Tôi chỉ đơn giản muốn tìm ra lối đi của riêng mình

Thứ Bảy, 04/02/2017 00:41
Đỗ Quang Vinh
ĐỖ QUANG VINH
 

- Sinh năm 1993 tại TP Hồ Chí Minh
- Hiện sống và viết tại TP Hồ Chí Minh
- Đã xuất bản: Mèo (tập truyện ngắn); Tôi búp bê máy và những chuyến hành trình (truyện dài);  Vết cắt (truyện dài); Biến mất (tiểu thuyết)
- Tặng thưởng Văn xuôi VNQĐ năm 2016

- Chào Đỗ Quang Vinh. Xin chúc mừng anh với tặng thưởng văn xuôi 2016 của Văn nghệ Quân đội. Nói thật là tôi rất ngạc nhiên khi đọc những truyện ngắn của anh, nhất là khi biết rằng tác giả viết nó còn rất trẻ. Truyện của anh già dặn, lạ và có ý tưởng, nhất là những truyện ngắn mới được đăng tải gần đây trên Văn nghệ Quân đội. Lời đầu tiên, anh có thể chia sẻ cơ duyên đưa anh đến với văn chương?
 

+ Đối với tôi việc viết lách là một điều tự nhiên, bởi tôi vốn là người sống nội tâm, tôi hay quan sát và thắc mắc về mọi thứ xung quanh mình, điều đó đem lại những gánh nặng tinh thần và viết là cách để tôi giải tỏa bớt những gánh nặng ấy.  Đó cũng là cách để tôi lấp đầy thế giới của mình, một thú vui để giết thời gian hay mục đích để hướng tới. Tôi viết trong những giờ toán ở trường, viết khi đang học thêm tiếng Anh, đằng sau những cuốn tập lẫn trong sách giáo khoa như một cách để thư giãn. Vậy nên tôi luôn quan niệm viết là công việc dành cho chính bản thân mình trước hết. Trước khi viết bằng ngôn ngữ có lẽ tôi đã “viết” bằng trí tưởng tượng của mình. Tạo dựng nên những câu chuyện trong đầu, dù chỉ là những mảnh ghép đơn giản nhưng tôi nghĩ đó là nơi mọi thứ khởi đầu. Trước khi tôi tìm cách diễn đạt được những ý tưởng bằng lời thì tôi đã diễn đạt chúng bằng hình ảnh…

- Các truyện ngắn gần đây thường có dung lượng ngắn, để phù hợp đăng tải trên các phương tiện báo chí cũng như nhu cầu của người đọc hiện đại. Nhưng tôi thấy các tác phẩm của anh, cụ thể là trong tập “Mèo” và các truyện anh mới viết thường có một dung lượng dài hơn thông thường. Phải chăng anh muốn  khước từ báo chí hay có một hướng đi mới ở thể loại truyện ngắn?
+ Thật sự mà nói khi viết tôi không suy nghĩ quá nhiều đến dung lượng của tác phẩm, khi viết tôi thấy mình bị cuốn hút theo câu chuyện và các chi tiết nảy nở ra đòi hỏi phải được thể hiện mà không có một sự cắt giảm hay ràng buộc nào. Dù có một thời gian ngắn tôi cũng cố gắng tiết chế độ dài để có thể phù hợp với báo chí nhưng bản thân câu chuyện lại trở nên què cụt, méo mó điều đó khiến tôi cảm thấy không hài lòng về tác phẩm của mình.
Tôi nghĩ rằng độ dài của tác phẩm không phải do tác giả mà là do chính cốt truyện quyết định. Tôi không thể viết ngắn khi có quá nhiều điều cần được thể hiện cũng không thể viết dài thêm khi nội dung đã hết. Không hẳn là khước từ báo chí hay tìm một hướng đi mới tôi chỉ đơn thuần để câu chuyện của mình có được một sức sống tự nhiên và không bị gượng ép.
Khi viết tôi cũng không nghĩ cái mình viết ra sẽ được đăng tải ở đâu đó, tôi chỉ muốn chúng có sự trọn vẹn. Đối với tôi cái quan trọng nhất vẫn là bản thân của câu chuyện hơn là việc nó sẽ phù hợp với ai hay cái gì.

- Người ta đã nói nhiều đến sự hoang mang không phương hướng của người trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời khi mà có quá nhiều khó khăn, thách thức đang chờ đợi họ và cả những chấn thương tinh thần nhiều khi rất khó giải thích. Tôi cũng thấy điều này thể hiện khá đậm đặc trong các tác phẩm của anh. Có đúng là người trẻ luôn trong một tâm trạng hoang mang như thế không, và cách miêu tả của anh, liệu có quá phóng đại hay đó thực là những cảm quan của người viết?
+ Văn chương của tôi hoàn toàn là hư cấu nhưng tôi nghĩ cốt lõi của chúng không hẳn là sự phóng đại. Tôi luôn thấy tồn tại quanh mình là những con người không toàn vẹn vì nhiều nguyên do và chính tôi cũng là một nhân cách không toàn vẹn. Dù vậy trong thế giới ngày nay hình như người ta mang những áp lực về sự hoàn hảo dù trên thực tế tất cả đều bất toàn, điều này khiến cho con người trở nên sợ hãi và không còn tin vào bản thân mình nữa, cố gắng chạy trốn khỏi cái tôi và chối bỏ thực tại. Không hẳn chỉ là giới trẻ, mỗi thế hệ lại bất toàn theo những cách khác nhau; nhưng điều này đậm đặc ở giới trẻ bởi vì người trẻ đang cố tìm những tiếng nói của riêng mình. Họ còn lạ lẫm với cách mọi thứ diễn ra, còn có những điều không thể chấp nhận và sự bất lực còn làm họ đau đớn.
Tôi nghĩ tới một độ tuổi nào đó con người ta sẽ trở nên cùn mòn và không còn cảm nhận được điều gì thực sự xảy ra nữa, người ta học cách chấp nhận. Không phải luôn là như vậy nhưng với tôi đó là một xu hướng chung. Những sự áp đặt diễn ra ở khắp nơi và như một “lẽ hiển nhiên” trong tâm trí nhiều người. Chỉ có ở người trẻ cơn đau mới nguyên vẹn và có sức sống nhất.
Nhưng đúng như anh nói, có những chấn thương tinh thần khó mà giải thích được. Có những người còn không nhận ra là mình đang tổn thương, họ chỉ vùng vẫy một cách vô vọng và tìm cách để đạt được bình yên thông qua những phương tiện khác nhau.
Nói về một vết thương chảy máu với những tiếng kêu thất thanh thì thật dễ dàng nhưng cái tôi muốn nói là về những vết thương vô hình trong bản thân con người. Nơi mà mỗi cá nhân đều là nạn nhân và thủ phạm cho bi kịch của chính mình lẫn những người xung quanh họ.
Và tôi nghĩ đó là những câu chuyện đáng để mình viết ra, những sự việc đáng để bản thân suy ngẫm.

- Tôi đã đọc Facebook của anh và thấy anh rất quan tâm với các vấn đề xã hội đương đại và có những quan điểm riêng của mình, ví dụ về trường hợp tự cắt đứt thân thể mình vì một chứng bệnh nào đó. Có vẻ như những người viết trẻ đã không chui vào các tháp ngà, anh ta đã can dự tích cực vào đời sống xung quanh và dám thể hiện thẳng thắn quan điểm của mình bằng những tương tác trực tiếp trên mạng xã hội hoặc gián tiếp trong các tác phẩm của mình?
+ Với tôi không hẳn những quan điểm đó là để can dự vào đời sống xung quanh, thật sự tôi chỉ muốn nói về những góc nhìn khác của bản thân, suy nghĩ của chính mình. Trên Facebook hay mạng xã hội thì tôi cố gắng đưa ra góc nhìn ấy một cách hài hước, vui vẻ. Còn trong văn chương thì góc nhìn của tôi lại nhuốm màu u ám, lạ thường. Có lẽ tôi chỉ cố gắng bảo vệ “lãnh thổ” nội tâm của riêng mình mà không động đến ai hoặc khơi lên những tranh cãi không cần thiết. Tranh cãi luôn làm tôi thấy mệt mỏi bởi mọi thứ không phải lúc nào cũng có một câu trả lời rõ ràng là đúng hay sai.
Trong cơn bão của dư luận dường như không ai thoát khỏi liên quan, mỗi khi có một vụ việc gì đó xảy ra thì hình như vô số bức xúc lại được đưa ra và những lập luận hẹp hòi xuất hiện để quy chiếu vào một số thành phần nào đó của xã hội. Và kết luận rằng đó chính là nguyên nhân của mọi chuyện. Bởi vì số đông thường phó mặc cho cảm xúc, cảm tính của mình hơn là suy nghĩ cặn kẽ về vấn đề.
Khi đưa ra suy nghĩ của mình tôi chỉ muốn nói rằng: “Mọi thứ không đơn giản như vậy”. Không như những bài toán tìm nghiệm thông thường khi mà ta cuối cùng tìm ra được một giá trị cố định hay chứng minh được một phương trình nào đó là vô lí. Bài toán và phương trình của cuộc sống có vô số nghiệm và những nghiệm ấy liên tục thay đổi. Cái vô lí hôm nay sẽ thành có lí ngày mai. Nên tôi luôn cố gắng đưa ra những ý kiến khác có khi kì lạ, có khi lại vô cùng chướng tai nhưng đó là những chuyện có thể xảy ra. Vì tôi cảm thấy nếu im lặng thì sớm muộn gì cũng sẽ bị cho là mình đang đồng ý với mọi thứ xảy ra và rồi không còn một tiếng nói thật sự nữa.

 
quang vinhBằng nghệ thuật kể chuyện kết hợp nhịp nhàng giữa yếu tố trinh thám và kì ảo, Đỗ Quang Vinh đã dựng nên thế giới ý niệm biểu trưng cho góc khuất nội tâm của con người trong xã hội hiện đại. Có những người luôn cảm thấy không hòa nhập được với đời sống, với cộng đồng, họ xây nên trong tâm một nơi chốn cô đơn, trầm lặng riêng mình; như “anh” và “tôi”. Họ khát khao một thế giới yên bình, tĩnh tại, không ngang trái, bất công, không xô bồ, hỗn loạn... Lựa chọn của hai nhân vật thể hiện sự đấu tranh giằng co bên trong mỗi con người với chính bản ngã của mình, “cái bản ngã luôn muốn tách khỏi số đông”, muốn trốn chạy khỏi cuộc đời thực tại. Người thì tự cô lập bản thân với ốc đảo cô đơn trong tâm, người lại chọn cách hòa nhập với thế giới thực, gửi gắm niềm tin vào cuộc đời, vào những người họ yêu thương. 
Với  “Biến mất”,  Đỗ Quang Vinh mang đến những phút giây suy tư, hồi hộp, đồng thời chất chứa những cảm nhận, tâm tư thầm kín về cuộc đời, về con người trong xã hội hôm nay.
(Vnexpress giới thiệu tiểu thuyết Biến mất)


- Bất cứ người viết nào cũng cần đọc một số sách nhất định, vừa để học hỏi, vừa để nuôi dưỡng nguồn cảm hứng cho mình, nhất là những người trẻ. Anh đã từng phát biểu rằng các tác giả yêu thích của anh là Murakami Haruki, Gacia Marquez, F.  Fitzgerald… Liệu những tác giả ấy có ảnh hưởng lớn tới anh và  ý kiến của anh thế nào khi có một lời nhận xét rằng, quyển “Biến mất” có hơi hướng gợi nhớ tới “Hannibal” của Thomas Harris?
+ Dĩ nhiên những gì tôi đọc đã ảnh hưởng tới cái tôi viết. Có những sự ảnh hưởng có thể thấy được nhưng cũng có những sự ảnh hưởng vô hình. Tôi nghĩ khi mới bắt đầu viết mình bị ảnh hưởng nhiều bởi Murakami về cách hành văn lẫn cách suy nghĩ hay cả những chi tiết nho nhỏ. Trong một thời gian dài tôi đã hướng theo nhà văn nổi tiếng này, có lẽ chỉ mới gần đây tôi mới thực sự bứt ra được khỏi cái bóng ấy để là chính mình. Nhưng đó cũng là một quá trình tự nhiên khi tôi đọc thêm nhiều tác giả khác, tiếp cận nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Tôi đọc không dựa trên một quy chuẩn nào cả nên đôi khi tôi thấy tất cả những nhà văn ấy đang tồn tại trong mình với những sự ảnh hưởng qua lại không thể đo lường được.
Và không chỉ văn học cảm hứng của tôi đến từ nhiều điều mà tôi trải nghiệm: có thể là điện ảnh, vật lí vũ trụ, âm nhạc hay thậm chí là phim hoạt hình hoặc truyện tranh, trò chơi điện tử. Ngoài ra còn có nhưng điều mà tôi trải qua trong cuộc sống, những người mà tôi trò chuyện…
Khi viết tôi thấy cái mình viết ra là hỗn hợp của tất cả những điều ấy, tôi nhào trộn chúng để tạo ra một món ăn của riêng mình. Đó là một quá trình tích lũy và sáng tạo liên tục mà tôi rất thích thú khi được tận hưởng.
Thực sự tôi rất ngạc nhiên khi nghe ý kiến rằng Biến mất giống cuốn Hannibal. Bởi đó không phải là chủ ý của tôi khi viết và tôi cũng không lấy cảm hứng từ tác phẩm này. Nhưng nhân vật Hannibal là một trong những nhân vật mà tôi thích nhất, trước khi đọc sách tôi đã thích nhân vật này trong bộ phim The Silence of the Lambs. Có lẽ tôi đã luôn mong muốn được xây dựng ra một vai phản diện như thế, một con người quyến rũ, phức tạp, cá tính và có lẽ điều này đã ảnh hướng đến cuốn Biến mất theo cách mà tôi không nhận ra.

 - Lâu nay các nhà văn trẻ đã có những tác phẩm được dư luận chú ý nhưng vẫn có người hoài nghi cho rằng các cây bút trẻ thích hoắng huýt điệu đà hoặc chỉ chăm chú đến cái vỏ hình thức của tác phẩm mà ít chú ý đến nội dung cốt lõi. Là một người viết trẻ, anh có quan điểm thế nào?
+ Là một người viết trẻ nhưng tôi nghĩ mình không thể đại diện cho tất cả những cây viết trẻ khác để đưa ra một câu trả lời thích đáng được. Bởi mỗi cây viết tự tìm ra phương hướng và cách thức của mình, đó là một quá trình lâu dài và khó mà có thể gán ghép với nhau được. Nhưng đối với tôi những gì mình viết ra phải được chăm chút về cả hình thức lẫn nội dung, bởi đó là cách duy nhất tôi có thể thấy hài lòng với tác phẩm của mình. Tôi luôn là một độc giả khắt khe và tôi cũng khắt khe với chính bản thân mình khi viết lách.
Mặt khác tôi cũng nghĩ việc chỉ chú ý đến cái vỏ bề ngoài không chỉ ở những cây viết trẻ mà cây viết nào cũng có thể mắc phải. Người ta dễ sa vào sự hời hợt khi chạy theo một xu hướng hay một giọng điệu nào đó. Cái cốt lõi của văn chương đối với tôi vẫn là tinh thần và ý niệm của tác giả với tác phẩm của mình. Khi còn giữ được một sự riêng biệt, một góc nhìn rộng rãi thì không hề có sự hời hợt nào cả dù trẻ hay già.

 - Hiện giờ nhiều cây bút trẻ khởi đầu bằng những truyện ngắn ngôn tình hoặc kiểu tản văn nhưng anh lại chọn xu hướng trinh thám kì ảo trong tiểu thuyết “Biến mất” và những suy ngẫm có vẻ hơi “già” về thời cuộc trong các truyện ngắn anh mới viết gần đây và nói thật là không dễ đọc với độc giả thông thường. Liệu anh có tự làm khó mình và độc giả?
+  Có lẽ nếu viết khác những gì mình đang viết mới là khó khăn với tôi, thỉnh thoảng tôi cũng muốn viết một cái gì đó đơn giản. Nhưng mỗi lần cố gắng làm vậy tôi thấy bản thân mình rất khổ sở, bởi những suy nghĩ trong đầu không thể thể hiện ra hết trên mặt giấy làm tôi khó chịu.
Mỗi đề tài hay suy tư đều có chỗ đứng của riêng chúng, tôi nghĩ ngôn tình hay tản văn cũng có chỗ đứng và tôi cũng không có ý kiến gì về việc có người thích viết hay đọc những thể loại nói trên. Tôi chỉ đơn giản muốn tìm ra lối đi của riêng mình, cách mà tôi thể hiện một đề tài tốt nhất có thể.
Yếu tố kì ảo và trinh thám dù thường hay xuất hiện nhưng nó chỉ làm nền cho những suy tư ở cốt lõi. Tôi thường viết về nỗi sợ, sự ám ảnh và những bi kịch mang tính định mệnh. Bởi các đề tài ấy làm tôi thấy hứng thú và tôi nhận ra mình luôn khai thác chúng tốt hơn các đề tài khác.
Sự phức tạp, những ám ảnh của câu chuyện làm tôi thấy thích thú khi viết lẫn khi đọc. Tôi nghĩ mình chỉ đang cố viết ra cái mà bản thân yêu thích nhất.
Đối với độc giả của mình tôi luôn muốn người ta có thể đọc được một cái gì đó khiến họ nhớ mãi, một kiểu ấn tượng riêng biệt không bao giờ lập lại. Văn tôi có lẽ khó đọc và không thích hợp cho ai đó muốn tìm đến sự thư giãn hay thoải mái. Đúng hơn tôi đã khiến nhiều độc giả của mình bị ảm ảnh và cảm thấy mệt mỏi. Nhưng đó cũng là một cách trải nghiệm tác phẩm hoặc trải nghiệm cuộc sống, một kiểu đẹp khác thường làm tôi thích thú.

- Tôi rất thích những truyện ngắn anh mới viết gần đây, ví dụ “Con voi nuốt cái vòi tự tử”. Tôi thấy anh viết chắc tay, tiết chế và có ý đồ rõ ràng hơn so với những truyện ngắn ở các tập trước đây. Điều làm tôi thấy thú vị là ngoài cái giọng lạ thì tác giả đã khéo léo chuyển tải một thông điệp ngầm trong đó. Có phải vì cái thông điệp ngầm ấy thôi thúc tác giả viết hay trong quá trình sáng tạo cái thông điệp ấy mới lộ ra?
+ Tôi nghĩ không thể phân định rõ ràng rằng thông điệp tới trước hay trong quá trình viết được. Tôi thường bắt đầu với một hình ảnh đơn giản nhất có thể. Như truyện ngắn Con voi nuốt cái vòi tự tử tôi đã bắt đầu với chính tựa đề của truyện. Hình ảnh ấy đột ngột nảy ra trong đầu làm tôi thấy hứng thú và tôi muốn hướng theo nó, đặt nó vào một cốt truyện và xem diễn biễn sẽ ra sao. Giống như bồi đắp một hạt giống cho đến khi thành một cái cây vậy, tôi không biết được khi lớn lên toàn vẹn sẽ thành hình dạng nào. Nhiều thứ bộc phát trong quá trình sáng tác một cách ngẫu nhiên nhưng khi ráp nối lại rất vừa khít với nhau.
Dù vậy tôi cũng nhận ra chính trong cái hình ảnh đầu tiên kia đã hàm chứa sẵn thông điệp mà sau này mình truyền tải.
Như đã nói ở trên, tôi viết là để tìm hiểu thế giới xung quanh, nhưng có lẽ cũng là để tìm tòi chính bản thân mình. Những điều không được nói ra nhưng đã hàm chứa sẵn trong con người tôi chờ được khai phá.

- Năm mới Đinh Dậu đang đến gần, liệu anh có thể tiết lộ đôi chút về kế hoạch văn chương của anh trong năm nay?
+ Tôi không có kế hoạch rõ ràng nào cho mình, ý tưởng tác phẩm đến và đi một cách ngẫu hứng mà không báo trước điều gì, tôi chỉ nương theo chúng.
Nhưng trong năm 2016 tôi có hoàn thành một tiểu thuyết mà bản thân thấy khá tâm đắc nên có lẽ trong năm nay tôi sẽ cố gắng tìm cách xuất bản nó để tác phẩm có thể đến với độc giả.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thẳng thắn và cởi mở này! 


UÔNG TRIỀU thực hiện

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)