Người “tiền trạm” Hội nghị Paris lại về với Huế

Chủ Nhật, 29/01/2023 00:37

. NGUYỄN KHẮC PHÊ
 

Nhan đề bài viết như là huyền thoại, bởi người “tiền trạm” chuẩn bị cho Hội nghị Paris 1968 - 1973 là nhà ngoại giao kì cựu - Đại tá Hà Văn Lâu đã về với tổ tiên bên làng Sình từ sáu năm trước. Tuy vậy, có lẽ chưa bao giờ hình ảnh nhà ngoại giao trưởng thành từ vùng quê có hội vật nổi tiếng nơi ngã ba sông Hương - sông Bồ lại hiện diện đầy đủ, phong phú như thể tại một “địa chỉ vàng” bên cầu Trường Tiền vào những ngày tháng 12 lịch sử này.

Có thể nói như thế vì cuộc triển lãm ảnh và sách về cuộc đời ông đang diễn ra tại một địa chỉ đặc biệt: Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị bên cầu Trường Tiền. Nữ nghệ sĩ điêu khắc nổi tiếng và nhà ngoại giao họ Hà đều có duyên gắn kết với Paris và cùng góp phần làm rạng danh đất Việt trên trường quốc tế. Với ông Hà Văn Lâu, cũng vào những ngày tháng 12 lịch sử, quanh “địa chỉ vàng” trên đất Huế này là nơi diễn ra trận mở đầu cuộc chiến trường kì chín năm lần thứ nhất khi ông vừa rời mặt trận Nha Trang về nhận nhiệm vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn Trần Cao Vân ngày 11/12/1946…

Nói chuyện người đi “tiền trạm” chuẩn bị cho Hội nghị Paris 1968 - 1973 mà lại nhắc đến cuộc chiến chống quân xâm lược từ 1946 vì chính những hi sinh không thể kể xiết của quân và dân ta suốt hai cuộc trường chinh đã buộc đối phương ngồi vào bàn đàm phán. Trong cuộc chiến đấu trên cả hai mặt trận quân sự và ngoại giao, ông Hà Văn Lâu là một nhân vật đặc biệt vì đã tham gia cả Hội nghị Genève 1954 và Paris 1968 - 1973. Cuộc đời gần một thế kỉ của ông là cả một thiên tiểu thuyết sử thi…

Trong chiều mưa Huế tầm tã, từ phòng triển lãm sách và ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của nhà ngoại giao - Đại tá Hà Văn Lâu, nhìn ra cầu Trường Tiền, tôi bỗng nhớ đến cuốn truyện kí Hà Văn Lâu, người đi từ bến làng Sình (Nxb Phụ nữ, 2004) của nhà văn Trần Công Tấn mà thực chất chính là tự truyện của ông Hà Văn Lâu do nhà văn chấp bút, trong đó có đoạn miêu tả những ngày đầu tháng 12/1946, từ mặt trận Nha Trang nóng bỏng trở về chỉ huy mặt trận Huế theo lệnh trên: “Sáng ngày 11, chiếc xe dừng lại bên này cầu Trường Tiền. Sông Hương đã hiện ra trước mắt… Sáu Lâu nghĩ bụng: Bây giờ được bước lên một con thuyền xuôi dòng chỉ hết vài bài hò mái nhì, mái đẩy là đến ngã ba Sình, nơi mẹ và Diệu Hương đang ngày đêm trông con, đợi chồng…”

Lúc đó, Huế thanh bình đang như một lò thuốc súng sắp bùng nổ vì quân xâm lược đã bắt đầu quay lại. Vị tân chỉ huy Trung đoàn Trần Cao Vân chưa đầy ba mươi tuổi đành gác tình riêng vì phải đến trụ sở Việt Minh Trung Bộ đóng gần cửa Thượng Tứ gặp ngay Bí thư Xứ ủy Nguyễn Chí Thanh nhận nhiệm vụ mới, rồi cùng các chỉ huy trong Ban Chỉ huy Trung đoàn Trần Gia Hội, Hoàng Lưu, Phùng Đông kiểm tra quân ngũ, bố trí trận địa…

Trong bài Trở về chiến đấu trên quê hương ở phần I cuốn sách Đại tá Hà Văn Lâu, hồi ức cách mạng trong kỉ niệm (Hà Thị Diệu Hồng và Kiều Mai Sơn tuyển chọn, biên soạn, Nxb Thông tin & Truyền thông) vừa xuất bản đầu tháng 12/2022, ông Hà Văn Lâu kể: “Sau khi tìm hiểu các đơn vị thuộc quyền chỉ huy, tôi liền đi điều tra địa hình thành phố Huế. Ngồi trên mình con ngựa Carôlin mà trung đoàn tiếp thu của vua Bảo Đại, tôi cùng chú liên lạc Phan Nghi đi xem xét các ngõ ngách trong nội thành, rồi qua nắm địa bàn quân Pháp đóng bên bờ Nam sông Hương. Sau đó, chúng tôi đi ra ngoại thành và quanh vùng ven Huế. Lúc ngang qua làng Sình - Lại Ân, tôi ghé thăm mẹ và Diệu Hương độ nửa giờ. Vợ tôi thì sau khi vỡ mặt trận ít lâu, anh em trong đơn vị đón lên chiến khu, còn mẹ thì có ngờ đâu lần từ giã hôm đó là lần gặp lại mẹ cuối cùng trong đời. Ba mươi năm sau (1976), tôi mới được trở lại làng Sình, thì mẹ đã mất trước đó mười năm! Tôi còn nhớ mãi lời mẹ dặn hôm đó: Đi cho mạnh giỏi, đánh mau cho hết Tây rồi về với mẹ nghe con... Tôi gạt nước mắt từ giã mẹ rồi vội vàng trở về làm phương án tác chiến…”

Những thất bại của đội quân xâm lược trên đất “Bình Trị Thiên khói lửa” và các mặt trận khác đã buộc Thủ tướng Pháp Lanien ngày 20/10/1953 tuyên bố chọn giải pháp thương lượng với Việt Minh để đình chiến. Điều thú vị là vị chỉ huy mặt trận Bình Trị Thiên từng học tiếng Tây thuở nhỏ, khi được chọn tham gia Đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã gặp lại giáo sư Tạ Quang Bửu, người thầy lớp trung học dạy ông ở Huế mười mấy năm trước. Do chàng trai làng Sình mơ ước được xuất ngoại, không muốn làm thuê cho chế độ thuộc địa, đã theo học lớp quân sự đào tạo hạ sĩ quan trù bị do Pháp mở tại Nhà Trang, chúng dự tính gửi đi tham gia Thế chiến II đánh phát xít Đức, nhưng rồi Thống chế Pétain đầu hàng, chàng có cơ hội được mời huấn luyện quân sự cho tự vệ vùng phủ Ninh Hòa (Khánh Hòa) trước Cách mạng tháng Tám, nên Hà Văn Lâu cùng giáo sư Tạ Quang Bửu được giao nghiên cứu các vấn đề quân sự khi chuẩn bị kí Hiệp nghị Genève.

Trong cuốn sách của nhà văn Trần Công Tấn đã dẫn, có đoạn ghi lại không khí tại Genève khi nhận tin quân ta đại thắng tại Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954: “Đêm hôm đó, cái đêm lịch sử mà suốt cuộc đời Sáu Lâu không bao giờ quên được… Cả Genève và nước Pháp sửng sốt, cả địa cầu chấn động. Tại tòa nhà Le Versoix trụ sở của đoàn ta đèn rực sáng suốt đêm. Không ai ngủ được. Điện thoại, điện tín của bạn bè các nước khắp các nơi trên thế giới và trong nước gọi đến chúc mừng…” Và 16 giờ 30 phút, theo sau đồng chí Phạm Văn Đồng và Tạ Quang Bửu, Đại tá Hà Văn Lâu lên chiếc xe bóng lộn đến dự khai mạc Hội nghị Genève lịch sử…

Lịch sử không lặp lại, nhưng có những sự trùng hợp ngẫu nhiên lí thú. Mười bốn năm sau, năm 1968, cũng ngày 7/5, ông Hà Văn Lâu và Nguyễn Minh Vỹ, người bạn cùng trong Ban Chỉ huy mặt trận Nha Trang 1946, sang Paris làm “tiền trạm” cho cuộc đàm phán kéo dài đến năm năm để có Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được kí ngày 27/1/1973. Và Hiệp định cũng chỉ được kí kết sau trận “Điện Biên Phủ trên không” - Hà Nội, tháng 12/1972. Là người đã quen giao thiệp với quan chức ngoại giao, báo chí phương Tây qua Hội nghị Genève 1954 và cả Hội nghị về Lào 1961 - 1962, ông Hà Văn Lâu được chọn làm “tiền trạm” cho cuộc hòa đàm Paris cũng là điều dễ hiểu…

*

*      *

Với ông Hà Văn Lâu, tôi là kẻ hậu sinh; tôi sinh năm 1939 - Kỷ Mão, còn ông sinh năm 1918 - Mậu Ngọ. Nhắc các tuổi theo các con giáp vì bỗng thấy có chút “linh nghiệm”. Ông tuổi con Ngựa, hèn chi bay khắp thế giới; còn tôi tuổi con Mèo, nên chỉ quanh quẩn ở Bình Trị Thiên. Năm 1968, khi ông Hà Văn Lâu bay sang Pháp làm “tiền trạm” chuẩn bị cho Hội nghị Paris lịch sử thì đó là những ngày tôi vừa được chuyển từ đường 12A dưới chân đèo Mụ Giạ sau mấy trận sốt rét suýt chết về “bám” các bến phà sông Gianh, Quán Hàu, các đơn vị vận tải trên sông Nhật Lệ, Kiến Giang, nơi các thủy thủ đang vật lộn trên mặt nước lúc này đã thành cái bẫy giết người đầy thủy lôi và bom từ trường mai phục, từ khi đối phương thực hiện kế hoạch “ném bom hạn chế” để bắt đầu cuộc hòa đàm Paris mà ông Hà Văn Lâu mang chức trách “phụ tá trưởng đoàn” Xuân Thủy.

Những ngày đó, thỉnh thoảng qua đài BBC và Hoa Kì, tôi nghe tên Hà Văn Lâu mà chẳng mấy quan tâm vì nghìn trùng xa cách, thậm chí có lúc bực bội với kiểu đàm phán giằng dai, họp rồi ngưng, rồi lại họp, đối phương thì ngừng ném bom từ vĩ tuyến này đổi sang vĩ tuyến khác khiến đội quân giao thông vận tải chúng tôi xoay trở rất khó nhọc. Sau này mới hay ông và tôi cùng một chiến tuyến, thậm chí đang cùng áp dụng một chiến thuật chứng tỏ cho đối phương biết chúng ta nhất định không “xuống thang”. Thì ra những chuyến hàng vượt qua thủy lôi ở sông Gianh, Nhật Lệ là để chuẩn bị cho các chiến dịch lớn ở Quảng Trị, tiếp sau chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, chứng tỏ sức mạnh vũ khí không thể khuất phục cả một dân tộc có truyền thống ngàn năm chống ngoại xâm.

Vậy mà rồi không ngờ, nhờ có duyên được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 kết nối, tôi được “gặp” nhà ngoại giao - Đại tá Hà Văn Lâu tại làng Sình, quê ông. Vào một ngày tháng 4 đẹp trời, nắng ấm trải khắp những miệt vườn xanh tươi vùng quê yên bình bên sông Hương, Đại sứ Hà Thị Ngọc Hà, con gái ông Hà Văn Lâu, đưa nhóm cán bộ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia về quê nhà, để bàn giao tiếp những tư liệu quý của thân phụ cho Trung tâm, trong đó có nhiều bức ảnh quý về hai cuộc hòa đàm lịch sử ở Genève 1954 và Paris 1968 -1973, chuẩn bị cho các hoạt động kỉ niệm 50 năm kí Hiệp định Paris (1973 - 2023).

Từ chiếc bàn trải đầy những tấm ảnh tư liệu quý của nhà ngoại giao kì cựu mà chị Hà đang “bàn giao” cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, tôi nhẹ bước dọc theo hàng cau ra cổng, xuống bến đò. Dưới bóng xà cừ cổ thụ, một chiếc đò vừa từ ngã ba làng Sình cập bến. Bến đò buổi trưa thật yên tĩnh, nhưng con đò trước một ngã ba như mời gọi, như thúc giục những chuyến đi, gợi nghĩ đến chặng đường dài gần một thế kỉ với không biết bao nhiêu khúc quanh, bao lần phải chọn lựa trước “ngã ba” đường đời của ông Hà Văn Lâu. Một cuộc đời thật đặc biệt, mỗi cột mốc, mỗi bước ngoặt trên đường đời của ông đều gắn với những sự kiện quan trọng của đất nước; đặc biệt ngay từ cái tên.

Thân phụ của ông Hà Văn Lâu, một thầy giáo tiểu học trường làng, đã trả lời vợ - cô Tăng Thị Nga, trước ngày cô “vượt cạn” về tên đứa con sắp ra đời: “Tôi tên Phu, anh hắn Văn Công, còn hắn là Hà Văn Lâu…” Cô Nga cười: “Sao không đặt Mau cho mau lớn mà lại là Lâu?” Thầy Phu nói nhỏ vào tai vợ: “Để nhớ một kỉ niệm mình ơi!”

“Kỉ niệm” ấy gắn với câu hò do nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị sáng tác để tưởng nhớ ông vua đã quên mình vì đất nước: Chiều chiều trước bến Văn Lâu/ Ai ngồi ai câu/ Ai sầu ai thảm, ai thương ai cảm, ai nhớ ai trông… Cuộc khởi nghĩa bất thành, nhưng lòng yêu nước và ý chí chống quân xâm lược trong lòng dân Huế vẫn nồng đượm như một lò than âm ỉ cháy.

Thầy Phu kí thác ước vọng cao đẹp vào cậu bé Văn Lâu ra đời hai năm sau khi vua Duy Tân bị đày biệt xứ. Không ngờ cái tên ấy “ứng” với cả cuộc đời ông - người con làng Sình sớm biết vứt bỏ thân phận một viên chức nhỏ chế độ thuộc địa, trở thành vị chỉ huy quân sự ngay từ mặt trận chống Pháp tại Nha Trang năm 1946, rồi Tư lệnh trưởng Mặt trận Bình Trị Thiên những năm gian khổ, ác liệt nhất, nhưng mãi chỉ mang quân hàm đại tá. Ông cũng là vị đại sứ lâu năm nhất tại nhiều nước châu Âu và tại Liên hiệp quốc tham gia cả hai Hội nghị Genève 1954 và Paris 1968 - 1973… Sau này, trong dịp gặp lại bạn đồng niên - đồng đội cũ, có người trêu đùa gọi ông là “tam đại… lâu”: đại tá Lâu, đại sứ Lâu và đại diện Lâu, trong khi cấp dưới của ông nhiều người lên thiếu tướng, trung tướng, thượng tướng. Hà Văn Lâu cười hiền hỏi lại: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang quân hàm đó ngót nửa thế kỉ, có thấy kêu phong nguyên soái gì đâu!”

Ông Hà Văn Lâu vui vẻ nói vậy chứ biết hoàn cảnh riêng của mình, được Hồ Chủ tịch và Đảng tin cậy trao nhiều trọng trách cả trên mặt trận quân sự và ngoại giao là vinh dự không chức vị gì so sánh được. Hà Văn Lâu được gặp Bác Hồ nhiều lần, nhưng đáng nhớ nhất có lẽ là lần đầu tiên, khi từ chiến trường Bình Trị Thiên ông ra Việt Bắc báo cáo tình hình mặt trận với Bộ Tổng Tư lệnh, rồi được mời dự lễ mừng sinh nhật Bác Hồ tròn 60 tuổi (19/5/1950). Trong bữa cơm thân mật, ông được bố trí ngồi cạnh Bác, càng thấu hiểu tình cảm sâu nặng Bác Hồ dành cho mặt trận “Bình Trị Thiên khói lửa”…

Mười tám năm sau, tình cờ cũng vào một ngày tháng 5, Hà Văn Lâu được chọn trong nhóm “tiền trạm” sang Pháp chuẩn bị cho Hội nghị Paris. Từ ngày 7/5/1968 đó, không biết bao nhiêu là cuộc họp hẹp, họp kín hai bên rồi bốn bên mà Hà Văn Lâu thường là người được cử đối thoại với các nhà ngoại giao kì cựu phía Mĩ, chuẩn bị các bước kĩ thuật, văn bản cho những cuộc họp công khai. Sau hàng chục cuộc đấu trí gay go, đến đầu tháng 12/1968, phía Mĩ mới đồng ý họp bốn bên và chỉ riêng chuyện cái bàn họp, Hà Văn Lâu và phó đoàn Mĩ Cyrus Vance đã phải tranh cãi với nhau mất gần hai tháng qua tám phiên họp. Đằng sau kiểu dáng cái mặt bàn là cuộc đấu tranh không thể nhân nhượng về lập trường trong đàm phán. Phía Mĩ muốn chỉ hai bên, nhằm phủ nhận vai trò của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, nên đã đưa ra đến mười kiểu bàn. Ta nêu bàn hình vuông, Mĩ đề nghị bàn chữ nhật. Gặp Cyrus Vance lần thứ sáu, Hà Văn Lâu đưa ra hai kiểu bàn mới: hình thoi và hình tròn chia tư; còn Cyrus Vance đề nghị hình bầu dục cắt đôi… Mãi đến ngày 16/1/1969, trong phiên họp thứ mười, Cyrus Vance mới thông báo phía Mĩ đồng ý kiểu bàn tròn như ta đề nghị...

Phải bốn năm đấu trí nữa, sau mấy cuộc đọ sức sinh tử trên mặt trận Quảng Trị, sau khi hàng chục pháo đài bay B.52 rơi trên bầu trời Hà Nội trong trận “Điện Biên Phủ trên không”, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam mới được kí kết. Lúc đó, Hà Văn Lâu đã được Trung ương điều về nước làm công tác ngoại giao, hết đại sứ tại Cu Ba đến đại sứ tại Liên hiệp quốc, Pháp và nhiều nước châu Âu. Hai chục năm trên mặt trận mới, không tiếng súng nhưng vẫn đầy cam go, nhất là giai đoạn thế giới chưa hiểu được tình thế buộc Việt Nam phải giúp lực lượng tiến bộ Campuchia lật đổ bè lũ diệt chủng Pol Pot…

Cuộc chiến trên cả hai mặt trận mà người con làng Sình từng đảm nhận những trọng trách thật lâu dài đều tính bằng thập kỉ, đúng như cái tên mà thầy Phu đã đặt cho ông. Bác Hồ cũng chú ý đến cái tên đặc biệt này nên trong dịp ông lên báo cáo với Bác về tình hình thi hành Hiệp định Genève của đối phương, Bác nói vui: “Tên chú là Lâu, nên việc này phải làm lâu mới được. Cần phải khôn khéo, kiên trì…”

Chuyện cái tên một con người mà cũng là chuyện về bản lĩnh và phương sách duy nhất đúng của một dân tộc “nhược tiểu” nhất quyết không chịu làm nô lệ cho bất cứ ai để có ngày được ngẩng cao đầu, bình đẳng trước thiên hạ như hôm nay. Đây cũng là bài học cho mọi con người - lớp người “yếu thế” bao giờ cũng chiếm số đông trong nhân loại. Đừng mơ tưởng “đốt cháy giai đoạn” và vội hưởng thụ theo kiểu “mì ăn liền”. Như cậu bé Văn Lâu con nhà nghèo, từng bước học hỏi, rèn luyện trở thành một nhân vật được cả thế giới biết tiếng. Như cổ thụ bên bến làng Sình bền bỉ hút nhựa sống trong lòng đất mẹ và dòng Hương giang thơm ngát, không bão lũ nào quật ngã, mãi mãi tỏa bóng mát cho du khách mỗi chuyến sang sông…

Và những ngày tháng 12 lịch sử này, một lần nữa, tôi được “gặp lại” nhà ngoại giao - Đại tá Hà Văn Lâu trong ngôi biệt thự Pháp bên cầu Trường Tiền. Hơn nửa thế kỉ đã qua từ ngày đi “tiền trạm” cho Hội nghị Paris, ông về lại với Huế trong không khí náo nức tiếng hát hào hùng của các học sinh trường Trần Cao Vân với điệu múa tung bay những lá cờ Tổ quốc rực rỡ sao vàng năm cánh. Thật vui khi cả cháu nội ông - hoa hậu Hà Kiều Anh từ một phương trời xa cũng về chung tay với hai người cô thân thiết - Hà Thị Diệu Hồng và Hà Thị Ngọc Hà - lo tổ chức cuộc triển lãm, tặng quà cho trẻ em vùng quê bên làng Sình và Trường Trung học cơ sở Trần Cao Vân - đó cũng là tên trung đoàn vệ quốc đầu tiên tại Huế năm 1946 mà ông Hà Văn Lâu là Trung đoàn trưởng.

Bỗng chợt nghĩ, phương trời nào bom đạn đang xé nát bao thành phố, gia đình, sao không mau mau ngồi vào bàn đàm phán để con người được sống bên nhau ân tình vui vẻ như một chiều tháng 12 này bên dòng Hương êm trôi xuôi về ngã ba Sình…

N.K.P

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)