Ngôn ngữ liên văn hóa – văn học phương Tây trong tác phẩm Hồ Chí Minh

Thứ Hai, 16/08/2021 00:38

 

. XUÂN NGUYÊN
 

Thời hoạt động ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc mượn thần thoại Hy Lạp viết báo hài hước các chính khách phản động.

Ngài yêu quý nhiệm vụ đến quặn cả lòng. Niềm say đắm đối với nỗi cùng cực cao cả gắn những cơn sốt nóng của nó vào da thịt ngài. Nó hoà lửa của nó vào máu ngài, trong huyết quản ngài, cũng nh­ư vào đ­ường gân ngài, thớ thịt ngài, cứ như­ chiếc áo lửa của Nétxuy bám lấy hông lấy cật[1]

Cụ lớn(ngài) ở đây là Anbe Xarô, Thượng thư thuộc địa trong Chính phủ Pháp, chúng ta chú ý tới phép so sánh: “cứ như­ chiếc áo lửa của Nétxuy bám lấy hông lấy cật". Theo thần thoại Hy Lạp, Nétxuy là một con vật mình ngựa đầu người( nhân mã) cướp nàng Đêjania, vợ của dũng sỹ Hecquyn nên bị Hecquyn dùng tên tẩm máu long xà bắn chết. Trước khi chết Netxuy bày cho Đêjania lấy máu của mình tẩm vào chiếc áo cho Hecquyn mặc nếu khi nào Hecquyn phản bội Đêjania. Quả nhiên về sau Hecquyn ruồng bỏ Đêjania mà yêu nàng Iôn. Đêjania làm theo lời Netxuy, Hecquyn mặc áo thì người nóng như lửa, chàng đau đớn, quằn quại, biết không thể tránh khỏi cái chết, chàng lên núi Etna lập giàn lửa, tự thiêu. Hiểu thần thoại này chúng ta lại thấy ý mỉa mai cay độc “Quan Thượng thư” (Cụ lớn), thì ra những ngôn từ sáo rỗng trên, những tinh thần “cao cả”, “đắm say” của ngài cũng chỉ là để… giết người mà thôi, và có khi giết chết chính cả ngài!

Nguyễn Ái Quốc hiểu sâu văn học Pháp, lấy đó làm một vũ khí đấu tranh.

Có một khoảng thời gian khá dài sống ở Pháp, say mê tìm hiểu, học tập ngôn ngữ văn hoá, ngoài văn học viết, Hồ Chí Minh có một vốn liếng lớn về lời ăn tiếng nói của người Pháp. Sự hiểu biết ấy đóng vai trò rất quan trọng cho cả cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Người. Tháng 1-1956 Người viết bài báo Đảng Cộng sản Pháp thắng to vui mừng trước thắng lợi của một đảng mà Người đóng vai trò một trong những người sáng lập: “Chắc bà con ta còn nhớ rằng: Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1951, Đảng Cộng sản Pháp chỉ được 94 ghế đại biểu, mà báo chí Mỹ đã la ó lên: "Suốt mấy năm nay, Mỹ đã bỏ cho Pháp hàng trăm triệu đôla, mà kết quả là cứ 4 người Pháp thì 1 người tán thành cộng sản. Thế là Chính phủ Mỹ đã đưa tiền đổ xuống biển, mất công toi dã tràng!...". Ngày nay, Đảng Cộng sản Pháp thắng to như vậy, chẳng hay báo chí phản động Mỹ sẽ có thái độ thế nào?

Tục ngữ Pháp có câu: "Chó sủa mặc chó, xe cứ tiến lên”[2].

Người mượn câu tục ngữ Pháp thật thâm thuý và rất đúng hoàn cảnh, bạn đọc hiểu ngay: “chó sủa” là “báo chí Mỹ đã la ó”, còn “xe cứ tiến lên" là Đảng Cộng sản Pháp “cứ tiến lên”.

Trong Thơ trả lời anh H.(Thượng Huyền), viết ngày 9-4-1925 với bút danh L.T, Nguyễn Ái Quốc lấy một câu tục ngữ Pháp để làm rõ quan niệm của mình về tác phẩm văn chương: “Một câu tục ngữ Pháp có nói: "Hứa hẹn nhiều bơ hơn là bánh mì". Tôi nghĩ rằng một tác phẩm văn chương không cứ dài mới hay. Khi nào tác phẩm ấy chỉ diễn đạt vừa đủ những điều đáng nói, khi nó được trình bày sao cho mọi người ai cũng hiểu được, và khi đọc xong độc giả phải suy ngẫm, thì tác phẩm ấy mới xem như là một tác phẩm hay và biên soạn tốt”[3].

Ý của câu tục ngữ Pháp thật hay: không nên hứa hẹn nhiều, hứa hẹn nhiều mà không làm thì chỉ là vô nghĩa, không giá trị. Tác phẩm văn chương, trong lúc Tổ quốc lâm nguy thì cần sự thiết thực hơn là bóng bẩy. Quan niệm về tác phẩm văn học này hoàn toàn nhất quán với quan niệm sau này của Hồ Chí Minh: văn hoá cũng là một mặt trận. Nhà văn là chiến sỹ trên mặt trận ấy. Điều ấy cho thấy một trong những khía cạnh biểu hiện bản lĩnh Hồ Chí Minh là sự nhất quán về quan niệm trong suốt cuộc đời!

Ngày 25-7-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh có Thư gửi nhân dân Pháp sau cuộc hội kiến với Pôn Muýt, đại diện Cao uỷ Pháp Bôlae, có đoạn:“Bọn quân phiệt thực dân đã bắt buộc chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng, chúng tôi lấy câu châm ngôn hiên ngang của các bạn làm châm ngôn của chúng tôi:

"Thà chết không làm nô lệ".

Chúng tôi chiến đấu vì công lý. Chúng tôi sẽ tồn tại; chúng tôi sẽ chiến thắng”[4].

Câu châm ngôn Pháp nổi tiếng trên thế giới được sử dụng thật đúng với hoàn cảnh Việt Nam đã cố gắng để tránh một cuộc chiến tranh, nhưng bọn thực dân Pháp thì không muốn thế, bởi chúng quyết tâm chiếm lại nước ta. Đây là lá thư gửi nhân dân Pháp, mục đích là để cho nhân dân Pháp hiểu tình hình, hiểu người Việt Nam không muốn đổ máu, nhưng vì lòng tự trọng nên người Việt quyết không chịu hèn mất nước. Như người Pháp đã nói thế, “chúng tôi” sẽ làm theo câu nói ấy, hãy ủng hộ “chúng tôi”.

Cũng với tinh thần ấy, nhân kỷ niệm ba năm ngày toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh có Điện gửi nhân dân Pháp nhân ngày 19-12-1948: “Dân tộc chúng tôi đã anh dũng chiến đấu. Dân tộc chúng tôi đã chiến đấu "không chút sờn lòng, không điều ân hận", vì chúng tôi chiến đấu cho tự do, cho độc lập, và đối với nhân dân Pháp chúng tôi không thù hằn gì. Chúng tôi đã tỏ rằng chân lý, công lý, lịch sử và tương lai ở về phe chúng tôi. Chúng tôi sẽ thắng!”[5].

Có hiểu biết ít nhiều về nước Pháp thì ai cũng biết một câu châm ngôn nổi tiếng của hiệp sỹ Bayard của nước Pháp thời cổ: "không chút sờn lòng, không điều ân hận". Câu trích có ẩn ý: nếu hiệp sỹ Bayard ngày xưa chiến đấu vì chân lý, công lý, thì chúng tôi nay cũng vậy, chúng tôi phải chiến đấu cho tự do, cho độc lập nên quyết tâm của chúng tôi và hiệp sỹ của nhân dân Pháp là giống nhau. Hãy coi chúng tôi như là những hiệp sỹ Bayard của nước Pháp đang chiến đấu vì lý tưởng, vì “chân lý, công lý”.

Nguyễn Ái Quốc là một trong những người Việt Nam sớm tiếp xúc với văn học phương Tây, nhất là văn học Pháp. Trong tiểu thuyết Búp sen xanh, Sơn Tùng có kể lại đoạn đối thoại của Nguyễn Tất Thành với cha mình:

“ - Thành, đang làm gì đó con?

- Cha đã về! Con mới mượn được bộ sách Những kẻ khốn nạn, con đã đọc, hay tuyệt cha ạ.

- Quan Phó Bảng Huy cởi khăn áo treo lên móc, giọng ông chua chát:

- Những người khốn nạn, khốn nạn! Con đọc được sách Tây, con có thật tin là ở bên Pháp còn có nhiều người khốn nạn thật không?

- Qua những trang sách, con thấy ở bên Tây có vô số những kẻ khốn nạn cha ạ. Vẫn cái bất công, “kẻ ăn không hết người lần không ra”. Con người bị đày đoạ kinh khủng”.

Bộ sách Những kẻ khốn nạn mà cậu Nguyễn Tất Thành đọc là của Víchto Huygô(1802-1885), nhà văn Pháp nổi tiếng với những tác phẩm mang tính nhân đạo sâu sắc, bênh vực con người, tố cáo những bất công. Sau này khi sang Pháp, Nguyễn Ái Quốc tìm hiểu kỹ về nhà văn này. Trong Thư ngỏ gửi ông Lêông Ácsimbô, có đoạn:“Thưa ông Ácsimbô, trong lúc đợi cho ông có "một chức tước hiển vinh nhất mà người ta có thể mơ ước đến" thì tôi xin phép nói rằng, nếu trước kia Víchto Huygô biết là hiện nay ông viết ra những đ...iều như thế trên tờ báo của ông ta, thì ông ta đã không sáng lập ra nó”[6].

Tờ báo mà Nguyễn Ái Quốc nói ở đây là tờ Le Rappel xuất bản hằng ngày ở Paricó khuynh hướng chống Giáo hội bênh vực dân nghèo, do Víchto Huygô sáng lập từ 1869 hoạt động đến 1933. Chỉ một chi tiết nhỏ này cũng cho thấy Nguyễn Ái Quốc hiểu biết tường tận báo chí Pháp đương thời.

Theo tiểu thuyết Búp sen xanh thì thời điểm này, khoảng năm 1906, 1907 Nguyễn Tất Thành đang học tiểu học tại Huế đã đọc, học văn học Pháp. Sau này, trong một hồi ký, nữ văn sỹ Xtécnơ nhớ lại: “ Tôi được biết rằng, Người rất am hiểu văn học Pháp, và trong thời thanh niên đã từng đọc với tất cả niềm say mê tác phẩm của Huygô, Dôla, Anatôn Franxơ”( Báo Đại đoàn kết, ngày 12-5-1982). Chính Hồ Chí Minh kể lại thời kỳ ở Pháp Người “có ý muốn là viết truyện ngắn”. RồiDám viết thử, là vì có một hôm xem hai quyển truyện nhỏ, một quyển của Anatôn Phrăngxơ, một quyển nữa là của ông Tônxtôi. Xem thấy các ông ấy viết giản đơn lắm, dễ hiểu lắm”[7]. Quyển truyện ngắn của Anatôn Phrăngxơ mà Người nói ở đây, rất có thể có truyện Trên đá trắng

Trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, chính tác giả đã khẳng định: "Anatôn Phơrăngxơ (Anatole France) và Lêông Tônxtôi có thể nói là ng­ười đỡ đầu văn học cho ông Nguyễn".

Trên tạp chí Nhân đạo năm 1904 có đăng truyện Trên đá trắng của tác giả Anatôn Franxơ, với bút pháp viễn tưởng tác giả miêu tả cuộc sống của nhân dân lao động trong Liên bang các dân tộc châu Âu khi đang ở đỉnh cao của chủ nghĩa cộng sản năm 2270. Truyện Con người biết mùi hun khói của Nguyễn Ái Quốc có lẽ chịu ảnh hưởng từ Trên đá trắng khi miêu tả một viễn cảnh vào năm 1998 nhân dân kỷ niệm 50 năm cách mạng thành công của một nước Cộng hoà liên bang ở châu Phi. Chúng ta soi lại tiểu sử của nhà văn Pháp nổi tiếng này càng thấy Nguyễn Ái Quốc chịu ảnh hưởng là rất có lý. Anatôn Phrăngxơ (1844-1924), nhà văn Pháp, được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp năm 1896, giải thưởng Nôben về văn học năm 1921. Chính năm 1921 này ông tham gia đảng Cộng sản Pháp. Được coi là một trong những vị tiền bối của văn học vô sản với những tác phẩm xuất sắc: Lịch sử hiện đại( 1897-1901), Cơ-ranh-cơ-bi-ơ(1904), Trên đátrắng(1905), Đảo chim cụt cánh (1905), Các vị thần khát nước (1912), Cuộc nổi loạn của các thiên thần(1914)… Các tác phẩm này thấm nhuần chủ nghĩa nhân đạo, đặt ra những vấn đề xã hội chính trị sâu sắc với văn phong nhẹ nhàng trong sáng và giễu cợt thâm thuý.

Trong Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Bác Hồ trích hai câu thơ của hai nhà thơ cộng sản Pháp và Nga để động viên, khích lệ thanh niên phấn đấu vươn lên xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Nhà thơ Pháp, đồng chí Vayăng Cutuyariê viết: "Chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của loài người".

Nhà thơ Xôviết, đồng chí Maiacốpxki viết: "Chủ nghĩa cộng sản là tuổi trẻ của thế giới do những người trẻ tuổi xây dựng nên”[8].

Có lẽ từ hai câu nói này Hồ Chí Minh đã khái quát thành một quy luật biện chứng:“Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”[9].

Nguyễn Ái Quốc dùng vốn hiểu biết về văn học Anh, Mỹ để viết báo đấu tranh.

Nguyễn Ái Quốc đọc và rất hiểu kịch của Sêchxpia và dùng kịch của nhà hài kịch vĩ đại này vào mục đích đả kích chính sách phân biệt chủng tộc của chủ nghĩa thực dân:“Năm 1064, một người Anh tên là Sêchxpia vốn là một nhà văn chuyên nghiệp, ông ta có nhã ý đưa ra một vở kịch mà vai chính là một người da đen. Người da đen này tên gọi Ôtenlô, quả là một anh hùng, một anh hùng thật sự anh hùng. Ôtenlô đã từng chinh chiến nhiều, nhưng không phải đánh Căcpangchiê, cũng không phải vì anh là người được ông Đianhơ tuyển mộ, cũng không phải vì anh là người dưới trướng của tướng Mănggianh, vả lại hồi đó vẫn chưa nổ ra cuộc chiến tranh vì công lý – mà đánh những cường quốc hiếu chiến ở châu Âu và châu Phi. Ôtenlô làm thống soái của quận công xứ Vênêxi. Cứ theo lời ông Viviani nói thì trên mái tóc xoăn của Ôtenlô đã có biết bao nhiêu vòng hoa chiến thắng. Nhưng chiến công lớn nhất của Ôtenlô là đã thắng được Đêxđêmônia.

Đêxđêmônia không phải là một thành phố của bọn bôsơ, cũng không phải là một thuộc địa. Đó chỉ là tên một cô gái dịu dàng, xinh xắn, đầy hạnh phúc, con của nguyên lão nghị viện Brabantiô. Ôtenlô đã chiếm được trái tim nàng bằng cách kể lại cho nàng nghe lịch sử cảm động của đời mình, những trận đánh vĩ đại, những trận vây thành dài đằng đẵng, những chiến công rực rỡ, tóm lại là những chuyện tán tỉnh hay ho gì đó...Biết cha mình vốn chức tước như thế thì sẵn có nhiều thành kiến, nhất là thành kiến chủng tộc, nên nàng Đêxđêmônia hiền hậu chỉ một lòng nghe theo tiếng gọi của tình yêu nàng quyết lấy chàng da đen làm chồng mà không cần đến ý kiến của cha...”[10]. Cứ thế vòng vo về chuyện của Ôtenlô thời hiện tại, chuyện “ tay thám tử Iagô và anh chàng Rôđrigô bị khinh bỉ...” ra sao... rồi mới đến câu chuyện chính: “ Bị trói gô vào cột buồm tàu và được đưa đi làm quân tình nguyện ở châu Âu...” nói về chuyện người dân bản xứ bị lừa gạt lấy thân mình làm bia đỡ đạn làm giàu cho bọn tư bản, đế quốc. Tại sao phải vòng vo như vậy? Vì vở kịch của đại văn hào Sêchxpia mang một giá trị nhân văn nổi tiếng có một chủ đề về phân biệt chủng tộc đề cao những phẩm giá đích thực của con người, tác giả kể ra nhưng vẫn gắn liền với thời hiện tại “nhưng không phải đánh Cắcpangchiê, cũng không phải vì anh là người được ông Đianhơ tuyển mộ, cũng không phải vì anh là người dưới trướng của tướng Mănggianh”. Cách kể này lôi cuốn bạn đọc vừa quan tâm đến vở kịch vừa chú ý đến thời sự hiện tại. Nếu câu chuyện Ôtenlô ngày trước nhân văn bao nhiêu thì nay lại ngược lại bấy nhiêu. Sự thật đầy mỉa mai và cay đắng là như thế này: “ Những người bản xứ còn sống sót sau cuộc tàn sát năm 1914 cũng như những người bản xứ còn sống sót sau đại chiến 1914 -1918 đều có thể tự hào rằng vì công lý và nền dân chủ của chủng tộc cao đẳng, họ không những đã hiến đời mình, xương máu mình, mà còn hiến cả niềm t...in của mình nữa”.

“Ông Sếchxpia trước kia lấy làm hài lòng thấy người dân bản xứ trong vở kịch của mình đã đàng hoàng lấy được cô gái mẫu quốc. Còn ông Têry ngày nay thì chỉ nhận thấy có một điều là người bản xứ của ông rất đắc lực để góp phần làm cho dân số phình lên bằng cách làm phình bụng các cô nàng da trắng. Ông Xasa Ghitơry còn đi xa hơn nữa. Ông muốn người bản xứ phải được văn minh hoàn toàn. Ông muốn họ phải c...ắm sừng các ông chồng da trắng cơ!”[11].

Đây là đoạn văn rút ra từ bài báo có tên tiếng Pháp là Indigènes à la mode, nghĩa là Những người bản xứ theo “mốt”, nói về những người bản xứ trong xu hướng “mốt” của giới nào đó trong một giai đoạn thời kỳ nào đó. Đối chiếu với thời điểm bài báo ra đời (1/ 1923), dễ thấy một ý thức nhại mai mỉa vào chính phủ Pháp, vào giới thượng lưu quý tộc Pháp sống bằng sự bóc lột thuộc địa. Năm 1922, tại thành phố Macxây, chính phủ Pháp mở Hội chợ triển lãm thuộc địa với mục đích trưng bày các sản vật mang từ các thuộc địa của Pháp về, vừa khoe khoang sự giàu có của các thuộc địa Pháp, đề cao công lao khai hoá của nước Mẹ Pháp, đồng thời kêu gọi tư bản Pháp bỏ vốn kinh doanh và khai thác các thuộc địa. Sự kiện này có thể đã tạo ra một cái “mốt” “đề cao thuộc địa” trong đời sống dân Pháp nói chung. Thế cho nên, người bản xứ “được ưa chuộng” hơn lúc nào hết! Ở đây có sự chơi chữ rất đích đáng: “người bản xứ của ông rất đắc lực để gúp phần làm cho dân số phình lên bằng cách làm phình bụng các cô nàng da trắng”. Cùng một từ “phình”nhưng nghĩa khác hẳn nhau. Tiếng cười bật ra, hài hước, dí dỏm.

Khi hoạt động trên đất Pháp, Nguyễn Ái Quốc bị bọn mật thám bám sát theo dõi như hình với bóng. Người liên tưởng những kẻ bám đuôi này với Sêlốc Hôm - một nhân vật nổi tiếng lành nghề thám tử trong tiểu thuyết trinh thám Anh để chế giễu ông Anbe Xarô, Bộ trưởng Thuộc địa Pháp “gia ơn” cho mỗi ngươì dân thuộc địa vài kẻ “hầu cận”:“Nhưng chỉ "theo dõi" không thôi thì thấy hình như chưa xứng với tấm lòng thương yêu của Ngài như bậc cha mẹ, nên Ngài còn muốn gia ơn hơn nữa. Vì vậy mà gần đây, Ngài đã ban cho mỗi người An Nam - người An Nam yêu quý, như Ngài thường nói - nhiều người "hầu cận" đặc biệt. Tuy những người này còn ấu trĩ trong nghệ thuật của Sêlốc Hôm, nhưng họ cũng đã tỏ ra rất tận tụy và rất đáng yêu. Chúng tôi chỉ còn biết khen ngợi họ và ca tụng người cầm đầu họ là Ngài”[12].

Trong những ngày bí mật đi qua nước Đức để sang Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc viết phóng sự nổi tiếng Hành hình kiểu Linsơ lên án mạnh mẽ, quyết liệt chính sách phân biệt chủng tộc vô nhân tính đã diễn ra tại Mỹ. Đây có thể coi là một bản án nền “văn minh” Mỹ với những tội ác thú tính chỉ có ở thời trung cổ. Phóng sự này đăng trên Diễn đàn thế giới (Die Weltribiine) của Đảng Cộng sản Đức, số ra ngày 9-10-1924 và đăng trên tạp chí Thư tín quốc tế (La correspondence Internationle) số 59, năm 1924. Năm 1974, báo Chân trời (Horizon), số 37 của Cộng hoà dân chủ Đức đăng lại toàn văn. Trong phóng sự tác giả có nêu tên cả những người da trắng cũng bị hành hình kiểu Linsơ, vì họ đã dám bênh vực người da đen, trong đó có “bà Hariét Bichơ Stao, tác giả cuốn Cái lều của chú Tôm[13].

Cái lều của chú Tôm”(Uncle Tom’s Cabin), tác giả Harriet Beecher Stowe( 1811-1896) kể về cuộc đời thống khổ của một người nô lệ da đen là chú Tôm: phải lìa bỏ vợ con, bị bán từ nơi này sang nơi khác, bị đánh đập tàn nhẫn. Cuối cùng chú bị đánh chết trong đồn điền trồng bông ghê rợn ở miền Nam nước Mỹ, nơi chôn vùi bao thân phận đau khổ như cuộc đời chú. Tác phẩm còn kể về Êlida, một người mẹ cực kỳ nhân hậu thương con, một người vợ cực kỳ vị tha. Với tác phẩm này, nhà văn Stowe đã đóng góp tiếng nói vào công cuộc giải phóng nô lệ ở nước Mỹ; tố cáo chế độ vô nhân đạo, kêu gọi những người Mỹ có lương tâm đấu tranh đòi quyền sống.

Nhắc đến sự kiện này, Nguyễn Ái Quốc kêu gọi lương tri nhân loại, nhất là những nhà văn hãy cùng nhau đoàn kết đấu tranh vì quyền con người hãy góp phần loại bỏ chính sách đàn áp người da màu trên toàn thế giới.

X.N


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 183.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập,tập 10. Sđd, tr 243.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2. Sđd, tr 170.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập,tập 5. Sđd, tr 155.

[5] Hồ Chí Minh toàn tập,tập 5. Sđd, tr 655.

[6] Hồ Chí Minh toàn tập,tập 1. Sđd, tr 156.

[7] Hồ Chí Minh toàn tập,tập 8. Sđd, tr 211.

[8] Hồ Chí Minh toàn tập,tập 13. Sđd, tr 89.

[9] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 194.

[10] Hồ Chí Minh toàn tập,tập 1. Sđd, tr 151.

[11] Hồ Chí Minh toàn tập,tập 1. Sđd, tr 152.

[12] Hồ Chí Minh toàn tập,tập 1. Sđd, tr 110.

[13] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1. Sđd, tr 336.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)