Tạp bút Bảo Ninh

Thứ Ba, 14/11/2017 00:33
. MAI ANH TUẤN

Điều gì khiến một cuốn tạp bút có độ dày trên 400 trang, với quá nhiều bài nho nhỏ, đôi khi chạy theo sự kiện cách đây cả chục năm, lại chỉ xuất hiện chủ yếu trên một tờ báo không phải thật nổi bật, mà vẫn khiến độc giả, ít nhất là tôi, đọc lại và đọc liền mạch say sưa như thể bị cuốn vào lực hút khó cưỡng(1)? Đành rằng, cầm cuốn sách trước tiên vì tên tác giả, Bảo Ninh, nhưng ngay cả khi đó là người đã có thân danh ngất ngưởng với Nỗi buồn chiến tranh, tôi vẫn được quyền buông dở nếu nó nhàm chán, vụn vặt, hàng xén. Sự thể thì ngược lại, những mẩu tạp bút chẳng hề gánh thân phận bùng nổ ấy cho tôi nhiều dữ kiện để hình dung Bảo Ninh sáng rõ hơn, dĩ nhiên là trong tư cách nhà văn, dù tiểu thuyết hay các truyện ngắn xuất sắc của ông tưởng rằng đã có thể cung cấp đủ đầy.

 Vào thời thế thương hải tang điền chẳng đặng đừng ngoảnh mặt như hôm nay, nhà văn thường dễ thành kẻ lắm lời, nhưng nếu không kiểm soát và tỉnh táo sẽ rơi vào vòng lí sự hoặc cao đàm khoát luận hoặc luẩn quẩn ý tình cốt để co vào chỗ an toàn hơn là thể hiện một tâm thái biết chọn lẽ phải để lên tiếng. Số lượng các tạp văn, tiểu luận của “anh hùng bàn phím” dễ chừng tăng nhanh và dù không phải không được chào đón, song muốn tìm gặp ở đó tấc lòng ưu thời mẫn thế, hay giản dị hơn là một thái độ đối thoại chân thành trong từng trang, không giọng chỉ bảo dạy đời, thì dù rộng rãi ước lượng cũng thật khó tin tưởng tác thành. Bởi thế, cứ cùng “những điều trông thấy” chất cao hơn núi trong xã hội chúng ta đang sống, nhà văn thực “đau đớn lòng” vẫn có cách giãi bày đến độ cạn lời, bất chấp để có lời thì vẫn phải cần đến năng lực diễn đạt câu chữ là thứ lộ rõ phẩm chất của tài năng. Trường hợp Tạp bút Bảo Ninh, giả như che hết các câu văn dài, nhiều mệnh đề, liên miên cuộn các lớp cảm xúc và suy tư trên một trục ý tứ gọn ghẽ, sáng láng rất đặc trưng của Bảo Ninh thì người đọc vẫn thấy ở cuốn tạp văn này, ngoài nét mẫu mực của một kiểu sử dụng nghệ thuật ngôn từ đến độ tài hoa mà dường như cả thế hệ viết văn xuôi trưởng thành từ thập niên 1980 khó ai bì kịp, còn đáng tin cậy và ấm áp vì sự tự bộc lộ thẳng thắn, chân thành rất gần với khí chất miền Trung cố quận và vẻ tao nhã, say đắm, thâm sâu học được từ chốn phù sa sông Hồng.

Tạp bút Bảo Ninh canh cánh lạm bàn nhiều chuyện, đa số đều là vấn nạn của xã hội, đại sự thì tham nhũng, tiêu xài lãng phí tiền dân, cải cách giáo dục, đời thường hơn thì chuyện đặt tên, lối sống trọc phú, ăn uống, chạy đua lập kỉ lục... Cả nghĩ nhưng không vồ vập, tác giả thường bắt đầu từ thông tin thời sự trên báo chí, truyền hình, hoặc từ quan sát cá nhân, nán thêm chút đỉnh ở những đối sánh xưa nay, trước khi để mình kiệm lời bình luận. Tuy ít lí sự và chẳng hề xẵng giọng theo lối vỗ mặt nhưng chẳng bao giờ người viết nương nhẹ cái xấu, cái vô lối, phi lí đang ngang nhiên tồn tại. Chẳng hạn, về thói đặt tên con theo tên các danh nhân mà không hề thấy chướng, Bảo Ninh biết rằng “sự trùng tên có thể là do cha mẹ không thạo sử, có thể do nhân vật lịch sử ấy có họ tên tương đối phổ biến”, nhưng, quả đúng như tác giả phát hiện, “phần nhiều là do rởm đời. Nói rởm đời bởi vì không muốn nói đấy là sự thiếu hiểu biết”. Về cách sống, thói tính trưng diện vật chất của đám quan tham, ông nhận xét: “Không phải là tất cả, song cũng là đa số trong đám tham nhũng ở ta là bọn mới phất. Cách ăn cắp, cách móc túi có thể rất xảo quyệt, thủ đoạn tham nhũng có thể cực kì tinh vi và không lường, song cách xài tiền tham nhũng của họ thì hầu hết đều thô bạo, ngông nghênh, dị hợm”. Về những cải cách giáo dục liên miên mà hiệu quả chẳng những mù mờ, còn làm bao học sinh rối đầu, ông mạnh mẽ quy trách nhiệm vào các vị chủ trương vì “nói chung các ông ấy là những người đang định đoạt bước đầu đường đời của thế hệ trẻ. Thiết tưởng, các ông ấy lí ra phải là những người đầu tiên thấy được những điều phi lí mà lớp trẻ ngày nay đang phải chịu”... Cố nhiên nhà văn, ngay cả nhà văn nổi tiếng, cũng không phải là yếu nhân làm thay đổi tức khắc cục diện đời sống. Anh ta, mà Bảo Ninh trong tạp bút là ví dụ, chỉ biết đứng về phía nỗi oan ức, ngậm ngùi, thua thiệt của thường dân để than oán và chờ mong một sự lắng nghe, thông hiểu của lớp người là lương đống xã tắc. Thành thử và điều này thật hợp sức, trong khi thật sắc sảo bắt mạch các vấn nạn (“dù chúng ta có cố gắng cực tiểu hóa vấn nạn, vấn nạn không vì thế mà thu nhỏ, trái lại, tích tiểu thành đại, càng ngày càng trở nên trầm trọng”), Bảo Ninh không sa đà hiến kế, kê đơn chẩn trị hay tỏ ra bi quan, ngán ngẩm thế thái nhân tình. Ông chủ yếu hiện hữu ở đó, sau từng trang viết, có giễu nhại, châm biếm nhưng cơ bản vẫn là giọng thảng thốt, đượm buồn, vừa tiếc nuối giá trị quá vãng vừa giật mình nộ khí với thực tại bắng nhắng, trớ trêu. Một phong thái can dự bằng lời như thế, tôi nghĩ, không chỉ thể hiện tác giả là “con người nghiêm khắc”(2), mà còn là con người công dân theo đúng nghĩa trong sáng, tự nhiên nhất của từ này. Con người đó không chấp nhận sự dối trá, vô ơn, đại ngôn, càng không cho phép sự vô văn hóa cào bằng sự thật và thói ngụy tạo, đặc biệt, không thể nào dung thứ “những kẻ dám liều chết coi thường nhân dân”. Lí ra, một xã hội mà giới nhà văn, dù gì cũng thuộc hạng “có chữ”, đã phải nói trắng bao nung nấu lao lung như thế thì phải biết sửa mình, song bao nhiêu năm qua, kể từ thời điểm Bảo Ninh đăng những bài này trên Văn nghệ Trẻ, các vấn nạn còn phát tác nhanh và phức tạp hơn, chứng xấu tật sai trong học hành thi cử, trong nếp sống thường ngày, và cả trong đất kinh kì Hà Nội mà Bảo Ninh rất mực yêu mến, vẫn chưa có nhiều dấu hiệu thuyên giảm. Nói ra thực tế muộn phiền như vậy không để hạ thấp vai trò nhà văn mà để băn khoăn rằng, liệu những ước mơ, hi vọng về một xã hội chuộng tình thương, lẽ công bằng, văn minh của họ đến bao giờ mới thôi đau đáu?

 
bảo ninh

 Bởi thế mà, rốt cuộc, vẫn trong cuốn tạp bút này, Bảo Ninh hấp dẫn, sâu sắc và theo tôi, sẽ còn ám ảnh độc giả rất lâu nữa, lại ở câu chuyện lớn nhất của cuộc đời ông, là chiến tranh và tất thảy những gì liên quan đến cuộc chiến vệ quốc mà bản thân ông đã kinh qua. Loạt bài viết Không có liệt sĩ nào là vô danh; Lễ duyệt binh đi vào cuộc kháng chiến chống Mĩ; Ơn sâu; Mùa xuân xa nhà; Chữ ơn nên hiểu thế nào; Thanh niên xung phong những hi sinh lớn lao; Năm 69; Tết năm ấy, sau cuộc chiến; Ất Mão, một mùa xuân không thể nào ngờ và không thể nào quên..., tuy dung lượng không áp đảo và có khi cũng chỉ viết ra nhân một dịp lễ lạt nào đó, nhưng bởi những hồi ức chiến trận khởi từ chàng trai tuổi mười bảy nhập ngũ năm 1969 đến khi là anh lính dạn dày bom đạn trên chiến trường B­3, bởi niềm tin bền chắc vào tình nghĩa tướng sĩ một lòng phụ tử trong đời binh nghiệp, và bởi cả ý thức về cái quyền phát ngôn dù nhỏ nhoi của nhà văn từng chứng kiến biết bao xương máu đồng đội đổ xuống mới giành được chiến thắng, đã thực sự hiện diện trong tầm vóc lớn không kém gì tiểu thuyết và truyện ngắn, dưới một đích ngắm chung là hiểu sao cho thấu, sống sao cho xứng, viết sao cho thực về/với cuộc chiến chống Mĩ bi tráng ấy.

Dù rằng kí ức chiến tranh, như Bảo Ninh giãi bày, “thầm lặng chất chứa nỗi lòng và dù muốn hay không vẫn mãi in hằn trong tâm trí mỗi người”, song cơn cớ sâu thẳm của phép hồi cố quá khứ chưa xa này, mà càng lúc càng trở thành mao mạch sống hiện tại, theo tôi, bắt đầu từ tâm trí hàm ơn sự hi sinh của đồng đội. Cũng bởi hàm ơn mà trong tất thảy các tri nhận về sau, giữa niềm vui tận mắt thấy đất nước thay da đổi thịt, bao giờ cũng nhói lên niềm hoài thương vô bờ bến thời binh lửa gian khổ, mất mát, và đặc biệt, lúc nào cũng day dứt khôn nguôi về những điều chưa làm được, chưa thật đúng mực với anh em đồng chí đã ngã xuống. Tôi chưa bắt gặp ở đâu một trạng thái chẳng nỡ, chẳng nỡ vui mừng quá mức, chẳng nỡ xưng tụng quá đà, chẳng nỡ bao biện mọi hời hợt vô tâm, như cái cách Bảo Ninh đang thể hiện trong trang viết về chiến tranh và người lính của mình. Thế nên, giữa bao nhiêu tác phẩm gần đây có đề tài chiến tranh cách mạng, với sự tham gia của những nhà văn mặc áo lính lẫn người trẻ sinh ra lúc đất nước hòa bình, chỉ cần dăm mẩu chuyện như Lễ duyệt binh đi vào cuộc kháng chiến chống Mĩ; Mùa xuân xa nhà; Năm 69; Tết năm ấy, sau cuộc chiến thôi, Bảo Ninh hoàn toàn đã là một dấu mốc, chẳng phải vì đã mô tả rất chân thật tính cách tráng sĩ của lớp người đầu xanh tuổi trẻ nhất quyết lên đường đánh đuổi quân thù, mà hơn thế, còn khơi gợi rất trúng cảm giác xót xa, đau đớn, vừa vụng về thụ hưởng hòa bình vừa ăn năn, sám hối thói chóng vánh lãng quên của lớp người hậu chiến, dĩ nhiên có cả cựu binh, đang chú mục vinh thân phì gia hôm nay. Ở đây, nhìn ngược lại Nỗi buồn chiến tranh, nếu Bảo Ninh đã để nhà văn hạng phường là Kiên giao phó tất cả bản thảo cho một người đàn bà câm “để gửi gắm và chôn vùi những ý tưởng rối loạn của mình”, một hành động khác thường chỉ vì, như Andrew Ng phân tích, “Kiên nhận ra người câm xứng đáng đón nhận câu chuyện của mình bởi mối đồng cảm mà họ sẻ chia chỉ diễn ra trong câm nín”(3), thì với tạp bút, Bảo Ninh đều trực tiếp bộc bạch, không ngần ngại đặt mình vào ngôi thứ nhất, như là cách xuất hiện thật nghiêm túc trước những độc giả có thể không có cùng trải nghiệm với ông, đặng trao tận tay cho họ bao kỉ niệm thiêng liêng một đi không trở lại của những năm tháng trai tráng đồng lòng ra trận. Tôi không dám cả quyết ông sẽ được số đông hiểu, lắng nghe điều gan ruột của mình - “được sống và hưởng hòa bình, là hạnh phúc tột đỉnh đời người, song niềm hạnh phúc ấy lại đồng thời là nỗi đau thương tột cùng” - nhưng tôi thiên về xác tín rằng đấy là điều chung cục đáng kể nhất mà đời người cầm bút vốn chẳng rộng dài gì thâu tóm được.

Bảo Ninh không tự chọn nghề viết văn mà chính cuộc chiến tranh thúc đẩy ông cầm bút. Như bao người lính, “nghĩa vụ, lương tâm, danh dự, sức lực, tâm huyết” của ông là “chiến đấu chứ không phải lọ mọ với chữ nghĩa”. Nhưng bởi đã sát sườn không gian bi hùng của cuộc kháng chiến, một không gian “đậm đặc nhất tính văn học”, “giàu tính nhân văn”, nơi số phận và bản tính con người “trải qua nhiều bi kịch và chịu nhiều thử thách”, nên một cách tự nhiên, các câu chuyện cứ thế mà thành hình. Theo niềm tin của ông, “ngay trong ngày hòa bình đầu tiên, mỗi người lính vừa ra khỏi chiến tranh đều có trong mình nội lực một nhà văn”. Thực tế văn chương sau 1975, thậm chí đến cao trào đổi mới sau 1986, đã diễn ra hết mực sinh động bởi sức bứt phá của nhiều nhà văn vừa mới trước đấy mươi năm thôi đang chắc tay cầm súng. Đặc điểm phổ biến này cũng ứng với Bảo Ninh thuở ban đầu nhưng ở ông, sở dĩ đột khởi tựu thành thì hẳn còn vì vốn liếng đọc văn, cảm thụ văn chương được bồi đắp từ tuổi học trò(4); cùng ý chí, nghị lực tột đỉnh trong thứ lao động được ông tổng kết: “Dằn vặt, viết rồi xóa, xóa rồi viết, còn thấy tệ hơn khi chưa xóa. Một thứ công việc có thể nói là đầy vô vọng. Vô vọng nhưng vẫn viết, nhích dần lên với từng con chữ”. Bấy nhiêu nhọc nhằn thầm lặng đó cuối cùng là để tiến đến gần hơn việc giải quyết quan niệm nghệ thuật của riêng ông, “hư cấu phải như thật”, nghĩa là không bao giờ bịa đặt qua quýt, chỏng lỏn một câu chuyện trời ơi đất hỡi. Với Bảo Ninh, viết là “tự nguyện thông báo cho thiên hạ người ta biết về những sự hay sự dở trong suốt cuộc sống của mình”, và vì thế, các “quý ông phê bình” cũng nên cân nhắc vài tư liệu có tính tiểu sử mà Bảo Ninh rất hay tái lặp ở cuốn sách này trước khi sa đà dán nhãn cho lối viết của ông theo muôn hình vạn trạng.

Tạm khép lại Tạp bút Bảo Ninh mà biết chắc rồi đây tôi sẽ đọc lại, tôi cơ hồ hình dung tác giả vẫn đang trên đường trở về quá khứ, khiêm cung nhận lĩnh sứ mệnh kể chuyện trận mạc và sẵn lòng nói lại cho đúng những giá trị thời chiến, từ văn học, lối sống, tính người đến cảnh sắc thiên nhiên, nhà cửa phố xá, để không phải khổ tâm khi nghe ai đó hôm nay lớn tiếng phủ nhận hoặc liến thoắng một chiều. Như ông từng ẩn ý thật hay trong bài Thầy Nguyên Ngọc của tôi, tôi nghĩ rằng thời bình nào mà chẳng có kẻ gièm pha, hạ bệ những chiến công, cứ đâu riêng Lê sơ vừa ấm chỗ thì đã bỏ tù Nguyễn Trãi, bức tử Trần Nguyên Hãn! Thành thử, Bảo Ninh, chỉ vì chẳng thể kết thúc con đường hồi cố như là bản mệnh ấy, khiến tôi coi văn chương của ông gần với sự tiếp nối một đặc điểm, chưa biết gọi chính xác thế nào nhưng kéo dài trong suốt lịch sử văn học Việt, là cứ hễ trong và sau cuộc binh đao lớn, bao giờ cũng có một tác giả hoặc chí ít là một tác phẩm xuất sắc liên quan đến biến cố đó mà vọng âm mênh mông nhất không gì khác ngoài nỗi buồn thương sâu lắng(5). Người Việt duy cảm, điều ấy không phải bàn, nhưng nhà văn Việt thường gây ấn tượng nhất là khi tâm tính và thể tạng hài hòa ưu tư sầu muộn thì có thể rất đáng để quan sát, mạn đàm thêm.

M.A.T
______
 
1. Bảo Ninh (2015), Tạp bút, Nxb Trẻ.
2. Nhận xét của Nguyễn Quang Thiều trong “Lời tựa” của cuốn sách.
3. Andrew Ng (2014), Visitations of Dead: Trauma and Storytelling in Bao Ninh’s The Sorrow of War, StoryWords: A Journal of Narrative Studies, Vol.6, No.1, tr.95.
4. Một tác nhân quan trọng trên đường viết văn của Bảo Ninh là gia đình. Chính ông đã thừa nhận: “Thật ra, cầm bút viết văn, ấy là đời tôi đã tiếp bước cuộc đời của ba tôi. Lặng lẽ, gần như không lời chỉ giáo bày dạy nào hết, ba tôi đã truyền cho tôi tình yêu và năng lực cảm thụ văn học, đặc biệt tình yêu, lòng tự hào đối với tiếng Việt, tiếng Việt của đời sống và tiếng Việt trong văn học”. Xem thêm: Bảo Ninh (2011), Nỗi buồn chiến tranh, Nxb Trẻ, tr.7.
5. Chẳng hạn, Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu, Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Bà huyện Thanh Quan…
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)