một bình luận xửa xưa khi người ta nói về Vũ Trọng Phụng, đại ý rằng, nhà văn nhìn đời bằng cặp kính đen. Quả thực, nhiều văn nghệ sĩ trí thức trên mạng xã hội chả ưa thứ gì, thấy cái gì cũng là sai, là hỏng. Hỏng hết! Đành rằng, trí thức là phải phản biện, là khắc khoải băn khoăn đi tìm chân lí. Nhưng, không phải hắt chậu nước là hắt luôn đứa trẻ. Phê mà đúng, có chứng cứ, có phân tích, thì mới thuyết phục được người khác. Đồng thời, trong cái phê ấy, biết nhận ra cái cần trân trọng, cái cần phát huy, đồng thời ghi nhận được tâm sức, trí tuệ của người làm, ấy mới là cái đạo cần giữ vậy. Có lần, vui miệng, tôi hỏi: Anh hay phê như vậy, theo anh phải làm thế nào? Thật hồn nhiên, trí thức nọ nói: Làm ngược lại. Đó là cách nói rất thiếu trách nhiệm, cho thấy những điều mà anh ta cao giọng trên mạng là thứ đạo đức trá hình, thứ công chính ngụy tạo, nguy hiểm hơn, nó che mắt nhiều người khác, làm tình hình trở nên rối hơn, tiêu cực hơn. Đó là lúc ta nhận ra, đạo đức “mạng” là một thứ cần phải được xem xét tỉnh táo và dành cho nó sự cẩn trọng khi tiếp nhận. Không phải cứ ai lên giọng đạo đức cũng là người có đạo đức. Điều đó thì không phải là “ảo”. Lắm khi, soi chiếu vào chính bản thân chúng ta, vẫn lên giọng đạo đức, công chính, liêm khiết chỗ này chỗ nọ; vẫn nói lời hay ý đẹp cùng với ý nghĩa nhân văn cao cả, hướng đến con người; thế nhưng, ngay một lời nói cho tử tế với những người thân yêu của mình, chúng ta vẫn còn chưa làm nổi. Chúng ta phê phán cái xấu nhưng không ít lần tiếp tay cho cái xấu. Im lặng là vàng, nhưng im lặng để cái xấu hoành hành, cái ác ngang nhiên phủ bóng lên đời sống, cái giả trá ngụy tạo trà trộn làm đảo lộn mọi giá trị, đó là sự im lặng vô trách nhiệm. Chợt nhớ, Tố Hữu từng viết: Dẫu một cây chông trừ giặc Mĩ/ Hơn nghìn trang giấy luận văn chương. Dĩ nhiên, cái ích lợi của văn chương chẳng phải là cái cụ thể hữu hình để cân đo đong đếm, nhưng những cao đàm khoát luận, những rao giảng siêu hình lắm khi thấy hoài công, vô nghĩa, trong khi những người nghèo vẫn ngụp lặn dưới đáy xã hội, trẻ em vùng cao vẫn không có cơm ăn, áo mặc; người ốm đau thiếu thuốc chữa bệnh, tệ nạn xã hội ngày thêm nhức nhối, đạo đức ngày càng suy thoái, môi trường sinh thái đang từng ngày bị hủy diệt… Văn chương ở đâu? Người nghệ sĩ với bầu máu nóng hướng về sự sống nhân văn, nhân bản ở đâu? Thà thắp lên một ngọn nến nhỏ còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối, câu châm ngôn ấy nói với chúng ta về ý nghĩa của sự tồn tại trong tinh thần hướng về ánh sáng, dẫu quanh mình đầy bóng tối.

Một xã hội bình thường luôn phải chấp nhận thực tế là cùng tồn tại những mặt đối lập. Mâu thuẫn là động lực của phát triển. Nhưng phải hiểu và hi vọng ở phía phát triển, nghĩa là ở cực tốt đẹp, đạo đức, nhân văn của nó, dẫu ta có phẫn nộ với cái xấu, cái ác, cái tiêu cực bao nhiêu chăng nữa. Trong hoạt động sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật cũng vậy. Vũ Trọng Phụng có phải là nhà văn nhìn đời bằng cặp kính đen, để chỉ thấy đời là một màu đen u ám, băng hoại, đáng phỉ nhổ hay không? Không! Ông đã viết bằng những trải nghiệm chua chát nhất của đời mình, đã lặn ngụp trong bể đời đầy ung nhọt và tật bệnh; nhưng sau mỗi trang văn cười khóc của ông, lương tri sẽ được đánh thức; cái tốt đẹp, cái đáng trân trọng có cơ hội được ý thức hơn. Và vì thế, cuộc đời may ra sẽ tìm thấy ánh sáng le lói phía cuối đường hầm. Các nhà văn - nghệ sĩ đương đại, trong những tình thế bất đắc chí của tồn tại, nếu chỉ thấy rặt một nỗi chán chường, vô nghĩa lí, để rồi trút vào cái gọi là nghệ thuật niềm căm phẫn, nỗi bi quan không lối thoát, vậy thì nghệ thuật sẽ đi về đâu, sẽ mang lại ích lợi gì cho cuộc đời này. Không có một sự biện minh nào là thỏa đáng trước nỗi đau và nước mắt của cuộc đời. Bởi thế, những tô vẽ mang gương mặt đạo đức, không chỉ trên không gian mạng, mà trong tất cả hiện diện của đời sống, sẽ lập tức bị tuột rơi chiếc mặt nạ của mình khi ta nhìn vào chính lương tâm, lương tri của mình.

L.P

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)