. MAI NAM THẮNG
Chiến tranh và người lính luôn luôn là một đề tài hấp dẫn của các thế hệ nhà văn ở mọi quốc gia, mọi thời đại. Trên thế giới, văn học về chiến tranh và người lính là một bộ phận không nhỏ của kho tàng văn hóa nhân loại, trong đó có nhiều tác phẩm bất hủ, vượt thời gian. Ở nước ta, đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng - sau đây xin gọi là “chiến tranh và người lính”- là một dòng chảy văn học lớn, có nhiều thành tựu rực rỡ, hợp lưu cùng văn học Việt Nam hiện đại.
Từ khi kết thúc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước năm 1975, dòng chảy văn học này vẫn tiếp tục vận động với những chiều kích-sắc thái mới, trong một thời đại đầy biến động, góp phần làm nên diện mạo văn học Việt Nam đương đại. Nhưng, văn học về chiến tranh và người lính hiện nay cũng đang đặt ra nhiều vấn đề mới về xây dựng đội ngũ, về cách tân nghệ thuật, về con đường đến với bạn đọc…
Bài viết này chỉ xin đề cập một số vấn đề của các tác giả viết về đề tài chiến tranh và người lính trong đời sống văn học Việt Nam hiện nay.
1. Trước tiên, xin có một số ý kiến về di sản văn học đề tài chiến tranh và người lính của nước ta. Ngày nay, mặc dù xuất hiện một vài ý kiến chưa thống nhất khi đánh giá thành tựu của dòng văn học này, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng: dòng văn học ấy đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Có thể nói, trong thời kỳ kháng chiến cứu nước, văn chương và chính trị đã tạo nên một cuộc gặp gỡ đẹp và hay, vì một mục đích hết sức thiêng liêng cao cả. Văn học trong giai đoạn này đã làm nhiệm vụ chính trị một cách tự nguyện, nhà văn tìm thấy niềm cảm hứng sáng tạo lớn của mình trong nhiệm vụ chính trị. Đây là bài học lớn và thời gian càng đi qua, càng thấy rõ ý nghĩa to lớn ấy.
Thực tiễn đời sống văn học cho thấy văn thơ thời kỳ kháng chiến cứu nước có rất nhiều những tác phẩm xuất sắc, có sức sống lâu dài, có giá trị trên nhiều mặt. Tuy nhiên, trên các diễn đàn chính thống, đôi khi cũng có những nhận định rằng chúng ta chưa có những tác phẩm đỉnh cao, chưa xứng tầm với sự nghiệp kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc. Nhiều người tâm đắc với nhận định trên đây, nhưng cũng không ít người phản biện.
Trên tinh thần đổi mới hiện nay mà nhìn nhận, thì trong bối cảnh lúc đó, các nhà văn phải sáng tác trong một “cái khung hẹp”, đôi khi phải hi sinh nghệ thuật vì yêu cầu của thời cuộc, nhưng tác phẩm của họ vẫn cực kỳ hay. Mặt khác, văn học thời kháng chiến đã có tác động tích cực đến cuộc kháng chiến, tức là “nhà văn công dân” đã tác động tốt đến xã hội. Văn thơ về chiến tranh và người lính một thời gian dài là món ăn tinh thần của người đọc, thì đó chính là thành tựu. Nếu có chăng chút đáng tiếc, thì dòng văn học ấy đến nay vẫn chưa rút ra một điều gì đó mang “tầm” khái quát triết học. Các thế hệ nhà văn viết về chiến tranh và người lính vừa qua mới làm được cái việc là đưa tư tưởng vào trong văn học, nhưng tư tưởng không phải là văn học.
2. Như đã trình bày trên đây, do yêu cầu của thời cuộc, nên trong kháng chiến cứu nước, đôi khi nhà văn phải chịu hi sinh nghệ thuật, phải đặt cái “ta” trên cái “tôi”. Nhưng từ sau năm 1975, nhất là từ thời Đổi mới, văn học viết về chiến tranh và người lính đã khác rất nhiều; khác trước hết là ở sự đổi mới tư duy nghệ thuật, ở “điểm nhìn” của sự sáng tạo, ở ngôn ngữ phi sử thi hóa...
Ngày nay, sau tròn nửa thế kỷ kết thúc chiến tranh, người viết có độ lùi cần thiết để nhìn về cuộc chiến. Độ lùi giúp người viết bình tĩnh, tỉnh táo hơn, khách quan hơn, toàn diện hơn. Nhưng điều đó cũng bất lợi là càng lùi xa thì tình cảm có thể lắng đọng nhưng sẽ phai nhạt đi, ký ức cũng mờ đi... Người viết lại bị áp lực của cách nhìn, của tư duy thời bình, của những vấn đề hậu quả chiến tranh đang đặt ra có khi rất bức xúc... Trong quá trình lao động sáng tạo, nhà văn luôn đầy những áp lực. Hiện thực đời sống, hệ sinh thái văn chương và nhu cầu thẩm mỹ của công chúng văn học hiện nay khiến nhà văn càng bị áp lực hơn. Nói riêng về văn học đề tài chiến tranh và người lính, bên cạnh tiếng nói chung, gặp gỡ ở lợi ích dân tộc, thì rất cần có nhiều tiếng nói riêng đặc sắc. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng và bản lĩnh của người viết. Văn học viết về chiến tranh và người lính bây giờ đòi hỏi phải ngẫm ngợi nhiều. Ngẫm ngợi để tìm ra những giá trị mới, những bài học mới, những góc khuất cần được bạch hóa... là hết sức cần thiết. Nhưng nếu càng ngẫm ngợi mà càng rời xa cái mục đích của cuộc chiến, thì không còn là văn học nữa. Chiến tranh là hiện thực đã xảy ra, không thể thay đổi. Chỉ có cách nhìn, cách viết là phải thay đổi. Vấn đề là thay đổi như thế nào? Chẳng hạn khi viết về kẻ thù, cần khách quan và công tâm với những cái tốt, cái hay của họ; nhưng viết về cái tốt, cái hay của kẻ thù mà khiến người đọc yêu kẻ thù hơn anh Giải phóng quân, thì phản tác dụng!
3. Hiện nay, chúng ta vẫn đang loay hoay tìm cách trả lời thật trọn vẹn và thấu đáo câu hỏi: Làm thế nào để có tác phẩm hay về đề tài chiến tranh và người lính? Cần có tài năng để viết tác phẩm hay, tác phẩm lớn... thì rõ rồi. Nhưng, chăm sóc tài năng và tạo điều kiện cho tài năng sáng tạo thì lại là câu chuyện khác. Thế hệ các nhà văn trưởng thành trong kháng chiến, thậm chí là thế hệ trưởng thành trong giai đoạn đầu của công cuộc Đổi mới, thì nói như nhiều người trong cuộc từng thừa nhận là “đã hoàn thành sự nghiệp, nếu viết nữa cũng chỉ là sự kéo dài”. Vậy thế hệ nhà văn trẻ hôm nay cần những phẩm chất gì của người sáng tạo? Phải chăng là cần cái nhìn, tầm nhìn về cuộc chiến tranh đã qua? Thực tế hiện nay, một thế hệ nhà văn mới viết về chiến tranh đã hình thành. Nhìn chung họ đã tự tin hơn, không còn “kính nhi viễn chi” nữa; và hình như họ đã tìm được cách giải mã, cách viết về chiến tranh trong thời đại mới.
So với thế hệ cha anh, các nhà văn trẻ hiện nay có những điều kiện, những cơ hội hết sức thuận lợi để trở thành những “người của công chúng” trong sáng tác văn học, để thể hiện và khẳng định cá tính sáng tạo nghệ thuật của mình. Bởi vậy, ngay cả với đề tài chiến tranh và người lính vốn được coi là phải “nghiêm ngắn”, thì các nhà văn trẻ hôm nay vẫn có được những cách tiếp cận và thể hiện một cách mới lạ. Họ không quan sát cuộc chiến tranh bằng cuộc đời của mình, bằng sự trải nghiệm của bản thân, mà là quan sát bằng mắt thường và các tiện ích công nghệ. Họ được chuẩn bị kỹ càng về văn hóa, điều kiện sống và điều kiện học tập tốt hơn. Nguồn tài liệu về chiến tranh hiện nay quá phong phú, đầy đủ và tiếp cận rất dễ dàng. Nhà văn trẻ muốn viết về trận Pleime chẳng hạn, thì họ không chỉ đọc/nghe/xem Thượng tướng Nguyễn Hữu An kể chuyện chiến đấu nữa, mà còn có thể lấy tư liệu trên Google, thậm chí có thể trao đổi trực tiếp hoặc online với các cựu chiến binh Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam... Nhưng, khả năng phân tích các tài liệu ấy như thế nào để hiểu ra bản chất cuộc chiến lại là một thách đố. Và nữa, đã đến lúc chúng ta phải hiểu được câu chuyện chiến tranh Việt Nam không chỉ là của Việt Nam, mà còn là câu chuyện của nhân loại. Truyện ngắn Ba người đàn bà trên sân ga của Hữu Phương, được Nguyễn Quang Lập và Nguyễn Thanh Vân đưa lên màn ảnh, được Liên hoan phim Châu Á-Thái Bình Dương trao giải cao nhất, vì đó không chỉ là câu chuyện chiến tranh Việt Nam, mà là số phận con người, là câu chuyện hậu chiến của có thể bất kỳ quốc gia nào.
Theo dõi đời sống văn học những năm gần đây, có nhiều tín hiệu khả quan từ thế hệ các nhà văn trẻ sáng tác về đề tài chiến tranh và người lính. Tuy nhiên, họ vẫn chỉ là một con số còn khá khiêm tốn trong đội ngũ các nhà văn trẻ trên văn đàn hiện nay. Nếu so với đội ngũ các nhà văn đàn anh đã thành danh với mảng đề tài này, thì số lượng các nhà văn trẻ hiện nay chuyên tâm về chiến tranh và người lính còn khá thưa và mỏng. Nói riêng trong LLVT, sau sự xuất hiện một loạt các cây bút thế hệ 7x đã và đang bền bỉ với mảng đề tài này, nhiều người đã khẳng định được chỗ đứng trong đời sống văn học đương đại, thì thế hệ 8x - 9x kế tiếp còn chưa rõ hình hài; nếu có chăng một vài người khả dĩ điểm danh, thì đó chỉ là sự ưu ái của công chúng nghệ thuật và các Ban giám khảo dành cho đề tài của tác phẩm mà họ thực hiện, chứ không hẳn vì chất lượng tác phẩm! Đồng thời trong số họ, có người chỉ “lóe sáng” ở một cuộc thi hay một trại viết rồi… chìm khuất, vì đoản sức; có người sớm thành công, nhưng với họ, văn chương chỉ là một cuộc dạo chơi, một dịp thử sức, chứ không phải là nghiệp sống chết; có người vì mưu sinh hoặc những lý do riêng, nên đã chuyển sang những đề tài khác, có công chúng đông hơn và thu nhập khá hơn…
4. Cùng với những thách đố thuộc về năng lực và bản lĩnh sáng tạo trên đây, các nhà văn trẻ hôm nay viết về chiến tranh và người lính còn chịu một sức ép lớn thuộc về cá tính sáng tạo của nhà văn, đó là họ không được viết giống như thế hệ đi trước. Mà thế hệ đi trước thì đã quá lớn, quá ngợp đối với họ. Rồi nữa, họ cũng không được viết tròn trịa và lặp lại chính mình. Đó là chưa kể họ phải viết trong cơ chế thị trường, trong thế giới phẳng, trong môi trường xã hội đang vỡ ra những giá trị mới và cả sự đảo lộn nhiều giá trị cũ. Kể ra một số điều kiện và hoàn cảnh như vậy để thấy nhà văn trẻ hôm nay viết về đề tài chiến tranh và người lính là một sự lựa chọn hết sức dũng cảm, dám chấp nhận những thách thức lớn.
Có người ví von rằng: cũng như từ trong đám cháy mà đứng ra ngoài để nhìn thì mới thấy rõ sự tan hoang tanh bành của nó. Chiến tranh càng lùi xa thì càng giúp người viết bình tĩnh, tỉnh táo hơn, khách quan hơn, toàn diện hơn… Thế hệ các nhà văn trẻ hôm nay, cùng với lợi thế trên đây, họ đang tận dụng tối đa xu hướng nghệ thuật “hậu hiện đại” để soi chiếu vào các cuộc kháng chiến thần thánh của cha anh. Họ dùng lối viết “thời thượng” để suy ngẫm nhiều hơn là miêu tả. Tất nhiên có thể có những suy ngẫm còn non nớt ngộ nhận, có những thể nghiệm chưa thành công, nhưng những nỗ lực của họ đang góp phần làm nên diện mạo mới của nền văn học Việt Nam đương đại, trong đó có diện mạo mới của văn học viết về chiến tranh và người lính. Bởi vậy, chúng ta còn phải chờ đợi. Chờ đợi nhưng không thụ động, phải biết tạo niềm tin, tạo giá trị tinh thần, tạo đà cho thế hệ sau được giao lưu, tích lũy, có tầm nghĩ và tầm nhìn vượt lên, đưa tinh thần thời đại vào tác phẩm.
Tài năng văn chương không thể tách ra khỏi cộng đồng để luyện tập, bồi dưỡng riêng như các môn thể thao, mà họ phải được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để gắn bó với đời sống chính trị-xã hội theo một hướng đúng đắn. Nhà văn phải cùng chịu đựng những khó khăn, vượt lên những thử thách, trân trọng những giá trị của dân tộc, của nhân dân từ trong thẳm sâu tình cảm của mình. Những tài năng văn học trẻ phải có suy nghĩ chung, nhịp đập chung với thời cuộc, tâm huyết với sự nghiệp chung đang phát triển… thì tác phẩm của họ mới có tiếng nói chung với nhân dân, với dân tộc. Thực tế đã có những tài năng trẻ khi mới xuất hiện đã được tung hê một cách thái quá mà thiếu sự động viên, vun đắp đúng mực, dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc; hoặc có người chỉ vì một vài tìm tòi “khác lạ” mà bị đối xử quá nghiêm khắc, dẫn đến sự thui chột tài năng hoặc bị chệch sang hướng khác.
5. Sáng tác văn học thì không đào tạo được, chỉ có thể bồi dưỡng nâng cao “phông” văn hóa và kinh nghiệm sáng tác cho người viết. Nhưng lý luận và phê bình thì có thể đào tạo được. Bởi vậy, cùng với việc phát hiện tài năng, vấn đề bồi dưỡng tài năng là vô cùng quan trọng. Các cơ quan quản lý văn hóa phải chọn những người viết trẻ có năng khiếu, có lòng say mê văn học để gửi đi học ngoại ngữ và học chuyên môn ở những nước có truyền thống lý luận văn nghệ. Điều này trước đây Nhà nước ta đã làm rất tốt, nhưng hiện nay có nhiều bất cập. Trước đây trong kháng chiến chống Pháp, nhờ tổ chức tốt phương châm “văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa” mà chúng ta đã tập hợp, rèn luyện, phát huy được một đội ngũ nhà văn-chiến sĩ đông đảo và chất lượng. Hoặc như sau năm 1975, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đã khẩn trương tập hợp hàng chục nhà văn ở các chiến trường về các trại viết Vân Hồ, Tô Lịch, Đại Lải, Đà Lạt, Vũng Tàu… để bồi dưỡng. Nhiều cây bút tài năng sớm được phát hiện và cử đi học tại các trường đào tạo chính qui trong nước và nước ngoài. Nhờ đó mà chúng ta có được một “Thế hệ Vàng” các nhà văn áo lính bước ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và có được những tác phẩm xuất sắc về chiến tranh và người lính. Nhiều người trong số họ không chỉ trở thành những nhà văn nổi tiếng mà còn là những nhà quản lý văn nghệ chủ chốt của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Đó là những kinh nghiệm quý rất cần được vận dụng một cách phù hợp trong hoàn cảnh và điều kiện hiện nay.
Thời gian qua, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị đã có những chủ trương và biện pháp quan tâm thiết thực đội ngũ nhà văn trong và ngoài quân đội viết về đề tài Chiến tranh và người lính, nhất là đối với các nhà văn trẻ, như: Tổ chức các trại sáng tác hằng năm tại nhiều vùng, miền; Xét tặng giải thưởng VHNT 5 năm 1 lần; Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà văn “dân sự” thâm nhập các đơn vị quân đội, nhất là các đơn vị đang làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo v.v… Các nhà văn trong Quân đội cũng được tạo mọi điều kiện để phát huy tài năng, cùng với việc thực hiện chính sách đãi ngộ như nâng lương, thăng quân hàm, kéo dài tuổi phục vụ v.v… Đó là những việc làm thiết thực, đã đạt được những hiệu quả nhất định, rất cần được tiếp tục đổi mới và phát huy.
Ấy là chưa kể, nhà văn cũng là con người bình thường, họ cần sống trong những điều kiện tối thiểu về vật chất. Hơn thế nữa, thời đại mà họ sống và viết bây giờ có mặt bằng khác xa cái thời “sách vở xếp cạnh nồi niêu” của thế hệ cha anh. Vì vậy, một chế độ nhuận bút, khen thưởng, giải thưởng… công bằng và phù hợp sẽ có tác dụng động viên, kích thích cảm hứng sáng tác của họ. Nhà văn ngày nay phải sống được bằng nghề viết. Hơn thế nữa, khi họ lựa chọn và dấn thân cho một đề tài đòi hỏi trách nhiệm và nghĩa vụ công dân thì đừng để họ bị thiệt thòi hơn các nhà văn viết các đề tài “thời thượng” khác. Nghĩa là Nhà nước phải có các hình thức đầu tư chiều sâu cho họ, đảm bảo các quyền lợi vật chất và tinh thần để họ yên tâm, hứng khởi sáng tác về chiến tranh và người lính.
Xã hội ngày nay tràn ngập các phương tiện nghe nhìn, các hình thức giải trí… nhưng thực tế lại đang thiếu những “sân chơi” văn hóa cho các đối tượng, trước hết là thanh-thiếu niên. Trong lĩnh vực văn học cũng rất cần có một bầu không khí nghề nghiệp cởi mở, có tính chuyên nghiệp cao để qui tụ và tổ chức cho các nhà văn, trước hết là nhà văn trẻ, sinh hoạt nghề nghiệp một cách hữu ích và hiệu quả. Đó là trách nhiệm của các cơ quan quản lý văn nghệ của Đảng và Nhà nước, của các Hội văn nghệ, của các cơ quan hữu trách như nhà xuất bản, thư viện, phát hành… Nghĩa là chúng ta cần phối hợp lực lượng nhằm tạo nên một sức mạnh tổng lực để tạo điều kiện cho các nhà văn thế hệ trẻ có thêm niềm tin và nhiệt tình khi nhận biết mình đang được quan tâm thực sự; để họ mạnh dạn sáng tạo nghệ thuật một cách thoải mái và trách nhiệm.
Đồng thời, các nhà văn thế hệ đi trước, nhất là các cơ quan quản lý VHNT, khi thấy nhà văn trẻ hôm nay viết khác mình, hoặc khác trước, thì đừng cho họ là lai căng, non kém, thiếu vốn sống, ít trải nghiệm... Một thời gian dài chúng ta chỉ biết đến và đề cao phương pháp sáng tác hiện thực XHCN, mà không biết còn một bộ phận nhân loại rất lớn đang sống với những giá trị mỹ học khác, đặc sắc và rực rỡ. Hơn nữa, ngày nay các nhà văn trẻ có đông đảo công chúng là bạn đọc trẻ. Sự đồng cảm giữa họ đôi khi bạn đọc lớn tuổi không nhận ra, không hiểu và chia sẻ được. Mà tương lai văn học thuộc về thế hệ trẻ, kể cả người viết lẫn người đọc.
Cũng cần nhắc lại lần nữa: Nhà văn chân chính dù ở lứa tuổi nào cũng không ngây thơ đến mức đòi hỏi thứ dân chủ quá trớn. Vả lại, công việc viết văn cũng không cần thứ tự do vô hạn độ, nhưng lại rất cần một sự dân chủ cần thiết và tự do cần thiết để viết thoải mái những điều nhà văn cần thể hiện. Đảng ta chủ trương “cởi trói” cho văn nghệ, khuyến khích tìm tòi sáng tạo, chấp nhận cá tính sáng tạo... Nhưng có một khoảng chênh vênh như “đi trên dây” của nghệ thuật, mà người quản lý văn nghệ phải hiểu được để chia sẻ với người viết. Chưa xa lắm câu chuyện một vài cá nhân và tổ chức đây đó từng phê phán truyện ngắn “Bóng anh hùng” của Doãn Dũng đăng trên tạp chí VNQĐ, hay truyện dài “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư đăng trên báo Văn Nghệ. Mặc dù đó là những tác phẩm tốt và hay. Trong công tác quản lý văn nghệ, nên cố gắng tránh những chuyện tương tự như thế xảy ra...
Hà Nội, 3-2025
M . N . T
VNQD