“Tấm Cám: chuyện chưa kể” - một cách kể lại cổ tích và kiến tạo căn tính dân tộc

Thứ Hai, 22/05/2023 00:53

. TRẦN THỊ THỤC
 

Xu hướng cải biên truyện cổ tích thành phim điện ảnh đã xuất hiện trên thế giới vài chục năm trở lại đây. Nhiều phim đã đạt được thành công vang dội như: Alice ở xứ sở thần tiên (2010), Cinderella (Lọ Lem, 2015), Người đẹp và quái vật (2017)… Ở Việt Nam, nhiều truyện cổ tích tiêu biểu là nguồn cảm hứng cho các nhà làm phim cải biên thành tác phẩm điện ảnh. Tác phẩm đầu tiên của điện ảnh Việt Nam cải biên truyện cổ tích là Dã tràng xe cát biển Đông (Khánh Dư, 1995). Những năm đầu thế kỉ XXI, càng có nhiều nhà làm phim lựa chọn việc cải biên truyện cổ tích/ truyền thuyết thành phim điện ảnh. Có thể kể đến các phim như: Sơn Tinh, Thủy Tinh (Victor Vũ, 2017); Cuộc chiến với chằn tinh (Thạch Sanh 3D) (Hải Âu, 2014)… Có thể thấy, truyện cổ tích hay truyền thuyết dân gian là mảnh đất tiềm năng cho các nhà làm phim khai thác và thể hiện khả năng sáng tạo của mình trong một loại hình nghệ thuật mới của thời hiện đại. Tuy nhiên, đó cũng chính là thách thức bởi sự sáng tạo khi cải biên các chất liệu dân gian thành phim liệu có phù hợp với nhận thức thẩm mĩ và có đối kháng với kí ức tập thể về những chất liệu truyền thống hay không? Đó là điều cần được chú trọng bởi nó góp phần làm nên thành công của một bộ phim cải biên từ truyện cổ dân gian.

Dàn diễn viên của bộ phim

Trong thị trường điện ảnh Việt Nam những năm gần đây, nhiều nhà làm phim có xu hướng lấy chất liệu từ truyện cổ dân gian. Phim Tấm Cám: chuyện chưa kể của Ngô Thanh Vân với những chiến lược quảng cáo rầm rộ và cốt truyện sáng tạo, đã tạo ra những hiệu ứng đa dạng sau khi công chiếu. Có những ý kiến khen chê xung quanh bộ phim về vấn đề nhân vật, diễn xuất, phục trang, bối cảnh, motif, những tình tiết mới… Về doanh thu và hiệu ứng truyền thông, Tấm Cám: chuyện chưa kể là phim đạt doanh thu cao nhất và được coi là thành công nhất trong loạt phim cải biên từ truyện cổ tích Việt Nam. Có thể nói, nhà làm phim đã đưa ra một cách nhìn mới và có những nỗ lực trong việc kiến tạo lại căn tính dân tộc thông qua việc thay đổi nội dung cốt truyện so với cổ tích và việc xây dựng cảnh quan mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống bằng ngôn ngữ điện ảnh của phim.

Từ truyện cổ tích Tấm Cám cho đến phim cải biên Tấm Cám: chuyện chưa kể (Tam Cam: the Untold Story, 2016), các tình tiết và cốt truyện đã được cải biến, thêm thắt vào khá nhiều. Lấy cảm hứng từ truyện cổ tích, phim cải biên đã tiếp tục sáng tạo, thể hiện một cách đọc, một cách diễn giải mới mẻ về truyện dân gian vốn có.

Bản điện ảnh cũng sáng tạo ra hai nhân vật mới không có trong nguyên tác. Một là thừa tướng Tào Hắc (do NSƯT Hữu Châu thủ vai), người đứng đằng sau mọi âm mưu và toan tính hiểm độc hòng lật đổ triều đình, giết chết thái tử, cướp ngôi vua. Thứ hai là nhân vật Bụt bà (NSND Ngọc Giàu thủ vai), người đã giúp đỡ Tấm và cứu sống thái tử khi bị rơi từ trên núi xuống cây thị. Hai nhân vật mới này với những tình tiết mới kết nối các câu chuyện với nhau làm cho mạch truyện liền lạc và hấp dẫn hơn so với nguyên bản. Nếu như ở truyện cổ tích, cốt truyện và các biến cố chỉ xoay xung quanh mối quan hệ giữa mẹ con Cám và Tấm thì trong phiên bản điện ảnh, cốt truyện đã phát triển thêm một bậc.

Phim đã lí tưởng hóa hình tượng nhân vật thái tử với vai trò người anh hùng còn Tấm là người vợ hiền luôn ở bên cạnh trợ giúp và cứu chồng thoát khỏi sự hãm hại của kẻ gian. Vua cha bị hại chết, thái tử phải gánh trên vai trọng trách quốc gia đánh đuổi quân xâm lược bảo vệ bờ cõi của đất nước. Và chính thái tử cũng tự nuốt viên ngọc quý để biến thành một con quái vật giao tranh với tên thừa tướng khi hắn hiện nguyên hình của một con quái vật. Nhờ sự bảo vệ của Tấm khi là chim vàng anh, khi là cây xoan đào, khi là cây thị nên tính mạng của thái tử mới được bảo toàn trước âm mưu hãm hại của thừa tướng và Thạch Biền. Cuối cùng, nhờ giọt nước mắt của Tấm rơi xuống thân thể mình, thái tử mới có thể quay trở lại hình hài là người, và hai người sống hạnh phúc trong hoàng cung. Qua sự cải biên này, đội ngũ làm phim đã làm nổi bật lên căn tính nổi bật nhất, vĩ đại nhất của dân tộc Việt trong lịch sử: đoàn kết, kiên cường và chiến thắng trong tất cả các cuộc đấu tranh chống xâm lược. Chính việc thêm và đẩy mạnh căn tính dân tộc này là một điểm nhấn quan trọng, vừa làm nên sức hấp dẫn và mới mẻ vừa “nâng tầm” cho bộ phim so với nguyên tác. Từ câu chuyện về mối quan hệ dì ghẻ - con chồng mang tính chất cá nhân theo một motif rất phổ biến trong truyện cổ tích thế giới chuyển thành vấn đề sống còn, quốc gia đại sự mang dấu ấn riêng của dân tộc, Tấm Cám: chuyện chưa kể đã có bước đi khéo léo để chinh phục thành công khán giả nước nhà.

Về nhân vật Cám, có thể thấy rằng các nhà làm phim đã xây dựng một cô Cám khác biệt so với hình dung hay kí ức tập thể của người dân Việt Nam xưa nay. Trong Tấm Cám: chuyện chưa kể, Cám được tạo hình với diện mạo rất đẹp (Ninh Dương Lan Ngọc thủ vai), hơn thế lại có nội tâm phức tạp chứ không thuần nhất theo sự sắp đặt và mưu mô của mẹ như ở truyện cổ tích... Có thể nói, phim điện ảnh Tấm Cám: chuyện chưa kể đã giải hóa cái nhìn xưa cũ của dân gian về nhân vật Cám, kể lại và diễn giải lại vai diễn này, khiến cho Cám có một cuộc đời, một số phận, một dòng tâm trạng tương đối rõ nét. Cám không còn là nhân vật phản diện trong cổ tích mà là một cô gái “đáng thương”, “phức tạp” gợi nên nhiều suy nghĩ, tranh luận cho khán giả xem phim.

Không chỉ thay đổi nội dung cốt truyện so với truyện cổ tích, phim Tấm Cám: chuyện chưa kể còn dùng ngôn ngữ điện ảnh với các kĩ thuật quay hiện đại để tái hiện không gian làng quê Việt Nam mang màu sắc văn hóa truyền thống điển hình. Các nhà làm phim đã cố gắng xây dựng không gian văn hóa truyền thống dân tộc thông qua bối cảnh làng quê với khung cảnh sinh hoạt đặc trưng và không gian ruộng đồng, sông nước. Các cảnh này chủ yếu được quay ở Ninh Bình với các địa điểm du lịch nổi tiếng, núi non hùng vĩ và sông nước mênh mông. Hiện lên ngay đầu phim là cảnh Tấm mặc trang phục cổ của người nông dân thời xưa, đầu quấn khăn và mang giỏ đi bắt tép ngoài đồng với góc quay toàn cảnh cánh đồng lúa xanh non ở dưới chân núi, thu hút ánh nhìn của người xem. Cảnh quay từ trên cao xuống thấp, từ xa lại gần và cận cảnh đặc tả những chi tiết mang tính đặc trưng điển hình của làng quê Bắc Bộ Việt Nam với “cây đa, bến nước, sân đình”, với những ngôi nhà nhỏ, những hàng cây xanh, con đường, kênh nước, ruộng lúa, bờ mương, đống rơm… mà chỉ ở làng quê mới có. Phim cũng có những phân cảnh gợi nên tâm trạng “thương nhớ đồng quê” như cảnh mùa lúa chín dân làng tấp nập cùng nhau gặt lúa, phơi thóc ở sân đình, thái tử cùng các tướng và đoàn tùy tùng cưỡi ngựa đi giữa chốn thôn quê và gặp Tấm. Ngoài không gian làng quê với những cảnh quan sinh hoạt, lao động sản xuất được tạo dựng, các nhà làm phim cũng chú trọng tái hiện không gian văn hóa lễ hội với bối cảnh kinh thành ở các cảnh quay mẹ con Cám và người dân ở khắp nơi tụ hội về kinh thi tuyển làm thái tử phi. Từng chi tiết, đồ vật được dàn dựng một cách công phu với những cảnh quay sắc nét và bắt mắt. Ở các phân cảnh này, khán giả được chiêm ngưỡng những nét trang trí mang màu sắc văn hóa truyền thống của dân tộc với cờ hoa rực rỡ, đèn lồng treo khắp cổng vào, lối đi, với những trò biểu diễn dân gian truyền thống như múa lân, múa rồng, và chị em nô nức đi trẩy hội trong các trang phục đậm nét cổ truyền của dân tộc. Có thể thấy rằng, các nhà làm phim cải biên từ truyện cổ tích Tấm Cám đã cố gắng tạo dựng một không gian làng quê thân thuộc với kí ức, tiềm thức của đại đa số người Việt. Đây là điều mà độc giả không thấy xuất hiện trong truyện cổ tích.

Bên cạnh những điểm tích cực ấy, đáng tiếc phim lại có những chi tiết sáng tạo… quá đà khiến cho bộ phim hơi “lệch tông” về thời đại và bối cảnh như ngôi nhà của mẹ con Cám to và rộng, những vật dụng còn nguyên mới; trang phục của mẹ con Cám được thiết kế với màu sắc sặc sỡ, hoa văn cầu kì, được cho là quá lộng lẫy và quá hiện đại so với gia cảnh nhà Tấm - Cám và so với thời đại lúc đó… Không gian quán nước đầu làng vốn rất quen thuộc với miền quê Bắc Bộ Việt Nam cũng không còn, thay vào đó là ngôi nhà của Bụt bà ở tận trong kẽ núi xa xôi; hay chi tiết trầu têm cánh phượng là biểu tượng văn hóa của làng quê Việt Nam xưa cũng không được nhấn mạnh trong phim mà chỉ xuất hiện rất thoáng qua.

Trong hình dung và kí ức của đại đa số người dân Việt Nam về truyện cổ tích Tấm Cám, Tấm là đại diện cho quan niệm chân - thiện - mĩ của dân gian với dung nhan xinh đẹp, tính nết hiền lành, thật thà; còn mẹ con Cám là đại diện cho cái ác, với hình dung về diện mạo và tính tình xấu xí, gian xảo; và cái thiện cuối cùng luôn chiến thắng cái ác. Tấm Cám: chuyện chưa kể đã mang đến một cách đọc, cách cảm mới về câu chuyện cổ tích xa xưa. Dù còn những điểm chưa hợp lí như đã nêu ở trên nhưng phải khẳng định rằng, Tấm Cám: chuyện chưa kể đã sáng tạo và diễn giải lại kí ức và quá khứ, mang đến cho khán giả những hình dung mới mẻ về bối cảnh, con người của một thời đại đã lùi xa trong truyện cổ tích. Ngoài mục đích thương mại, phim đã đạt được những giá trị nghệ thuật nhất định trong việc tái hiện cảnh quan văn hóa của làng quê Bắc Bộ Việt Nam với ruộng đồng, sông nước mênh mông, tươi đẹp, với cảnh người dân nô nức đi trẩy hội… Có lẽ, đó chính là một trong những lí do khiến phim thu hút người xem, bên cạnh nội dung về một câu chuyện mới - chưa được kể. Sự thành công của Tấm Cám: chuyện chưa kể đã cho thấy dòng phim cải biên từ truyền thuyết hay truyện cổ tích dân gian có những tiềm năng to lớn, dư địa để phát triển trong tương lai.

T.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)