Môtip người xưa - "người đẹp trong thơ Hoàng Cầm

Thứ Ba, 22/02/2022 00:27

 

. LƯƠNG MINH CHUNG
 

Môtip là thuật ngữ được phiên âm từ chữ “motif” (tiếng Pháp), “motive” (tiếng Đức), “moveo” (tiếng Latinh), “mẫu đề” (tiếng Trung Quốc). Theo sách 150 Thuật ngữ văn học, “Môtip là thành tố bền vững, vừa mang hình thức, vừa mang tính nội dung của văn bản văn học; môtip có thể được phân xuất ra từ trong một hoặc một số tác phẩm văn học của một nhà văn, hoặc trong văn cảnh toàn bộ sáng tác của nhà văn ấy, hoặc trong văn cảnh của một khuynh hướng văn học, một thời đại văn học nào đó”(1). Môtip gắn liền với nhiều môn học khác nhau như âm nhạc, kiến trúc, hội họa... Với tư cách một thuật ngữ của văn hóa, nó được J.G.Frazer vận dụng và l‎ý giải sâu sắc về bước ngoặt phát triển của kiểu tư duy ma thuật sang tư duy tôn giáo, V.I.Propp nghiên cứu ‎chức năng của hành động, ý nghĩa của sức mạnh chinh phục miền đất lạ, làm tàn lụi các tô tem của người nguyên thủy.

Trong đời sống văn hóa - thi ca Việt, môtip gắn với nguyên tắc ứng xử kế thừa, đổi mới và phát triển. Nếu môtip trong thơ trữ tình dân gian rất giản dị, dễ dùng, thì môtip trong thơ cổ điển có vẻ ước lệ, cầu kỳ. Dĩ nhiên, môtip trong thơ cổ điển phần lớn chịu sự chi phối, thống trị rõ nét của ý thức vương quyền hoặc thần quyền. Đến với thơ hiện đại, môtip vừa có nét lạ lại vừa quen. Lạ vì tính chất của nó luôn phụ thuộc vào ý đồ cách tân của nhà văn. Quen vì nó biểu hiện các tiêu chí mĩ học kết tinh trong tâm thức cộng đồng. Song, môtip chỉ thực sự bền vững khi cách tân ấy lặp lại, phổ biến, không đi ra ngoài “những từ then chốt chứa hàm nghĩa riêng biệt”(2). Quả vậy, đọc thơ Hoàng Cầm, chúng tôi tạm xác định được ba môtip nổi trội, đặc sắc như: mẹ - con, “Chị” - “Em” và người xưa - người đẹp. Ở bài viết này, chúng tôi chỉ tìm hiểu motip người xưa-“người đẹp” trong sáng tác của ông như một cách tìm về với bảng màu giá trị văn hóa Việt.

Môtip người xưa là một biểu trưng cho một hệ giá trị đã trở thành chỗ dựa trong suy nghĩ của con người. Đây là những mẫu người góp phần làm nên bề dày văn hóa truyền thống, là hiện thân của hồn xưa đất nước. Bởi thế, khi Hoàng Cầm nhập thân vào vai người xưa cũng chính là lúc ông nhập sâu vào một thế giới tinh thần ngưỡng mộ, thành kính, thiêng liêng. Trong con mắt người đời sau, người xưa thuộc hàng giá trị kết tinh. Họ là những anh hùng, mỹ nữ, thi nhân, hoặc các danh nhân văn hóa được lưu truyền trong chính sử, dã sử và in dấu trong ‎ý thức tôn vinh. Người xưa hoặc được cộng đồng thờ phụng ở chốn đền đài Kinh Bắc, hoặc được trao truyền, gìn giữ trên cửa miệng nhân dân. Bóng dáng của họ thấp thoáng trong thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, nói như nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh “Truyện anh hùng - thần thoại, thâu tóm được lịch sử cụ thể thành một thứ lịch sử tinh thần, một thứ lịch sử thẩm mĩ có thể đàn hồi cho cuộc sống vô tận trong đó thành ra những bản trường ca vang vọng đến muôn đời”(3).

Nét phổ biến ở người xưa là họ đều xuất thân từ làng xã, gần gũi và quen thuộc trong các câu chuyện kể của xóm làng. Họ hiện thân như những tấm gương sâu dày phúc đức và hội tụ của nhiều phẩm chất cao đẹp cho các thế hệ người Việt đến sau soi và sửa mình. Người xưa hiện hữu như những đấng bậc phúc thần đứng hẳn về phía người dân cứu rỗi, chở che. Người xưa bảo vệ nhân dân trước thảm họa thiên tai, ngoại xâm và nhiều bất công ngang trái chưa bao giờ chấm dứt trong hiện tại. Người xưa còn là hiện thân của nhiều hệ giá trị, là tấm “căn cước” của nhân cách con người góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc. Vì giá trị là thước đo của con người về tự nhiên, xã hội và tư duy theo các tiêu chí tốt lành, cần thiết; là điểm đến bình an cho mỗi con người. Giá trị văn hóa vừa mang thuộc tính cá nhân, vừa gắn bó mật thiết với lao động nghệ thuật của nhà thơ, và vừa thuộc về lẽ dấn thân có ích. Giá trị có tính chất ổn định, lan tỏa sâu rộng trong vô thức cộng đồng, nhưng cũng có sự biến đổi phù hợp với quan niệm mĩ học, hệ thống tư tưởng thống trị ở mỗi thời đại. Nó hấp dẫn người đọc trong cái nhìn độc đáo của nhà văn. Dĩ nhiên, những giá trị văn hóa truyền thống một khi được nhân dân bảo tồn trong không gian làng xã; khi những giá trị kết tinh trong nếp nghĩ của con người ở một vùng đất học, thì khi ấy nó có tính ổn định, ít bị thay đổi trên phương diện nội dung.

Thế giới người xưa về hội họp trong thơ Hoàng Cầm như một bảng màu giá trị văn hóa truyền thống. Song chúng tôi chỉ khoanh vùng vào thế giới người đẹp. Đó là cái đẹp của những mẫu người tồn tại thuở xa xưa với phẩm chất, đức hạnh hiện về. Người xưa kết tinh trong ngôn ngữ, vượt qua ngưỡng cửa thời gian để bất tử đến muôn đời. Có thể nói rằng, thói quen trở về với người xưa của Hoàng Cầm phần nào mang màu sắc Liêu Trai. Nó có tính chất ám ảnh “ma lực”, mộng mị mà con người vừa e ngại, vừa thích thú bởi sức hấp dẫn đam mê, đầy quyến rũ. Ông bị các hình ảnh ấy cuốn vào, bị thôi thúc đi theo một tiếng gọi nào đó của tâm linh. Thậm chí không thể làm chủ được mình. Có thể, việc ông tìm về với môtip mang chất Liêu Trai một phần nhằm giải quyết những ẩn ức, ham muốn bản năng nguyên thủy còn in dấu bàng bạc trong xã hội ngày xưa và chưa hề khuất lấp trong cuộc sống hôm nay “Đời em lỡ nhịp song hành/ Tại anh sóng sánh siêu hình Liêu Trai” (Đêm tạm biệt) chứ không phải thể hiện một nhãn quan ma quái về cuộc đời. Phần nữa, chất Liêu Trai là một phương thức mà Hoàng Cầm sử dụng, nhập sâu vào cái đẹp nữ tính, “gợi cho người đọc thấy cái tinh thần sâu xa của đời sống hiện thực”(4). Ông nhập vào khuôn mặt tinh thần của người nữxưa, kéo vẻ đẹp của con người ở một khoảng cách rất xa về gần hơn với cuộc sống hiện tại. Và nếu trong phong trào Thơ mới, Xuân Diệu tìm về với tuổi trẻ để tồn tại vĩnh cữu trong tình yêu, Huy Cận ngược dòng về không gian xưa nhằm hòa đồng giữa con người với vũ trụ, Chế Lan Viên nương náu vào cõi huyền bí của văn hóa Chàm khắc khoải gọi hồn Chiêm Quốc, thì Hoàng Cầm lại tựa vào vai người đẹp, vào nhân cách người xưa, vào sự đằm thắm đa tình nhằm bất tử với những sắc màu huyền thoại lung linh.

Đọc thơ Hoàng Cầm, người đọc rất dễ nhận thấy hình ảnh người đẹp thuở xa xưa xuất hiện với một mật độ dày đặc trong các sáng tác của ông lúc về già. Ông mơ tưởng theo gót chân mẹ Âu Cơ như quay về một không gian huyền thoại -không gian sinh thành của dân tộc, giống nòi “Tóc trắng quệt tiếng chim vàng ngái ngủ/ Nghe Âu Cơ về ngự cố đô thành” (Đi về phía rạng đông). Rõ ràng, người mẹ ở đây không phải là một công dân bình thường, mà là một con người xuất thân từ gốc tích thần tiên. Vì thế họ là một mẫu hình rất đẹp. Thêm nữa, người Mẫu - người đẹp xưa còn hiện diện với mẫu hình Liễu Hạnh - một Tứ bất tử biểu trưng thiêng hóa của cư dân nông nghiệp. Mẫu Liễu trong cảm quan Hoàng Cầm là sự kết tinh của hai giá trị đẹp đẽ và tốt lành. Bởi người đẹp này vừa có nét dịu dàng, kín đáo ẩn vào bên trong, vừa có sự rạng rỡ, tươi tắn phô khoe ra ngoài với khuôn mặt, nụ cười bình thản. Mầu Liễu biểu lộ một chút phản ứng nhẹ nhàng làm nhẹ bớt đi sức kìm kẹp, tỏa chiết căng thẳng của giáo lý nhà Nho và những tiết chế của uy quyền quân chủ hằn in trong làng xã. Mẫu Liễu bênh vực, bợ đỡ cho cái đẹp nữ giới huê tình“Yếm hãm xuân tình em hé đôi/ gặp năm quỉ sứ bốc lên trời/ cúi nghe thánh lý giơ roi thép/ Liễu Hạnh ngồi bên nhếch mép cười” (Hội yếm bay).

Tiếp nữa, người xưa - “người đẹp” còn là những mẫu người huyền sử “lá ngọc cành vàng” mà phẩm hạnh, sự nhún nhường của họ vẫn còn vang bóng trong suy nghĩ hồn nhiên của dân gian. Chẳng hạn, hoàng hậu Lý Chiêu Hoàng dù đã đi về với người âm, nhưng hồn vía, nỗi lòng vẫn còn vấn vương với nước “Ví chăng em cứ bơ vơ nhớ/ Sóng lượn cồn mây.../ Lá hiện hình/ Thì thương cuốc lả hồn Chiêu Thánh/ Mõ giục/ chuông dồn/ Lệ chép kinh”. Hoặc Nguyên phi Ỷ Lan - một nhân vật nổi tiếng sắc tài, lẩn quất nơi hồn thơ ông một cõi mơ về. Trong cái nhìn hào hoa đa tình, cái đẹp của người con gái năm xưa như hóa thân trên bờ vai nuột nà, thon thả của liền chị hôm nay.Trong không khí mùa Xuân, hình ảnh Nguyên phi cứ thấp thoáng những ánh nhìn trong trẻo, lãng mạn dưới làn mưa xuân Thuận Thành. Có lẽ, hình ảnh Lê Thị Ỷ Lan không chỉ được nhà thơ nhìn qua hình thể bề ngoài, mà còn hội tụ ở bên trong với trí tuệ tinh anh, cái tài trị vì nhiếp chính, giữ nước an dân khiến cho người đời sau phải kính trọng, nể phục “Mắt Ỷ Lan quên buồn/ Rõi chân mây triều Lý” (Theo dòng mẫu hệ).

Ngoài ra, Hoàng Cầm còn tìm về với những mẫu người đẹp đến độ mê mẩn tâm thần, giàu tính cách, góp phần làm sống dậy niềm tự hào về người nữ vùng Kinh Bắc. Họ là những người con gái nghiêng nước nghiêng thành, thông minh, sắc sảo “Dòng sử thi mẫu hệ/ Nước mắt hoen bồ hòn/ Đặng Tuyên phi luyến nhẹ/ Quan họ về cuối thôn” (Theo dòng mẫu hệ). Bên cạnh những “người xưa” - người đẹp liên quan đến chốn cung đình, vương giả, người xưa còn là những số phận cụ thể. Đó là những người đẹp đa sầu đa cảm. Họ hiện hữu trong cái nhìn ẩn ức và lặp lại trong nhiều bài thơ.Họ hằn in như một cực trong các mối tình tài tử - giai nhân. Họ tượng trưng cho một hệ giá trị của tự do. Chẳng hạn, Mỵ Nương mơ tưởng, tương tư với tiếng hát “bùa ngải” của chàng trai thuyền chài qua tấm lòng liên tài, phục tài, am tường nghệ thuật. Cho dù, dòng sông Tiêu Tương đã bị bồi lắng thành ruộng đồng, song vẻ đẹp huyền thoại của người con gái trong cổ tích vẫn đầy sức quyến rũ “Cõi Trương Chi đã lạnh dần/ anh còn quấn tóc trói trần Mỵ Nương” (Tập Kiều). Và có lẽ, người đẹp Mỵ Châu - một biểu trưng cho lòng thủy chung chịu nhiều oan trái, đến hôm nay, những phẩm chất hóa thành chuỗi ngọc trai kết tinh từ tình yêu đôi lứa đang tô điểm thêm cho vẻ đẹp sang trọng, quí phái của biết bao người “Nơi Mỵ Châu tóe máu/ Oan đúc ngọc trầm ly/ soi hồng má vương hậu/ bừng Ỷ Lan trị vì”(Chân dung tự thú).

Môtip người xưa – “người đẹp” còn được Hoàng Cầm chiêm ngắm ở vẻ đẹp tươi trẻ giàu chất phồn thực phồn sinh. Chẳng hạn, Thị Màu - một hiện thân góc cạnh của cực nổi loạn, nhưng chỉ một cái “liếc” nhìn đưa đẩy cũng có sức hút khiến cho người đẹp Thị Kính - một cực của sự hiền lành, cam chịu bị cuốn vào hành trình đi tìm hạnh phúc “Mắt liếc Thị Màu sư chếnh choáng/ Hồi xuân Thị Kính lấy thêm chồng/ Phận gái nghèo đành cởi thanh y/ Cậy Xuân Hương thương kiếp nô tì/ mớm em dăm chữ lừ tia chớp/ xé màn đêm - đêm cứ li bì” (Tây Hồ). Ông kính nể, ngưỡng mộ những người xưa –“người đẹp” có học, có tài như Hồ Xuân Hương, Ngọc Hân, đắm đuối với mắt Tây Thi, nũng nịu với Hằng Nga, cảm thương, tiếc nhớ cái đẹp sắc sảo mặn mà của Đạm Tiên, Thúy Kiều...

Dù không tuyên bố rõ ràng, nhưng qua vẻ đẹp của con người huyền sử, Hoàng Cầm đã phần nào phục dựng lại một không gian văn hóa tinh thần trong tác phẩm của mình. Ông giúp người đọc nhận thức sâu sắc hơn về sự xuất hiện sống động, sáng danh bất tử của thế giới người đẹp trong chính sử và dã sử. Cho dù, họ xuất hiện trong chính sử, nhưng lại được ông nhìn theo con mắt của dã sử. Ông nhào nặn, hư cấu lại người xưa bằng những cuộc đời mới, thổi hồn vào thế giới người đẹp cá tính tự do, khiến họ trở nên gần gũi, phù hợp với tư duy thuần hậu của văn hóa làng. Đồng thời, tiếp nối, giữ cho dòng chảy bất tận của văn hóa Việt không bị lưu lạc giữa bối cảnh xung đột văn hóa khôn lường những năm đầu thế kỷ XX. Rõ ràng, sức hút quyến rũ của văn học dân gian, văn học bác học vẫn hiện diện đáng kể trong sáng tác của Hoàng Cầm, chứng tỏ “Tính “lây truyền” thẩm mỹ của tác phẩm nghệ thuật có giá trị trong các thời đại khác nhau hoàn toàn không bác bỏ sự phát triển tiến lên của nghệ thuật”(5).

Mặt khác, người xưa với tư cách là giá trị khác còn xuất hiện trong vai người nam như: anh hùng, thư sinh, thi nhân, nhà nho..., nhưng họ không trở thành sáng tác phổ biến và ít gây ấn tượng. Chỉ có người xưa -“người đẹp” mới thực sự xuất hiện như một đặc trưng tiêu biểu, mới có thể lọt sâu vào cái nhìn tinh tế, giàu chất nhân bản, mới lắng sâu vào cái tạng đa tình của người nghệ sĩ Hoàng Cầm. Viết về người xưa - “người đẹp”, Hoàng Cầm đã chạm đến mạch nguồn thiêng liêng bậc nhất của văn hóa Kinh Bắc - văn hóa Việt.

L.M.C


(1) (2), Lại Nguyên Ân, 150 Thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, tr. 204, 207.

(3) Cao Huy Đỉnh, Bộ ba tác phẩm nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh - Đợt 1 - 1996, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1998, tr.32.

(4) Vương Trí Nhàn, Chuyện cũ văn chương, Nxb Văn học, Hà Nội, 2001, tr.179.

(5) M.B. Kharapchenko, Những vấn đề lý luận và phương pháp luận nghiên cứu văn học, Lại Nguyên Ân, Duy Lập, Lê Sơn, Trần Đình Sử dịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002, tr.116.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)