Bình luận văn nghệ  Phê bình văn nghệ

Đi vào vùng mờ vô thức

Thứ Hai, 06/01/2020 14:15

(trường hợp truyền ngắn Nguyễn Minh Châu)

.LÊ THỊ HƯỜNG

Thế kỉ XIX, vô thức - vùng bí hiểm trong tâm hồn con người được S.Freud chú ý, khai mở, phá vỡ cơn tự mê ý thức của loài người. Sau đó, C.Jung đối thoại với tính cá nhân của vô thức, lên tiếng cho vô thức tập thể mà ông xem là mảnh đất di truyền văn hóa. Dẫu vấp phải nhiều phản ứng, nhưng lí thuyết vô thức và vô thức tập thể đã vững bước lan tỏa trong văn học lẫn phê bình văn học toàn cầu, trở thành những mã văn hóa, làm nên giá trị chiều sâu của văn chương. Việc thâm nhập vào cõi vô thức là một trong những con đường khám phá vùng ẩn mật của cái tôi, để nhân vật văn học giảm bớt độ trùng khít với chính nó.

Nguyễn Minh Châu là nhà văn đóng góp không nhỏ ở cả hai chặng đường văn học trước và sau 1975. Thuộc thế hệ bước ra từ chiến tranh, ông không ngừng trăn trở về văn chương và đời sống trên từng trang viết. Theo ông, “viết văn là phải đào xới đến tận cùng cái đáy của cuộc đời”; người nghệ sĩ phải biết “vất bỏ thói quen mĩ lệ hóa hiện thực đời sống”, tránh “dễ dãi về cách nhìn và phô bày đời sống một cách đơn giản”, tránh “cài hoa, kết lá, vờn mây cho những khuôn khổ đã có sẵn”; “nhà văn phải là một thứ côn trùng lấy cái râu mà thăm dò không khí thời đại”… Sau 1975, khi những quan niệm cũ vẫn còn là rào chắn, “tài năng và tinh anh” Nguyễn Minh Châu đã thăm dò vào tầng sâu vô thức, trở thành một trong những nhà văn tiên phong đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người. Những trang viết của ông khẳng định vô thức có vai trò không nhỏ, tạo nên phức cảm tâm lí và chi phối hành vi con người, trong đó có hành vi sáng tạo. Không mờ hóa vai trò của ý thức, cách thể hiện mối tương quan giữa vô thức và ý thức của Nguyễn Minh Châu khiến luận đề về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống không còn là những phát ngôn suông, hoặc thông qua những hình nộm nhân vật, mà sinh động như con người và cuộc đời vốn thế. Vị trí của Nguyễn Minh Châu thật quan trọng trong sự chuyển đổi và cách tân văn học Việt giai đoạn bản lề giữa chiến tranh và hậu chiến.

 

1. Viết từ những tiếng nói bên trong

Vô thức là sản phẩm của sự dồn nén. Văn chương dự phóng ước mơ của nhà văn. Không thể phủ nhận vai trò của ý thức, nhưng thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp “cái viết được hình thành từ những ẩn ức và ham muốn sâu xa trong các xung năng vô thức của nhà văn”; “sáng tạo nghệ thuật chính là sự thoả mãn những ham muốn vô thức, những ẩn ức không được giải toả” (Freud). Nguyễn Minh Châu từng tâm sự, văn nghệ sĩ cầm bút “vừa muốn phô diễn tư tưởng, chõ miệng ra giữa hai hàng chữ để cảnh tỉnh với đời một cái điều gì đó tiên cảm trong đời sống nhưng lại muốn giấu đi, gói nó trong bao lần lá, rào nó sau bao tầng chữ”. Khát vọng về tự do sáng tạo, mặc cảm về một thời “muốn viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh” lặn vào vô thức của nhà văn. Có thể thấy, những truyện ngắn ra đời sau 1975 của ông là van xả những dồn nén, như nhà văn có lần giãi bộc: “Mình muốn nói lên một điều gì đó. Mình muốn thét lên một điều gì đó còn nghẹn trong lòng”.

Jung từng phát biểu: “Thực tiễn phân tích tâm lí học đối với các nghệ sĩ càng cho thấy xung lực sáng tạo nghệ thuật phát ra từ vô thức rất mạnh, đồng thời nó rất bướng bỉnh và tùy tiện. (…) Chúng ta có thể hình dung quá trình sáng tạo nghệ thuật giống như một sinh vật sống đang lớn lên trong tâm hồn con người. Tâm lí học phân tích gọi hiện tượng này là mặc cảm tự trị - với tư cách một bộ phận biệt lập của tâm hồn, nó có đời sống tâm lí riêng bứt ra khỏi đẳng cấp của ý thức”. Có thể thấy cái mặc cảm tự trị ít nhiều chi phối hành vi sáng tạo của Nguyễn Minh Châu. Dẫu đời văn của ông ngắn ngủi nhưng qua mỗi tác phẩm ông đều “muốn nói lên một điều gì đó”. Cái điều muốn nói đó có khi được phát ngôn thành những luận đề, có khi kết tinh qua hình tượng nhân vật, đặc biệt là nhân vật nghệ sĩ trí thức - xuất hiện với tần suất cao trong tác phẩm của ông. Những trang viết ra đời như một cách giải tỏa dồn nén lại chính là những trang văn ghim giữ tên tuổi Nguyễn Minh Châu với đời. Nhà văn T trong Sắm vai không thể viết nổi một trang bản thảo khi đứng lẫn trong đám đông, khi khoác một bộ mặt giả, khi thỏa hiệp với một vai diễn quá sức của mình. Chỉ khi trở lại chính bản thân, cái viết của T mới thật sự là viết.

Chú ý phần mờ vô thức, Nguyễn Minh Châu khắc họa được những nhân cách phức tạp, luôn chao đảo để tự hoàn thiện. Nhân vật của ông là những con người tự thú, sám hối, tự bạch, nghĩa là ngoài phần ý thức còn có vô thức dự phần. Những con người đó thường bị ám ảnh bởi mặc cảm tội lỗi (Cỏ lau, Phiên chợ Giát), mặc cảm nghề nghiệp (Chiếc thuyền ngoài xa, Bức tranh, Sắm vai), mặc cảm về sự sai lầm, thiếu sót (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bến quê)…

Nếu không có sự thôi thúc bên trong, nếu không muốn nói to “một điều gì đó còn nghẹn trong lòng” thì Nguyễn Minh Châu không thể có những tác phẩm giàu sức cảnh tỉnh đến vậy, nhất là những trang viết trên giường bệnh, khi khoảng cách sống chết rút ngắn lại mà nhà văn chưa kịp dốc hết mình ra để viết. Khi viết Phiên chợ Giát giữa những cơn đau, trong khoảnh khắc giành giật sự sống, nhà văn vẫn còn cơn khát cháy lòng được viết về người nông dân quê mình, những con người mang hình hài của đất, tâm hồn của đất. Mẫu hình nông dân đó đã được Nguyễn Minh Châu khắc tạc trong Khách ở quê ra với nhân vật Khúng gắn liền với đất, ngoại hình mang dấu tích của một “vùng rừng và đồi trọc”, độc đáo đến kì dị làm phân trí độc giả đương thời. Nhưng chưa đủ, cũng vẫn cái lão nông đó - “một anh nông dân suốt đời đi sau con bò vạch những luống cày trong đêm tối” - tái xuất ở thiên truyện cuối cùng, một lần nữa làm phân tâm người đọc, không phải qua ngoại hình, qua tính cách bỗ bã, bộc trực mà qua thế giới phức cảm bên trong. Theo Jung, trong tâm thức mình ai cũng có một cái bóng, một thực thể tâm lí tâm linh, tồn tại một cách vô thức. Cái bóng âm (shadow) này dẫu mang khuôn mặt mộng mị của người này người khác, nhưng thực ra chỉ là ảnh xạ của một bản ngã vô thức. Trong Phiên chợ Giát có một bóng âm như thế. Cổ mẫu giấc mơ đan xen trong dòng ý thức biểu hiện nỗi lo âu, ám ảnh, mặc cảm của nhân vật. Giấc mơ chính là chìa khóa để mở toang vùng mờ tâm thức. Mặc cảm tội lỗi hiện hình qua cái bóng-âm-đồ-tể trong giấc mơ thứ nhất của lão Khúng. Mặc cảm thân phận hiện hình qua bóng-âm-nửa-người-nửa-bò đầm đìa máu trong giấc mơ thứ hai. Hành vi thả bò là phóng thể, là cuộc rượt đuổi số phận, vừa “có một cái gì khoái lạc, tự thoả mãn”, vừa “quá đỗi nhọc nhằn”. Và khi giấc mơ đã tan, mặc cảm, ám ảnh tạm thời lặn vào bên trong, cũng là lúc lão Khúng ý thức về vòng tròn đời người. Cái hiện tồn nhân vị vẫn còn là câu hỏi lửng lơ. Truy tìm nhân vị để cuối cùng gặp rỗng không, là người và bò, bò và người nhìn nhau trong cái nhìn thân phận.

 

2. Vô thức và cảm hứng sáng tạo

Sáng tạo văn học là sự thăng hoa của những ẩn ức, tác phẩm văn học là một “giấc mơ ban ngày” - góc nhìn này của Freud tỏ ra có phần hạn chế khi quá nhấn mạnh đến vô thức mà mờ hóa các yếu tố tương hỗ, trong đó có cảm hứng và ý thức sáng tạo. Dẫu vậy, không thể không nhìn nhận vai trò của vô thức trong sáng tạo nghệ thuật. Hồ Dzếnh chú trọng một khoảnh khắc lóe sáng: phút linh cầu mãi chưa về/ phân vân giấy trắng chưa nề mực đen (Đợi thơ). Hoàng Cầm từng tâm sự về cái giọng nữ “lảnh lót mà rất xa, như hát mà như đọc” và Lá diêu bông diệu vợi ra đời. Những khoảnh khắc lóe sáng đó chính là những ám ảnh, ẩn ức dồn vào vô thức và vọt trào trong một phút xuất thần.

Xâu chuỗi những lời nói, những tâm sự rời của Nguyễn Minh Châu, có thể thấy ông là nhà văn sớm đề cập đến vô thức sáng tạo. Nhà văn phát biểu: “Viết thì phải lí trí lắm, lí trí phân tích cả xã hội. Nhưng viết lại phải có phần tự phát vụt ra những cái gì đó, như là ngẫu nhiên bắt được và không giải thích được”. Luận đề vô thức sáng tạo này còn có thể thấy rõ hơn qua lời nhà văn - người kể chuyện trong một số truyện ngắn: “Thành công của nghệ thuật có đôi lúc là một cái gì rất cầu ơ, điều này có lẽ chỉ anh em chúng tôi trong nghề với nhau mới thấu hiểu hết được” (Bức tranh); “… tôi lại có tính duy tâm nghề nghiệp, tôi lại còn tin vào cái ngẫu nhiên đầy số đỏ của tôi nữa. Tôi nghĩ rằng với những tay nhiếp ảnh nghệ thuật, nếu không có thêm sự sắp đặt đầy tài tình của ngẫu nhiên thì với tài ba đến bao nhiêu, anh cũng chỉ... thu được những tấm ảnh vô hồn” (Chiếc thuyền ngoài xa)…

Quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu đã chuyển hóa vào thực tiễn sáng tác của nhà văn. Nhà văn chú ý đến vô thức sáng tạo, đề cao tính khoảnh khắc. Thành quả nghệ thuật có khi lệch pha với ý định ban đầu. Nhân vật nghệ sĩ của Nguyễn Minh Châu thường có những khoảnh khắc “cầu ơ”, và những tác phẩm ra đời từ một khoảnh khắc lại tồn tại bền lâu. Bức ảnh truyền thần suýt không được ra đời lại đoạt giải thưởng cao; bức ảnh “chiếc thuyền ngoài xa” đẹp toàn bích, treo trong những gia đình sành nghệ thuật lại được chộp bắt trong một khoảnh khắc ngẫu nhiên. Trong Bức tranh, người họa sĩ đã có hàng trăm bức vẽ được chuẩn bị công phu để đi dự triển lãm ở nước ngoài, nhưng bức đoạt giải cao lại là bức phác họa chân dung người lính được vẽ vội vàng ở chiến trường. Người họa sĩ đã vẽ bức chân dung giữa khoảnh khắc chênh vênh sống chết bên đường chiến tranh, vẽ bằng mặc cảm và cả sự hàm ơn cứu mạng, trong cảm xúc của một con người chưa lấy lại thăng bằng khi vừa từ cõi tử trở về. Trong truyện có hai bức tranh là những ẩn dụ nghệ thuật. 1 - Bức chân dung anh giải phóng quân ra đời trong một khoảnh khắc vụt hiện, được “vẽ vội vẽ vàng” chỉ trong “khoảng nửa tiếng đồng hồ”. 2 - Bức chân dung tự họa của họa sĩ được vẽ với sự giằng xé nội tâm, xuất phát từ nỗi ám ảnh, mặc cảm tội lỗi: “Đó là khuôn mặt của mình, khuôn mặt bên trong của chính mình, tôi tự nhủ thầm”. Quá trình đối diện với phần đen tối của mình như một cuộc “giải phẫu não” mà không đánh thuốc mê. Sự chuyển hoán giữa vô thức và ý thức được cụ thể hóa qua hai nửa khuôn mặt người. Khi người họa sĩ lắng nghe tiếng nói bên trong và làm hiện ra bằng sơn dầu thì bức họa hai nửa khuôn mặt là kết quả của cuộc giằng co giữa vô thức và ý thức, dẫn đến quan niệm “trong con người tôi đang sống lẫn lộn người tốt kẻ xấu, rồng phượng lẫn rắn rết”. Nhìn chung, Bức tranh là lời tự thú đầy dằn vặt của người họa sĩ nhận ra phần vô thức tối tăm. Nói theo Jung, vô thức là “những yếu tố tâm lí tồn tại ở một thực thể cá nhân mà chính nó không hay biết”. Anh họa sĩ, tác giả của hai bức tranh là nhân vật tự ý thức nhưng luôn chịu sự chi phối của cái phần mà có lúc anh không hề hay biết. Chính vô thức đã làm nên cái chùng chình, lưỡng lự, đi tới đi lui, “mon men, tự dẫn xác đến”, rồi “phóng xe vút qua” - hành vi nhiễu tâm của người họa sĩ đang tự lừa dối mình. Đối mặt với sự thật nghiệt ngã nhiều năm bị bỏ quên, họa sĩ vừa kết án chính mình, vừa loay hoay bào chữa. Đó là hành vi tự biện hộ, là cơ chế tự vệ thuộc về vô thức, theo Freud, vốn phổ biến trong tâm lí con người.

Trong Chiếc thuyền ngoài xa, từ góc nhìn của người nghệ sĩ nhiếp ảnh, Phùng hài lòng vì những gì mình đã kịp ghi lại trong ống kính. Sau hàng trăm bức ảnh đẹp, chụp công phu, “vẫn đang còn thiếu một tờ”. Và tờ lịch “chụp bổ sung” bù vào chỗ khuyết thiếu nan giải đó lại được thực hiện trong một khoảnh khắc “trời cho”. Bức ảnh “chiếc thuyền ngoài xa” là sáng tạo đích thực của một đời nghệ sĩ, là khoảnh khắc bùng phát của niềm đam mê sáng tạo, là “phút linh” một đi không trở lại. Vụt qua khoảnh khắc đó, Phùng không thể có tấm ảnh thứ hai. Trong bất chợt, Phùng đã có được bức ảnh nghệ thuật hoàn hảo cũng như “khoảnh khắc hạnh phúc tràn ngập tâm hồn mình do cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh mang lại”. Ngòi bút Nguyễn Minh Châu thật tinh tế khi miêu tả cảm giác run rẩy của người nghệ sĩ trước cái đẹp trong trẻo của thiên nhiên. Hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa (hiện lên qua ống kính) mang vẻ đẹp “đơn giản và toàn bích” khiến đứng trước nó Phùng “trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”. Trong khoảnh khắc xúc cảm thẩm mĩ đó, Phùng “tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”.

 

*

* *

Sẽ là khiên cưỡng khi tham chiếu toàn bộ truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu từ góc nhìn tâm lí học sáng tạo. Nhưng, nhiều tác phẩm của ông đều có sự dự phần của vô thức. Qua lối viết dòng ý thức, độc thoại nội tâm, qua cổ mẫu, biểu tượng…, nhà văn đã phát lộ những khoảng mờ tâm linh, những vùng ẩn mật của bản thể đa phức. Đi vào phần vô thức, để tự vượt qua lối viết “làm văn tả cảnh”. Đi vào phần vô thức, để tự hoàn thiện cái nhìn đa chiều về con người.

 

L.T.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)